Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước trong thời kỳ hội nhập và phát triển

 

Bình Phước là một tỉnh thuộc Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có  đường biên giới giáp với Vương quốc Campuchia. Tỉnh là cửa ngõ và là cầu nối giữa vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và Campuchia. Đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là địa bàn chiến lược quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hơn hơn 25 năm tái lập (từ 1997 đến 2023), tỉnh Bình Phước đã không ngừng đổi thay và phát triển trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh. Trong đó, Bình Phước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực văn hóa. Đặc biệt, xây dựng môi trường văn hóa ở Bình Phước đã đạt được một số kết quả nổi bật, có sự ảnh hưởng tích cực, tính lan tỏa cao trong cộng đồng.

Những năm gần đây, Bình Phước luôn đề cao, coi trọng công tác giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các phong trào thi đua yêu nước như: phong trào Giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, Xóa đói giảm nghèo; Thanh niên xung kích, Lập thân, lập nghiệp; Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Xây dựng trường học thân thiện, Học sinh tích cực; đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn, Lá lành đùm lá rách... được tổ chức thực hiện đồng bộ, thường xuyên trên phạm vi toàn tỉnh. Đặc biệt là việc tiếp tục triển khai thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với nêu gương của cán bộ, đảng viên đã tạo được hiệu ứng tích cực, đạt kết quả cao. Các phong trào thi đua đã trở thành các hoạt động thường xuyên ở cộng đồng khu dân cư, tạo được không khí thi đua sôi nổi, sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân tham gia.

Bên cạnh đó, cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” được tổ chức rộng khắp trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh đã mang lại những hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt, thu hút được sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo nên sự đồng thuận trong toàn xã hội. Đến năm 2022, toàn tỉnh có 66/86 xã đạt chuẩn văn hóa Nông thôn mới; 19/25 phường, thị trấn đạt chuẩn Đô thị văn minh. 230.968/240.753 gia đình được công nhận Gia đình văn hóa (đạt 95,93%); 823/843 khu phố, thôn, ấp được công nhận Khu phố, thôn, ấp văn hóa (đạt 97,62%) 1.168/1.188 cơ quan, đơn vị được công nhận Cơ quan, đơn vị, văn hóa.

Công tác sưu tầm, nghiên cứu các giá trị văn hóa của dân tộc thiểu số được tiến hành đồng bộ và kịp thời. Nhờ đó các giá trị văn hóa cả vật thể và phi vật thể được bảo tồn, lưu giữ và phát huy.

Các lễ hội truyền thống trong đồng bào dân tộc được phục dựng thường xuyên. Liên hoan văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số được tổ chức 2 năm/lần từ huyện đến tỉnh. Việc tổ chức các lớp truyền dạy và thực hành các nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được duy trì. Tính đến năm 2023, có 4 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 8 lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số được phục dựng. Bình Phước đã mở các lớp truyền dạy và thực hành mô hình đan lát truyền thống của người Khmer, kỹ thuật chế biến rượu cần, nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng…

Nền văn học, nghệ thuật của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, mang tính chuyên nghiệp hơn. Các hoạt động phổ biến, sáng tác, quảng bá, biểu diễn tác phẩm văn học, nghệ thuật có bước phát triển sâu rộng, thu hút ngày càng đông đảo các văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân tham gia. Đội ngũ văn nghệ sĩ từng bước được trẻ hóa, có lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tâm huyết với nghề nghiệp. Đến hết năm 2022, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh có 280 hội viên, sinh hoạt tại 8 chi hội cơ sở, 20 hội viên chuyên ngành Trung ương sinh hoạt tại 6 chi hội chuyên ngành. Các văn nghệ sĩ, đã nỗ lực sáng tác các tác phẩm, tiêu biểu như: Tập Truyện - Ký Miền dấu yêu (Trịnh Thị Tâm), Tiểu thuyết Đêm cháy (Nguyễn Duy Hiến), Tiểu thuyết Vùng đất thiêng (Vương Thu Thủy). Chi hội Nghiên cứu Văn nghệ dân gian hoàn thành nghiệm thu Đề tài khoa học Nghiên cứu, ứng dụng kết quả các đề tài cấp tỉnh về văn hóa dân tộc S’tiêng...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 cơ quan hoạt động báo chí gồm: Đài Phát thanh - Truyền hình và báo Bình Phước; Tạp chí Văn nghệ Bình Phước. Có 84 nhà báo được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ. Ngoài ra, còn có 2 cơ quan báo chí thường trú là Thông tấn xã Việt Nam và báo Nhân Dân; 4 cơ quan báo chí có cử phóng viên thường trú; 13 cơ quan báo chí có thỏa thuận hợp tác thông tin với tỉnh; 5 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Hệ thống thông tin cơ sở có 11 Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện; 111 Đài Truyền thanh cấp xã. Toàn tỉnh có 16 trang thông tin điện tử tổng hợp và 45 cổng/ trang thông tin điện tử nội bộ của các sở, ban, ngành, địa phương. Hệ thống thông tin đại chúng đã đáp ứng được yêu cầu thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, phê phán các hiện tượng tiêu cực. Bên cạnh đó, báo chí truyền thông còn quảng bá hình ảnh, con người, lịch sử, văn hóa, tiềm năng hợp tác và phát triển; phản bác các thông tin sai, xuyên tạc, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc quản lý các loại hình thông tin trên internet, mạng xã hội, truyền thông số có nhiều chuyển biến, góp phần xây dựng văn hóa và con người Bình Phước trước yêu cầu mới.

Hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh diễn ra trong khuôn khổ pháp luật, thuần túy tôn giáo, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự xã hội. Toàn tỉnh Bình Phước hiện có 8 tôn giáo đang hoạt động (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Hồi giáo, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Phật giáo Hòa Hảo và Cơ đốc Phục lâm Việt Nam) với 371 cơ sở tôn giáo; 246.409 tín đồ; 600 chức sắc; 550 chức việc. Tinh thần sống tốt đời, đẹp đạo, đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, chung sức xây dựng Nông thôn mới, xây dựng đời sống no ấm, quê hương giàu đẹp, văn minh, được đồng bào theo đạo hưởng ứng tích cực. Đã có rất nhiều công trình tôn giáo được đầu tư tôn tạo như chùa, nhà thờ, nhà nguyện… được Nhà nước cho phép xây dựng, nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng trở thành di tích kiến trúc văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, là điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.

Việc giáo dục - đào tạo và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu về nghệ thuật, mỹ thuật, âm nhạc... được quan tâm thông qua các lớp năng khiếu do các Nhà thiếu nhi các huyện, thị và Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức thường xuyên bổ sung giáo viên dạy các môn năng khiếu cho các trường học; nhiều cuộc thi về mỹ thuật, âm nhạc như: Hội thi tiếng hát Hoa Phượng đỏ, Hội thi báo tường, đội tuyên truyền măng non; Hội khỏe Phù Đổng, …

Công tác nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học với các đề tài được thực hiện mang đậm nét văn hóa tỉnh nhà, như: Dự án phục dựng lễ hội lên nhà lúa (Hao-trôl-Va) của người S’tiêng Bình Phước năm 2007; Dự án Tổng điều tra di sản văn hóa của người S’tiêng Bình Phước năm 2009; Dự án phục dựng Lễ hội Phá bàu của người Khmer Bình Phước năm 2011; Dự án Văn hóa ứng xử của người S’tiêng Bình Phước - truyền thống và hiện tại năm 2011; Lễ hội cầu mưa của người S’tiêng; Dự án Phục dựng Lễ hội lập làng mới của người S’tiêng Bình Phước năm 2012; Dự án Tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể của người Khmer Bình Phước năm 2012; phục dựng Lễ hội Xuống đồng của đồng bào Khmer trên địa bàn xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước; nghiên cứu, khảo sát và định dạng âm nhạc của người S’tiêng Bình Phước năm 2013,…

Như vậy, sau 25 năm tái lập tỉnh, sự nghiệp xây dựng đời sống văn của Bình Phước đã có chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú; các giá trị văn hóa được gìn giữ và phát huy; nếp sống văn minh được nâng cao, hủ tục lạc hậu và các tệ nạn xã hội từng bước được ngăn chặn và đầy lùi. Nhiều phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ đạt được những kết quả thiết thực, truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng được khôi phục và phát huy. Những thành tựu nổi bật đó đã góp phần tạo môi trường và điều kiện để nhân dân Bình Phước phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, tâm hồn, thể chất; phát huy cao độ lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước.

 

BÙI DUY CHIẾN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 549, tháng 10-2023

 

;