Vẻ đẹp người phụ nữ Ấn Độ trong tập truyện ngắn Mây và mặt trời của R. Tagore

Văn học là thành tố quan trọng của văn hóa để phản ánh trung thực cuộc sống và Rabindranath Tagore được xem là “nhà nhân đạo chủ nghĩa vĩ đại” (1) của văn học Ấn Độ. Suốt cuộc đời, R.Tagore đã cất lên những bài đạo ca để tôn vinh, tỏ lòng sùng kính đối với con người, “phụng sự con người, con người của tổ quốc, con người của nhân loại” (2). Những sáng tác của ông luôn xuất phát từ lòng yêu thương con người. Mây và mặt trời là tập truyện ngắn thành công trên nhiều phương diện, đặc biệt, tác giả quan tâm đến số phận của người phụ nữ, ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ Ấn Độ.

R.Tagore là người “rất quan tâm đến số phận phụ nữ Ấn Độ và có lòng ưu ái sâu sắc” (3). Ông đã ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ ở nhiều góc độ khác nhau, từ vẻ đẹp hình thức đến tính cách và thế giới nội tâm phong phú, nhằm lên án xã hội với những quan niệm lạc hậu, sự phân biệt đẳng cấp, sự áp bức, bóc lột và đấu tranh giải phóng phụ nữ, đòi quyền sống và hạnh phúc cho người phụ nữ Ấn Độ. Trong tập truyện ngắn Mây và mặt trời, tác giả đã dành sự tôn vinh đặc biệt khi miêu tả vẻ đẹp tự nhiên, sức quyến rũ của người phụ nữ từ hình thức bên ngoài đến mùi hương được toát ra từ chính cơ thể của người phụ nữ, như trong tác phẩm Chiến thắng, Người láng giềng xinh đẹp, Bộ xương, Cô dâu bé nhỏ, Quan chánh án, Dàn hỏa thiêu… Đó là vẻ đẹp của hoàng hậu Ajita trong Chiến thắng, nàng là hiện thân của sắc đẹp và sự cao quý, là “ngôi sao chiếu mệnh” của nhà thơ cung đình Sêkha ở triều vua Narayan. Dù nhà thơ chưa bao giờ thấy mặt nàng nhưng lòng luôn mơ tưởng theo mùi hương được hòa quyện trong mỗi bước đi của người phụ nữ: “Chàng thường dõi mắt theo một bóng người di động đằng sau bức rèm, chỉ một tiếng lanh tanh văng vẳng từ xa là chàng mơ tưởng đến những chiếc vòng chân mắc những chùm chuông vàng nhỏ xíu rung lên theo mỗi bước chân. Ôi, đôi chân dịu dàng, đỏ hồng, giẫm trên đám bụi trần ai như tình thương của Thượng đế đối với kẻ cơ nhỡ, khốn khổ” (4), và “một mùi hương thoang thoảng cùng với làn gió nhẹ lan vào trong phòng” (5). Vẻ đẹp của người góa phụ với “đôi mắt đen láy” trong Người láng giềng xinh đẹp được miêu tả “như một bông hoa xêphali đẫm sương, vừa mới chớm nở” (6). Đó là “đôi mắt long lanh, đen láy, mượt như nhung” của cô gái trong Bộ xương với “nụ cười duyên dáng trên đôi môi mọng đỏ” và những “đường cong mềm mại và thon chắc, những nét óng ả của tuổi thanh xuân đang kì rạng rỡ”. Vẻ đẹp của nàng Mrinmayi trong Cô dâu bé nhỏ được miêu tả với “nước da roi rói”, “đôi mắt to, đen”, “gương mặt cô gái có cái duyên thầm riêng biệt” (7). Cô chị gái lớn nhất Labanyalêkha trong Chúng tôi xin tôn anh lên làm vua với “thân hình trẻ trung, thon thả”, là người “hơn hẳn các em về sắc đẹp và trí thông minh” (8). Cô gái Mahamaya trong Dàn hỏa thiêu đang ở độ thanh xuân rực rỡ, kiều diễm với nước da như “ánh nắng thu đẹp óng”, con mắt phóng khoáng…

R.Tagore không chỉ miêu tả vẻ đẹp hình dáng bên ngoài của người phụ nữ mà còn tập trung ngợi ca thế giới nội tâm, vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ được toát lên từ tình yêu thương và đức hy sinh, “phụ nữ là những người giản dị và chân thực, có sức chịu đựng rất lớn, họ gắn bó và thực hiện bổn phận của mình trong những cam kết rất can đảm với xã hội và gia đình” (9). Với tình yêu trong sáng nhưng sâu sắc, đằm thắm, người phụ nữ chỉ biết yêu thương mà không dám thể hiện hay đòi hỏi một sự đáp đền cho mình. Họ tha thiết mong chờ người mình yêu thương nhưng không dùng tình yêu để trói buộc bất cứ ai, ngược lại, họ quan tâm, chăm sóc một cách tận tụy, vô điều kiện. Giribala trong Mây và mặt trời muốn được chàng Xasibuxan chú ý tới mình nên cô luôn mang cho anh những món quà giản dị như “những quả anh đào này Garibala hái ở vườn nhà và ngày nào cũng đem đến cho anh” (10). Tình cảm, sự chăm sóc ân cần của Ratan dành cho thày ký trong Thày ký bưu điện lại giống như tình cảm của người đầy tớ với chủ, như tín đồ đối với thần tượng mà mình tôn thờ, “cô bé vẫn nhẫn nại chịu đựng, không một lời ca thán” (11). Prôba, trong Người chủ bút, luôn coi mình “là người bảo vệ duy nhất của bố nó” và dành tình yêu thương, chăm sóc cho người cha luôn mải mê với công việc. Với cử chỉ yêu thương: “con gái tôi lại chầm chậm đến bên tôi một lần nữa và thì thầm “Ba ơi”, nhưng không thấy đáp lại, con bé đã cầm lấy tay phải tôi ấp nhẹ vào trán nó, rồi lặng lẽ trở vào nhà” (12), cô con gái đã đánh thức tình cảm của người cha: “hôm nay trước sự đụng chạm yêu thương ấy của con gái, tôi bỗng thấy mong nhớ nó”.

Trong tình yêu, người phụ nữ sẵn sàng hy sinh danh dự, quyền lợi, tuổi trẻ và chấp nhận trải qua bao khó khăn, chịu bao sóng gió cuộc đời để dâng hiến cho người mình yêu. Ở Ảo ảnh tan vỡ, tình yêu mãnh liệt của công chúa - con gái tiểu vương quốc có dòng máu hoàng đế Môgôn đối với Kesáclan, “là một người theo đạo Bàlamôn chính hiệu”, khiến nàng sẵn sàng thay đổi bản thân cho xứng đáng với người mình yêu (13). Niềm tin, tình yêu với chàng trai khác biệt về đẳng cấp đã khiến nàng từ bỏ hoàng cung, sống cuộc đời phiêu bạt, chấp nhận mọi khó khăn, thử thách và cố gắng để thay đổi bản thân. Tình yêu của nàng, thậm chí phải đánh đổi bằng cả cuộc sống, tuổi thanh xuân nhưng vẫn không được đáp đền “Hỡi ôi, hỡi chàng Bàlamôn, chàng đã dễ dàng vứt bỏ toàn bộ những nề nếp tín ngưỡng hàng ngày để tiếp nhận những cách sống khác, nhưng còn tôi, làm sao tôi có thể thay thế được cuộc sống, tuổi trẻ mà tôi đã mất, đã phung phí?” (14).

Bên cạnh đó, cũng có những người phụ nữ mạnh mẽ đối diện với tình cảm của mình, dám thổ lộ tình yêu với người mình yêu. Hơn nữa, có những người phụ nữ dám vượt lên trên những quan niệm lạc hậu của xã hội để chủ động tìm hạnh phúc cho mình, như những người phụ nữ trong truyện Từ con, Người láng giềng xinh đẹp, Những bậc bến tắm bên sông… Nàng Kuxum trong Những bậc bến tắm bên sông, khi đem lòng yêu “một vị khất sư (xaniaxi) tuổi còn trẻ, người dong dỏng cao, nước da sáng đẹp, không biết từ đâu đến trụ trì tại ngôi đền Xiva” (15) đã chủ động thổ lộ tình cảm của mình. Tình yêu của Kuxum âm thầm, không đòi hỏi sự đáp lại mà lặng lẽ hiến dâng (16).

Với tình yêu thương con người và lòng ưu ái phụ nữ, R.Tagore đã nhìn sâu vào thế giới tâm hồn của người phụ nữ đang yêu - một thế giới tâm trạng phức tạp và đầy mâu thuẫn. Đó là cảm giác choáng ngợp trước cuộc đời của những cô gái suốt ngày chỉ ở bên trong bốn bức tường, cũng có khi là niềm hối hận, nuối tiếc khôn nguôi của con người tưởng chừng như đã để hạnh phúc tuột khỏi tầm tay, nhưng có khi là tâm trạng đau khổ, thất vọng khi người phụ nữ hiểu rõ sức mạnh tình yêu không đủ để vượt qua những ràng buộc khắt khe của tôn giáo. Những biểu hiện, hành động bề ngoài của nhân vật tưởng chừng như phi logic nhưng R.Tagore đã nắm bắt được những trạng thái tâm lý riêng biệt, nhỏ lẻ. Bằng những lời bình luận, phân tích, ông đã chứng minh cho người đọc thấy logic bên trong nhân vật - logic của tình yêu thương. Tác giả thường dành những đoạn văn có dung lượng dài trong khuôn khổ hạn chế của truyện ngắn để giúp nhân vật giãi bày tâm trạng. Cô gái Giribala trong Mây và mặt trời luôn dùng những trò tinh nghịch để thu hút sự chú ý của Xasibuxan khi chàng đang mải mê đọc sách và bên ngoài cửa sổ. Tưởng chừng như hành động này thật khó hiểu nhưng nhìn bằng đôi mắt của một nhà tâm lý, R.Tagore cho người đọc thấy đó là hành động của một cô gái đang yêu. Ông mô tả tường tận những nét tâm lý vừa yêu thương, vừa hờn giận của cô gái khi muốn tạo điều kiện để chàng trai chủ động bắt chuyện với mình nhưng chàng trai chỉ biết đến sách vở đã không hiểu ý cô (17).

Thế giới nội tâm của con người thường đa dạng, phức tạp nên R.Tagore thường để cho nhân vật tự độc thoại, bộc lộ những trạng thái tâm lý khác nhau khi đối diện với những tình huống khó khăn, sự tổn thương, đau khổ, cô đơn trong cuộc sống. Tác giả để cho nhân vật chìm sâu và triền miên trong dòng suy tưởng miên man, sống đời sống nội tâm chân thật nhất qua những độc thoại nội tâm. Qua những dòng độc thoại nội tâm, người đọc thấy được tâm trạng băn khoăn của cô gái đang yêu không biết có nhận được sự đáp đền của tình yêu đó hay không. Đó là tâm trạng nuối tiếc của cô gái về những kỷ niệm đẹp và tình yêu thương bên những người thân trong gia đình để chạy theo một tình nhân bội bạc… R. Tagore cũng sử dụng hình thức đối thoại để miêu tả những trạng thái tâm lý phức tạp, đặc trưng cho tính cách của các nhân vật trong tác phẩm. Lời đối thoại của nhân vật người lớn trong tác phẩm được sử dụng nhiều với những dụng ý nghệ thuật khác nhau để thể hiện đa dạng cung bậc cảm xúc trong thế giới nội tâm của nhân vật. Một tâm hồn đang khép kín bỗng mở ra cho người đọc thấy vẻ đẹp nồng nàn, say đắm rồi bất chợt khép lại bằng cái chết của nhân vật như đoạn đối thoại ngắn của Kuxum trong Những bậc bến tắm bên sông. Đó là tâm hồn của nhân vật vừa mới thức tỉnh với những khát khao yêu thương thì gặp phải cản trở của tôn giáo và phải tự hủy diệt…

Thông qua miêu tả những cử chỉ, hành động của nhân vật, nhà văn cho người đọc thấy những trạng thái tâm lý chi phối hành động đó của nhân vật. Những cử chỉ, hành động biểu hiện tình yêu thương, nhân ái chiếm số lượng nhiều nhất trong toàn tác phẩm. Biểu hiện của tình yêu thương là sự quan tâm, chăm sóc của nhân vật dành cho người mình yêu thương. Đó có thể chỉ là một cái quàng tay, những lời thì thầm êm dịu hay cái nhìn thấm đẫm xót thương. Cũng có khi là sự chuẩn bị bữa ăn chu đáo cho chồng, cho con khi đi làm về, sự chăm chút quan tâm trong ăn mặc… như Giribala mang những món quà nhỏ đến cho Xasibuxan, Prôba chăm sóc cha mình chu đáo, Ratan chăm sóc thầy ký một cách tận tụy… Tình yêu thương, nhân ái còn là sự tha thứ, bao dung và chia sẻ với những người xung quanh.

Thế giới nhân vật trong tập Mây và mặt trời đa dạng, phong phú với nhiều nét tính cách khác nhau. Những nét tính cách ấy không chỉ được bộc lộ qua ngoại hình, ngôn ngữ mà còn bộc lộ rất rõ qua cử chỉ, hành động của nhân vật. Tác giả miêu tả hình ảnh những người phụ nữ Ấn Độ thông minh, sắc sảo, có hiểu biết xã hội, tự tin trong giao tiếp và có khát vọng được làm chủ cuộc sống của mình. Họ là những người phụ nữ chủ động, dám đấu tranh để giành lấy tình yêu và bảo vệ tình yêu cho riêng mình. Qua các tác phẩm, “Tagore đã phản kháng mạnh mẽ một thực tế đáng buồn là những phẩm chất và tài năng quý báu của người phụ nữ Bengal đã bị bỏ phí và bóp nghẹt qua nhiều thế hệ. Thật đáng ngạc nhiên là nếu như chúng ta có thể tìm được một đặc điểm chung của các nhân vật nữ trong các tác phẩm của Tagore thì chính là đặc điểm rằng họ có tính cách mạnh hơn nam giới” (18). Cô chị lớn Labanyalêkha xinh đẹp và thông minh, sắc sảo, “vừa ngọt ngào vừa cay độc” trong truyện Chúng tôi xin tôn anh lên làm vua luôn chủ động, tự tin trong các cuộc giao tiếp. Cô bé Giribala tinh nghịch “có hôm, như thể trí tưởng tượng mạnh mẽ của cô bé, mọi suy nghĩ, tài khéo léo của cô đều được dồn tụ để làm vui lòng chàng trai, lại có hôm khác, dường như cô dốc hết sức lực, nghị lực và nhẫn tâm để cố làm mếch lòng anh” (19), trong truyện Mây và mặt trời. Giribala luôn cố gắng tìm hiểu và mong muốn tiếp nhận những kiến thức mới mẻ trong sách với khao khát “cô cũng muốn đọc những cuốn sách mà các anh cô vẫn đọc. Thế là cô ngồi hàng bao ngày trong buồng với một quyển sách để mở trước mặt, mồm lẩm nhẩm một mình như đang đọc, tay giở nhanh hết trang này sang trang khác. Những chữ đen nhỏ xa lạ như sắp hàng san sát dài bất tận canh gác một cái cổng lớn bí hiểm nào đó” (20). Cô gái Mahamaya thuộc tầng lớp đại quý tộc Bengal trong Dàn hỏa thiêu với vẻ đẹp “đang độ thanh xuân rực rỡ và kiều diễm nhất, khác nào một bức tượng vàng ròng với nước da như ánh nắng thu đẹp óng, ngời ngời như vầng dương, con mắt phóng khoáng không một chút sợ hãi tựa ánh sáng ban ngày” nhưng có tính cách “lầm lì” và tâm hồn “chứa đựng một sức mạnh tinh thần ngùn ngụt bốc cháy trong người như mặt trời ban trưa” (21).

Nhà văn R.Tagore miêu tả vẻ đẹp người phụ nữ, ca ngợi tình yêu thương nhưng đồng thời phê phán những tham vọng, tư tưởng quá khích của con người, những hủ tục lạc hậu trong xã hội, luật tục tôn giáo đã gây ra biết bao nỗi đau khổ, làm tổn thương người phụ nữ. Trong suốt chiều dài tập truyện ngắn, tác giả miêu tả những cử chỉ, hành động biểu hiện sự nhẫn tâm, mù quáng, quan niệm xã hội, tôn giáo, đẳng cấp, dư luận, danh vọng, địa vị, tiền bạc, quyền lực, sự ích kỷ, ghen ghét đố kị… đã khiến cho người phụ nữ phải chịu nhiều bất công, đau khổ và thiệt thòi. Những hủ tục lâu đời đã cướp đi tuổi thơ êm đẹp của nhiều cô bé, khiến họ trở thành những cô dâu bé nhỏ, thậm chí trở thành góa phụ khi còn rất nhỏ tuổi, như trong truyện Người láng giềng xinh đẹp, Cô dâu bé nhỏ, Mây và mặt trời, Bộ xương… Coi việc tái hôn của những góa phụ là vết ố của xã hội khiến cho người con gái đang tuổi thanh xuân rực rỡ phải chôn vùi khát khao yêu đương đang cháy bỏng trong lòng, không dám nghĩ đến hạnh phúc lứa đôi như trong Những bậc bến tắm bên sông, Quan chánh án, Xu ba… Những hủ tục trong xã hội đã giết dần tuổi thanh xuân của người phụ nữ. Sự phân biệt đẳng cấp đã tạo nên những rào cản ngăn cấm người phụ nữ đến với người mình yêu, thậm chí ngay cả khi họ sẵn sàng chấp nhận mọi khổ đau, khó khăn, thử thách như trong Đá đói, Ảo ảnh tan vỡ, Lá số tử vi, Từ con… Cũng có khi những “luật lệ cũ” khiến cho người phụ nữ phải đánh đổi bằng mạng sống của mình một cách phi lý. Nếu nàng có may mắn thoát chết khỏi giàn hỏa thiêu thì vẫn có một bàn tay vô hình kiên quyết ngăn họ đến với hạnh phúc, như Mahamaya trong truyện Giàn hỏa thiêu... Những luật tục đã khép người phụ nữ vào khuôn khổ khắc nghiệt, họ không được học hành, không được làm chủ cuộc đời mình, không có vị trí trong xã hội và bị khinh rẻ. Giribala trong Mây và mặt trời bị chính những người anh ruột khinh rẻ vì không được đi học, không biết đọc “những con chữ đen nhỏ xa lạ”. Mrinmayi trong truyện Cô dâu bé nhỏ rất nhớ Apơcbô, muốn viết thư cho người chồng ở xa để thổ lộ nỗi nhớ mong, muốn chồng trở về nhà nhưng lại không biết cách để gửi bức thư đi cho chồng: “cô bé lấy ở hộp ra một tờ giấy màu, có mép thếp vàng và hết sức cẩn thận bắt đầu viết, nét bút vụng về, chữ to chữ nhỏ, mực dây đầy ngón tay. Cô đi thẳng vào vấn đề không hề mào đầu và cũng không ghi địa chỉ Apơcbô” (22). Cô gái góa chồng trẻ tuổi Hemsasi, trong truyện Quan chánh án, khi viết bức thư tình với những “tình cảm sâu nặng” cũng “đầy những lỗi chính tả”… Đồng thời, ông cũng lên án mạnh mẽ những quan niệm kìm hãm việc giải phóng phụ nữ như bộ mặt đạo đức giả của ngài thẩm phán, “ông gọi tất cả phụ nữ Ấn Độ đều là Nữ Thần. Nhưng mặt khác, ông không tin một chút nào ở họ. Theo cách suy nghĩ của ông, phụ nữ có quá nhiều xu hướng phá vỡ các sợi dây gắn bó với gia đình, và chỉ cần hơi lỏng kỷ luật một chút là chẳng bao lâu sẽ không còn một người phụ nữ gia giáo nào trong cái lồng xã hội” (23).

Vẻ đẹp của người phụ nữ Ấn Độ được khắc họa rõ nét trong các sáng tác của R.Tagore. Với tình yêu thương con người, đặc biệt lòng ưu ái phụ nữ, tác giả đã ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ Ấn Độ với vẻ đẹp truyền thống từ hình thức đến tính cách, thế giới nội tâm phong phú, có sức lôi cuốn hơn cả thiên đường.

_______________

1, 2, 3. Lưu Đức Trung, Văn học Ấn Độ, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2009, tr.224, 223, 231.

4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 19, 20, 21, 22, 23. Lưu Đức Trung, Tuyển tập tác phẩm R.Tagore, Nxb Lao động, Hà Nội, 2004, tập 2, tr.60, 67, 80, 203, 46, 8, 258, 194, 291, 293, 262, 265, 25, 11, 13, 70, 216, 270.

9, 18. Đỗ Thu Hà, R.Tagore – văn và người, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005, tr.113, 112.

 

Tác giả: Lê Thị Bích Thủy

Nguồn : Tạp chí VHNT số 411, tháng 9 - 2018

 

;