ĐIỆN ẢNH - DU LỊCH CÙNG SONG HÀNH

Trong xã hội, du lịch và điện ảnh là 2 lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trong đó, du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành công nghiệp không khói mang lại giá trị bền vững cao. Còn điện ảnh là một hình thức giải trí không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, đôi khi còn phát triển thành những hiện tượng văn hóa hoặc được sử dụng như các phương tiện tuyên truyền. Xét trên phương diện nghệ thuật, điện ảnh được gọi là nghệ thuật thứ bảy. Điện ảnh cùng với các ngành nghệ thuật khác tạo nên diện mạo và đặc sắc văn hóa dân tộc. Vậy, câu hỏi đặt ra là hai ngành này có thể song hành cùng nhau trên con đường chung của sự phát triển kinh tế xã hội hiện nay của Việt Nam.

Quảng bá du lịch qua phim ảnh không còn là câu chuyện mới trên thế giới, song ở Việt Nam nó chỉ mới bắt đầu được quan tâm chú ý trong vòng vài ba năm trở lại đây. Cũng giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang tìm hướng đi, chọn phương thức để thúc đẩy du lịch thông qua con đường điện ảnh.

Nhiều trường hợp phát triển kinh tế ở các quốc gia đã chứng minh điện ảnh và du lịch đã và đang song hành với nhau trên con đường hội nhập quốc tế, thúc đẩy nhau phát triển hiệu quả. Việc mượn những góc quay đẹp, cảnh trí hữu tình, các di tích lịch sử văn hóa trong các bộ phim nổi tiếng để quảng bá du lịch, đó là cách làm thường thấy và rất hiệu quả của du lịch nhiều quốc gia trên thế giới. Đơn cử Hàn Quốc, quốc gia được coi là cường quốc điện ảnh, cũng là cường quốc du lịch. Tại Hàn Quốc, các bộ phim không đơn thuần mang giá trị giải trí, nói cách khác, những bộ phim này đã trở thành công cụ hữu ích giúp hoạt động du lịch phát triển. Những bộ phim truyện hình xứ kim chi ăn khách không chỉ mang về doanh thu cực lớn cho nền điện ảnh, mà còn mang đến doanh thu về du lịch. Họ đã tận dụng phim trường của nhiều bộ phim bom tấn phát triển thành những điểm du lịch nổi tiếng. Du khách đến không chỉ chiêm ngưỡng cảnh đẹp đã nhìn thấy qua màn ảnh nhỏ, mà còn muốn nhớ lại những câu chuyện tình xúc động đã diễn ra tại đây... Đây là một lợi thế vô cùng lớn vì không tốn nhiều công sức để quảng bá, khách du lịch đã biết đến các địa điểm này qua phim ảnh. Vì vậy, có thể khẳng định phim ảnh luôn là một cách quảng bá tuyên truyền tốt nhất cho hoạt động du lịch.

Tại Việt Nam, một vài năm gần đây, câu chuyện quảng bá du lịch qua phim ảnh mới được đề cập. Vấn đề này đặc biệt được nhắc đến nhiều trong hai năm 2016 - 2017, khi bộ phim bom tấn Hollywood Kong: Skull Island (Kong: Đảo đầu lâu) được quay tại Việt Nam. Từ khi bộ phim chọn bối cảnh đến khi quay, nhiều tờ báo trong nước và quốc tế đã có những bài viết xoay quanh về bộ phim, trong đó rất chú ý đến phong cảnh, đất nước, con người Việt Nam.

Chưa bàn về chất lượng phim ra sao, nhưng có thể thấy hiệu ứng từ bộ phim Kong: Skull Island mang lại cho du lịch Việt Nam là rất lớn. Lấy bối cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, yên bình với những cánh rừng nguyên sinh, núi non trùng điệp, hang động tuyệt đẹp ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Ninh Bình, Quảng Bình… đã góp phần đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với khán giả quốc tế. Có thể nói bộ phim không đơn thuần là tác phẩm điện ảnh giải trí, mà nó có vai trò to lớn trong việc quảng bá du lịch Việt Nam đến thế giới.

 
 
 
  Ảnh trong phim Kong: Đảo đầu lâu 
 
 

Với những gì bộ phim Kong: Skull Island làm được trong thời gian qua, có thể thấy được tầm ảnh hưởng của điện ảnh đến hoạt động du lịch như thế nào. Thực tế, ngay sau khi bộ phim này công chiếu, tour đến các địa danh xuất hiện trong phim gồm: Hạ Long, Ninh Bình, Quảng Bình đều trở thành lựa chọn hàng đầu đối với nhiều du khách trong nước và quốc tế. Nắm bắt thời cơ này, ngành du lịch Việt Nam, đặc biệt là ba tỉnh nơi có địa điểm quay phim đã nhanh chóng xây dựng hình ảnh du lịch. Trong số ba địa điểm mà đoàn phim đến thực hiện các cảnh quay, Quảng Bình có lẽ nhanh nhạy nhất. Ngay sau khi đoàn phim rời đi, tỉnh đã lên kế hoạch biến phim trường thành sản phẩm du lịch, cộng thêm những sản phẩm đã có từ trước để thành một tổng thể phát triển ngành du lịch, vì vậy, lượng khách đến Quảng Bình tăng cao so với Ninh Binh và Quảng Ninh. Không nhanh nhạy như Quảng Bình, khi bộ phim được công chiếu, tỉnh Ninh Bình mới bắt đầu đưa ra kế hoạch phát triển du lịch dựa theo hiệu ứng của phim. Ninh Bình đã cho xây mô hình làng thổ dân như nguyên mẫu trong phim. Có khoảng 40 túp lều được làm bằng tre, nứa được dựng lên. Ngoài ra, còn có nhiều vật dụng sinh hoạt, giá treo đồ, bếp… của thổ dân cũng được dựng lên để du khách tham quan. Khu vực phim trường được dựng lại nằm trong khu quần thể sinh thái Tràng An - Ninh Bình, đồng thời cũng là điểm cuối trong tour du lịch một vòng Tràng An. Ngay sau khi xây dựng xong, lượng khách đổ về đây đã tăng đáng kể. Còn đối với tỉnh Quảng Ninh, sau khi bộ phim công chiếu, tỉnh cũng bắt tay vào xây dựng nhiều chương trình du lịch khám phá các địa điểm của vịnh Hạ Long. Và đặc biệt, Bộ VHTTDL đã mời đạo diễn Jordan Vogt Roberts làm đại sứ du lịch. Động thái này cho thấy, sự nhạy bén trong nắm bắt thời cơ quảng bá du lịch của ta, tuy nhiên nó cũng đặt ra câu hỏi lớn: liệu đại sứ du lịch là một người nước ngoài có thể làm tốt công việc quảng bá du lịch Việt Nam hơn. Để giải đáp được câu hỏi này, cần có thời gian để đánh giá quá trình hoạt động của vị đạo diễn Jordan Vogt Roberts trong nhiệm kỳ của mình. Hay như mới đây nhất, là việc quảng bá du lịch thông qua các hoạt động bên lề liên hoan phim Canes 2017 với nhiều gian hàng trưng bày các ấn phẩm du lịch, tiếp xúc với một số nhà đầu tư, truyền thông… trao đổi, giới thiệu về du lịch Việt Nam, cũng như mời gọi hợp tác, đầu tư.

Có thể nói từ hiệu ứng của phim Kong: Skull Island, chúng ta thấy được sự nhạy bén trong tư duy làm du lịch trong bối cảnh hiện nay là điều rất quan trọng. Khi ta đang có lợi thế hứa hẹn là phim trường quốc tế, tương lai có thể có nhiều địa điểm ở nhiều tỉnh thành trở thành những phim trường của các siêu phẩm Hollywood, bom tấn của các kinh đô điện ảnh thế giới. Đứng trước những cơ hội đó ngành du lịch không nên thụ động ngồi yên, đợi khi họ đến, họ tìm ra, họ làm phim trường, quay xong rồi đi, ta mới chộp lấy để quảng bá. Thay vào đó là sự nhạy bén nắm bắt thời cơ, tranh thủ sự quan tâm của báo chí, khán giả để xây dựng các dự án du lịch. Các cấp, các ngành cần phải nhanh chóng lên kế hoạch, khảo sát và làm những clip quảng bá, chào hàng để mời gọi các nhà làm phim đến, sau đó biến phim trường thành sản phẩm du lịch đắt khách.

Không phải đến tận khi bộ phim Kong: Skull Island, Việt Nam mới có cơ hội quảng bá du lịch ra thế giới, mà từ đầu những năm 90 TK XX, Việt Nam từng chứng kiến làn sóng khách quốc tế đến vịnh Hạ Long, Hà Nội và TP.HCM, khi nhiều hình ảnh đẹp của những nơi này xuất hiện trong các bộ phim nổi tiếng của điện ảnh thế giới như: Người tình (1991), Ðông Dương (1992),… Tuy nhiên, đứng trước thời cơ vàng, ngành du lịch việt Nam chưa biết khai thác lợi thế từ những bộ phim này để quảng bá hình ảnh, do vậy đã đánh mất cơ hội phát triển. Và những điểm đến tuyệt vời của thế giới tại Việt Nam vẫn chỉ là tiềm năng du lịch chưa được khai thác nhiều.

Phải thừa nhận, việc hợp tác sản xuất phim với các đơn vị nước ngoài, không chỉ đẩy mạnh được hình ảnh hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với các quốc gia, mà còn góp phần giúp người dân các nước hiểu rõ hơn về con người, đất nước Việt Nam và tăng cường mối quan hệ hợp tác đầu tư, về các hoạt động giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế giữa các nước, trong đó có hoạt động du lịch. Lúc này cái lợi mà điện ảnh mang lại cho du lịch chính là lượng khách từ nhiều nơi trên thế giới biết đến và chọn Việt Nam là điểm đến du lịch. Với việc trình chiếu phim ở nhiều quốc gia, cũng đồng nghĩa với việc du lịch Việt Nam được lan rộng đến đó. Có thể nói điện ảnh đã trở thành cầu nối đưa du lịch Việt Nam vươn xa đến bạn bè quốc tế một cách nhanh nhất và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trước đây, ngành du lịch Việt Nam thường sử dụng các phương thức như tổ chức festival, hội chợ, triển lãm, quảng cáo trên truyền hình, chương trình xúc tiến du lịch, hoạt động giao lưu văn hóa, đối ngoại… để quảng bá du lịch. Tuy nhiên, những hoạt động này chưa tạo được bước đột phá cũng như thu hút nhiều khách du lịch đến với Việt Nam. Các sự kiện trên chỉ có thể mời gọi ban lãnh đạo, các đơn vị lữ hành đến tham quan mà người dân các nước thì ít biết đến. Trong khi đó, chúng ta lại cần rất nhiều khách là người dân bình thường, họ mới là đối tượng lâu dài, thường xuyên. Như vậy, để quảng bá hình ảnh đất nước phải có một cách khác, dài hơi và hiệu quả, tác động đến từng người dân và thu hút họ bỏ thời gian, tiền bạc. Và quảng bá du lịch qua phim ảnh chính là cách làm có hiệu quả nhất. Điện ảnh có những lợi thế vì tạo ra cảm xúc rất mạnh đối với người xem. Thường đối với một tác phẩm thành công sẽ tạo ra cảm xúc và khơi gợi cho người xem những mong muốn được trải nghiệm như các nhân vật trong phim. Chính vì thế, nếu sử dụng tốt được công cụ điện ảnh trong việc quảng bá phát triển du lịch thì sẽ mang lại hiệu quả cao. Hiệu quả khi kết hợp được điện ảnh với việc phát triển du lịch chính là thu hút nhiều nhà làm phim đến Việt Nam sản xuất, góp phần thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, tăng nguồn thu ngân sách; thu hút nhiều đối tượng khách từ nhiều quốc gia trên thế giới đến Việt Nam du lịch; tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho một số lượng lao động hoạt động liên quan đến ngành nghề này; trong đó, hiệu quả kinh tế cao nhất chính là quảng bá được hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Từ thực tế phát triển của xã hội, có thể thấy giữa du lịch và điện ảnh đã và đang song hành cùng nhau trên con đường phát triển chung. Bằng cách này hay cách khác điện ảnh đang trở thành cầu nối thúc đẩy du lịch phát triển. Tuy nhiên, để đạt được thành công trong quảng bá du lịch, Việt Nam cần chủ động thực hiện các chiến dịch quảng bá hiệu quả và không nên trông chờ riêng vào các bộ phim sẽ kéo khách du lịch đến Việt Nam. Bởi, sau khi những phim bom tấn, nhét đầy túi các khoản tiền khổng lồ nhờ cơn địa chấn, sẽ nhanh chóng được xếp vào kho. Vì vậy, làm cho hàng triệu triệu khán giả của màn ảnh đang ngỡ ngàng về vẻ đẹp hoang sơ của một vùng đất đẹp và bí ẩn mong muốn xếp ba lô lên đường khám phá, là trách nhiệm của các cơ quan quản lý du lịch (quảng bá điểm đến của quốc gia) và các doanh nghiệp lữ hành (phát triển thương hiệu qua thuyết phục du khách bởi các dịch vụ của mình).

Nguồn : Tạp chí VHNT số 401, tháng 11 - 2017

Tác giả : TUỆ SAM

;