Nhạc kịch - Xu hướng được nhiều khán giả yêu thích

Gần đây, sau một số vở nhạc kịch được yêu thích như một xu hướng mới của nghệ thuật biểu diễn, người hâm mộ đang chờ đợi những tác phẩm mới ngày một gần gũi hơn với người Việt sẽ được ra mắt công chúng…

Nhạc kịch Những người khốn khổ

Nhạc kịch là một trong những hình thức sân khấu phổ biến, được yêu thích ở châu Âu. Nhưng với khán giả Việt, chưa nhiều người được tiếp xúc, hiểu biết và có cơ hội thưởng thức những tác phẩm nhạc kịch, thậm chí còn có những nhầm lẫn giữa nhạc kịch với Opera, Kịch múa... Nhạc kịch là một trong những thể loại nghệ thuật biểu diễn tổng hợp nhiều yếu tố như âm nhạc, lời thoại, diễn xuất và ngôn ngữ hình thể, nhảy múa… hợp thành một thể thống nhất để kể lại một câu chuyện hoàn chỉnh. Ở đây có nghệ thuật diễn kịch, ca hát, nhảy múa, đòi hỏi kỹ thuật sân khấu rất cao, sao cho thông qua từng câu chữ, âm nhạc và động tác mà diễn viên thể hiện, khán giả có thể cảm nhận được nội dung và biểu cảm của tác phẩm, đồng thời cũng là điểm đầy hấp dẫn nếu tập thể nghệ sĩ thực hiện tốt, hài hòa được giữa các yếu tố đó để truyền tải được nhiều cung bậc cảm xúc chân thật nhất đến khán giả. Người nghệ sĩ biểu diễn vì thế cũng cần tới rất nhiều kỹ năng đặc biệt mới có thể đảm nhận được vai diễn. Thêm nữa, thông thường nhạc kịch có dàn nhạc giao hưởng trình diễn - nguyên yếu tố này cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nhạc kịch đòi hỏi kinh phí đầu tư dàn dựng cao, đòi hỏi một không gian nghệ thuật để biểu diễn đúng chuẩn nhà hát và cũng đòi hỏi khán giả phải có những hiểu biết nhất định về nội dung, về tác phẩm, cách thức trình diễn. Có lẽ, đây cũng là lý do khiến nhạc kịch chưa thực sự được phổ biến ở Việt Nam. 

Phần nhiều, những vở được gọi là nhạc kịch của chúng ta có thể là theo phong cách nhạc kịch Broadway. Nhạc kịch Broadway là một hình thức biểu diễn nhạc kịch theo cung cách mới, xuất hiện từ giữa thế kỷ XIX tại Mỹ và Anh, sau đó được lan tỏa ra các nước khác. Đây là hình thức nhạc kịch mới, kế thừa nhạc kịch cổ điển châu Âu với sự kết hợp của âm nhạc đại chúng, nhảy múa và phong cách diễn xuất tương tác với khán giả.

Tác phẩm được coi là sự kiện đánh dấu việc xuất hiện của nhạc kịch Việt Nam là vở Cô Sao do cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác, công diễn tại thủ đô Hà Nội năm 1965, nhân dịp Quốc khánh nước Việt Nam với hơn 150 nhạc công, diễn viên... Nhưng sau đó, do nhiều yếu tố nên hình thức nghệ thuật này ít được dàn dựng, biểu diễn. Chỉ tới những năm gần đây, khi yêu cầu làm mới sân khấu biểu diễn ngày càng trở nên cấp bách, nhiều dự án nhạc kịch đã được thực hiện, thu hút được sự chú ý, hưởng ứng của đông đảo người xem. Đáng kể nhất là dự án nghệ thuật Hope của đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh với ba vở nhạc kịch Góc phố danh vọng, Đêm hè sau cuối, Mộng ước không xa vời với 35 đêm diễn liên tục tại Hà Nội. Hay những vở nhạc kịch kinh điển thế giới cũng đã từng được giới thiệu ở Việt Nam như Bầy chim thiên nga (Nhà hát Tuổi trẻ), Chuyện người lính (Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam phối hợp Xưởng kịch và nghệ thuật ATH) rồi đình đám như Những người khốn khổ được Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam dàn dựng dựa trên tác phẩm cùng tên của đại văn hào Pháp V.Hugo.., thì các tác phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa Việt, phản ánh hiện thực xã hội Việt Nam cũng đã được chú ý như Hà Nội xưa và nay, Tôi đọc báo sáng nay (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long) hay Nhà hát Tuổi trẻ sau thành công với Trại hoa vàng đã dàn dựng tiếp vở nhạc kịch Sóng được công luận đánh giá cao. Ở TP. HCM, nhạc kịch cũng đã được các bạn đạo diễn trẻ mạnh dạn thử sức qua các vở như Dế Mèn phiêu lưu ký (Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP. HCM), Tiên Nga (Sân khấu Kịch IDECAF), Tuyết Sài Gòn, Tấm Cám, Thủy Tinh - Đứa con thứ 101 (nhóm kịch Buffalo, thành phố HCM)… Chưa kể, những vở nhạc kịch tiếp tục được ra mắt khán giả cả nước trong thời gian tới như Lộ hàng (Sân khấu IDECAF), Người cầm lái (Nhà hát Công an nhân dân)...

Nhạc kịch Bầy chim thiên nga

Đáng mừng là xu hướng sử dụng hình thức nhạc kịch để phản ánh hiện thực của xã hội Việt Nam, dùng một số nghệ thuật múa dân gian, dân tộc Việt Nam, khai thác nguồn âm nhạc Việt đã được chú ý tới trong một số tác phẩm gần đây. Đây là con đường mà nhiều đạo diễn, biên đạo tâm huyết với thể loại này mong muốn thực hiện. Như đạo diễn Nguyễn Khắc Duy từng tâm sự thì, ban đầu anh chuyển ngữ những vở nổi tiếng của thế giới để dựng cho khán giả Việt như các vở Chicago, Highschool music sau đó anh cũng đã hướng tới những kịch bản do chính người Việt viết về những câu chuyện của xã hội Việt, của kho tàng văn hóa Việt… sử dụng nhiều nhất có thể những chất liệu từ múa, âm nhạc, phục trang… cho các vở diễn này như Tấm Cám, Thủy Tinh - Đứa con thứ 101… để gần gũi hơn, khiến khán giả dễ tiếp cận hơn với hình thức nhạc kịch. Ước vọng đó của anh cũng là của những nghệ sĩ, biên đạo, nhà viết kịch bản mong muốn. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này không dễ thực hiện bởi trong một cấu trúc tác phẩm vốn có xuất xứ từ châu Âu, nền nhạc chung cũng là từ phương Tây du nhập nên khá khó khăn để thể hiện tốt nhất việc miêu tả, biểu diễn thông qua những chất liệu vốn có của văn hóa Việt. Mới chỉ có vở nhạc kịch Tiên Nga được đạo diễn, NSƯT Thành Lộc và nhạc sĩ Đức Trí đã khai thác khá tốt âm nhạc ngũ cung đậm chất dân tộc… Rõ ràng là, không thể lấy một kịch bản sân khấu rồi viết nhạc, viết ca khúc là có thể trở thành một kịch bản nhạc kịch. Chưa kể, là nhạc kịch, yếu tố âm nhạc chiếm tới 80% sự thành công, trong khi viết nhạc kịch lại rất khó, nên nhiều vở vẫn vay mượn âm nhạc nước ngoài... Thêm nữa, như biên đạo múa Tuyết Minh cho biết, cái khó nhất của nhạc kịch chính là đối thoại cũng phải mang chất âm nhạc, điều rất khó với ngôn ngữ chúng ta, và cơ sở vật chất chung của các rạp biểu diễn không đáp ứng được yêu cầu khá cao của hình thức nhạc kịch vốn đòi hỏi yếu tố ánh sáng, âm thanh, kỹ thuật phụ trợ khác phải thật hiện đại mới gây được hiệu ứng cần thiết đối với khán giả. 

Nhưng phải khẳng định, khó khăn lớn nhất cho việc phát triển nhạc kịch ở ta là hiện đang rất thiếu một đội ngũ nghệ sĩ chuyên cho nhạc kịch từ biên kịch, biên đạo cho tới diễn viên vì ở Việt Nam chưa có cơ sở đào tạo nghệ thuật nào có chuyên ngành cho nhạc kịch. Khi bắt tay dàn dựng nhạc kịch Sóng, NSƯT Cao Ngọc Ánh, Tổng đạo diễn tác phẩm thừa nhận, diễn viên nhạc kịch cần đáp ứng đòi hỏi “ba trong một”, vừa phải biết ca hát, vừa phải biết diễn xuất và thể hiện vũ đạo, trong khi rất ít diễn viên Việt Nam hội đủ những yêu cầu này. Để tìm được đội ngũ vài chục người tham gia một vở nhạc kịch là cả hành trình gian nan. Trước đây, khi Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện dự án Majoin - Cô bé phép thuật kết hợp với Nhà hát Shiki (Nhật Bản), buộc phải có bước đệm là tuyển diễn viên trước 3 năm để đào tạo các kỹ năng cần thiết. Đó là chưa kể, nhạc kịch ngoài đòi hỏi sự khắt khe về âm nhạc thì còn là những yếu tố rất được coi trọng như phục trang, ánh sáng cùng nhiều kỹ thuật phụ trợ khác nên cần sự đầu tư kinh phí, thời gian, công sức lớn hơn rất nhiều so với các loại hình nghệ thuật khác. 

Tuy nhiên, phải khẳng định, đây là một trong những xu hướng rất tích cực để thay đổi nghệ thuật biểu diễn, tăng thêm sức hấp dẫn cho sàn diễn. Như ý kiến của một số nhà báo, người hoạt động nghệ thuật thì, nhạc kịch do người Việt sáng tác, biểu diễn đã bước đầu được công chúng đón nhận, mang lại không khí sáng tạo mới cho sân khấu nước nhà, kích phát ý chí sáng tạo cho các nghệ sĩ của chúng ta. Sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả, nhất là khán giả trẻ dành cho một số tác phẩm nhạc kịch có tính nghệ thuật cao nhưng vẫn giàu tính giải trí tỏ ra rất phù hợp với xu thế thưởng thức nghệ thuật chung, giúp nhạc kịch đang dần có vị trí xứng đáng trong lòng công chúng. Sự tiếp nhận tích cực này là một trong những yếu tố quan trọng cho sự phát triển của nhạc kịch Việt Nam. 

Tin tưởng, với sự tâm huyết của đội ngũ nghệ sĩ, được sự hưởng ứng của công chúng, rất gần thôi, những tác phẩm nhạc kịch phản ánh xã hội Việt, do đội ngũ nghệ sĩ Việt thể hiện sẽ ngày một phát triển cả về chất lượng cũng như số lượng.

NGỌC DIỆP

Nguồn: Tạp chí VHNT số 496, tháng 4-2022

;