Xây dựng môi trường văn hóa tại các không gian công cộng: Định hướng và khuôn khổ quốc tế

1. Không gian công cộng và sự phát triển bền vững của các đô thị

Năm 2015, Liên hợp quốc (LHQ) đã ban hành Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó đặt ra 17 mục tiêu lớn nhằm đưa nhân loại đạt được hòa bình, thịnh vượng và xóa bỏ đói nghèo vào năm 2030 (1). Chương trình nghị sự 2030 đã được 193 quốc gia thông qua.

Cùng với việc nhấn mạnh tính bao trùm của phát triển bền vững, LHQ đặc biệt lưu tâm đến vị thế và ý nghĩa của các thành phố và sự gắn kết của các thực thể này với các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Theo dự báo của LHQ, dân số thế giới sẽ đạt mức hơn 9 tỷ người vào năm 2050, trong đó, hơn 70% dân số thế giới sẽ sinh sống tại các thành phố (2). Đô thị sẽ trở thành nơi cư trú chính của loài người và nắm giữ vị trí then chốt trong sự phát triển của các quốc gia và cộng đồng quốc tế nói chung. Chính vì vậy, 17 SDG được đề ra trong Chương trình Nghị sự 2030, mục tiêu 11 liên quan trực tiếp đến các đô thị. Theo đó, các chỉ tiêu phát triển bền vững của mục tiêu 11 đều đảm bảo cho các thành phố trở thành nơi dành cho tất cả mọi người, an toàn, vững chắc và bền vững (3).

Làng bích họa Jaman tại thành phố Jeonju (Hàn Quốc) - Ảnh: Thanh Hoa

Từ những chỉ tiêu cụ thể của SDG 11, không gian công cộng là một trong những thành tố quan trọng cần được tính đến nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của các đô thị. Trên thực tế, vai trò và ý nghĩa của không gian công cộng đối với sự phát triển của các thành phố đã được thảo luận từ trước khi Chương trình Nghị sự 2030 chính thức được LHQ ban hành. Cụ thể, vào năm 2011, tại Public Space Biennal (Triển lãm nhị niên về không gian công cộng) do Viện Quy hoạch Đô thị quốc gia của Italia (Istituto Nazionale di Urbanistica) tổ chức với sự tham gia của hơn 300 chuyên gia, các nhà nghiên cứu và các tổ chức quốc tế, những thảo luận về việc xây dựng Hiến chương về Không gian Công cộng (Charter of Public Space) đã bắt đầu diễn ra. Đến năm 2013, Hiến chương đã chính thức được thông qua, trong đó đưa ra định nghĩa và những nguyên tắc quan trọng liên quan đến việc xây dựng và phát triển các không gian công cộng có chất lượng tại các đô thị.

Theo định nghĩa của Hiến chương, về cơ bản, không gian công cộng là “tất cả các không gian được sở hữu và sử dụng công cộng, được tất cả mọi người tiếp cận và hưởng thụ một cách miễn phí, không vì động cơ lợi nhuận. Mỗi không gian công cộng có các đặc điểm về không gian, lịch sử, môi trường, xã hội và kinh tế riêng” (Mục 6). Các không gian công cộng bao gồm “môi trường mở (ví dụ, đường phố, vỉa hè, quảng trường, vườn cây, công viên) và các không gian có mái che được tạo ra không vì mục đích lợi nhuận và dành cho sự hưởng thụ của tất cả mọi người (ví dụ, bảo tàng và thư viện công). Cả hai loại không gian này đều có một đặc tính rõ rệt, có thể xác định là những “nơi chốn” hay “địa điểm”. Mục đích ở đây chính là tất cả các không gian công cộng cần phải trở thành các “nơi chốn”/ “địa điểm”” (Mục 8) (4).

Mục 14 của Hiến chương xác định, các không gian công cộng có thể đảm nhận nhiều chức năng khác nhau như: Một mạng lưới vật lý và hỗ trợ cho sự dịch chuyển, trung chuyển của người và các phương tiện giao thông tạo nên sức sống của một thành phố; Nơi có các chợ và hoạt động thương mại diễn ra trong các cơ sở cố định, địa điểm công cộng và các dịch vụ khác (tập thể hoặc không phải tập thể, công cộng và riêng tư), trong đó biểu đạt các khía cạnh kinh tế - xã hội của thành phố; Mang đến những cơ hội quý giá cho hoạt động vui chơi, rèn luyện thể chất và tái tạo cho tất cả mọi người (công viên, vườn hoa, cơ sở thể thao công cộng); Giúp tăng cường văn hóa và giáo dục (bảo tàng, thư viện công cộng); Các địa điểm mang dấu ấn ký ức cá nhân và tập thể phản chiếu bản sắc của con người và giúp bồi đắp những hiểu biết về cộng đồng; Thúc đẩy lòng tin, sự gặp gỡ và tự do biểu đạt; Là một phần thiết yếu và đầy ý nghĩa của kiến trúc và cảnh quan đô thị với vai trò chủ đạo trong hình ảnh tổng thể của thành phố.

Như vậy, theo định nghĩa và cách tiếp cận mà Hiến chương đưa ra, các loại hình không gian công cộng ở đô thị bao gồm: Khu vực đường phố (đường phố, đại lộ; vỉa hè; quảng trường; đường đi bộ; đường dành cho xe đạp…); Không gian mở (công viên; vườn hoa; sân chơi; bãi biển công cộng; bờ sông…); Cơ sở văn hóa (thư viện công; trung tâm cộng đồng; chợ; cơ sở thể thao công…).

Định nghĩa và các nguyên tắc căn bản mà Hiến chương về Không gian Công cộng đề ra đã xác lập nền tảng cho các văn kiện quốc tế liên quan đến không gian công cộng tại các đô thị, bao gồm bao gồm cả các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 và các khuôn khổ tiếp sau do LHQ xây dựng. Ví dụ, ngay từ năm 2012, Chương trình Không gian Công cộng Toàn cầu (Global Public Space Programme) đã được Chương trình Định cư Con người của LHQ (UN- Habitat) chính thức công bố với mục tiêu hỗ trợ các chính quyền địa phương xây dựng và củng cố các chiến lược phát triển không gian công cộng bền vững cả về môi trường và xã hội. Theo đánh giá của UN-Habitat, “các thành phố có một quan điểm mạnh mẽ về tính “công cộng” thể hiện cam kết cải thiện chất lượng sống cho cư dân thông qua việc cung cấp đầy đủ không gian đường phố, khu vực xanh, công viên, cơ sở vui chơi và các không gian công cộng khác” (5). Ngoài ra, Chương trình Không gian Công cộng Toàn cầu cũng đề xuất cách tiếp cận rộng hơn đối với khái niệm không gian công cộng. Theo đó, ngoài ba nhóm cơ bản được xác định tại Hiến chương về Không gian Công cộng, các thành phố cần lưu ý đến ba loại hình không gian quan trọng khác, bao gồm:

Không gian của khu vực công (public sector realm): các không gian chung không chỉ đơn giản là hàng hóa và địa điểm công mà còn bao gồm những hiệp ước xã hội giúp trao quyền cho công dân, đóng góp nguồn lực cho hàng hóa chung và giao quyền quản lý của họ cho các quan chức do địa phương bầu chọn.

Bản thân thành phố chính là một không gian công cộng: quan điểm này rất quan trọng vì nó giúp củng cố cách tiếp cận toàn diện đối với không gian công cộng và cũng phù hợp với lập luận ủng hộ “quyền đối với thành phố”, trong đó nhấn mạnh ý nghĩa của thành phố như một đấu trường và sự biểu đạt của một không gian vật lý và biểu tượng được chia sẻ và giao phó cho tất cả mọi người.

Không gian mạng: loại hình không gian công cộng phi vật lý này vẫn luôn là địa bàn của sự gặp gỡ, tương tác và giao tiếp. Thông qua sự kết nối của Internet và mạng xã hội, không gian mạng mang đến những cơ hội gặp gỡ và tương tác trực tuyến, từ đó có thể đưa tới sự phát triển theo cấp số nhân của những tương tác “thực” tại các không gian “thực” (6).

Sau Chương trình Toàn cầu về Không gian Công cộng, vào năm 2016, LHQ tiếp tục công bố Chương trình nghị sự đô thị mới (The New Urban Agenda) với ý nghĩa là một lộ trình nhằm xây dựng các thành phố thực sự trở thành động cơ của tăng trưởng, thịnh vượng và là trung tâm văn hóa, phúc lợi xã hội, đồng thời đảm bảo việc bảo vệ môi trường. Để đạt được mục tiêu phát triển này, Chương trình nghị sự đô thị mới nhấn mạnh các biện pháp và cam kết cung cấp đầy đủ sự tiếp cận của công dân đô thị đối với các dịch vụ cơ bản như nhà ở, nước sạch, vệ sinh, dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, công nghệ truyền thông và không gian công cộng.

Như vậy, trong khuôn khổ và định hướng bao trùm do LHQ xác lập, các không gian công cộng là một thành tố quan trọng và có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của các đô thị. Ngoài vai trò của UN-Habitat như đã đề cập ở trên, các tổ chức khác trực thuộc LHQ như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO), Chương trình Phát triển LHQ (UNDP)... cũng tích cực vận động cho sự phát triển bền vững của các đô thị thông qua việc xây dựng các khuôn khổ chính sách và phát triển các dự án liên quan trực tiếp đến các không gian công cộng.

2. Các nguyên tắc và tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa tại các không gian công cộng vì sự phát triển bền vững của đô thị

Một điểm quan trọng trong khuôn khổ và định hướng mà LHQ đã xác lập chính là việc khẳng định ý nghĩa của môi trường văn hóa gắn với các không gian công cộng tại các đô thị. Trước hết, các không gian công cộng không đơn thuần là sự tồn tại của các địa điểm/ nơi chốn vật lý mà chúng còn đảm nhận rất nhiều chức năng và hàm nghĩa về kinh tế, văn hóa, xã hội. Các không gian công cộng là thành tố quan trọng tạo nên tổng thể chung của môi trường văn hóa đô thị. Theo UN-Habitat, “các không gian công cộng là những thành tố sống còn của các đô thị thành công. Các không gian này giúp kiến tạo tính cộng đồng, bản sắc và văn hóa của cư dân. Các không gian công cộng giúp thúc đẩy vốn xã hội, phát triển kinh tế và tái tạo cộng đồng. Việc tiếp cận các không gian công cộng không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn là bước đầu tiên của việc trao quyền cho người dân và tạo ra sự tiếp cận rộng rãi hơn đối với các không gian thể chế và chính trị. Sức sống và việc sử dụng liên tục các không gian công cộng như một loại hàng hóa công sẽ đưa tới việc hình thành các môi trường đô thị lành mạnh, an toàn và từ đó làm cho thành phố trở thành một nơi hấp dẫn để sinh sống và làm việc” (7).

Mặt khác, mỗi không gian công cộng, từ một góc phố cho tới một trung tâm thương mại, với các đặc trưng riêng của mình cũng chính là một môi trường mà ở đó các hoạt động của con người diễn ra. Chính vì vậy, để đảm bảo môi trường văn hóa của đô thị nói chung, việc kiến tạo môi trường văn hóa gắn với từng không gian công cộng cũng đóng vai trò quan trọng. Để nhấn mạnh ý nghĩa này, UN-Habitat đã khẳng định, “các không gian công cộng có chất lượng có thể đưa tới các hành vi văn minh, và các hành vi văn minh có thể đưa tới các không gian công cộng có chất lượng. Không gian công cộng chính là biểu thị của văn minh đô thị” (8).

Chợ đồ cũ họp trên đường phố Paris, Pháp - Ảnh: Thanh Hoa

Để hiện thực hóa vai trò và ý nghĩa của không gian công cộng trong phát triển đô thị văn minh và bền vững, Hiến chương về Không gian Công cộng ngoài việc xác lập một định nghĩa rõ ràng và toàn diện về không gian công cộng còn đề xuất cách tiếp cận xuyên suốt đối với các thực thể này, và theo đó, các không gian công cộng cần được coi là một loại hàng hóa công (public good) với đặc tính căn bản là có thể được tiếp cận bởi tất cả mọi người. Dựa trên các tiêu chí cốt lõi này, Hiến chương đã xác định các nguyên tắc dành cho việc xây dựng, quản lý, vận hành và hưởng thụ các không gian công cộng tại các đô thị. Xuyên suốt các nguyên tắc này, Hiến chương nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia tích cực và quan hệ đối tác giữa các thành phần xã hội khác nhau, bao gồm các nhà quản lý, cư dân, các tổ chức xã hội dân sự… trong toàn bộ các chu trình nêu trên. Sự biến đổi và phát triển của các không gian công cộng luôn gắn bó chặt chẽ với những thay đổi trong đời sống hằng ngày của cư dân đô thị và cần được xem xét trong mối tương quan với môi trường rộng lớn hơn (9).

Tiếp nối cách tiếp cận và các nguyên tắc được đề ra tại Hiến chương về Không gian Công cộng, khuôn khổ quốc tế được định hình bởi các tổ chức của LHQ gần đây cho thấy, sự vận động rõ rệt hơn hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của các đô thị. Cụ thể, Chương trình nghị sự đô thị mới đã và đang tích cực vận động cho các chính sách phát triển đô thị lấy con người làm trung tâm. Với sự chuyển dịch trong định hướng tiếp cận này, văn hóa với tư cách là toàn bộ lối sống, giá trị vật chất và tinh thần của con người, đang dần nắm giữ vị trí trung tâm của các chiến lược phát triển đô thị ở khắp nơi trên thế giới. Các đặc tính, chức năng và giá trị văn hóa của các không gian công cộng tại các đô thị cũng ngày càng được chú trọng trong suốt quá trình thiết kế, quy hoạch, vận hành và hưởng thụ. Trong Văn bản Chính sách số 2 với tên gọi Khuôn khổ Văn hóa - Xã hội Đô thị được xây dựng trong Chương trình nghị sự đô thị mới khẳng định rằng, “môi trường xây dựng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc tụ họp của người dân và khuyến khích việc sử dụng chung cùng với những sinh hoạt văn hóa khác biệt. Củng cố tương tác xã hội và công nhận đa dạng văn hóa trong các thành phố sẽ đưa tới những hiểu biết và sự tôn trọng lẫn nhau. Chương trình nghị sự đô thị mới cần thúc đẩy sự hòa nhập của tất cả cư dân bất kể nguồn gốc xuất thân, thành phần sắc tộc, tình trạng kinh tế và địa vị xã hội của họ ra sao” (10). Từ mục tiêu này, các nguyên tắc căn bản đã được đề ra trong Khuôn khổ Văn hóa - Xã hội Đô thị, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc tôn trọng đa dạng văn hóa và tăng cường sự tham gia của các bên liên quan như chính quyền, nghệ sĩ, chuyên gia văn hóa, chuyên gia di sản, truyền thông và cư dân vào quá trình hoạch định, thiết kế và quản lý các không gian công cộng tại đô thị.

Dựa trên cơ sở đồng thuận với khuôn khổ và cách tiếp cận chung của LHQ và UN-Habitat, UNESCO, với tư cách là cơ quan chuyên trách về văn hóa, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của các tiêu chí liên quan đến di sản văn hóa và đa dạng văn hóa trong bối cảnh phát triển bền vững. Thông qua chương trình Phát triển Đô thị bền vững của mình, một mặt, UNESCO vận động cho việc đảm bảo quyền tiếp cận các di sản văn hóa như là những không gian công cộng tại các đô thị. Mặt khác, UNESCO cũng khẳng định rằng, trong quá trình quản lý và sử dụng các không gian di sản đô thị, việc tôn trọng các giá trị và truyền thống của các chủ thể liên quan trực tiếp đến các không gian này là hết sức cần thiết nhằm thúc đẩy các hiểu biết chung giữa các bên liên quan. Nguyên tắc căn bản này giúp duy trì sức sống và sự hiện diện bền vững của không gian di sản trong bối cảnh đô thị và đồng thời cũng tăng cường giá trị của các không gian này như một yếu tố đảm bảo quyền văn hóa và phúc lợi xã hội của cư dân.

3. Kết luận

Các văn kiện quốc tế được phân tích ở bài viết này đã giúp xác lập nên một khuôn khổ chung nhằm định hướng các hành động cụ thể để hiện thực hóa vai trò và ý nghĩa của không gian công cộng trong phát triển bền vững tại các đô thị. Tất cả các quan niệm hiện nay đều nhất quán ở một điểm, đó là khẳng định không gian công cộng là sản phẩm của hoạt động con người, do đó, nhân tố con người chính là nòng cốt trong việc duy trì và bảo vệ môi trường văn hóa gắn với các không gian này. Ngoài ra, thay vì chỉ đánh giá ý nghĩa của các không gian công cộng từ khía cạnh vật thể, khuôn khổ quốc tế hiện nay nhấn mạnh tầm quan trọng của các thành tố phi vật chất phản ánh đặc trưng của các không gian đó như các giá trị, lối sống, cách ứng xử của con người… Tổng thể các thành tố vật chất và phi vật chất tạo nên môi trường văn hóa gắn với từng không gian công cộng. Môi trường văn hóa này, đến lượt nó, lại có ý nghĩa quan trọng trong việc định hình bản sắc và hành vi của cá nhân và cộng đồng sử dụng và hưởng thụ các không gian công cộng có liên quan.

Với ý nghĩa này, việc kiến tạo các không gian công cộng có chất lượng vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp nhằm đảm bảo quá trình phát triển bền vững của các thành phố trong bối cảnh đương đại. Để làm được điều này, theo khuôn khổ chung mà các tổ chức quốc tế đã xác lập nên, vai trò trung tâm của nhân tố con người cần tiếp tục được đề cao. Việc khai thác các lợi thế và tiềm năng vật chất và tinh thần của môi trường văn hóa nhằm đảm bảo chất lượng của các không gian công cộng phải hướng tới mục tiêu giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và quyền tiếp cận, hưởng thụ không gian của người dân. Chính vì vậy, trong việc xây dựng và quản lý các không gian công cộng, tính hệ thống và liên kết giữa môi trường văn hóa với các lĩnh vực khác như giáo dục, thương mại… phải được xem xét kỹ lưỡng và triển khai dựa trên các cơ sở khoa học bài bản.

Bên cạnh đó, việc xây dựng môi trường văn hóa tại các không gian công cộng ở đô thị hiện nay vừa phải chú trọng đến bản sắc riêng biệt của từng cộng đồng, nhưng cũng không thể bỏ qua chủ nghĩa đa văn hóa, một xu thế đang trở nên ngày càng phổ biến và có thể coi là một giá trị phổ quát, định hình sự phát triển chung của các đô thị, quốc gia và cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các đặc trưng văn hóa khác nhau ngày càng có cơ hội được giao lưu và hội tụ tại bất cứ nơi nào trên thế giới. Một môi trường văn hóa lành mạnh, thực sự là nguồn lực cho phát triển bền vững, chính là nơi các bản sắc văn hóa đó có điều kiện được biểu đạt một cách hài hòa thay vì xung đột lẫn nhau. Để làm được điều này, xây dựng cơ chế đối thoại và kiến tạo một không gian cởi mở cho tất cả các thành viên của cộng đồng tham gia vào quá trình xây dựng môi trường văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng.

Khuôn khổ quốc tế hiện nay hướng tới việc xác lập các nguyên tắc và tiêu chí căn bản cho việc phát triển các không gian công cộng như một phần của quá trình thiết kế và quy hoạch đô thị. Chính vì vậy, khuôn khổ này chủ yếu hướng tới việc xem xét vai trò của chính quyền và các nhà quản lý với tư cách là những người hoạch định chính sách và triển khai các chiến lược, quy hoạch đô thị ở cấp vĩ mô. Vai trò này được xem xét trong mối quan hệ với các chủ thể khác như dân cư, nghệ sĩ, các nhà thực hành văn hóa… với tư cách là những người sử dụng và hưởng thụ các lợi ích mà các không gian công cộng mang lại. Tuy vậy, để vai trò và ý nghĩa của các không gian công cộng thực sự được phát huy vì mục tiêu phát triển bền vững của các đô thị, mối quan hệ giữa chính những người sử dụng không gian cũng cần được xem xét. Các tiêu chí và nguyên tắc cụ thể, đặc biệt là các nội dung liên quan đến đạo đức, chuẩn mực… nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa những người trực tiếp sử dụng các không gian công cộng cần được phát triển dựa trên khuôn khổ chung được xác lập ở cấp quốc tế, đi cùng với những điều chỉnh cần thiết cho phù hợp với loại hình và bối cảnh cụ thể của từng không gian (11).

______________

1. Liên hợp quốc tại Việt Nam, Các mục tiêu phát triển bền vững, vietnam.un.org.

2. United Nations, Shifting Demographics (Thay đổi về nhân khẩu học), un.org, 24-10-2019.

3. United Nations, Sustainable Development Goal 11: Sustainable Cities and Communities (Mục tiêu phát triển bền vững số 11: các thành phố và cộng đồng bền vững), sdgs.un.org.

4, 9. INU Charter of Public Space (Hiến chương về Không gian Công cộng), biennalespaziopubblico.it, 2013.

5, 6, 7, 8. UN-Habitat, Global Public Space Toolkit: From Global Principles to Local Policies and Practice (Bộ công cụ Không gian Công cộng Toàn cầu: Từ nguyên tắc toàn cầu đến thực hành địa phương), unhabitat.org, 2016, tr.4, 27, 4, 15.

10. United Nations Conference on Housing and Sustainable Urban Development (Hội nghị của Liên hợp quốc về Nhà ở và Phát triển đô thị bền vững), Habitat III Policy Papers: Policy Paper 2 Socio-Cultural Urban Framework (Văn bản Chính sách của Habitat III: Văn bản Chính sách số 2: Khuôn khổ Văn hóa - Xã hội Đô thị), habitat3.org, 2017, mục 12, tr. 28.

11. Bài viết là sản phẩm của Đề tài cấp Bộ Nghiên cứu xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng thuộc Chương trình Nghiên cứu xây dựng môi trường văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

TS NGUYỄN THỊ THANH HOA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 521, tháng 1-2023

;