Chiều ngày 7-11, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL tổ chức họp báo Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” và Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chủ trì họp báo.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chủ trì buổi họp báo
Cùng chủ trì buổi họp báo còn có: Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung; Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu tại họp báo
Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch số 3317/KH-BVHTTDL ngày 7-8-2024 và số 3872/KH-BVHTTDL ngày 1-9-2024 về việc tổ chức Tuần Đại Đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” và Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Đây là hoạt động có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc góp phần tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm về việc giữ gìn phát huy văn hóa dân tộc, góp phần củng cố và tăng cường sức mạnh tối đa đoàn kết dân tộc; và cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên quần chúng gặp gỡ giao lưu trao đổi kinh nghiệm nâng cao nhận thức về ý thức giữ gìn trong việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước.
Thông tin về các nội dung Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam”, Quyền Trưởng ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung cho biết, Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” được tổ chức thường niên nhằm hướng tới Lễ kỷ niệm Ngày truyền thống – Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thiết thực chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11) từ đó góp phần tôn vinh 54 dân tộc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Diễn ra từ ngày 16 đến 24-11-2024.
Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung thông tin về các hoạt đồng Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam"
Đây cũng là hoạt động để Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam động viên, khuyến khích những nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các chủ thể văn hóa qua việc tặng quà cho đại diện các nhóm đồng bào tham gia Ngày hội.
Ông Trịnh Ngọc Chung cũng cho biết, có khoảng 200 đồng bào của 17 dân tộc (gồm: Tày, Nùng, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Cơ Tu, Xơ Đăng, Gia Rai, Raglai, Ê Đê, Khmer, Chơ Ro) của 12 địa phương có đồng bào tham gia hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp tổ chức sự kiện (chưa kể đồng bào các địa phương tham dự Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024).
Trong đó, có hơn 100 đồng bào của 16 cộng động hoạt động hằng ngày tại Làng của các địa phương (TP Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Ninh Thuận, Sóc Trăng); đồng thời huy động 25 đồng bào dân tộc Chơ Ro tỉnh Đồng Nai. Bên cạnh đó còn có các đoàn nghệ nhân đồng bào, diễn viên quần chúng một số địa phương tham gia Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024.
Trong khuôn khổ Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra đánh giá 1 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” theo hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, tạo điều kiện các cộng đồng dân tộc đang hoạt động hằng ngày tại Làng gặp gỡ, trao đổi, học tập lẫn nhau, tạo sự gắn bó, đoàn kết giữa các cộng đồng dân tộc trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; Giới thiệu sắc màu văn hóa dân tộc vùng miền tại “Ngôi nhà chung” với không gian của 3 cụm làng gắn liền với các sắc màu văn hóa điểm nhấn của 16 cộng đồng đang hoạt đồng hằng ngày; Giao lưu văn nghệ, thể thao; giới thiệu nghề truyền thống của các dân tộc có phần tương tác trình diễn của các nghệ nhân đồng bào và du khách…
Tại buổi họp báo, thông tin về Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết, với chủ đề “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái trong giai đoạn hiện nay” Liên hoan do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với 14 tỉnh, thành phố tổ chức.
Liên hoan diễn ra từ ngày 16 đến 18-11-2024 (3 ngày) tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), với sự tham gia của các nghệ nhân, diễn viên quần chúng các dân tộc Tày, Nùng, Thái hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại địa bàn 14 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Đắk Nông, Đắk Lắk và Lâm Đồng), đồng thời có sự tham gia phối hợp tổ chức của các cơ quan, ban, ngành Trung ương.
Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung thông tin với báo chí về Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái
Bà Nguyễn Thị Hải Nhung nhấn mạnh, Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái là hoạt động có ý nghĩa, nhằm tôn vinh, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Tày, Nùng, Thái trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; tạo điều kiện để các địa phương giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4-6-2020 của Bộ Chính trị.
Liên hoan cũng là dịp bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại về "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" đã được UNESCO ghi danh vào ngày 12-12-2019 tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14.
Các hoạt động văn hóa tại Liên hoan bao gồm: Biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật hát Then, đàn Tính; Không gian Trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa truyền thống; Trình diễn nghề truyền thống Dệt thổ cẩm và chế tác đàn Tính của các dân tộc Tày, Nùng, Thái và trưng bày, chế biến, giới thiệu ẩm thực dân tộc truyền thống của các địa phương tham gia Liên hoan; Trưng bày ảnh “Di sản nghệ thuật hát Then - đàn Tính” và Trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Then trong đời sống các dân tộc Tày, Nùng, Thái”.
Các hoạt động khác trong khuôn khổ Liên hoan: Tổ chức viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh của 14 Đoàn tham gia Liên hoan, Tham quan di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn; Diễu hành theo tuyến đường: Hai Bà Trưng - Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng - Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục; Khai mạc Triển lãm ảnh "Di sản nghệ thuật hát Then, đàn Tính" và Biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật hát Then, đàn Tính của các Đoàn tham gia Liên hoan tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Lễ Khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam và Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024” sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 16-11-2024 tại Quảng trường Đại đoàn kết, Khu các làng dân tộc II, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.
Lễ Bế mạc tổng kết Liên hoan vào lúc 15 giờ ngày 18-11-2024 tại Sân Lễ hội làng III, Khu các làng dân tộc III, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Trả lời phóng viên tại buổi họp báo về điểm nhấn trong Lễ khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” và Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024”, ông Trịnh Ngọc Chung cho biết, tại lễ khai mạc, sẽ có chương trình nghệ thuật với chủ đề “Việt Nam – kỷ nguyên vươn mình”, gồm 4 chương. Chương 1 “Lời cây đàn Tính”; Chương 2 “Di sản, hội tụ và tỏa sáng”; Chương 3 “Chung một niềm tin”; và Chương 4 “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”… Thông qua hình thức, ngôn ngữ nghệ thuật, chương trình mong muốn góp phần giữ gìn và tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Các phóng viên đặt câu hỏi đến Ban Tổ chức
Phát biểu kết luận buổi họp báo, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam và Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024” nhằm tăng cường liên kết giữa các địa phương trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong hoạt động xúc tiến, quảng bá, phát triển du lịch.
Thông qua các hoạt động góp phần củng cố và tăng cường sức mạnh tối đa đoàn kết dân tộc, lan tỏa, tôn vinh giá trị văn hóa của các đồng bào dân tộc đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế; đồng thời giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm về việc giữ gìn phát huy văn hóa dân tộc.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy mong muốn đội ngũ phóng viên các cơ quan báo chí tuyên truyền sâu rộng những hoạt động ý nghĩa này đến với đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.
AN THÁI - Ảnh: TUẤN MINH