Ngoại giao văn hóa của Thụy Điển và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

Là một quốc gia có chỗ đứng nhất định trong lòng bạn bè quốc tế, Thụy Điển luôn đặt vấn đề ngoại giao văn hóa (NGVH) lên hàng đầu. Trong bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ những thập kỷ gần đây, các công cụ kỹ thuật số đã góp phần chuyển đổi chất lượng hình thức, nội dung lĩnh vực NGVH và biến nó trở thành một lực lượng quan trọng trong việc định hình cũng như phát triển nền ngoại giao bằng con đường văn hóa sáng tạo, uyển chuyển. Bài viết nêu một số khái niệm chung và kinh nghiệm chiến lược NGVH của Thụy Điển, từ đó rút ra bài học cho Việt Nam, nhằm thúc đẩy vai trò tích cực của NGVH đối với sự phát triển của đất nước.

Theo GS Emil Constantinescu, NGVH là một quá trình hành động, dựa trên và sử dụng việc trao đổi ý tưởng, giá trị truyền thống, các khía cạnh khác của bản sắc văn hóa nhằm củng cố mối quan hệ, tăng cường hợp tác văn hóa xã hội, thúc đẩy lợi ích quốc gia lâu dài; NGVH có thể được thực hiện bởi cả khu vực công, khu vực tư nhân hoặc xã hội dân sự (1).

NGVH là thủ pháp dùng văn hóa trong ngoại giao với mục đích để người dân ở nước ngoài hiểu biết về lý tưởng, thể chế, nền văn hóa, giá trị văn hóa, đất nước, con người quốc gia chủ thể tiến hành NGVH; NGVH có thể bộc lộ tâm hồn, đời sống tinh thần của cả một quốc gia; đóng vai trò quan trọng, tích cực trong việc phát triển quốc gia, gây ảnh hưởng qua văn hóa tới đối tác, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia bằng sức mạnh mềm từ văn hóa. Nghiên cứu về NGVH của Thụy Điển chúng ta sẽ thấy được bức tranh toàn diện về lĩnh vực giao thoa giữa văn hóa và ngoại giao.

1. Tiềm năng, lợi thế của NGVH Thụy Điển

NGVH của Thụy Điển luôn là một điểm nhấn đẹp đẽ đối với bạn bè quốc tế. Năm 2005, Stina Lundberg Dabrowski - nhà báo, người dẫn chương trình truyền hình, nhà sản xuất, nhà văn Thụy Điển đã nói rằng: Tuy Thụy Điển “không quá nổi tiếng như chúng ta có thể nghĩ”, nhưng văn hóa của Thụy Điển sẽ “được biết đến nhiều hơn nếu so sánh với nhiều nước châu Âu khác” nếu quảng bá mạnh mẽ văn hóa Lagom, văn hóa Fika hay nền công nghiệp âm nhạc lớn thứ 3 thế giới chính là những tiềm năng, lợi thế riêng của NGVH Thụy Điển.

Tính cách con người Thụy Điển

Người Thụy Điển đôi khi hơi dè dặt hoặc nghiêm túc và theo chủ nghĩa cá nhân. Với nhiều người Thụy Điển, không gian cá nhân cần được duy trì vì sự tôn trọng bản thân và người khác. Họ có xu hướng tránh xung đột và rất ghét chiến tranh. Trong thời gian hơn 200 năm, Thụy Điển đã tránh khỏi xung đột, giữ vai trò trung lập; coi các khoản đầu tư cho nền quốc phòng vững chắc là không cần thiết.

Văn hóa Lagom

Lagom là một đặc điểm văn hóa độc đáo chỉ có ở Thụy Điển, thể hiện sự phù hợp chung và tính quy củ, khuyến khích tính tiết chế và cân bằng, được hiểu là giống như mọi người khác hoặc không quá nhiều, không quá ít. Nghĩa là vừa đủ, hài hòa, tốt nhất; có thể áp dụng cho các mối quan hệ, công việc và phong cách ăn mặc dễ dàng như ý; còn áp dụng cho cả phong cách quản lý hay chính trị (2).

Lagom rất quan trọng trong văn hóa Thụy Điển vì nó được phản ánh trong tất cả khía cạnh của cuộc sống thông qua những ý tưởng như bình đẳng và điều độ. Ví dụ, ý nghĩa của hệ thống phúc lợi Thụy Điển là đảm bảo rằng mọi người đều có đủ và không ai bị thiếu thốn. Lagom được phản ánh từ kiến ​​trúc đến phong cách thiết kế của Thụy Điển...

Lagom không chỉ xác định văn hóa mà cả về con người. Điều đó thể hiện rõ nhất trong sở thích của người Thụy Điển và cách họ thể hiện bản thân. Cùng với Lagom, khái niệm Jantelagen (luật của Jante - đạo luật khiêm tốn) ngày nay vẫn được chấp nhận, dùng để chỉ sự khiêm nhường, chống lại sự khoe khoang hay ham hư danh.

Văn hóa Fika

Triết lý Lagom chú trọng vào sự gắn bó hài hòa và bền chặt đã khai sinh ra văn hóa Fika của dân tộc Thụy Điển. Theo McLean và Syed, Fika có nghĩa là khoảnh khắc tạm dừng công việc hằng ngày để xây dựng và duy trì kết nối xã hội với những người khác (3). Fika thực sự là một nét chấm phá văn hóa của Thụy Điển. Không chỉ đơn thuần là truyền thống uống cà phê, Fika là gặp gỡ bạn bè, chia sẻ niềm vui của một ngày, nghỉ ngơi thư giãn và tận hưởng vài món đơn giản như cà phê/ trà và bánh ngọt. Từ đó, các mối quan hệ càng thêm thắm thiết, đồng thời chất lượng và hiệu quả công việc cũng được nâng cao đáng kể.

Âm nhạc

Thụy Điển có nền công nghiệp âm nhạc lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Anh. Trong lĩnh vực âm nhạc đại chúng, Thụy Điển nổi tiếng với những nhóm nhạc như ABBA thống trị các bảng xếp hạng âm nhạc thế giới vào thập niên 1970 với 8 album quán quân liên tiếp tại Anh Quốc (4). Thụy Điển còn là quốc gia nổi tiếng với truyền thống hợp xướng và có nhiều dàn hợp xướng nhất trên thế giới. Đây cũng là nước có nền âm nhạc, múa dân gian truyền thống phong phú và hầu hết các buổi biểu diễn dân gian diễn ra trong các lễ hội và nghi lễ truyền thống trong nước.

Bình đẳng giới (trọng nữ quyền)

Người Thụy Điển tôn trọng cá nhân, tự do và bình đẳng. Họ quan niệm rằng, tất cả mọi người sinh ra (cả nam và nữ) đều có quyền bình đẳng như nhau trong tất cả các mối quan hệ và địa vị. Là một trong các đất nước có tỷ lệ nữ nghị sĩ và bộ trưởng nội các cao nhất với 52% tính đến năm 2015. Vào năm 2021, Thụy Điển đã có nữ thủ tướng đầu tiên (5). Chính phủ Thụy Điển theo đuổi chính sách đối ngoại nữ quyền, họ đã thiết lập chính sách này từ năm 2014 đến nay sau nhiều năm thúc đẩy bình đẳng giới và nhân quyền trên phạm vi cả nước và quốc tế.

Giải Nobel và những thương hiệu của Thụy Điển

Theo thống kê, Thụy Điển nằm trong top 5 quốc gia đạt được nhiều giải Nobel nhất thế giới với 32 giải Nobel trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra, theo thống kê của European Patent Office (EPO) vào năm 2018, Thụy Điển là nước có số bằng sáng chế trên đầu người cao nhất châu Âu với khoảng 350 bằng/ triệu dân.

Bên cạnh đó, những thương hiệu nổi tiếng thế giới, mạng đậm phong cách Lagom như hãng xe hơi Volvo, đồ gia dụng IKea, Sportify, skype, Ericsson… mà đất nước Thụy Điển đang sở hữu là một minh chứng cho thương hiệu và văn hóa sáng tạo của người Thụy Điển.

2. Chính sách của nhà nước về văn hóa và NGVH

Các mục tiêu chính và chiến lược NGVH

Theo Dự luật của Bộ Văn hóa (2009/10:3), các chính sách văn hóa của Thụy Điển được xây dựng nhằm: xây dựng văn hóa thành quyền lực mạnh mẽ, có thể độc lập tương đối với các quyền lực khác trong xã hội, dựa trên quyền tự do ngôn luận; mọi người đều có quyền tham gia và làm giàu đời sống văn hóa; chính sự sáng tạo, sự đa dạng và chất lượng của nghệ thuật cũng là cột mốc và thước đo đánh dấu sự phát triển của xã hội.

Để đạt được mục tiêu này, chính sách văn hóa cần tạo cơ hội cho mọi người có thể trải nghiệm văn hóa, giáo dục và phát triển khả năng sáng tạo của bản thân; không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng các loại hình tác phẩm nghệ thuật; tiếp tục bảo tồn, lưu giữ những di sản văn hóa; thúc đẩy trao đổi và hợp tác quốc tế xuyên biên giới giữa các nền văn hóa; thúc đẩy quyền tiếp cận bình đẳng với nghệ thuật và văn hóa cho trẻ em cũng như thanh thiếu niên.

Chiến lược NGVH của Thụy Điển được xây dựng dựa trên định hướng quảng bá hình ảnh đất nước Thụy Điển tới khán giả nước ngoài qua 5 khía cạnh giữa các bên: Chương trình nghị sự đến 2030; Hợp tác EU; Hợp tác đa phương; Hợp tác Bắc Âu và Nhóm Thụy Điển. Các nền tảng này cho phép quảng bá Thụy Điển ra nước ngoài, được hướng dẫn bởi 10 lĩnh vực trọng tâm cụ thể đang được xúc tiến triển khai: Sáng kiến ​​dân chủ, chính sách đối ngoại trọng nữ quyền; Khí hậu và môi trường; Tự do, công bằng, thương mại bền vững; Hòa bình và an ninh; Thụy Điển đổi mới; Các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo; Thương mại và Đầu tư; Kiến thức; Tài năng; Kinh nghiệm Thụy Điển (6).

Hợp tác văn hóa quốc tế và giáo dục văn hóa

Thụy Điển rất tích cực trong hợp tác quốc tế về những lĩnh vực của các tổ chức liên quan đến chính sách văn hóa như: ủng hộ Liên Hợp quốc về thành lập Ủy ban Thế giới về Văn hóa và Phát triển hay Quỹ Văn hóa Bộ trưởng Bắc Âu. Chính phủ ưu tiên: Phát triển chiến lược quốc tế hóa các lĩnh vực khác nhau trong nghệ thuật và văn hóa; Tiếp tục phát triển hợp tác quốc tế do cơ quan chính phủ chủ trì kể cả tổ chức Liên chính phủ, đẩy mạnh hoạt động liên văn hóa; Thúc đẩy các diễn đàn, cạnh tranh quốc gia trong giao lưu quốc tế và thúc đẩy hợp tác liên văn hóa giữa các nước gần gũi; Hợp tác xuyên biên giới giữa các lĩnh vực chính sách về văn hóa, nhất là công nghiệp văn hóa; Thúc đẩy tích cực các vấn đề văn hóa trong hợp tác EU, UNESCO và Bắc Âu.

Tham gia và tiếp cận văn hóa gắn với giáo dục là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của chính sách văn hóa Thụy Điển. Giáo dục nghệ thuật nhằm nâng cao khả năng sáng tạo, giúp công chúng tiếp cận sâu rộng với nghệ thuật và văn hóa, làm nền tảng tốt cho NGVH. Thụy Điển đặc biệt chú trọng đến việc tạo cơ hội cho trẻ được hát và chơi nhạc với mức học phí thấp, trẻ được tiếp cận với đầy đủ các loại nhạc cụ và học nhạc từ rất sớm.

Ngoài ra, Trường học Sáng tạo là một chương trình từ năm 2008 của chính phủ, cho phép các thành phố và hiệu trưởng các trường xin tài trợ từ Hội đồng Nghệ thuật Thụy Điển cho các dự án văn hóa liên quan đến trẻ từ mầm non đến 16 tuổi. Chương trình đã giúp tăng cường tích hợp các biểu hiện nghệ thuật và văn hóa trong trường học, cũng như gia tăng sự tham gia của học sinh vào văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp.

Các tổ chức NGVH của Thụy Điển

Viện Thụy Điển được thành lập nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa với các quốc gia khác, cũng như truyền bá kiến ​​thức về Thụy Điển. Thụy Điển sử dụng NGVH như một công cụ tạo thuận lợi cho chính sách quốc tế của mình, truyền bá văn hóa và mở rộng kinh doanh ra thế giới.

Thụy Điển rất tích cực tham gia các chương trình hợp tác văn hóa quốc tế, bao gồm cả UNESCO, Hội đồng Bắc Âu và Hội đồng châu Âu. Công việc này được duy trì bởi Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, cũng như của một số cơ quan chính phủ, chủ yếu thuộc Bộ Văn hóa như: Hội đồng Nghệ thuật Thụy Điển và Viện phim Thụy Điển, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu.

Hội đồng Nghệ thuật Thụy Điển chịu trách nhiệm về chương trình Bàn tròn văn hóa sáng tạo châu Âu, Viện Phim Thụy Điển chịu trách nhiệm về chương trình Truyền thông (Media) và Bàn tròn văn hóa sáng tạo châu Âu. Hội đồng này cũng giám sát việc phân phối các quỹ dự án theo định hướng văn hóa trong cơ cấu và đầu tư của EU và các quỹ ESI. Hội đồng đại diện cho Thụy Điển tại các nhóm Điều phối sử dụng phương pháp mở trong Chương trình Nghị sự về Văn hóa của Liên minh châu Âu. Mục tiêu của các nhóm này là đưa ra khuyến nghị về những khu vực văn hóa, cũng như xác định các điển hình tốt…

Bộ Giáo dục và Nghiên cứu chịu trách nhiệm về sự hợp tác của Thụy Điển trong UNESCO và Ủy ban Quốc gia Thụy Điển về UNESCO. Nhiều công việc hợp tác quốc tế về văn hóa diễn ra trong các cơ quan chính phủ do Bộ Văn hóa tổng hợp, báo cáo.

Chương trình liên kết với NGOs: Tài trợ của EU đóng vai trò ngày càng lớn trong chính sách văn hóa địa phương và khu vực, điển hình là những tài trợ của NGOs cho Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển. So với nhiều nước châu Âu khác, Thụy Điển nhận được tài trợ tương đối ít của EU cho các dự án văn hóa. Tuy nhiên, Chính phủ đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm kích thích hơn nữa các tổ chức văn hóa và chuyên gia ở Thụy Điển mở rộng phạm vi quốc tế của họ.

Tài trợ cho sự sáng tạo, đóng góp cho văn hóa: Có rất nhiều cơ quan và tổ chức ở Thụy Điển trao các khoản tài trợ, giải thưởng, học bổng cho nghệ sĩ và dự án trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật thông qua Quỹ tác giả Thụy Điển và Ủy ban tài trợ nghệ thuật Thụy Điển, Chính phủ hỗ trợ tài chính cho các nghệ sĩ cá nhân thông qua các khoản tài trợ khác nhau. Trong thời kỳ dịch COVID-19, Quỹ tác giả Thụy Điển đã được ủy quyền phân phối khoản trợ cấp khủng hoảng 10 triệu SEK để hỗ trợ các dịch giả tự do đang gặp khó khăn mất doanh thu do COVID-19. Ngoài ra, Ủy ban cung cấp hỗ trợ tài chính dưới hình thức phụ cấp. Một khoản trợ cấp khủng hoảng đã được phát triển để hỗ trợ các nghệ sĩ cá nhân trong lĩnh vực văn hóa như: nghệ thuật và thủ công, sân khấu, khiêu vũ, xiếc và phim.

Viện Thụy Điển đảm bảo thu nhập tối thiểu hằng năm của các nghệ sĩ. Đồng thời, có những tài trợ cho việc trao đổi quốc tế trong lĩnh vực nghệ thuật, khoa học và truyền thông.

Liên hiệp các nhạc sĩ Thụy Điển đã thành lập một quỹ chống khủng hoảng với sự hỗ trợ của Spotify COVID-19 Music Relief. Tất cả khoản quyên góp sẽ được phân phối cho các nghệ sĩ tự do, nhạc sĩ và nhà sáng tác, người mẫu... có sinh kế bị đe dọa do đại dịch COVID-19.

Viện Phim Thụy Điển đã áp dụng một số biện pháp để bảo vệ và hỗ trợ ngành công nghiệp điện ảnh Thụy Điển trong thời kỳ khủng hoảng như tăng cường hỗ trợ tài chính cho các rạp chiếu phim, phát triển các dự án phim...

Ngân sách cho lĩnh vực NGVH: Theo thống kê năm 2021, chi tiêu cho văn hóa công, các cấp chính quyền, bình quân đầu người năm 2020: 3.307 SEK (tương đương 2.867 EUR). Tỷ lệ chi cho văn hóa công cộng trong GDP năm 2020: 0,69%. Chi tiêu của Chính phủ Thụy Điển cho lĩnh vực văn hóa tăng nhẹ trong khi chi tiêu cho các lĩnh vực khác giảm mạnh. Đồng thời, trong tình hình đại dịch COVID-19, ngân sách dành cho nghệ thuật và văn hóa lại tăng hơn. Cụ thể, vào ngày 8-5-2020, một gói viện trợ mới (319 triệu SEK) đã được Chính phủ đề xuất, nhằm hỗ trợ các tổ chức văn hóa công cộng như bảo tàng, nhà hát và phòng trưng bày nghệ thuật.

3. Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

Ngày nay, NGVH giữ vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động đối ngoại cùng với chính trị, kinh tế; không chỉ phát huy chức năng quảng bá hình ảnh đất nước, con người, giá trị văn hóa nước ta, mà nhờ các ngành công nghiệp văn hóa phát triển sẽ tạo ra lợi nhuận cho lĩnh vực công nghiệp không khói, gắn với sáng tạo, an toàn môi trường. Nghiên cứu về Thụy Điển chúng ta có thể căn cứ vào thực tiễn đất nước, lợi thế riêng để vận dụng cho NGVH quốc gia một cách phù hợp:

Về chiến lược văn hóa, NGVH, Việt Nam đã ban hành thời hạn thực hiện đến 2030, tuy nhiên khi triển khai vẫn có thể học hỏi Thụy Điển về việc gắn chiến lược với ban hành, thực thi chính sách nhà nước đối với văn hóa, NGVH thật nhuần nhuyễn. Mục tiêu văn hóa, NGVH của họ toàn diện: hướng tới mọi tầng lớp, giới, mọi lứa tuổi, coi sáng tạo đa dạng là thước đo của phát triển xã hội, tức là chú ý cả tính đại chúng và tinh hoa. Cơ quan chức năng Việt Nam như Bộ VHTTDL, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo... và các địa phương cần chủ động hơn, có chiến lược của ngành mình lâu dài, thích hợp, nâng cao chất lượng văn nghệ, NGVH để giao lưu, hợp tác với các nước, trong đó có Thụy Điển.

Thụy Điển rất quan tâm đến hợp tác, giao lưu văn hóa khu vực, khối EU, đối tác đa phương với 10 lĩnh vực trọng tâm; chú ý tương tác giữa văn hóa với giáo dục; tổ chức nhiều tổ chức văn hóa, NGVH rất chuyên nghiệp, đủ tầm, đủ tín nhiệm để giao lưu, hợp tác với nước ngoài. Việt Nam cũng nên giảm dần việc tài trợ nhà nước dàn trải, thiên về quản lý hành chính, hoạt động nặng về phong trào dành cho Hội văn nghệ, Hội nghề nghiệp hoạt động kém hiệu quả, ít kết quả cụ thể, không đủ tầm giao lưu quốc tế...

Ngân sách dành cho văn hóa, NGVH Thụy Điển mỗi năm tăng gần 0,1%. Các tổ chức tài trợ cho văn hóa hoạt động quy củ, chi thu rõ ràng, đầu tư theo kết quả đầu ra. Nước ta có thể học hỏi, thiết lập một vài tổ chức thí điểm, Nhà nước đứng ra góp một số vốn, còn lại kêu gọi đóng góp từ các doanh nghiệp lớn lâu nay được ưu đãi đầu tư bất động sản và các lĩnh vực khác nay đã đến lúc góp phần cho lĩnh vực sức mạnh mềm - nội lực văn hóa tinh thần của quốc gia và dân tộc. Có thể coi đó là những tổ chức chuyên trách thúc đẩy giao lưu văn hóa, hợp tác quốc tế và Nhà nước cần đặt hàng, đầu tư theo kết quả đầu ra hoặc tổ chức đấu thầu công việc công bằng cho các đơn vị như Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hãng phim truyền hình Việt Nam... để sản xuất ra các sản phẩm văn hóa chất lượng cao và các đơn vị đó qua chuyên môn khẳng định mình đủ tầm giao lưu, hợp tác với Thụy Điển và các nước.

Mặt khác, cần đẩy mạnh việc số hóa quốc gia, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ, nền tảng số, tăng cường giới thiệu đất nước cũng như văn hóa, con người Việt Nam thông qua hình ảnh các danh lam thắng cảnh, các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa; thúc đẩy giới thiệu ngôn ngữ, phong tục tập quán, lễ hội, trang phục đặc sắc, văn thơ, âm nhạc, hội họa... của con người Việt Nam. Tuy nhiên, phải có cơ chế phát triển văn hóa đại chúng để phục vụ bề nổi và đa số công chúng, phải quyết tâm đầu tư xây dựng phát triển văn hóa tinh anh với những tác phẩm có tầm vóc tỏa sáng; phải lập các Hội đồng chuyên môn đủ uy tín, kể cả hội đồng độc lập với sự tham gia của chuyên gia quốc tế đánh giá, sau nhiều sàng lọc một cách bài bản, công bằng, vì quyền lợi quốc gia, uy tín dân tộc để tiến hành những hoạt động tinh tế này.

____________

1. Jan Melissen, The New Public Diplomacy: Soft Power in International Relations (Ngoại giao công chúng mới: Quyền lực mềm trong quan hệ quốc tế), Palgrave Macmillan, 2007, tr.3-27.

2. E. Barinaga, Swedishness through lagom: Can words tell us anything about a culture? (Tìm hiểu Thụy Điển thông qua lagom: Từ ngữ có thể cho chúng ta biết điều gì về một nền văn hóa), emanticscholar.org, 1999.

3. Kate C. McLean and Moin Syed, The Field of Identity Development Needs and Identity: An Introduction to the Oxford Handbook of Identity Development (Lĩnh vực phát triển nhu cầu và bản sắc: Giới thiệu về Sổ tay Oxford về phát triển bản sắc), oxfordhandbooks.com, tháng 1-2015.

4. David V. Moskowitz, The 100 Greatest Bands of All Time: A Guide to the Legends Who Rocked the World: A Guide to the Legends Who Rocked the World (100 ban nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại: Hướng dẫn về những huyền thoại làm rung chuyển thế giới, ABC-CLIO, 2015.

5. Ngọc Ánh, Thụy Điển có nữ Thủ tướng đầu tiên, vnexpress.net, 24-11-2021.

6. Kamila Marzynska, Sweden’s Public Diplomacy Strategy in the 21 (Chiến lược Ngoại giao Công chúng của Thụy Điển trong thế kỷ 21), diva-portal.org, 2021

PGS, TS LÊ THANH BÌNH - NGUYỄN KHÁNH LINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 500, tháng 6-2022

;