Xây dựng Đảng về đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay

Sinh thời, mối quan tâm thường trực của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xây dựng Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”. “Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng” cũng là nhiệm vụ mà Đảng đã xác định tại đại hội XII. Như vậy, xây dựng Đảng về đạo đức là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, nhằm xây dựng cái gốc cho sự vững bền của Đảng, tăng cường sự thống nhất trong Đảng và tạo điều kiện để củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiệt giữa Đảng với nhân dân. Đặc biệt, đối với cán bộ, đảng viên, bốn đức tính: cần, kiệm, liêm, chính là nội dung cốt lõi, phản ánh đạo đức cách mạng, là “nền tảng của đời sống mới”, là phẩm chất trung tâm của đạo đức. Xây dựng Đảng về đạo đức theo tư tưởng hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là một vấn đề lớn, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đi sâu vào vấn đề cốt lõi: xây dựng đức tính liêm cho đảng viên hiện nay.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng Đảng về đạo đức là vấn đề quyết định đến sinh mệnh của Đảng: “Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (1). Ngay từ những lớp huấn luyện chính trị đầu tiên (1925-1927), Hồ Chí Minh đã đặt lên trước hết bài giảng về tư cách của một người cách mạng để đào tạo những “hạt giống đỏ” của cách mạng Việt Nam. Theo Người, xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng, thấm nhuần đạo đức cách mạng với nội dung toàn diện, trong đó chú trọng các chuẩn mực cơ bản: trung với nước, hiếu với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, yêu thương con người, tinh thần quốc tế trong sáng.

Liêm là một trong bốn đức tính cốt lõi của con người (cần, kiệm, liêm, chính), đặc biệt, đối với cán bộ, đảng viên, đây là nội dung cốt lõi, phản ánh đạo đức cách mạng, là phẩm chất trung tâm của đạo đức. Tháng 6-1949, để tiếp tục nhắc nhở cán bộ về đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Cần, kiệm, liêm, chính. Bác coi bốn đức tính trên là những đức tính của người cán bộ cách mạng, cũng giống như: “Trời có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người”.

Trên Báo Cứu Quốc ngày 1-6-1949, Người đã chỉ ra rằng, liêm là trong sạch, không tham lam. Liêm là luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân; không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của nhà nước, của nhân dân. Tức là phải trong sạch, không tham lam địa vị, tiền của, danh tiếng, sung sướng. Không tâng bốc mình. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ. Hành vi trái với chữ liêm là cậy quyền thế mà đục khoét, ăn của dân, hoặc trộm của công làm của riêng. Dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình. Người cũng phân tích rõ, người tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng năm 2016: “Không liêm, không sạch thì không nói được ai, không kiểm tra, giám sát, không kỷ luật được người khác”. Như vậy, để Đảng ta thật sự là một Đảng lãnh đạo, là đầy tớ trung thành của nhân dân thì trước hết, cán bộ, đảng viên phải thực hành đoàn kết, thanh khiết. Chính vì lẽ đó, trong những phẩm chất cần có của người cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao chữ liêm.

Thực tế đã cho thấy, bên cạnh phần lớn cán bộ, đảng viên giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, thực hiện đức tính liêm nghiêm túc thì có một bộ phận không nhỏ các cán bộ, đảng viên tham nhũng, tham địa vị, tiền tài, nhận đút lót, hối lộ, dùng của công vào việc tư đang trở thành quốc nạn. Vấn đề này đã được chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Qua kết quả thanh tra trong ba năm gần đây (2015-2017) cho thấy: “Trung bình mỗi năm, toàn ngành thanh tra triển khai 6.918 cuộc thanh tra hành chính và 517.995 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm 100.267 tỷ đồng, 16.217 ha đất, trong đó kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 40.203 tỷ đồng và 6.068 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý hàng trăm nghìn tỷ đồng, hàng chục nghìn ha đất. Trong ba năm, Thanh tra Nhà nước đã kiến nghị kỷ luật hành chính đối với gần 5.000 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 386 vụ, 352 đối tượng” (2).

Đáng chú ý là trong các đối tượng bị xử lý kỷ luật này, hầu hết đều là cán bộ, đảng viên có vai trò chính trong các vụ việc vi phạm. Theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương, trong năm 2017, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp, sau khi kiểm tra các tổ chức đảng và đảng viên, đã kết luận: “708 tổ chức đảng và 1482 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm, phải thi hành kỷ luật 22 tổ chức đảng và 350 đảng viên, trong đó có nhiều đảng viên bị khai trừ khỏi Đảng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương qua kiểm tra có dấu hiệu vi phạm 12 tổ chức đảng và 16 đảng viên, trong đó có ba Ủy viên Trung ương Đảng nhiệm kỳ XI,XII, đã thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với 18 đảng viên, đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật ba tổ chức đảng bằng hình thức cảnh cáo và 10 đảng viên từ cảnh cáo đến cách chức; đề nghị tổ chức đảng cấp dưới thi hành kỷ luật hai tổ chức đảng. Ủy ban Kiểm tra các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 3.589 tổ chức đảng và 10.363 đảng viên, kết luận 2.398 tổ chức đảng và 8.453 đảng viên có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 173 tổ chức và 3.761 đảng viên” (3).

Vụ án Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ điển hình cho con đường sa ngã, suy thoái đạo đức của đảng viên hiện nay. Mặc dù để xảy ra tình trạng thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng ở Tổng công ty PVC, nơi ông Trịnh Xuân Thanh từng giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt (2007-2013) nhưng Trịnh Xuân Thanh vẫn được bổ nhiệm Phó Chủ tịch tỉnh. Các cáo trạng đã cho thấy Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt được 14 tỷ đồng và có 8 bị can bị truy tố cùng tội tham ô tài sản, tổng số tiền chiếm đoạt của các bị can lên tới 49 tỷ đồng trong tổng số hơn 87 tỷ đồng tiền nhượng cổ phần.

Sáng 25-6-2018, tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), ông Phan Đình Trạc - Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã trình bày báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay. Kết quả cho thấy sau hơn 4 năm thực hiện kết luận của Tổng bí thư, hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nhà nước với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt từ các cấp, các ngành, công tác PCTN đã từng bước được kiềm chế và “có chiều hướng thuyên giảm”, củng cố niềm tin và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, đảng viên. 50 cán bộ diện trung ương quản lý, trong đó có 9 trường hợp là Ủy viên Trung ương, nguyên là Ủy viên Trung ương đã bị kỷ luật, khai trừ đảng 01 đồng chí. Qua thanh tra, kiểm toán, cơ quan chức năng kiến nghị thu hồi trên 260.000 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự hơn 340 vụ, 436 đối tượng...

Trong phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào. Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, không ai đứng ngoài. Và không thể đứng ngoài được”. Chính từ sự quyết tâm mạnh mẽ của người đứng đầu trong tổ chức đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham ô, tham nhũng, cũng như suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã có những chuyển biến tích cực.

Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, công tác xây dựng Đảng được Đảng xác định là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt, xây dựng, bồi đắp, nâng cao đạo đức cách mạng cho từng đảng viên là mối quan tâm hàng đầu. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã bổ sung vào công tác xây dựng Đảng nội dung xây dựng Đảng về đạo đức. Đại hội đã xác định nhiệm vụ: “Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng”. Tập trung thực hiện mục tiêu: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và đạo đức”. Vận dụng tư tưởng xây dựng Đảng về đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào công tác xây dựng Đảng hiện nay cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng Đảng về đạo đức; chú trọng giáo dục các chuẩn mực đạo đức của Đảng và cán bộ, đảng viên; quán triệt và thực hiện đúng các nguyên tắc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; gắn kết xây dựng Đảng về đạo đức với các nội dung xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Đặc biệt, mỗi cán bộ, Đảng viên thuộc diện chiến lược phải phấn đấu, rèn luyện theo những tiêu chuẩn chung về đạo đức, trí tuệ, năng lực, tầm nhìn chiến lược, khả năng lãnh đạo. Đồng thời, các tổ chức Đảng từ trung ương cho tới cấp ủy phải chú trọng đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng nhiều hơn để có được đội ngũ những cán bộ đảng viên chất lượng, vừa hồng vừa chuyên.

Để thực hiện chữ liêm, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần tuyên truyền, kiểm soát, giáo dục và pháp luật từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Theo Người, cán bộ các cơ quan, đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn hối lộ, có dịp “dĩ công vi tư”. Người nói: “Mỗi người phải nhận thấy rằng tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân” (4). Vì lẽ đó, cán bộ đảng viên, đặc biệt người lãnh đạo, cần phải thi đua thực hành liêm khiết để làm gương cho quần chúng noi theo.

Ngay nay, tình trạng thoái hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức, có quyền, có biểu hiện bất liêm, tham ô, tham nhũng trở thành quốc nạn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên xuất phát từ việc không thực hiện đúng chữ liêm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Hơn lúc nào hết, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần phải ra sức thực hành đức tính liêm. Cán bộ, đảng viên là người lãnh đạo, là công bộc tận tụy của dân thì không thể không tu dưỡng, rèn luyện và hiện thực hóa đức tính liêm. Mỗi đảng viên cần phải làm gương thực hành liêm khiết trong cuộc sống, trong thi hành công vụ. Đồng thời, pháp luật phải nghiêm khắc, thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm.

“Mỗi tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh với cương vị người đứng đầu tổ chức Đảng, luôn là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực, phong cách lãnh đạo, hết lòng phụng sự cho tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chúng ta thấy ở Người một tinh thần “giàu sang không quyến rũ, nghèo khó không chuyển lay, uy vũ không khuất phục”, là một tấm gương mẫu mực trong rèn luyện, thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Chính vì vậy, mỗi đảng viên cần học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, đặc biệt, đức tính liêm khiết của Người. Mỗi đảng viên cần cố gắng rèn luyện đạo đức, không tham lam, tư lợi thì dân tộc ta mới có thể “giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”.

______________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tập5, tr.252 - 253.

 2, 3. nhandan.vn.

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 5, tr.640.

 

Tác giả: Nguyễn Liên Hương

Nguồn : Tạp chí VHNT số 412, tháng 10 - 2018

;