Xây dựng nhân vật trong một số phim truyện điện ảnh Việt Nam

     Trong nhiều phim truyện điện ảnh Việt Nam đương đại, các nhà làm phim đã có những tìm tòi trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, với thủ pháp khai thác mâu thuẫn, diễn biến tâm lý để làm đậm tính cách nhân vật. Có thể nói, việc lựa chọn nhân vật xét cho cùng là một công việc bao hàm rất nhiều thứ liên quan với nhau: chọn nhân vật phù hợp để truyền tải nội dung, chọn số lượng nhân vật để đảm bảo thời lượng phim, chọn cách dựng sao cho nhân vật trở nên sắc nét…

    Khi xây dựng tính cách nhân vật trong tác phẩm phim truyện, nếu đạo diễn chỉ miêu tả những đặc tính phổ biến của nhiều con người cùng loại nhưng thể hiện một cách yếu ớt những nét cá tính độc đáo thì tính cách sẽ mờ nhạt, không đủ sức sống, sức truyền cảm để trở thành điển hình. Nhân vật trong tác phẩm phim truyện điện ảnh vừa là những người “xa lạ” nhưng lại “vô cùng quen biết” đối với khán giả, là sự kết tinh cao nhất của năng lực sáng tạo và ý đồ nghệ thuật của các nhà làm phim. Bởi vậy, tính cách nhân vật trong tác phẩm phim truyện điện ảnh phải bao gồm tính chung, tính riêng và tính logic. Tùy theo sở trường và phong cách của từng nhà làm phim mà các đặc điểm này của nhân vật trung tâm ở mỗi tác phẩm cụ thể được biểu hiện khác nhau, trong đó, tính riêng (tính cụ thể hay tính cá biệt) của tính cách là tập hợp những nét bền vững và độc đáo, làm cho nhân vật được phân biệt rõ ràngvới những tính cách khác về hình thể, tính tình, tâm lý, phương thức hành động... Tính chất cá biệt của các trạng thái tâm lý là quan trọng nhất vì nó quyết định bản sắc cá nhân của tính cách nhân vật.

    Có nhân vật nghĩa là có mâu thuẫn. Mâu thuẫn có thể tồn tại trong các mối quan hệ nhân vật, cũng có thể trong nội tại chính nhân vật đó. Trong một tác phẩm điện ảnh, chính mâu thuẫn đã thúc đẩy nhân vật hành động. Các nhà làm phim đã lựa chọn những mâu thuẫn để khi đặt nhân vật vào, cốt truyện hiện ra một cách sắc nét, sinh động, mạch lạc, rõ ràng. Có mâu thuẫn lớn và mâu thuẫn nhỏ, mâu thuẫn chính và mâu thuẫn phụ cùng trong một tác phẩm phim truyện điện ảnh.

    Theo nguyên lý sáng tác đó, việc áp dụng thủ pháp khai thác mâu thuẫn, diễn biến tâm lý để làm đậm tính cách nhân vật trong các phim Sống trong sợ hãiNhững đứa con của làng đã cho thấy những tìm tòi, sáng tạo riêng.

    Trong phim Sống trong sợ hãi, nhân vật Hai Dân vốn là một cán bộ cấp cao của huyện, phải lòng một cô cán bộ xã tên Uyên. Tuy nhiên, ở đoạn kết, Uyên lấy chồng và sinh con, nhưng người chồng của cô lại không phải là cán bộ Hai Dân. Nếu theo thông lệ của nhiều phim truyện điện ảnh Việt Nam, sẽ có một cái kết “có hậu” cho Hai Dân và Uyên. Nhưng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã phá cách, tạo nên một kết cục mới hơn cho phim. Cái kết của mối quan hệ tình cảm giữa Hai Dân - Uyên đã không tuân theo một nguyên mẫu có sẵn, thoát ra được một cái kết có hậu thường thấy trong phim Việt Nam, từ đó tạo nên những mối quan hệ và các nhân vật cũng khác các nhân vật có tính truyền thống thường thấy trong các bộ phim truyện khác. Đặc biệt, việc thể hiện tâm lý nhân vật chính trong phim (nhân vật Tải - diễn viên Trần Hữu Phúc) đã cho thấy sự tìm tòi, sáng tạo của Bùi Thạc Chuyên trong việc khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật thông qua một quá trình đầy đặn với diễn biến, trình tự, lớp lang mang cả tính chung, tính riêng cũng như mang tính logic:

    Sống thác tâm lý: đó là tâm lý giữa sự sống - cái chết của Tải, một con người mang đầy mặc cảm trở về sau cuộc chiến tranh, không nghề nghiệp, không ruộng đất, phải đối mặt với cơm áo gạo tiền để nuôi vợ, không phải một mà tới hai bà, cùng ba đứa con tuổi còn chập chững. Không phải đến khi con bò chết vì giẫm phải mìn, Tải mới nhìn thấy mối nguy hiểm rình rập xung quanh anh, mà ngay từ khi cùng người bạn thân là Năm Đực đào trái mìn đầu tiên, Tải đã hiểu rất rõ điều đó. Không biết bao nhiêu lần anh đã “chết lâm sàng” khi may mắn “nhờ” những quả mìn lép. Nhưng ngay cả khi sự sống trở nên rất mong manh, cả khi thấy tim mình như ngừng đập vì chứng kiến cái chết từ việc cưa bom của Năm Đực, Tải vẫn buộc phải đi ra bãi mìn một cách bất khả kháng.

    Giới tính tâm lý: đó là tâm lý của tâm thế người chồng đa thê, khi hạnh phúc của Tải là có hai người đàn bà, nhưng bi kịch của Tải cũng bắt nguồn từ hai người đàn bà ấy. Hạnh phúc: chuyện phòng the khi đêm về với hai người đàn bà, tình cảm cha con với ba đứa con. Bi kịch: áp lực phải có tiền chu cấp cho cuộc sống của hai người vợ và ba đứa con. Cả hai yếu tố vừa hữu cơ, vừa thống nhất trong đối lập này đã khiến Tải phải “liều mình như chẳng có” để đi cắt trộm dây thép gai và sau đó là đào mìn bán phế liệu. Đó cũng là sự ức chế của tâm lý bất khả kháng, trong mâu thuẫn tâm lý dồn nén, dồn ép...

    Không gian tâm lý: tâm lý của một người đàn ông bình thường buộc phải mưu sinh trước/trong/với môi trường sống khốc liệt, đầy chết chóc: bãi mìn vừa là hiện tại, vừa là tương lai của Tải, là nơi anh có thể tạo dựng cơ nghiệp cũng như tạo dựng hy vọng từ mảnh đất này. Mỗi trái mìn được gỡ lên là một lần Tải ý thức được mình còn sống, là thêm một ngày khao khát bên vợ để sáng mai lại ra bãi mìn, khi chưa biết sống chết ra sao.

    Thời gian tâm lý: tâm lý này diễn ra bằng chiều dài của bộ phim, cũng là chiều dài đằng đẵng của sự chờ đợi, không chỉ của Tải mà còn của những người thân của anh. Nói cách khác, nó được tính bằng quá trình sinh nở “chín tháng mười ngày” của người phụ nữ, từ những ngày Tải trở về và bắt đầu “nghề đào mìn” trong nỗi sợ hãi hằng ngày cho đến khi mảnh đất đầy mìn năm nào đã trở thành một vườn rau xanh, rồi mở ra là cảnh cánh đồng bát ngát màu xanh cuối phim (một cái kết có hậu và kết mở, khá giống, làm liên tưởng tới cánh đồng bát ngát màu vàng trong kết phim Cánh đồng bất tận)...

    Mâu thuẫn tâm lý: giữa muốn - không muốn, có thể - không thể, chủ quan - khách quan (đi ra bãi mìn); giữa bảo vệ mình và bảo vệ, ngăn ngừa cho bạn (chứng kiến cái chết từ việc cưa bom của Năm Đực với tâm thế bất khả kháng); giữa tình cảm yêu thương vợ chồng và nghĩa vụ, chức năng người đàn ông (chuyện phòng the khi đêm về với hai người vợ); giữa quá khứ, hiện tại và tương lai (câu chuyện với tâm thế mặc cảm khi còn là người lính bên kia chiến tuyến, cuộc sống bất định hôm nay và chưa thể nói trước điều gì về ngày mai)…

    Tương tự, trong phim Những đứa con của làng, đạo diễn Nguyễn Đức Việt đã có những tìm tòi trong việc xây dựng, khai thác tâm lý nhân vật. Theo cách đó, những chuyển biến về suy nghĩ và hành động của đa số các nhân vật đều có quá trình chuẩn bị để sự thay đổi được phù hợp với tính cách nhân vật và logic của câu chuyện.

    Chẳng hạn, ông Thập (diễn viên Trung Anh), từ một con người bảo thủ, hà khắc nhưng sau khi trải qua nhiều biến cố và sự phản đối của Bưởi (con gái ông, diễn viên Thúy Hằng) và Bè (diễn viên Huy Cường) về cách đối xử với Đông (diễn viên Trần Bảo Sơn) đã khiến ông phải suy nghĩ lại. Ngoài ra, để hóa giải mối thù hận trong lòng ông Thập, các nhà làm phim đã sử dụng một thủ pháp tâm linh, đó là những giấc mơ: những con người bị sát hại năm xưa đã hiện về trong giấc mơ và nói với ông Thập: “Hãy tha thứ tội ác mà ông xã trưởng đã gây ra cho làng; người chết thì cũng đã chết rồi, dẫu có thù hận cũng chẳng thể làm họ sống lại”. Giấc mơ của ông Thập còn cho thấy một điều khác, ẩn sau cái vẻ ngoài bảo thủ và khắc khổ của con người này là một tâm hồn vị tha nhưng nỗi đau lớn từ quá khứ khiến ông không thể dễ dàng tha thứ cho bố của Đông.

    Mặt khác, trong phim, việc xây dựng, khai thác tâm lý nhân vật trong mối quan hệ của Bưởi và Bè cũng được các nhà làm phim xây dựng theo một cách riêng. Sau khi Bưởi bị tên chủ tịch xã lừa gạt tình cảm và có thai, theo tục lệ của làng, ông Thập đã buộc phải đuổi cô ra sống ở rìa làng. Bè là một chàng trai tốt bụng trong làng rất thương Bưởi, anh sẵn lòng nhận đứa bé làm con nhưng cô không chấp nhận điều đó. Trải qua gian khó, từ chưa hiểu đến hiểu nhầm và cuối cùng, Bưởi đã nhận ra sự chân thành của Bè dành cho mình để đón nhận tình cảm của anh…

    Trong bộ phim Những đứa con của làng của Nguyễn Đức Việt, tâm lý nhân vật được triển khai, thể hiện khá hợp lý:

    Tâm lý nhân vật qua phản ứng của Bưởi khi đón nhận tình cảm của Bè hay sự thay đổi trong cách ứng xử của ông Thập với Đông được xây dựng hợp lý, qua những chi tiết được kết nối mượt mà, hợp lý hợp tình.

    Tâm lý nhân vật qua mối quan hệ Bè - Bưởi được diễn ra với trình tự tổng thể khá hợp lý, thể hiện qua nhiều yếu tố, lộ trình: qua không gian: từ con thuyền - căn lều - bờ sông - nghĩa trang - căn lều…; qua thời gian: từ sáng - đến trưa - đến tối và từ tối - đến đêm; qua diễn biến tâm lý: từ bẽn lẽn, xấu hổ của sự va chạm, gặp nhau ngẫu nhiên đến dạn dĩ, hồ hởi, bùng nổ khi gặp lại nhau; qua thay đổi vị trí: đối với Bè, từ chàng ngốc nghếch tới “anh hùng cứu mỹ nhân”, từ chàng trai “mèo mù vớ phải cá rán” tới người được yêu thương, trân quý. Đối với Bưởi, từ cô gái xinh đẹp nhưng hồn nhiên của làng Hạ tới việc khó xử của một cô gái giữa “bên tình bên hiếu”; qua thay đổi nhận thức, cảm xúc, tình cảm: đối với Bưởi, trải qua nhiều giai đoạn - cung bậc, từ chưa hiểu đến hiểu nhầm và cuối cùng là nhận ra sự thật, Bưởi đã đón nhận tình cảm chân thành của Bè.

     Tâm lý nhân vật qua diễn biến tâm lý của ông Thập: từ chỗ nhất mực cố chấp không để con trai của tên phản bội năm xưa được bước chân về làng thắp hương cho cha mình (cũng như không để anh này di dời ngôi mộ sang vùng đất khác) - đến việc nhận ra sai lầm của mình khi bao nhiêu năm qua, chỉ biết rao giảng mọi người ôm hận và trả thù người đã khuất; từ bảo thủ, cố chấp đến bao dung, vị tha; từ hận thù, định kiến đến tha thứ, kết nối sự tha thứ.

    Tâm lý nhân vật qua diễn biến tâm lý của nhân vật Đông: nhân vật Đông thuộc loại nhân vật phản diện dễ mến. Theo đó, kiểu nhân vật phản diện dễ mến như Đông, trên thực tế đã giúp nhà biên kịch dễ dàng hơn khi viết kịch bản, nhất là trong thể hiện diễn biến tâm lý; kiểu phối hợp cặp đôi nhân vật Đông - Bưởi trong phim (một cặp nhân vật hoàn toàn đối lập) thường hay được sử dụng trong các phim hài, phim phiêu lưu hay phim tình cảm. Theo cách sử dụng nhân vật mang tính thể loại này, với mục đích và nguyên tắc sáng tạo là để tạo ra các tình huống hài hước, nhưng đồng thời cũng là để tính cách cặp nhân vật đó tiếp tục bộc lộ diễn biến tâm lý và mâu thuẫn tâm lý trong quá trình giao tiếp, ứng xử tiếp theo…

    Xây dựng nhân vật là yếu tố cần thiết và quan trọng, có ảnh hưởng nhiều đến sự thành công hay thất bại của tác phẩm. Nhiều nhân vật đã góp phần tạo nên ấn tượng với hương sắc riêng cho những thước phim đẹp, tinh tế trong những bộ phim. Vì vậy, những bộ phim ấy, cho dù đã trải qua bao năm tháng, biến thiên, thăng trầm, vẫn còn nguyên sức sống bền bỉ trong lòng người xem nhiều thế hệ.

Tác giả: Vũ Ngọc Thanh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10-2019

;