Yên Bái: 3 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2023

Yên Bái là tỉnh nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, nơi có 30 dân tộc anh em cùng chung sống. Yên Bái cũng là tỉnh có nhiều di sản văn hóa và lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc.

Theo thông tin từ Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái, Yên Bái hiện có 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó 3 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2023: Lễ hội đền Đông Cuông; Nghệ thuật Khèn của người Mông và Nghệ thuật tạo hình vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn.

Đền Đông Cuông thuộc thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên. Lễ hội đền Đông Cuông là một trong những lễ hội có lịch sử lâu đời, kết hợp nhiều tín ngưỡng dân gian bản địa từ tục thờ thủy thần tới thờ Mẫu Thượng ngàn - Đông Cuông công chúa, tín ngưỡng thờ các anh hùng văn hóa (như thần Vệ Quốc - Ngũ Vị Tôn Ông) và các vị anh hùng dân tộc (Hà Bổng, Hà Đặc, Hà Chương...) cùng nhiều lớp tín ngưỡng dân gian khác và đã bắt rễ trong tâm thức của đồng bào nơi đây. Lễ hội đền Đông Cuông đã trở thành sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của cộng đồng các dân tộc, là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng các dân tộc. Với giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học tiêu biểu, ngày 16-1-2023, Bộ VHTTDL đã quyết định ghi danh di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội đền Đông Cuông vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Khèn Mông là một loại nhạc cụ đa thanh, là thanh âm của núi rừng, được sử dụng nhiều trong những dịp lễ, tết, chúc mừng, đón khách... Người Mông học thổi khèn không chỉ để giải trí, mà còn thể hiện tài nghệ của mình, là cách để họ tìm người bạn đời thích hợp với mình. Có thể nói, tiếng khèn là phần hồn của người Mông và do vậy, giữ tiếng khèn là giữ bản sắc của dân tộc.

Ngày 1-6-2023, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký Quyết định số 1401/QĐ-BVHTTDL về việc ghi danh Nghệ thuật Khèn của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, đã khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của cây khèn trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Mông, đồng thời góp phần vinh danh di sản văn hóa của tỉnh Yên Bái.

Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên trang phục truyền thống của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) được Bộ trưởng Bộ VHTTDL ký quyết định ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 10-11-2023. Nghệ thuật này gồm nhiều công đoạn được làm thủ công, tinh xảo, màu sắc và chất liệu từ thiên nhiên, kỹ thuật tỉ mỉ, tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho bộ trang phục của phụ nữ người Mông. Những nét vẽ rất mộc mạc, bắt nguồn từ các truyện cổ, thơ ca về cội nguồn dân tộc, phong cảnh thiên nhiên, các loại cây trồng, vật nuôi bản địa...

Theo truyền thống văn hóa của phụ nữ Mông, từ khi còn là thiếu niên đã được học vẽ hoa văn trên vải, khi trưởng thành họ đã có khả năng sử dụng thuần thục nghệ thuật này để phục vụ nhu cầu trang phục bản thân, gia đình, hôn lễ, biếu, tặng, trao đổi hàng hóa… Hiện nay, phụ nữ Mông ở Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu đang nỗ lực duy trì và thực hành nghệ thuật này trong cuộc sống hằng ngày. Bên cạnh đó, những nghệ nhân đã truyền dạy trong các trường học nhằm gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật này cũng như lan tỏa văn hóa truyền thống của đồng bào đến với khách du lịch.

Việc ghi danh thêm các di sản văn hóa phi vật thể mới của tỉnh Yên Bái vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ làm phong phú thêm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc mà còn giúp các địa phương quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của dân tộc, địa phương mình tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch cho địa phương.

HỒNG VÂN

;