CẢM THỨC LƯU LẠC TRONG SÁNG TÁC CỦA BỐN NHÀ VĂN NAM BỘ

Lưu lạc được hiểu là con người bởi một lý do nào đó bị bứng ra, tách khỏi nơi quen thuộc, bị ném vào một không gian sống mới mẻ, xa lạ, thấy mình đơn chiếc, lạc lõng giữa biển đời mênh mông. Đó không chỉ là những cảm giác tồn tại dưới dạng những rung động riêng lẻ, thoáng qua; hay những cảm xúc xuất hiện khi có sự tác động của thế giới khách quan vào con người; mà là dạng tâm trạng tương đối ổn định, thường trực, ám ảnh và chi phối cuộc sống con người ở nhiều phương diện. Lưu lạc đã trở thành cảm thức, một mặt là thuộc tính cố hữu, khi con người chưa bị ràng buộc vào mối quan hệ xã hội; mặt khác là một ý niệm có tính ổn định trong nhận thức của con người, nhất là khi con người va đập với mọi khổ đau, phi lý của cuộc đời.

Cảm thức lưu lạc là cảm thức chung của con người mọi thời đại. Với quan niệm sống gửi, thác về, người phương Đông coi cuộc đời chỉ là quán trọ. Ở phương Tây, cho đến trước cận đại, con người thật nhỏ bé, luôn chịu sự chi phối của tự nhiên, hoặc bị nuốt chửng hoặc bị lãng quên. Cuối TK XIX, đầu TK XX, chủ nghĩa hiện sinh ra đời đã quan niệm con người là tự do và để có được sự tự do, con người phải dấn thân vào một thế giới xa lạ, nghĩa là lưu lạc đã trở thành định mệnh (1).

Ở Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử, con người phải lưu lạc, nổi trôi. TK XVI, XVII, nhiều người dân từ xứ Quảng trở ra vì muốn thoát khỏi đói nghèo hoặc trốn sự truy đuổi của triều đình đã tìm đến mảnh đất phương Nam. Năm 1954, 1975 là mốc quan trọng đánh dấu sự di cư ồ ạt của không ít người Việt nhỏ bé đang sống yên ổn lại bị xô đẩy đến một không gian xa lạ, trở thành lữ khách bơ vơ.

Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Tư, bốn tác giả tiêu biểu của văn xuôi Nam Bộ, tuy thuộc những thế hệ cầm bút khác nhau nhưng sáng tác của họ thấm đẫm cảm thức lưu lạc, một phần là sự tiếp nối văn chương quá khứ, một phần là bởi ảnh hưởng môi trường tự nhiên, xã hội Nam Bộ cũng như những thăng trầm trong cuộc đời mà mỗi nhà văn đã trải qua.

Nam Bộ là xứ sở của kênh rạch nên nhiều sinh hoạt của người dân gắn liền với sông nước. Họ đi lại, buôn bán bằng ghe thuyền và lập gia đình, nuôi dạy con cái cũng trên ghe thuyền. Cuộc sống tự do, cởi mở nhưng luôn lênh đênh, lưu lạc. Không chỉ vậy, hàng năm, những cơn lũ tràn đến và quét đi tất cả khiến cho con người phải làm lại từ đầu, dẫn đến tâm lý tạm bợ, muốn tìm những nơi thuận lợi hơn để mưu sinh. Hơn nữa, phần lớn cư dân Nam Bộ là những lưu dân. Họ từ Trung Hoa sang làm ăn, từ phía bắc Biển Hồ xuống định cư hay từ miền ngoài vào với hy vọng đổi đời…, sẵn mang mặc cảm lưu lạc, bị ám ảnh bởi cuộc sống nay đây mai đó.

Rất ngẫu nhiên, bốn nhà văn Nam Bộ đều trải nghiệm tâm trạng dằn vặt, xót xa vì biệt xứ. Sinh ra tại miền quê Kiến Hòa, Định Tường (nay là Tiền Giang), nhưng Hồ Biểu Chánh lại sống và làm việc ở Sài Gòn, Bạc Liêu, Cà Mau, Long Xuyên. Ông cũng được chứng kiến nhiều đổi thay của Nam Bộ trong giai đoạn giao thời của xã hội thực dân nửa phong kiến, tiêu biểu là việc một bộ phận nông dân bị bần cùng hóa, phải từ bỏ ruộng vườn lên thành phố mưu sinh. Cuộc đời Sơn Nam là những tháng ngày rong ruổi khắp mọi nẻo đường, để khơi nguồn cảm hứng và lấy chất liệu cho tác phẩm. Số phận đã bứng Bình Nguyên Lộc ra khỏi tổng Chánh Mỹ Trung, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) để xô dạt về Sài Gòn phồn hoa và lưu lạc đến nơi cách quê hương nửa vòng trái đất. Nguyễn Ngọc Tư sinh ra tại Bạc Liêu nhưng lại sống ở Cà Mau từ năm bốn tuổi. Cô trưởng thành trong xã hội hậu hiện đại, khi con người bị đặt trong tình trạng cắt lìa khỏi những mối quan hệ ổn định, mất niềm tin vào các giá trị, không còn cảm giác thuộc về bất cứ đâu. Cảm thức lưu lạc in đậm trong mỗi trang viết của bốn nhà văn Nam Bộ âu cũng là điều dễ hiểu.

 Lưu lạc với các nhà văn không chỉ là trạng thái chia lìa, lạc lõng mà còn tạo cơ hội giúp họ "tạo lập không gian tự do như một nền tảng sáng tạo”, “soi chiếu, đào xới và khẳng định ý thức của bản ngã” (2). Bởi vậy, trong sáng tác của bốn nhà văn Nam Bộ, cảm thức lưu lạc được biểu hiện ở nhiều phương diện khác nhau, không chỉ dừng lại ở mặc cảm tha hương vì “trôi dạt nay đây mai đó nơi xa lạ” mà còn là sự cô đơn do con người trú xứ nhưng không thể hòa nhập, tâm tưởng luôn hướng đến một không gian khác. Bên cạnh đó, cảm thức lưu lạc chính là nỗi đau đớn, dằn vặt của con người trong quá trình kiếm tìm hạnh phúc, ý nghĩa của tồn tại, những gì đã mất và nếm trải mọi cảm xúc vui buồn của cuộc đời.

Nhân vật của Hồ Biểu Chánh là những con người bị cuộc đời, số phận xô đẩy nên phải phiêu bạt, xa nơi chôn rau cắt rốn. Nàng Bạch Tuyết phải từ Cà Mau lưu lạc lên Sài Gòn nhằm thoát khỏi mưu mô xảo trá của bà dì ghẻ, Chí Đại đành xuống tàu qua Ấn Độ Dương vớt ngọc diệp để lập thân (Ai làm được). Bởi thủ đoạn tàn nhẫn của người chú là thày thông Lợi, thằng Được (Cay đắng mùi đời) bị đẩy ra khỏi cuộc sống gia đình giàu sang, êm ấm, phải lang thang, trôi dạt nhiều năm trời. Trần Văn Sửu (Cha con nghĩa nặng) tức giận vợ thông dâm với hương hào Hội, lại còn mắng chửi mình, đã đạp vợ té vỡ sọ chết, bỏ nhà trốn tội hơn mười năm… Trong xã hội giao thời giữa cái cũ đã lạc hậu, trì trệ và cái mới vẫn còn ngổn ngang, phức tạp, con người trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh nhiều khi phải lấy việc ra đi như là cách duy nhất để tồn tại, chống đỡ sóng gió của cuộc đời. Duy Linh (Nhân tình ấm lạnh) buồn “vì tại mình nghèo nên người ta không yêu thương mình mà cũng tại mình nghèo hèn nên người ta hiếp đáp” (3). Duy Linh buộc phải bán ruộng lấy tiền lên Sài Gòn buôn bán, dù lúc ra đi, chàng “đứng trên boong tàu ngó lại chợ, tấm lòng chua xót, nét mặt dàu dàu, sóng khỏa hai bên bờ ghe xuồng nhàu lộn thấy mà thương” (4). Yêu thương nhau và trót có thai nhưng Hiển Vinh và Thu Vân (Chút phận linh đinh) không được ông hội đồng Đạt nhìn nhận. Hiển Vinh “sửa soạn đem vợ con đi ra Bắc”, sợ Thu Vân ở lại Sài Gòn tính chuyện tự vẫn. Khi thi đậu thày thuốc, Hiển Vinh về thăm cha, “chẳng dè về đến nhà cha lại đánh đuổi nữa. Hiển Vinh buồn ý trở ra Hà Nội, rồi vợ chồng hẩm hút ở xứ người, không dám léo về Nam nữa” (5). Sau mỗi lần lưu lạc, điểm đến của từng con người, từng số phận cũng khác nhau. Mười một năm sống trong tù do bị vu oan, Thủ Nghĩa (Chúa tàu Kim Quy) một lòng thương nhớ gia đình, khi vượt ngục, về đến quê xưa, “nghe mẹ cha đã sớm tách suối vàng, em gái cũng hồn du địa phủ; em rể thì vì thế mặt cho mình mà tán gia bại sản, thân bình bồng không biết trôi nổi đến xứ nào” (6). Trái lại bến đỗ của Xuân (Ý và tình) là sống với đồng ruộng, vui với thú điền viên, say với công cuộc canh tác nghề nông của xứ mình sau khi đã đi du học ở Pháp.

Lưu lạc trong suy nghĩ của Hồ Biểu Chánh là con đường tất yếu của mỗi số phận khi xã hội đang có sự chuyển mình dữ dội: cái xấu, cái tốt đan xen, cái mới, cái cũ xung đột, nông thôn thu hẹp, thành thị mở rộng... Con người phải ra đi, chịu thử thách phong trần, và hy vọng được trở về chốn bình yên. Lưu lạc còn là biểu hiện của kỹ thuật tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh. Nhà văn cho rằng một cuốn tiểu thuyết nếu chỉ tả truyện ở chốn thôn quê hay ở thành thị thì người xem sẽ không hứng thú, bởi vậy “nếu truyện mở đầu ở chốn ruộng rẫy thì sau đưa ra tỉnh thành, nếu truyện mở đầu tại tỉnh thành thì sau đem về ruộng rẫy” (7). Đến với Hồ Biểu Chánh, người đọc được gặp gỡ với nhiều vùng đất khác nhau. Thằng Được (Cay đắng mùi đời) từ biệt Xóm Tre theo thày Đàng về Cần Đước, xuống Bến Tre, qua Trà Vinh, lên Càng Long, tới Sài Gòn, xuống Mĩ Tho, qua Cần Thơ… Mỗi một địa danh đều ghi dấu những cơ hàn, cực nhọc của đứa trẻ sớm phải xa mái ấm gia đình. Trong Lời thề trước miễu, Ba Lân rất nhiều lần nói đến chuyện ra đi với Hai Đào: “Em nhứt định không về nhà nữa... đi đâu cũng được... em sẽ đi lên Sài Gòn” (8). Lưu lạc đã trở thành định mệnh với chàng trai hiếu nghĩa và đầy bản lĩnh, không chỉ là tiềm thức mà còn được hiển lộ qua ngôn ngữ: “Ngày em từ giã chị tại chợ Cần Giuộc mà đi, thì em lên Sài Gòn. Ở đó mấy bữa em coi thế khó kiếm công việc làm, em mới thả xuống Mỹ Tho” (9).

Nếu con người của Hồ Biểu Chánh lưu lạc vì phải tha phương thì con người của Bình Nguyên Lộc mang nặng cảm thức lưu lạc bởi không tìm thấy được sự đồng điệu với môi trường sống, tâm hồn luôn hướng đến một không gian khác vượt ra khỏi nơi thân xác đang trú ngụ. Thế giới nhân vật của Bình Nguyên Lộc là những người sống ở thành thị sầm uất mà lạc loài, ngơ ngác, sầu thương, mà “cứ nghe phảng phất đâu đây mùi đồng áng, mùi lò đường tiểu công nghệ với những đêm dài đốt lửa” (10) (Cuống rún chưa lìa), chỉ tìm thấy sự dễ chịu, thanh thản khi trở về với đầm ruộng, một nếp nhà cũ, một thếp đèn xưa. Vợ chồng anh Sáu Nhánh (Phân nửa con người) rất săn sóc, quan tâm người cha già. Họ dành một tầng lầu trên thuyền cho ông... nuôi trên thuyền nào gà, nào heo để sẵn sàng thực phẩm làm cơm cúng giỗ tổ tiên… Vậy mà, ông vẫn không vui, “ngồi cú rũ trong mũi thuyền, mãi cho tới tối, mãn con nước, thuyền phải đậu lại” để rồi sau đó trịnh trọng tuyên bố: “Tao không muốn theo ghe nữa… tao nhớ làng, nhớ đất quá” (11). Sống trong cảnh nay đây mai đó, người cha thấy mình lạc lõng, bơ vơ. Ông chia sẻ với con nhưng cũng là những điều nung nấu tâm can: “Tao nhớ đất muốn chết đi lận” (12). Con Tám cù lần trong truyện ngắn cùng tên nhất mực đòi về quê, khước từ một chỗ làm ổn định, một chốn dung thân yên ấm, đơn giản chỉ vì nó nhớ nhà, nhớ những bữa cơm ăn ở nhà bếp, quanh lò lửa, nỗi nhớ “được mùi ốc gạo gợi lên, thành ray rứt quá, chịu không thấu” (13). Cảm thức lưu lạc được Bình Nguyên Lộc thể hiện quan hệ mật thiết với loại hình văn hóa gốc nông nghiệp phương Đông. Nước Pháp hiện đại, giàu có, người chồng Pháp yêu thương, chiều chuộng nhưng thiếu phụ (Căn bệnh bí mật của nàng) vẫn luôn “buồn bực, quạu cọ, cau có”. Chỉ đến khi được nghe tiếng ve của miền Nam nước Pháp, thấy cây chuối trồng cạnh cung điện của ông hoàng xứ Mônacô, ngửi mùi rau ngò, rau răm trồng bên ao rau muống của bà phán Như Ngọc ở Toulon, những âm thanh, hương vị rất tiêu biểu cho dân tộc Việt, thiếu phụ mới thức nhận được nguyên nhân căn bệnh của mình là nỗi sầu xa xứ. Để thỏa nỗi nhớ thôn quê, người chồng (Lửa tết) đã thay bếp dầu bằng bếp than. Anh ta quan niệm: “Ta ở thành phố, không thể mong hưởng những thứ ấy thì lửa, ít ra cũng phải nổ lách tách trong lò và tiết ra mùi cây cỏ…” (14). Hành động tưởng như kỳ dị của người chồng lại được bà mẹ vợ vốn rất ghiền khói, ghiền lửa hết lòng ủng hộ, tán đồng.

Mang nặng cảm thức lưu lạc, con người của Bình Nguyên Lộc đã chọn những cách ứng xử văn hóa, tạo thành mô hình nghệ thuật: con người rời không gian A đến không gian B rồi trở về A và con người tạo ra không gian A bên trong không gian B. Đúng vậy, với những tâm hồn nặng lòng bởi mùi đất, mùi lửa, mùi hương hành kho… thì việc trở lại với không gian xưa cũ, quen thuộc là cách lựa chọn tốt nhất. Vợ chồng anh Cam, chị Mít (Về làng cũ) từ làng ra chợ để làm ăn và ý thức được “mình là một người sanh đẻ, lớn lên ở đồng ruộng… mình phải sống ở đồng ruộng mới xong” (15) Họ quyết định trở về chốn quê, mong “gần ruộng… gần trâu bò… gần mồ mả ông bà… gần xóm giếng…” (16). Với những người trở về nơi chôn rau cắt rốn là điều xa xỉ như thiếu phụ (Căn bệnh bí mật của nàng), gia đình Liên (Lửa tết) thì họ đã tìm cách tạo ra hình ảnh thôn quê ngay tại không gian sống mới. Họ trồng rau răm, rau tần, hành, ớt vào những cái chậu đất đặt ở sân, họ gieo bông thọ, bông huệ trên những luống đất hẹp, mua than đước về đốt thay dầu, ăn bánh xèo với nước mắm chanh ớt, nghe vọng cổ… Nhằm thể hiện sự lạc lõng, bơ vơ của con người trong môi trường như một dạng thức của lưu lạc, Bình Nguyên Lộc chú ý miêu tả những chi tiết làm nên sự đối lập giữa đô thị và chốn quê. Đô thị có những ngôi nhà cột bằng bê tông, cửa bao giờ cũng đóng im ỉm. Người đô thị là nô lệ của đồng hồ, lúc nào cũng thấy vội. Chốn quê có ngôi chùa cổ, vây quanh là mấy mươi nếp nhà lá cất giữa những miếng vườn con con, có những sợi khói trắng mỏng bay lên từ các mái bếp, có hương hành lá pha với mùi nước mắm của một trách cá kho vừa sôi. Và người chốn quê thì chất phác, ân tình, hiếu khách. Chỉ vậy thôi nhưng đủ gợi nỗi nhớ, niềm thương về dĩ vãng và quê hương.

Khác với con người của Bình Nguyên Lộc thường suy tư, dằn vặt, con người của Sơn Nam lại rất chuộng hành động. Họ lưu lạc nhưng không quá bị ám ảnh bởi cảm thức tha phương, mạnh mẽ bước về phía trước dù thử thách chông gai, đón nhận những mất mát, đau buồn song chưa đến mức bi lụy. Đọc những trang viết của "ông già đi bộ", độc giả bắt gặp hình ảnh con người đi tới vùng cực Nam của tổ quốc với lòng khát khao khám phá, với mong muốn được thỏa chí tang bồng. Chàng trai (Con Bảy đưa đò) quyết chí ra đi vì lòng yêu non nước, để lại quê nhà người con gái có giọng hò ngọt ngào, đã dần chuyển từ chỗ kính mến tới yêu thương chàng (17). Ông Từ Thông (Hòn Cổ Tron) đến cất chòi nương náu ở hòn đảo nằm giữa vịnh Xiêm La, sống cuộc đời tự do, quên đi mọi phiền toái của cuộc đời, thảnh thơi sống giữa mây trời, non nước, nơi ông đã dừng chân trên chặng đường lưu lạc (18). Nhiều nhân vật của Sơn Nam lưu lạc đơn giản còn là nhu cầu tìm một miền đất mới để mưu sinh, thể hiện tài trí trong công cuộc chinh phục tự nhiên. Bất kể cọp dữ, nhiều thế nào, người Việt vẫn đổ xuống Rạch Giá, Cà Mau để khai khẩn đất hoang. Họ lựa các vàm rạch nhỏ, chèo ghe vô tuốt trong ngọn cùng mà cất chòi, vì như vậy có thể ở xa cọp. Một số lo xa, rào xung quanh nhà, cọp không vào trong được, quay lại, thò đuôi vô kẽ hàng rào. Lần hồi, mọi người đoàn kết lại với nhau bàn chuyện đánh cọp “công việc đầu tiên là đốn tre tầm vông vạt nhọn để sẵn. Khi gặp cọp thì đánh trống lên, cả xóm xách tầm vông tới nghinh chiến” (19). Nghe tin ở ngọn rạch Cái Tầu có cái ao nhiều sấu như trái mù u chín rụng, ông Năm Hên (Bắt sấu rừng U Minh Hạ) “chẳng nệ đường xa để tới xứ Khánh Lâm”, bắt sấu bằng hai tay không. Ông dùng diệu kế, châm lửa đám sậy đế trong ao để sấu phải bỏ ao bò lên rừng theo con đường đào sẵn, dùng khúc mốp khóa miệng sấu, xách cái mác cắt gân đuôi sấu và kết quả là chinh phục được cả một bầy sấu, “con này buộc nối đuôi con kia, đen ngòm như khúc cây khô dài” (20). Người dân mỗi xứ ông dừng chân đều tôn ông là bậc phi phàm, thế gian hy hữu. Với những vùng đất ngập lụt, nhấp nhô những lượn sóng cỏ, ông Mạc Cửu ở bên Tàu sang khai khẩn phải chịu thua, bác vật Tây phải lắc đầu, nhưng xuồng của vợ chồng người nông dân Tư Cồ (Ruộng Lò Bom) vẫn tìm đến và neo đậu. Hai người trổ tài làm ruộng: phát gốc cỏ dưới nước, sau hai tháng khi nước xuống cỏ bị thối trở thành loại phân tốt rải đầy trên mặt đất, họ sẽ gieo lúa giống, loại lúa Xom Ma Cà từ lúc gieo đến lúc trổ bông là bốn tháng. Song cũng có khi vì lưu lạc mà con người có số phận chưa thật trọn vẹn. Ông bà Cả băn khoăn, cân nhắc khi gả “cô Út về rừng”, nơi muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh bềnh như bánh canh”. Ông bà tủi thân, lo lắng sông Cái Lớn mấy năm nay lại thêm sóng gió bất thường” (21), làm sao con gái, con rể và đám cháu ngoại xa xôi có thể về Bình Thủy chứng kiến giờ phút ông bà nhắm mắt xuôi tay. Tằng tổ của Hoàng Mai (Hương rừng) phò chúa từ Thuận Hóa đến U Minh Hạ, sau nhuốm bệnh mà không thể tiếp tục vượt biển hộ giá, đành ở lại chốn thanh lâm u cốc, trở thành những lưu dân, từ đời này đến đời khác.

Viết về những tiền nhân giã biệt nơi chôn rau cắt rốn đi khai khẩn đất hoang, mở mang bờ cõi, Sơn Nam sử dụng cách kể chuyện từ ngôi thứ ba bằng giọng văn tự hào, bi tráng xen lẫn giữa kể, tả là những suy nghĩ của chính tác giả. Hình ảnh ông Năm Hên (Bắt sấu rừng U Minh Hạ) đi ra khỏi mé rừng “áo rách vai, tóc rối nùi, mắt đỏ ngầu, bó nhang cháy đỏ quơ qua quơ lại trên tay” (22) sau khi đã bắt được bốn mươi lăm con sấu và đi gọi hồn những người bị hùm tha sấu bắt thật ám ảnh. Nhà văn ngưỡng mộ con người có mưu kế cao cường song cũng không khỏi xúc động chạnh nhớ đến tổ tiên, bạn bè, thân nhân… đã bỏ thây vì đàn cá sấu trên bước đường sanh nhai và tự hỏi “bó nhang đang cháy đỏ kia có giải oan được cái chết của họ không chứ” (23). Nhà văn trân trọng thành quả của những người mang thân lưu lạc, tiên phong mở nước và không quên ghi nhận những hy sinh thầm lặng của họ: “Từ bao nhiêu thế kỷ rồi, trên đất nước mình lắm người luống tuổi chịu cảnh sinh ly như ông Cả, cô Út. Để cho nước mạnh, dân còn” (24).

Đối với Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn đặc sản miền Nam những năm đất nước hòa bình và đổi mới, con người mang cảm thức lưu lạc luôn trong hành trình kiếm tìm những gì đã mất, tình yêu, hạnh phúc, ý nghĩa của tồn tại, của cuộc đời. Con người của Nguyễn Ngọc Tư thường khắc khoải đi tìm những người thân yêu như má, vợ, con… mà vì một lý do nào đó, họ phải tay buông tay, mắt rời mắt nhưng trái tim thì không nguôi nhớ về nhau, lo cho nhau. Ân hận vì câu nói dằn dỗi của mình: “Bà nội báo hại con quá. Phải bà chết sớm cho con khỏe” (25) mà bà bỏ đi, Dự (Gió lẻ) đã thề “không tìm được bà nội con không về” (26), đã gắn bó cuộc đời trai trẻ của mình với những con đường và mỗi khi dừng xe, “chạy lại giở nón của một người hành khất để tìm khuôn mặt già nua quen thuộc” (27), đến mức tấm hình của bà nội đã quăn queo, nhàu nát. Buồn thay, khi Dự gặp lại bà thì bà chỉ còn là “một ụ đất bên đường, được đắp bằng tấm áo cỏ chen lẫn hoa mười giờ đỏ” (28). Hành trình kiếm tìm người vợ của ông Sáu Đằng (Biển người mênh mông) kéo dài “gần bốn mươi năm, dời nhà cả thảy ba mươi ba bận, lội gần rã cặp giò” (29). Ông đã đi qua bao nhiêu ngõ, tới bao nhiêu hẻm, gặp bao nhiêu người mà vẫn không thấy bóng dáng thân thương, chưa thể nói được lời xin lỗi. Ông tự nhủ, “chỗ nào chưa đi thì đi, còn sống thì còn tìm” (30). Con người Nam Bộ khao khát tình yêu và hạnh phúc. Họ chấp nhận lưu lạc, sẵn sàng trả giá để có thể chạm tới yêu thương, ngọt ngào. Yêu đào Hồng, Chín Vũ (Cuối mùa nhan sắc) bỏ nhà, bỏ cuộc sống giàu sang, làm chân kéo màn, dựng cảnh, đóng vai quân sĩ, người hầu mong được nhìn thấy đào Hồng đi ra, đi vô, được nghe đào Hồng hát. Cả cuộc đời phiêu bạt, ông Chín hạnh phúc vì hy sinh cho người khác, vì làm cho người nắm giữ trái tim mình có thể thanh thản, thỏa lòng. Nguyễn Ngọc Tư quan niệm lưu lạc còn giúp con người có khả năng kiếm tìm ý nghĩa của sự tồn tại, đồng thời cũng là một cơ hội để vươn lên, tự hoàn thiện. Sói và em (Ấu thơ tươi đẹp) có cảnh ngộ giống nhau, đều “lạc giữa nhà mình và mất một nửa thời gian bên mẹ để làm quen lại”, “ở nhà cha thì ngắn hơn, và hầu như em chưa kịp quen gì thì cha đã gọi điện đặt vé tàu để tiễn em đi” (31). Cả hai cảm thấy cô đơn, lẻ loi trong chính gia đình vì không có được niềm vui của sự đoàn tụ, hơi ấm của sự sum vầy. Sói và em chọn chuyến tàu cuối hè là nơi, là thời điểm bắt đầu một cuộc ra đi khác, rốt ráo, quyết liệt hơn để tìm ý nghĩa thực của cuộc đời, để gọi tên cho sự tồn tại của chính mình. Trong lúc người cha đang xả nước ở một phòng tắm của nhà ga, "Sói quay lại nhìn về phía tàu… Rồi Sói quay đi nhòa vào dòng người” (32). Còn em “thì mãi mãi ở lại con tàu này bằng một vốc thuốc ngủ ven vén của mỗi tiệm thuốc tây một chút” (33). Nguyên cớ khiến Ân (Sông) quyết định ra đi lại là sự thất vọng về người tình đồng tính. Ân đi ngược sông Di như muốn “đào xới lại tâm thức, lật lại từng kỷ niệm, những tình tiết trong đời đã hình thành nên cái mình đang là” (34). Ân nhận ra mình chẳng có gì kết nối với cuộc đời này: một người cha tưởng rằng mình không có đứa con như Ân ở trên đời; một người mẹ đặt nhiều kỳ vọng vào cậu con trai duy nhất, muốn nó giống như mình nghĩ, mình mong muốn; một người yêu đã gửi tối hậu thư giục Ân trở về và “chỉ chờ hết tuần này là chấm hết” (35). Giữa mênh mang sóng nước, Ân nhấn chìm chiếc thuyền, muốn bơi về khơi xa, hy vọng tìm thấy một điều gì đó để mình thôi đắn đo, hoài nghi, đau khổ.

Điều đặc biệt là khi viết về những con người lưu lạc, Nguyễn Ngọc Tư thường chọn cái kết không có hậu. Bản thân lưu lạc đã mang trong mình sự bất trắc, khổ đau. Gia đình Nương (Cánh đồng bất tận) trôi dạt từ cánh đồng vắng ngắt qua cánh đồng không có tên, cánh đồng chết khô để cuối cùng trên cánh đồng, Nương bị đám thợ gặt hãm hiếp, “thấy mình như đã chết” (36), còn người cha bất lực chứng kiến con mình bị làm nhục: “mắt cha tôi ầng ậc nước, tôi không rõ là phèn hay máu nhoèn nhoẹt” (37). Cuộc hành trình kiếm tìm hạnh phúc của Di (Khói trời lộng lẫy) đầy mất mát. Di gặp cha khi “trong ký ức của ông không còn hình ảnh nào của tôi, đã đứt bằn bặt” (38). Có bao nhiêu tình yêu Di dâng hiến cho đời, rốt cục “trơ trụi xơ rơ, gân guốc bụi đời, và rửa mặt mỗi ngày bằng nỗi phiền muộn bảng lảng” (39). Đem em trai đi cùng với mong muốn giữ lại vẻ đẹp thiên thần nhưng rồi Di hiểu mình đã tước đoạt, đánh cắp của em rất nhiều. Di, sau mọi ảo tưởng, thất vọng đã quyết định để mình tan biến trong khói trời lộng lẫy, thứ khói được tạo nên bởi trái khế con rụng xuống nằm khô trong máng nước, chiếc chiếu đã đứt mấy sợi dây trân và cả những sợi tóc của Di nữa. Những cái kết không có hậu làm cho cảm thức lưu lạc của người Nam Bộ thêm đau đáu, ám ảnh khôn thôi.

Như vậy, do ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, xã hội, văn hóa vùng đất mới, kết hợp với hoàn cảnh gia đình, bản thân của mỗi cây bút và nhất là ý thức chọn lưu lạc như một phương cách để phản ánh đời sống, sáng tạo nghệ thuật, bốn nhà văn tiêu biểu của Nam Bộ ở từng thời đại khác nhau có sự tiếp nối suốt một thế kỷ, đã khắc họa thành công những nét chung trong cảm thức lưu lạc của con người, đồng thời thể hiện được những phương diện riêng, độc đáo và ấn tượng về nỗi niềm tha hương, hành trình kiếm tìm hạnh phúc, sự bơ vơ, lạc lõng giữa cuộc đời. Cảm thức lưu lạc thực sự đã trở thành mẫu số chung của con người Nam Bộ, những người sống trên miền đất được tạo lập hơn ba trăm năm nay song vẫn luôn hấp dẫn, gọi mời sự quan tâm, niềm hứng khởi của các nhà văn, đặc biệt là những đứa con thương mến của quê hương.

_______________

1. vi.wikipedia.org.

2. Nguyễn Thùy Trang, Cảm thức lưu lạc trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, Luận văn Thạc sĩ khoa học Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2012, tr.22.

3, 4. Hồ Biểu Chánh, Nhân tình ấm lạnh, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2003, tr.58, 65.

5. Hồ Biểu Chánh, Chút phận linh đinh, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2006, tr.30.

6. Hồ Biểu Chánh, Chúa tàu Kim Quy, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2005, tr.58.

7. Nguyễn Khuê, Chân dung Hồ Biểu Chánh, Nxb TP.HCM, 1998, tr.239.

8, 9. Hồ Biểu Chánh, Lời thề trước miễu, Nxb Văn hóa Sài Gòn, TP.HCM, 2006, tr.8, 69.

10, 11, 12, 13, 14, 15, 16. Nguyễn Q. Thắng, Tuyển tập Bình Nguyên Lộc, tập 2, Nxb Văn học, Hà Nội, 2002, tr.824, 997, 998, 939, 965, 1039, 1041.

17, 20, 22, 23. Sơn Nam, Hương rừng Cà Mau, tập 1, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2011, tr.242, 90, 92, 93.

18, 19, 21, 24. Sơn Nam, Hương rừng Cà Mau, tập 2, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2009, tr.227, 219, 46, 47.

25, 26, 27, 28, 31, 32, 33. Nguyễn Ngọc Tư, Gió lẻ và 9 câu chuyện khác, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2008, tr.145, 146, 126, 153, 67, 70, 73.

29, 30, 36, 37. Nguyễn Ngọc Tư, Cánh đồng bất tận, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2011, tr.115, 116, 217, 218.

34. Hoài Phương, Sông và hành trình bản ngã của Nguyễn Ngọc Tư, vannghequandoi.com.vn

35. Nguyễn Ngọc Tư, Sông, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2012, tr.188.

38, 39. Nguyễn Ngọc Tư, Khói trời lộng lẫy, Nxb Thời đại và Công ty Sài Gòn truyền thông, 2010, tr.164, 149.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 362, tháng 8-2014

Tác giả : Phạm Thị Thu Thủy

;