Nâng cao vai trò của Trung tâm Văn hóa cấp huyện trong công tác hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa cho hệ thống ở cơ sở

Xây dựng đời sống văn hóa là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm của các Trung tâm Văn hóa cấp huyện nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, góp phần quan trọng để tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, hình thành nếp sống văn hóa, ý thức trách nhiệm và sự tự giác của người dân trong các phong trào, hoạt động văn hóa; là điều kiện để phát huy vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đối với đời sống chính trị, kinh tế - xã hội tại các địa phương.

 

Vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở trong xây dựng đời sống văn hóa

Thực hiện chủ trương này, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của chính quyền địa phương, của Sở Văn hóa và Thể thao, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành có liên quan, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện ở Thừa Thiên Huế đã có những cố gắng rất lớn trong công tác hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa cho cán bộ văn hóa cơ sở (cấp xã, phường, thị trấn). Những thành tựu về xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở thời gian qua đã chứng minh vai trò quan trọng của hệ thống Trung tâm VHTTTT huyện, thị xã trong công tác định hướng tư tưởng, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp tại địa phương, nâng tầm thị hiếu văn hóa của người dân. Nhiều Trung tâm VHTTTT cấp huyện như: Quảng Điền, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và huyện A Lưới là những đơn vị luôn quan tâm đến công tác hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa cơ sở với  nhiều cách làm sáng tạo, chủ động, vượt khó để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Trung tâm VHTTTT huyện Quảng Điền hằng năm vẫn hướng dẫn nghiệp vụ cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp dưới về công tác liên hoan, hội thi, hội diễn, đặc biệt là khôi phục và phát huy các làn điệu dân ca, dân vũ của địa phương, trong đó có nghệ thuật Bài chòi; tập huấn và chuyển giao mô hình thể thao cộng đồng cho các Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa cấp dưới. Đến nay, trên địa bàn huyện Quảng Điền, phong trào thể dục thể thao (TDTT) cơ sở phát triển rộng khắp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện A Lưới mặc dù mới thành lập và đi vào hoạt động nhưng cũng có nhiều hoạt động ý nghĩa, phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của cán bộ cơ sở trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT tại địa phương như: hướng dẫn cho cán bộ phụ trách các TTVH, NVH xây dựng kế hoạch năm về hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT; tổ chức lớp truyền dạy cho các hạt nhân văn nghệ theo đề án về bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc trong huyện, phối hợp cử cán bộ hướng dẫn các đơn vị, ban ngành trên địa bàn tổ chức liên hoan văn hóa văn nghệ theo đặc thù của từng ngành, đơn vị. Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thị xã Hương Thủy lại thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về hoạt động câu lạc bộ nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt của các Trung tâm văn hóa, Nhà văn hóa xã, phường, thôn, bản...

Có thể nói, nỗ lực của Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao các huyện, thị xã và thành phố Huế đã góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền cổ động, văn hóa văn nghệ, TDTT, tạo điều kiện để người dân tham gia và chủ động sáng tạo trong các hoạt động văn hóa tại địa phương.

Thực trạng của hoạt động hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên không phải Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao các huyện, thị xã nào ở Thừa Thiên Huế cũng làm tốt công tác này. Thực tiễn hoạt động tại các địa phương cho thấy, đội ngũ làm công tác văn hóa hầu hết không được đào tạo bài bản về chuyên ngành văn hóa, xã hội nên chất lượng các hoạt động văn hóa thường lặp đi lặp lại qua các năm, khó có sự sáng tạo, thường lệ thuộc vào sự chỉ đạo chung của UBND các xã, phường, thị trấn. Các cán bộ văn hóa ít có điều kiện trang bị kiến thức, rèn luyện nghiệp vụ nên gặp lúng túng trong triển khai, nâng cao chất lượng phong trào; một số người có năng lực, am hiểu về công việc, năng động thường được luân chuyển vào các vị trí công việc mới, dẫn đến chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chưa bền vững, chưa phát huy được chức năng, nhiệm vụ của mình. Một số đơn vị tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa tại cơ sở chưa thường xuyên, nội dung còn nặng về lý thuyết, văn bản. Do thực hiện đề án sáp nhập giữa một bộ phận từ phòng VHTT và Đài truyền thanh huyện dẫn đến những biến động về nhân sự từ cán bộ lãnh đạo đến chuyên viên, một số đơn vị chưa bổ sung kịp thời đội ngũ cán bộ nghiệp vụ có chuyên môn cao để đáp ứng nhiệm vụ công tác. Công tác nghiên cứu, đánh giá nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ chưa được tiến hành một cách khoa học, bài bản dẫn đến việc tổ chức các lớp học, tập huấn chưa đạt được mục tiêu.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng và đào tạo cán bộ cho các TTVH chỉ mới đáp ứng một phần chi phí duy trì hoạt động; công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, TDTT còn ở mức thấp. Đội ngũ cán bộ tại chỗ của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, phòng Văn hóa Thông tin có năng lực, có thể tổ chức hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho phương pháp viên hạng dưới đúng theo tiêu chuẩn chức danh Phương pháp viên hạng II chưa nhiều. Do đó, khó có thể khai thác, tận dụng đội ngũ này để làm lực lượng nồng cốt trong công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở (cấp xã, phường, thị trấn).

Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động hướng dẫn nghiệp vụ

Tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở là vấn đề rất quan trọng để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao cấp huyện. Để nâng cao chất lượng hoạt động của các TTVH, NVH  thì ngành Văn hóa Thừa Thiên Huế nên thực hiện các giải pháp sau:

Hằng năm, cần phân bổ nguồn kinh phí hợp lý cho hoạt động hướng dẫn nghiệp vụ (trong đó có kinh phí tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng và kinh phí cử cán bộ của Trung tâm VHTTTT đi học nâng cao trình độ). Các Trung tâm VHTT chủ động đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa gắn với dịch vụ và thị trường theo Quy hoạch thiết chế văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 20/2013 của UBND tỉnh phê duyệt và Nghị quyết 54 - NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở VHTT.

Trung tâm VHTTTT huyện cần mời những người có năng lực, chức danh phương pháp viên hạng II hiện đang công tác tại Sở VH&TT và Trung tâm VHĐA tỉnh tham gia vào công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở (cấp xã, phường, thị trấn).

Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh với chức năng nhiệm vụ của mình xây dựng và thực hiện các đề án, kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực cho nhóm ngành văn hóa trình Sở VHTT nhằm đảm bảo cung cấp một phần nhân lực hướng dẫn nghiệp vụ cho Trung tâm VHTTTT cấp huyện.

Nội dung đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ sở của Trung tâm VHTTTT các huyện, thị xã và thành phố Huế hằng năm phải có kế hoạch chi tiết, đối tượng cụ thể, nội dung tổ chức linh hoạt, bám sát với nhu cầu hoạt động của cán bộ cơ sở.

Tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo chuyên ngành có uy tín trên địa bàn tỉnh cũng như các trường Đại học, Cao đẳng trực thuộc Bộ VHTTDL để đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn (theo chuyên đề, bồi dưỡng đạt chuẩn chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ hành nghề hoặc các nội dung khác theo đơn đặt hàng của từng địa phương).

Cùng với việc xây dựng và hoàn thiện thiết chế văn hóa cơ sở, các Trung tâm VHTTTT cấp huyện tiếp tục phát huy vai trò hướng dẫn nghiệp vụ của mình nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các TTVH, NVH, Trung tâm HTCĐ trên địa bàn toàn tỉnh. Đây chính là lực đẩy, là điều kiện cần thiết và có ý nghĩa quan trọng nhằm củng cố và nâng cao chất lượng công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đi vào chiều sâu, bền vững.

Tác giả: Nguyễn Thị Hằng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 456, tháng 3-2021

;