Cấu trúc kịch bản phim truyện điện ảnh

    1. Khái niệm cấu trúc và cấu trúc kịch bản phim truyện điện ảnh

    Cấu trúc tác phẩm là phương pháp tổ chức các ngôn ngữ nghệ thuật trong tác phẩm để trở thành hình thức có sức cuốn hút lớn nhất. Cấu trúc này đòi hỏi một tổ chức chặt chẽ, bố cục đầy tính khoa học. Một tác phẩm muốn có cấu trúc vững chãi, điều cốt yếu là dựa trên tư tưởng, bởi tư tưởng là cơ sở lý luận, cơ sở khoa học để xây dựng nên tác phẩm.

    Nghiên cứu cấu trúc của một tác phẩm phim truyện điện ảnh là nghiên cứu hệ thống pinch up (điểm nổ/ cao trào). Các điểm nổ, hay còn gọi là hệ thống sự kiện tạo thành cấu trúc bộ phim với tính hợp lý, hợp tâm lý người xem. Cấu trúc chuẩn của một bộ phim, kịch bản phim điện ảnh là khi các sự kiện chính được xếp đặt hợp lý, cuốn hút người đọc, người xem trên chiều dài của dung lượng, gây ra các yếu tố bất ngờ, tạo sức hút liên tục trên dọc tuyến.

    Dưới góc nhìn văn học, kịch bản phim truyện điện ảnh có phương thức tự sự đặc thù: tự sự bằng lời dẫn, thoại, kỹ thuật (flashback, in-out dream, time-lock…), đặc biệt là bằng cấu trúc. Có thể chia ra ba loại cấu trúc kịch bản phim truyện phổ biến hiện nay: cấu trúc ba hồi của Hollywood (cấu trúc nhân quả), cấu trúc mảnh ghép (cấu trúc mảng miếng) và phương thức biểu hiện ấn tượng.

    2. Ba loại cấu trúc phổ biến của kịch bản phim truyện điện ảnh

    Mô hình cấu trúc ba hồi của Hollywood và kịch bản Thelma and Louice

    Đây là cấu trúc phổ biến của điện ảnh, đề cao yếu tố nhân quả. Mô hình cấu trúc được chia làm ba phần, gọi là ba hồi, gắn với các cao trào. Các điểm cao trào được điện ảnh Hollywood đặt tên: catalyst - sự kiện nền, thường là trên sự kiện nền xảy ra sự kiện chính (big event) đẩy nhân vật vào câu chuyện. Sự kiện đẩy nhân vật vào chuyện mà không có đường thoát, buộc phải đối mặt với khó khăn mà không thể trốn chạy (pinch); crisis - sự kiện nhân vật khủng hoảng (nhân vật đứng trước những chọn lựa); cao trào cuối (showdown) - nhân vật đưa ra hành động, quyết định cuối cùng. Để tạo sự hấp dẫn, hay phục vụ cho dụng ý nhất định của biên kịch thì các điểm cao trào này có thể thay đổi vị trí (ví dụ: có thể kể câu chuyện không theo thời gian thông thường - sự việc trước kể trước, sự việc sau kể sau; mà kể từ quá khứ đến hiện tại…).

    Kịch bản phim Thelma and Louice (đạo diễn: Ridley Scott; biên kịch: Callie Khouri) là ví dụ tiêu biểu cho cấu trúc ba hồi của Hollywood.

 

Cảnh trong phim Thelma and Louice - nguồn: internet

    Thelma and Louice kể về hai người bạn thân thiết nhưng lại có tính cách hoàn toàn trái ngược nhau. Cuộc sống của Thelma và Louice sẽ không có gì đổi khác nếu không có việc hai người rủ nhau đi câu cá ở một nơi xa (catalyst - sự kiện nền). Tại quán bar, Louice đã bắn chết gã đàn ông định cưỡng hiếp Thelma (big event - sự kiện chính) - câu chuyện bắt đầu từ đây. Thelma muốn đi khai báo với cảnh sát, nhưng Louice ngăn lại. Louice cho rằng cảnh sát sẽ không tin câu chuyện mà Thelma kể, vì ai cũng thấy Thelma từng nhảy nhót vui vẻ một cách chủ động bên gã đàn ông kia ở quán rượu. Louice quyết định vay tiền người yêu, chuẩn bị cho cuộc trốn chạy sang Mexico. Trớ trêu thay, Thelma lại vướng vào mối tình chớp nhoáng với một anh chàng cao bồi trẻ tuổi, để rồi sau một đêm vui vẻ, anh ta (thực ra là một tên cướp) đã cuỗm sạch số tiền đó. Không còn tiền để trốn đi, Louice lâm vào khủng hoảng và hoàn toàn sụp đổ tinh thần (pinch). Thelma sau khi làm mất tiền của Louice đã vô cùng áy náy, điều này đã khiến cô trở nên mạnh mẽ và bình tĩnh. Nhớ lại tên cao bồi đã từng diễn lại cảnh hắn từng đi ăn cướp như thế nào, Thelma liều lĩnh bắt chước hắn - cướp tiền ở một cửa hàng. Cả Thelma và Louice giờ đây đều phạm tội (giết người, ăn cướp) nên quyết định cùng nhau trốn đến Mexico. Trong hành trình trốn chạy, hai người đã có nhiều hành động: nhốt cảnh sát vào cốp xe, đốt xe xăng của một tay đàn ông bệnh hoạn, tận hưởng những giây phút vui vẻ bên nhau… Thelma và Louice đã bị xe và máy bay cảnh sát truy đuổi. Đằng sau là lực lượng cảnh sát đông đảo, vũ khí đủ đầy, phía trước là vực sâu (crisis - sự kiện nhân vật khủng hoảng - nhân vật đứng trước những chọn lựa). Louice và Thelma đã chọn đi về phía trước - vực sâu. Chiếc xe lao xuống vực trong ánh mắt ngỡ ngàng của tất cả lực lượng cảnh sát và trong nụ cười mãn nguyện của hai cô gái. Đó quả thực là một “happy ending” với hai nhân vật chính và cũng là cái kết đầy ám ảnh với tâm hồn người xem.

    Cấu trúc mảnh ghép và kịch bản When Harry met Sally

    Cấu trúc mảnh ghép là cấu trúc mà ở đó biên kịch xếp đặt những sự kiện, chi tiết cạnh nhau theo dụng ý nhất định. Những mảnh ghép đó kết hợp với sự liên tưởng của người cảm nhận, tự họ sẽ hình dung ra một tổng thể, rút ra được ý nghĩa nào đó cho riêng mình. Ví dụ tiêu biểu cho loại cấu trúc này là tác phẩm When Harry met Sally (đạo diễn: Rob Reiner, biên kịch: Nora Ephon).

     Với cấu trúc mảnh ghép, When Harry met Sally trình bày những ý kiến về tình yêu, về quan niệm, cuộc đời, mối quan hệ giữa các nhân vật… để người xem tự suy ngẫm về khái niệm tình yêu, quan niệm về cuộc sống, cuộc đời và các mối quan hệ của mình, quanh mình. Trước hết, cả tác phẩm là tập hợp của những mảnh ghép - là các cuộc gặp gỡ giữa Harry và Sally: lần gặp gỡ thứ nhất khi Harry đi nhờ xe Sally (hai người trẻ, hai cá tính đầy khác biệt đến không thể hòa hợp - Harry thì bi quan yếm thế, còn Sally luôn có cái nhìn lạc quan, yêu đời); lần gặp thứ hai, là khi Harry sắp kết hôn với Marrie và Sally mới có một cuộc tình với Joe - hai cá tính khác biệt ấy cùng đang hạnh phúc. Lúc này, cả hai đã có những đổi thay về hoàn cảnh, quan niệm. Kết quả của lần gặp thứ hai này là Sally vẫn không ưa gì Harry; lần thứ ba, Harry và Sally gặp nhau khi cả hai đang thất tình, đau khổ. Lần gặp thứ ba, câu chuyện về mối quan hệ giữa hai người mới thực sự có những bước tiến mới: họ không bị động, vô tình gặp gỡ nhau mà thực sự chủ động làm bạn.

     Bộ phim là tập hợp những cuộc tình và sự pha trộn phong cách phim cũng trở thành thủ pháp sử dụng các mảnh ghép trong nghệ thuật thể hiện. Về những cuộc tình, đó là những câu chuyện tình viên mãn của người già, sống bên nhau đến đầu bạc răng long, hay cuộc tình của người trẻ đa dạng về sắc thái - có thoáng qua, ngắn ngủi, sâu đậm, phản bội, trái ngang, đau khổ… Sự pha trộn phong cách phim thể hiện ở chỗ: phim kết hợp phong cách phim truyện với phim tư liệu - ở những đoạn tư liệu về những cặp vợ chồng già đã đến với nhau, yêu nhau, tìm nhau, cưới nhau, sống với nhau đến già. Ngoài ra, When Harry met Sally cũng là tập hợp rất nhiều quan niệm về con người, cuộc sống, tình yêu, tình bạn, hôn nhân… thể hiện trực tiếp trong thoại: “Khi mua một cuốn sách mới, tôi đọc trang cuối trước. Làm vậy để nếu lỡ có chết trước khi đọc xong thì tôi vẫn biết nó kết thúc như thế nào. Cô bạn ạ, đấy mới là bi quan. (…) Nghe này, khi những thứ không ra gì của cuộc đời có đổ xuống đầu thì tôi đã được trang bị sẵn sàng để đương đầu” - lời của Harry; và anh ta khẳng định: “đàn ông và phụ nữ không thể là bạn, vì tình dục luôn chen vào giữa họ” (1)… Quan niệm tình yêu, hôn nhân, cuộc sống thể hiện gián tiếp trong những cuộc tình: cuộc tình của Sally với Joe kết thúc khi cuối cùng người phụ nữ cần gia đình nhưng người đàn ông không đáp ứng được. Cuộc hôn nhân của Harry kết thúc vì hết tình yêu và vợ ngoại tình - cho thấy tình yêu là điều có thể đổi thay và hôn nhân không phải là một bến bờ dừng lại; tình yêu, hôn nhân của những cặp người già (được xen trong kịch bản/ phim như những đoạn tư liệu); mối tình giữa Harry và Sally - tình yêu là điều đến thật tự nhiên và quan trọng của tình yêu hay cả hôn nhân là gặp nhau đúng thời điểm.

     Phương thức biểu hiện ấn tượng và kịch bản Chơi vơi

     Đây là loại cấu trúc mà các yếu tố được xếp đặt theo trình tự nào đó nhằm tạo ra những liên tưởng, cảm xúc, cảm giác cho người xem. Tác phẩm được xây dựng theo loại cấu trúc này thường là những phim cảm giác, đang được coi là mới mẻ, được nhiều người thích thú.

      Khi mới được trình chiếu, bộ phim được đánh giá là “hot”, bởi đây là bộ phim, kịch bản đầu tiên nói trực diện về đề tài tính dục của Việt Nam. Suốt một thời gian, người ta còn tranh cãi nhau về đề tài đồng tính trong phim thông qua mối quan hệ giữa Duyên và cô nhà văn Cầm…

     Chơi vơi giàu chất gợi. Cảm xúc mà nó gợi ra hết sức gần gũi, thật thà, tuy nhiên, để hiểu về kịch bản thì quả thực không hề dễ dàng. Có người từng cho rằng: nhân vật, cuộc sống trong tác phẩm của Phan Đăng Di hấp dẫn nhưng dường như không giống cuộc sống của con người Việt Nam. Đó cũng là một nhận định nhiều suy ngẫm. Trong Chơi vơi, những đan cài về cảm xúc tâm lý khá phức tạp. Ví dụ tâm lý của nhân vật Duyên, sau khi phát hiện ra cô bé hàng xóm đang tắm ở nhà mình khi cô đi vắng, Duyên bỏ đến nhà Cầm, điều này là dễ hiểu: mỗi khi có chuyện, những người bạn gái thường tìm đến nhau để tâm sự, giãi bày… Duyên tự nhận với Cầm mọi lỗi lầm: trước đó chính cô đã bỏ chồng ở nhà để đi du lịch với người đàn ông mới quen là Thổ. Nhưng ngay sau đó, ta lại chứng kiến Duyên tiếp tục dập dìu rơi vào vòng tay Thổ. Hai người dắt nhau lên cầu thang mờ tối lần nữa. Có thể nào những êm ái về thể xác có thể ru vỗ, an ủi phần nào nỗi đau tinh thần của một số cá thể người trên trần gian đang sống một cách bi ai và chơi vơi trong cõi lòng của chính mình?

     Không phải ai cũng dễ dàng cho rằng Chơi vơi là một kịch bản, một bộ phim hay. Số phận lênh đênh của kịch bản này trên thực tế thể hiện ở việc bảy năm nó mới thành phim. Nhân vật của phim có thể không hoàn toàn giống thực, cuộc sống trong phim không hoàn toàn giống với cuộc sống và văn hóa của người Việt, nhưng sáng tạo nghệ thuật chấp nhận sự mở rộng đường biên tới vô hạn. Suy cho cùng, Chơi vơi vẫn luôn kén chọn người xem.

     Tuy cách chia thành ba loại cấu trúc cơ bản, phổ biến, nhưng trên thực tế, cấu trúc phim nói chung và cấu trúc kịch bản phim truyện điện ảnh nói riêng rất đa dạng. Điều đó liên quan đến sáng tạo không cùng của người nghệ sĩ trên hành trình kể chuyện bằng hình ảnh. Sự sáng tạo trong cách kể của biên kịch/ đạo diễn còn cho thấy nỗ lực tận hiến cho người đọc/ người xem để mang lại cho họ không chỉ là ý nghĩa, tư tưởng của tác phẩm mà còn là vô vàn những chiều cảm xúc.

_______________

1. Nora Ephron, Khi Harry gặp Sally, Nxb Trẻ, 2011.

Tác giả: Nguyễn Phương Thảo

Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9-2019

;