Vĩnh Long: Hoạt động thư viện ở Mang Thít

Hoạt động thư viện là một phần không thể thiếu trong sự nghiệp văn hóa, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Thư viện còn là cơ quan thông tin, giải trí, văn hóa giáo dục ngoài nhà trường. Thư viện có nhiệm vụ phục vụ, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Thư viện huyện Mang Thít trực thuộc Trung tâm Văn hóa - Thông tin & Thể thao huyện có chức năng xây dựng và tổ chức việc sử dụng chung vốn tài liệu thư viện để phục vụ việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương. Thư viện huyện còn có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hoạt động, tổ chức thực hiện, phục vụ và tạo điều kiện thuận lợi cho người đọc sử dụng vốn tài liệu, tổ chức các hình thức phục vụ độc giả, thường xuyên tổ chức các hoạt động thông tin - tuyên truyền giới thiệu sách, báo để thu hút người đọc, tham gia xây dựng và phát triển mạng lưới, hướng dẫn nghiệp vụ cho các phòng đọc sách trên địa bàn, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện. Những năm qua, Thư viện huyện Mang Thít đã làm tốt vai trò của mình, đóng góp nhiều trong công tác phục vụ bạn đọc, tra cứu thông tin của các tầng lớp  nhân dân trong huyện, nhất là các em học sinh, sinh viên.

Trong công tác thư viện, hoạt động phục vụ bạn đọc là khâu quan trọng nhất. Thư viện đã đổi mới phương thức phục vụ bạn đọc từ kho kín sang kho mở, để bạn đọc dễ dàng tiếp cận tài liệu mà mình cần tìm. Ngoài việc phục vụ bạn đọc tại chỗ, Thư viện còn cho mượn về nhà, mở phòng đọc điện tử giúp bạn đọc tra tìm tài liệu, giải trí: nghe nhạc, xem phim, lên facebook, zalo, gửi email… Trong năm, Thư viện đã phục vụ 19.016 lượt bạn đọc với tổng số lượt tài liệu phục vụ là 23.292 lượt. Đến với Thư viện Mang Thít, bạn sẽ được thủ thư hướng dẫn thủ tục cấp thẻ nhanh chóng để có thể dễ dàng đọc hay mượn sách, báo, tạp chí.

Với phương châm “Sách đi tìm người đọc, ” Thư viện huyện Mang Thít còn tổ chức phục vụ lưu động đến các điểm Trường Tiểu học và Trung học cơ sở. Trong năm, Thư viện đã phục vụ lưu động đến 5 điểm trường, thu hút hơn 2.000 lượt học sinh tham gia, với hơn 1.000 bản sách, 100 tạp chí.

Để có sách báo đầy đủ đáp ứng nhu cầu bạn đọc, công tác xây dựng vốn tài liệu luôn được Thư viện chú trọng. Hiện nay, vốn tài liệu của Thư viện là 19.925 bản, với 20 đầu báo, tạp chí. Hằng năm, Thư viện đều có sự bổ sung. Trong năm, đã có 136 bản sách (trị giá 9.328.000), 11 loại báo, tạp chí  (trị giá 10.546.200) được bổ sung cùng 09 loại báo, tạp chí do các cơ quan, ban ngành tặng. Ngoài ra, Thư viện còn nhận sách biếu tặng của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và các tổ chức khác.

Công tác thông tin tuyên truyền là một nhiệm vụ trọng tâm. Đây là hoạt động được Thư viện thực hiện thường xuyên, liên tục. Hàng tháng, Thư viện đều giới thiệu sách trên Đài Truyền thanh huyện, bản tin Thư viện, trên trang Facebook cơ quan. Trong năm, Thư viện đã giới thiệu 18 bản sách, thu hút khoảng 500 lượt người xem và 16.000 lượt người nghe. Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, Thư viện đều tổ chức triển lãm sách, báo, tạp chí Mừng Đảng - Mừng Xuân thu hút nhiều bạn đọc. Hằng tháng, Thư viện đều triển lãm sách theo từng chủ đề kỷ niệm các ngày lễ. Trong năm 2020, Thư viện đã trưng bày 745 bản sách, báo tạp chí nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020), mừng Xuân Canh Tý, mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3, kỷ niệm ngày Sách Việt Nam lần thứ 7 (21/4/2014-21/4/2020), kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam (30/4/1975-30/4/2020), ngày Quốc tế Lao động 01/5, kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), kỷ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và ngày Gia đình Việt Nam 28/6, kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, kỷ niệm ngày Vì nạn nhân chất độc da cam 10/8 và 75 năm Cách mạng Tháng Tám - Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam 2/9, kỷ niệm ngày Toàn dân phòng cháy và chữa cháy 4/10 và ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12…

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn, Thư viện đã trang bị phần mềm Mylib để quản lý bạn đọc và tài liệu trên máy. Hiện nay, công việc chuyên môn của Thư viện đa số thực hiện trên phần mềm Mylib, đã nhập được 12.635 biểu ghi. Để bảo quản tốt vốn tài liệu, tất cả các loại sách nhập về đều được đóng gáy, bao bìa cẩn thận mới đem ra phục vụ bạn đọc. Ngoài ra, Thư viện còn tổ chức hồi cố các sách cũ trong kho.

Để góp phần làm phong phú thêm vốn tài liệu ở cơ sở. Thư viện huyện Mang Thít còn kết hợp với Thư viện tỉnh luân chuyển mỗi năm 2 đợt. Trong năm 2020, đã có 9.600 bản sách các loại được luân chuyển các phòng đọc sách cơ sở: Nhà văn hóa xã Chánh An, Nhà văn hóa xã Long Mỹ, Trung tâm học tập cộng đồng xã Tân An Hội, Phòng đọc sách liên ấp xã Tân An Hội, Phòng đọc sách liên ấp xã An Phước, Nhà văn hóa xã Tân Long, Trung tâm học tập cộng đồng Thị trấn Cái Nhum, cùng 5 điểm bưu điện văn hóa xã, 4 điểm trường tiểu học trong huyện… Trong các đợt luân chuyển và thu hồi sách, Thư viện đã làm tốt công tác kiểm tra các phòng đọc sách, hướng dẫn thủ thư các nơi cách ghi chép rõ ràng nhật ký bạn đọc, cách ghi chép bổ sung sách vào sổ đăng ký cá biệt, cách sắp xếp sách ngăn nắp, phương pháp phục vụ, bảo quản sách. Trong năm, Thư viện đã hướng dẫn nghiệp vụ cho thủ thư phòng đọc sách Trung tâm học tập cộng đồng xã Tân Long.

Công tác xây dựng mạng lưới cơ sở cũng được Thư viện quan tâm. Hiện tại, trên địa bàn huyện có 7 phòng đọc sách thuộc Trung tâm học tập cộng đồng của xã, 4 phòng đọc sách liên ấp đang hoạt động. Thư viện đều hỗ trợ sách cho các phòng đọc này.

Hoạt động của Thư viện huyện Mang Thít và các phòng đọc cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiếp thu đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những việc làm của Thư viện huyện Mang Thít trong năm qua phần nào đáp ứng được nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí của người dân, tạo được một môi trường giáo dục, lành mạnh để các em học sinh tự nghiên cứu học tập, giải trí, bổ sung kiến thức, nâng cao nâng trình độ dân trí, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của huyện.

Tác giả: Thanh Hiền

Nguồn: Tạp chí VHNT số 456, tháng 3-2021

 

;