Yên Bái: Tăng cường các hoạt động phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch

Theo thông tin từ Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái, hoạt động du lịch của tỉnh trong năm 2023 có sự khởi sắc mạnh mẽ. Việc huy động các nguồn lực cùng những lợi thế của hệ thống di sản văn hóa tại các địa phương để tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch đã thu hút đông đảo du khách tới Yên Bái.

Sở VHTTDL đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt 5 hồ sơ với kinh phí hỗ trợ trên 481 triệu đồng, bao gồm: hỗ trợ 1 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông tỉnh Yên Bái với kinh phí 241,7 triệu đồng; 81 hồ sơ đang trình các cấp thẩm định (hỗ trợ kinh phí thành lập và duy trì hoạt động đội văn nghệ quần chúng phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại các thôn (bản) có hoạt động du lịch cộng đồng, hỗ trợ truyền dạy trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể…).

Sở đã xây dựng 1 phim du lịch quảng bá về bảo tồn phát huy giá trị về nghệ thuật Xòe Thái; phát hành 4.000 tập gấp về Nghệ thuật Xòe Thái, song ngữ Việt - Pháp; Việt - Anh; tái bản 2.000 tập gấp “Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”.

Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được tăng cường với nhiều hình thức, đặc biệt là các hình thức ứng dụng công nghệ số trong quảng bá giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh; triển khai thí điểm Cổng thông tin du lịch và Ứng dụng du lịch; phối hợp tham gia tổ chức nhiều hoạt động sự kiện du lịch trong và ngoài tỉnh nhằm tuyên truyền quảng bá du lịch Yên Bái đến với du khách trong và ngoài nước: Mừng Đảng mừng xuân 2023; Lễ hội Hoa Ban năm 2023 và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Điện Biên lần thứ VII: Ngày hội Du lịch TP.HCM; Festival tinh hoa Tây Bắc tại Cần Thơ; Hội chợ VITM Hà Nội; Không gian Văn hóa Việt - Pháp; Liên hoan trình diễn các Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; Hội chợ Du lịch Tây Bắc năm 2023 tại Phú Thọ; Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm 2023...

Tại mỗi sự kiện, du khách được trải nghiệm nghề đan lát, nghề dệt, thêu thổ cẩm, chế tác và chơi khèn bè, đánh đàn tính, ẩm thực… của dân tộc Thái; giới thiệu không gian văn hóa dân tộc Thái, trình diễn 6 điệu xòe cơ bản, giao lưu với du khách các điệu xòe cùng 16 nghệ nhân, diễn viên; du khách được trải nghiệm mặc trang phục truyền thống các dân tộc chụp ảnh check-in với tiểu cảnh danh lam thắng cảnh, điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Yên Bái (rừng rêu Tà Xùa, hồ Thác Bà…).

Bên cạnh đó, Yên Bái cũng phối hợp với tỉnh Hà Giang và các tỉnh trong nhóm hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP.HCM tổ chức chương trình khảo sát xây dựng, công bố sản phẩm du lịch Tây Bắc mở rộng năm 2023 và tham gia Hội thảo “Phát huy giá trị di sản văn hóa danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang các tỉnh vùng Tây Bắc trong liên kết phát triển du lịch”, tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

Năm 2024, Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái sẽ chủ trì, phối hợp với các địa phương, sở, ngành triển khai Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh Yên Bái gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022-2030. Tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng và làm mới các sản phẩm du lịch sẵn có. Hình thành các nhóm sản phẩm du lịch mới độc đáo, hấp dẫn nhằm khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của vùng, địa phương như sản phẩm du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng trải nghiệm văn hóa truyền thống, du lịch canh nông, du lịch tâm linh. Triển khai và ứng dụng trong công tác quảng bá, xúc tiến, khai thác thị trường du lịch, đẩy mạnh marketing trực tuyến… Tiếp tục phối hợp đơn vị có liên quan triển khai cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ triển khai hỗ trợ phát triển du lịch xanh, thực hiện triển khai Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực thể chế để thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2023 (dự án TA6776-VIE).

HỒNG VÂN

;