Xây dựng các sản phẩm du lịch địa phương gắn với giá trị văn hóa của các dân tộc ít người khu vực miền núi phía Bắc (Qua nghiên cứu trường hợp huyện Mộc Châu, Sơn La)

Bài viết nghiên cứu trường hợp điển hình huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La để thấy thực trạng sản phẩm du lịch, gợi mở cho việc xây dựng sản phẩm du lịch ở huyện Mộc Châu nói riêng và khu vực miền núi phía Bắc nói chung để có thể đáp ứng được những nhu cầu đa dạng của khách du lịch, đồng thời, phát huy được giá trị của các di sản văn hóa.

1. Những giá trị văn hóa của các dân tộc ít người ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La trong phát triển du lịch

Mộc Châu là huyện lớn nhất của tỉnh Sơn La, được coi là cửa ngõ của Sơn La và Tây Bắc. Nằm ở độ cao 1.050m so với mực nước biển, Mộc Châu là cao nguyên lớn trải dài khoảng 80km, rộng 25km mang đặc trưng của huyện miền núi cao, địa hình bị chia cắt mạnh, có nhiều núi cao hiểm trở và thung lũng rộng. Đường giao thông quanh co, uốn lượn trên sườn núi, qua nhiều đèo dốc, đồng thời qua nhiều cảnh quan núi rừng, bản làng… Mộc Châu được mệnh danh là Đà Lạt của miền Bắc bởi khí hậu mát mẻ, trong lành, đất đai màu mỡ, có nhiều danh lam, thắng cảnh sơn thủy hữu tình... thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Dân số của Mộc Châu tính đến năm 2020 khoảng 20 vạn người chiếm 15% dân số toàn tỉnh, trong đó, tập trung chủ yếu các dân tộc: Thái 33%, Kinh 29%, Mường 16%, Mông 15%, Dao 6%, Xinh Mun 0,4%, Khơ Mú 0,3%... và một số dân tộc ít người khác. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán khác nhau tạo nên một bức tranh văn hóa sống động và đầy màu sắc, phù hợp để phát triển du lịch văn hóa. Tuy nhiên, nhiều giá trị văn hóa ở nơi đây còn ở dạng tiềm ẩn cần được đánh thức và đưa vào khai thác. Trong bài viết này, chúng tôi lựa chọn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc nhất của các tộc người Thái, Mường, Mông, Dao để phân tích đưa vào phục vụ phát triển du lịch.

Nhà ở truyền thống

Khi đến Mộc Châu với những bản sương giăng, những đèo mây phủ, du khách được ở trong những ngôi nhà đơn sơ của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Thái, Mường để có cơ hội tiếp xúc sâu hơn với văn hóa bản địa và trải nghiệm cuộc sống của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Mỗi dân tộc có cách xây dựng ngôi nhà cổ truyền theo một phong cách riêng biệt và đặc trưng dựa vào phong tục tập quán của họ. Nhà của người Thái ở Mộc Châu được chia thành 2 nhóm: nhà của người Thái Đen và Thái Trắng. Nhà Thái Đen là nhà sàn có mái hình mai rùa và hai đầu hồi có khau cút, không có hiên ở phía trước. Nhà của người Thái Trắng là nhà sàn có mái hình chữ nhật, thường có hàng hiên ở phía trước. Qua khảo sát, chúng tôi thấy, khác với nhà của người Thái, nhà ở của người Dao là loại hình nhà đất, không được thoáng đãng, sạch sẽ như nhà của người Thái, người Mường. Nhà của người Dao chủ yếu làm bằng tranh tre, nứa lá. Nhà của người Mường chủ yếu là nhà sàn. Đối với cộng đồng dân tộc ở nơi đây, xây nhà là việc rất quan trọng cho nên nguyên liệu chính để cất nhà được chuẩn bị kỹ lưỡng. Thời gian chuẩn bị gỗ để làm nhà có thể từ 1-3 năm, thông thường gỗ làm cột chính là loại gỗ to, thẳng, có lõi cứng để không bị mối mọt như: cây thọ, táu, sến, chò chỉ... Còn gỗ làm kèo thường là xoan, mỡ, ba soi. Tất cả các cây này đều phải đáp ứng một số yêu cầu như cây không được cụt ngọn, không được sét đánh, không được dây leo quấn quanh thân, cây bị đổ. Họ quan niệm rằng: nếu lấy những cây như vậy về làm nhà thì sẽ đem những điều không may mắn đến với gia đình như người ốm đau, tai nạn, mùa màng thất bát… Nhà cổ truyền của người Mông có ít cửa sổ nên trong nhà rất tối, khi cần lấy ánh sáng vào trong nhà, họ sẽ dùng gậy đẩy nghiêng một tấm ván lợp trên nóc. Còn hai bên chái của nhà thì một bên để nước sinh hoạt của gia đình, bên kia dùng làm chỗ để cối đá xay ngô, ở một số hộ gia đình thì cối xay ngô được để ở hiên trước của nhà.

Ẩm thực

Ẩm thực của các dân tộc huyện Mộc Châu rất phong phú, đa dạng với nhiều món đặc sản: cá nướng, trâu bò nướng, thịt băm gói nướng, thịt hun khói, thịt treo gác bếp, cơm lam, xôi màu tím, bánh dày, mèn mén, măng chua, các món nộm, các món chua... Về đồ uống, ngoài trà là đặc sản của vùng cao nguyên Mộc Châu, qua khảo sát, chúng tôi rất ấn tượng với rượu hoãng - một loại rượu truyền thống của đồng bào Dao. Rượu được chưng cất từ gạo nếp, hương vị rất thơm, nồng độ vừa phải, uống ngon, không bị nhức đầu... rất hợp đưa vào trong kinh doanh du lịch.

Sản phẩm thủ công truyền thống

Bất kỳ du khách nào, khi đặt chân đến một vùng đất để tham quan đều muốn lưu giữ những kỷ niệm. Đó có thể là phong cảnh hữu tình, những di tích lịch sử giàu giá trị lịch sử văn hóa, những phong tục tập quán, những ứng xử giàu chất văn hóa của cư dân bản địa hay chỉ đơn thuần là một làn điệu dân ca hoặc có thể là những món đồ lưu niệm mà họ mua được tại các điểm du lịch. Đây là những món đồ thường có giá trị không quá cao nhưng mang ý nghĩa tinh thần rất lớn, là những thứ hữu hình có thể lưu giữ lâu dài sau khi kết thúc chuyến đi, có thể làm quà để tặng bạn bè, người thân… Tại huyện Mộc Châu hiện vẫn còn một số nghề thủ công truyền thống như: nghề dệt, nghề mộc, nghề đan, làm giấy… Mỗi dân tộc lại có một nghề để làm kế sinh nhai. Người Thái và người Mông nổi tiếng với nghề dệt, các dân tộc khác thì có các nghề mộc, rèn, đan… Tuy nhiên, hầu hết đồng bào dân tộc nơi đây vẫn làm theo kiểu tự cung, tự cấp, chưa có những sản phẩm đặc sắc đáp ứng được thị hiếu của khách du lịch.

Lễ hội truyền thống

Đối với Mộc Châu, có 2 lễ hội đặc sắc cần quan tâm, phát triển đó chính là lễ hội hoa ban của người Thái và Tết Độc lập của người Mông.

Lễ hội hoa ban thực chất là lễ hội cầu an cho bản mường của người Thái ở Mộc Châu, là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng quan trọng đối với cộng đồng. Đây là lễ hội thường được tổ chức vào cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai âm lịch (đây là khoảng thời gian mà hoa ban nở rất đẹp). Trong lễ hội, người ta thường giết trâu để hiến sinh và tạ thần linh, lễ hội có liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh của cả bản mường, đến mùa màng, sức khỏe và sự làm ăn của cộng đồng trong năm, nên được tổ chức rất trọng thể, vui vẻ, thu hút sự tham gia của đồng bào ở địa vực lớn (bản, mường).

Tết Độc lập là ngày hội văn hóa của đồng bào dân tộc Mông ở Mộc Châu. Từ ngày 30-8 đến 2-9 cộng đồng dân tộc Mông từ khắp mọi miền về Mộc Châu để giao lưu văn hóa, gặp gỡ trao đổi tâm tình. Trong những ngày này có rất nhiều hoạt động diễn ra như: ca nhạc, cắm trại, tổ chức các cuộc thi về văn hóa, văn nghệ dân gian, hội chợ ẩm thực. Tất cả những hoạt động diễn ra khá hoành tráng và có sức hấp dẫn cao thu hút hàng vạn người tham gia.

Dân vũ

Ngoài 2 lễ hội truyền thống kể trên, đến với Mộc Châu, du khách còn được hòa mình vào những điệu múa, tiếng khèn độc đáo của đồng bào dân tộc nơi đây. Kho tàng múa của các dân tộc huyện Mộc Châu rất phong phú, mỗi điệu múa là sự kết tinh của truyền thống văn hóa, quan niệm của đồng bào về cuộc sống xã hội, nhân sinh, tín ngưỡng, tôn giáo nên có sức sống mãnh liệt. Có thể kể đến những điệu múa như: dân tộc Mông có nhảy khèn, múa khèn, múa ô, gậy tiền, se sợi; dân tộc Dao có múa chuông, múa kiếm, múa rùa, bắt ba ba; dân tộc Thái có múa xòe vòng, xòe chá, xòe hoi, múa khăn, múa nhạc; dân tộc Mường có múa quạt mo, múa kiếm, múa sạp; dân tộc Xinh Mun có múa tra hạt, múa tăng bu, tăng bẳng; dân tộc Kinh có múa lân, múa quạt. Đây là những món ăn tinh thần cần thiết, không những đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của du khách, mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của các bản mường.

2. Một số gợi ý khi xây dựng sản phẩm du lịch gắn với giá trị văn hóa của các dân tộc ít người ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La và các tỉnh vùng núi phía Bắc

Xác định hệ thống câu hỏi về giá trị văn hóa trong xây dựng sản phẩm du lịch

Chúng ta có một kho tàng di sản văn hóa của các dân tộc ít người tại khu vực miền núi phía Bắc. Điển hình có thể kể tới hệ thống di sản của đồng bào: Mông, Dao, Thái, Mường, Tày, Nùng… Tuy nhiên, không phải giá trị văn hóa nào cũng có thể áp dụng và khai thác nó dưới dạng một sản phẩm du lịch. Để xác định được, giá trị văn hóa nào có thể trở thành một sản phẩm du lịch đích thực, phục vụ tốt nhu cầu của du khách, người làm du lịch tại những khu du lịch cộng đồng hay những nhà đầu tư, kinh doanh du lịch cần phải cân nhắc giá trị văn hóa theo những câu hỏi: Di sản này có những giá trị gì? (thẩm mỹ, lịch sử, khoa học, xã hội, giáo dục...); Vị thế của di sản như thế nào? (quý hiếm hay phổ thông, nét độc đáo, có đại diện cho cộng đồng hay không?); Nếu làm du lịch sẽ ảnh hưởng như thế nào? (tích cực, tiêu cực: địa phương, văn hóa, tài nguyên...); Di sản được bảo vệ, bảo dưỡng, tu sửa không?; Di sản liên quan tới ai? (các bên liên quan tới di sản); Mức độ cạnh tranh của di sản? Mức độ nổi tiếng của di sản?; Di sản có thể tiếp cận nó hay không?; Những câu chuyện xung quanh di sản có gì độc đáo?; Nếu dựa vào di sản đó phát triển du lịch, cơ sở vật chất có đáp ứng nhu cầu hay không?; Du khách có được trải nghiệm di sản hay không?; Du khách sẽ tiếp nhận được những gì từ di sản?

Áp dụng mô hình Business model Canvas trong xây dựng sản phẩm du lịch

Khi đã xác định một di sản văn hóa có tiềm năng để phát triển thành một sản phẩm du lịch, chúng ta phải đặt sản phẩm trong một hệ thống các câu hỏi liên quan để xác định tính khả thi khi phát triển sản phẩm. Có nhiều cách để có thể xác định được tính khả thi của sản phẩm, tuy nhiên hiện nay, chúng ta có thể áp dụng bộ câu hỏi theo chuỗi logic của mô hình kinh doanh Canvas: Giá trị cam kết: Tạo ra giá trị gì? Sản phẩm, dịch vụ gì?; Chất lượng sản phẩm ra sao? Có nét gì khác biệt?; Phân khúc khách hàng: Nhóm khách hàng mục tiêu: Kênh phân phối: Kênh bán: Online, trực tiếp; Quan hệ khách hàng: Có mối quan hệ chưa?; Những dòng thu nhập: Thu nhập qua những dòng nào?; Khả năng lõi: Có những khả năng gì?; Nguồn lực/ khả năng chính: Cần phối hợp bao nhiêu nguồn lực; Hoạt động chính; Đối tác chính; Cơ cấu chi phí.

Hình thành triết lý trong xây dựng sản phẩm du lịch

3 “giữ”: Môi trường: Giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số luôn được đặt trong một môi trường cụ thể. Vì vậy, việc bảo vệ môi trường là tiền đề để bảo vệ giá trị văn hóa. Bên cạnh đó, môi trường theo nghĩa rộng nó chính là vật hút du lịch để tạo ra những giá trị lõi thu hút du khách đến với cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Văn hóa: Nếu mất đi bản sắc văn hóa, cộng động dân tộc thiểu số đó không còn những yếu tố để nhận diện dân tộc mình và như vậy cũng mất đi lợi thế cạnh tranh và khả năng xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch văn hóa.

Nhân lực: Con người là nhân tố quyết định của mọi nhân tố. Phải chú trọng vào yếu tố con người, nhân lực. Phải có một nguồn nhân lực làm du lịch yêu văn hóa, tôn trọng văn hóa, có tư duy sáng tạo ra những giá trị văn hóa du lịch mới trên nền tảng bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, phải có một nguồn nhân lực đủ về kiến thức, kĩ năng, thái độ trong quá trình phát triển du lịch địa phương.

4 “trao”: Giá trị văn hóa: Du khách đến với cộng đồng các dân tộc thiểu số để được thẩm nhận các giá trị văn hóa, chính vì vậy, những người làm du lịch khi thiết kế sản phẩm phải có những sản phẩm du lịch rất cụ thể về ăn, mặc, ở, đi lại, đồ lưu niệm, hoạt động sinh hoạt cộng đồng để trao được những giá trị văn hóa cụ thể mang bản sắc dân tộc đến với du khách.

Nụ cười: Đó chính là sự thân thiện của người làm du lịch. Du khách đi du lịch để được hưởng những giá trị văn hóa, tìm hiểu nét đẹp văn hóa địa phương và đặc biệt là những nét đẹp của con người qua các vùng miền. Chính vì vậy, sự phục vụ tận tâm, sự phục vụ từ trái tim thông qua những nụ cười sẽ góp phần làm cho sản phẩm du lịch được cảm xúc hóa, mang lại sự trải nghiệm tuyệt vời cho du khách.

Không gian hưởng thụ sản phẩm: Một sản phẩm du lịch khi muốn hưởng thụ một cách trọn vẹn phải gắn với một không gian mà sản phẩm đó được tạo ra. Không chỉ chú trọng đến chất lượng của từng sản phẩm cụ thể, mà còn phải chú ý đến không gian mang tính chất nghệ thuật, an toàn, vệ sinh để du khách được hưởng trọn vẹn một sản phẩm du lịch.

Ấn tượng: Hãy tạo ra cho khách sự ấn tượng ngay từ quá trình tiếp xúc ban đầu, sự ấn tượng trong các sản phẩm mang hồn cốt văn hóa của dân tộc, sự ấn tượng trong cung cấp phục vụ, trong cam kết về chất lượng dịch vụ.

Kinh tế du lịch là một ngành kinh tế năng động, luôn đòi hỏi sự trải nghiệm mới bởi hành trình du lịch là hành trình của sự khám phá trải nghiệm. Để đáp ứng tốt nhu cầu của du khách, việc sáng tạo những sản phẩm du lịch dựa trên giá trị văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số là công việc có ý nghĩa thực tiễn góp phần tạo nên sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam. Tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch từ các giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số còn rất nhiều. Hy vọng rằng, những phân tích và gợi ý của bài viết sẽ góp phần định hướng trong xây dựng sản phẩm du lịch từ những giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số ở tỉnh Sơn La nói riêng và các tỉnh vùng núi phía Bắc nói chung một cách hiệu quả, bền vững. 

________________

Tài liệu tham khảo

1. S. Medlik, Dictionary of Travel, Tourism and Hospitality, Nxb Butter Heinemann, 2004, tr.168.

2. Michael Mc Coltman, Tiếp thị du lịch, CMIE & Trung tâm dịch vụ đầu tư và ứng dụng khoa học kinh tế, TP.HCM, 1991.

3. Đổng Ngọc Minh, Vương Lôi Đình, Kinh tế du lịch và Du lịch học, Nxb Trẻ, 2001, tr.234.

4. Luật số 09/2017/QH14, Luật Du lịch, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ban hành ngày 19-6-2017.

TS ĐỖ TRẦN PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 539, tháng 7-2023

;