Đất nước Việt Nam nằm giữa hai nền văn minh lớn của nhân loại: văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ. Hai nền văn minh này với những thành tựu vĩ đại đã ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trong khu vực - trong đó có nước ta. Những ảnh hưởng ấy biểu hiện trên nhiều phương diện, trong đó, không thể không kể đến Nho giáo và Phật giáo. Đã có nhiều công trình bàn đến hai hệ tư tưởng này một cách hệ thống và công phu. Trong phạm vi bài viết của mình, chúng tôi chỉ tìm hiểu về con đường du nhập và sức sống của Phật giáo trong đời sống văn hóa Việt Nam (qua cái nhìn so sánh với Nho giáo).
Trước hết, cần phải thấy rằng: Nho giáo và Phật giáo có nhiều điểm khác nhau căn bản về giáo lý, giáo luật, quan niệm sống, cách hành xử… nên quá trình xâm nhập, tác động, ảnh hưởng của nó trong dòng chảy lịch sử và đời sống văn hóa người Việt đương nhiên cũng khác nhau. Nếu như con đường ban đầu tư tưởng Nho giáo từ phương Bắc truyền bá vào nước ta hướng đến tầng lớp quan lại trong xã hội và sự truyền bá đó mang ý nghĩa trực tiếp, nhất quán, áp đặt thông qua bộ máy cai trị của “thiên triều” thì Phật giáo lại khởi nguồn từ tầng lớp lao động - theo con đường tự nguyện, hòa đồng, đầy tính thuyết phục thông qua các tín ngưỡng trong đời sống nhân dân (1).
Con đường của Nho giáo
Như trên chúng tôi đã đề cập, con đường của Nho giáo trong quá trình phát triển lịch sử tư tưởng Việt Nam bắt đầu từ những tầng lớp trên (quan lại) trong xã hội và mang tính áp đặt. Chúng ta hoàn toàn có thể nhận diện được sự thật này khi nhìn lại dòng chảy của Nho giáo trong tiến trình lịch sử tư tưởng Việt Nam.
Sau thời kỳ dựng nước, đất nước ta bị các triều đại quân chủ phương Bắc thống trị, đô hộ suốt hơn 1.000 năm. Trong đêm trường Bắc thuộc hắc ám, các thế lực quân chủ “bên kia biên giới” - tiêu biểu như nhà: Hán, Đường, Minh… đã thực thi chế độ thống trị tàn bạo, hà khắc, nhằm đồng hóa, biến nước ta thành quận huyện của chúng.
Trong con mắt của các Thái thú và hệ thống bộ máy cai trị phương Bắc, vùng đất Lĩnh Nam - hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân là trung tâm - thuộc dạng “chư hầu khó bảo”, chỉ còn cách “cai trị”, “giáo hóa” để buộc người dân phải tuân thủ, phục tùng vô điều kiện. Họ tự cho mình cái quyền đồng hóa văn hóa theo mô hình quận huyện của “Thiên triều” nên tư tưởng Nho giáo được du nhập theo lối áp đặt từ trên xuống.
Có thể thấy, sự xâm nhập của Nho giáo và Việt Nam lúc này là từ tầng lớp quan lại và mang tính chất áp đặt, cưỡng bức một cách hết sức rõ nét. Tác giả Trần Ngọc Thêm cũng cho rằng Nho giáo thời Bắc thuộc là “thứ văn hóa do kẻ xâm lược áp đặt” (2), chỗ đứng của nó trong xã hội Việt lúc bấy giờ khá mờ nhạt.
Chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938 đã đưa nước ta thoát khỏi ách đô hộ hơn 1.000 năm của các triều đại phương Bắc và bước vào thời kỳ tự chủ. Song, đúng như nhận định của nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh: “Sau hàng ngàn năm bị đô hộ, xã hội Việt Nam bước ra khỏi thời Bắc thuộc với một di sản nặng nề - trong đó nổi bật là tình trạng chưa toàn diện và đồng bộ của hệ thống quản lý xã hội. Tầng lớp trí thức còn mỏng manh về số lượng, phân tán về học vấn và chưa có kinh nghiệm quản lý, chưa đảm trách được vai trò người dẫn đạo tinh thần và điều hạn đất nước” (3). Xuất phát từ điều kiện khách quan đó mà Nho giáo vẫn có cơ sở để tồn tại trong lòng xã hội ở những thế kỷ sau.
Từ TK X - TK XIV, tư tưởng Nho giáo tiếp tục được truyền bá ở nước ta. Các vương triều Lý - Trần đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng quốc gia độc lập. Mô hình nhà nước quân chủ phương Bắc với nền tảng Nho giáo được các vương triều nước ta tiếp thu. Nho học có điều kiện phát triển.
Năm 1070, nhà Lý xây dựng Văn miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công. Năm 1075, nhà Lý cho mở khoa thi Minh kinh đầu tiên để chọn người hiền tài. Tư tưởng Nho giáo có điều kiện tác động đến tầng lớp vua quan thống trị và ảnh hưởng nhiều đến những người được đào tạo qua “lò” Nho học, tham gia bộ máy điều hành xã hội từ “cửa Khổng sân Trình”. Đội ngũ các nhà nho ngày càng nhiều và được trọng vọng, chữ Nho được làm văn tự của nhà nước quân chủ, nên tư tưởng Nho giáo đã ảnh hưởng đến tầng lớp trên của xã hội đương thời và tác động không nhỏ đến một bộ phận xã hội. Như vậy, trong nhiều thế kỷ, Nho giáo chưa được truyền bá sâu rộng đến quảng đại quần chúng mà chỉ dừng lại ở một lớp người thuộc tầng lớp trên của xã hội.
Thời kỳ Hậu Lê và triều Nguyễn là giai đoạn phát triển của tư tưởng Nho giáo ở nước ta. Những người lãnh đạo nhà nước quân chủ giai đoạn này nhận thấy vai trò quan trọng của Nho giáo trong việc xây dựng một nhà nước phong kiến tập quyền vững mạnh, kỷ cương, khuôn phép… nên đã chủ trương phát triển Nho giáo, lấy Nho giáo làm “điểm tựa” về tư tưởng. Nhà Hậu Lê tồn tại 360 năm (1428-1788). Trong “mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên” đó, có tới hàng trăm vị đại khoa (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, tiến sĩ, đồng tiến sĩ xuất thân…) được đào tạo theo con đường Nho học, tham gia vào bộ máy điều hành, quản lý xã hội từ triều đình tới huyện, xã đã góp phần truyền bá tư tưởng Nho giáo đến tận nông thôn. Những tư tưởng có ý nghĩa nền tảng của Nho giáo: Tam cương, Ngũ thường, Tam tòng, Tứ đức, Tu thân - Tề gia - Trị quốc - Bình thiên hạ… trở thành chuẩn mực của cuộc sống. “Văn hóa Nho giáo” tạo nên những thành tố văn hóa mới. Nhiều nhà nho đã có những đóng góp vào sự nghiệp văn hóa dân tộc, văn học viết bằng “chữ Nho” để lại nhiều tác phẩm có giá trị vượt thời gian. “Đạo đức Nho giáo thời quân chủ” ảnh hưởng đến đời sống xã hội từ hôn nhân “môn đăng hộ đối” đến ma chay, lễ, Tết… Dẫu vậy, một thực tế không thể phủ nhận là, các vị vua thời Hậu Lê có những cố gắng rất lớn nhằm truyền bá Nho giáo tới làng xã - tức tác động tới nếp cảm nếp nghĩ của toàn thể nhân dân - song kết quả không được như ý. Những người tiếp thu Nho giáo vẫn đa phần là tầng lớp nho sinh, nho sĩ, quan lại trong xã hội.
Đến thời Nguyễn, Nho giáo vẫn còn nhưng đó là giai đoạn Nho giáo cuối mùa quân chủ, tồn tại cùng Công giáo. Cho đến khi vương triều Nguyễn hết sứ mệnh lịch sử vào cuối tháng 8-1945 thì ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo cũng mờ dần rồi lùi vào quá vãng trước luồng gió mạnh mẽ của văn hóa phương Tây.
Như vậy, điểm qua các thời kỳ phát triển của Nho giáo trong dòng chảy lịch sử văn hóa và tư tưởng Việt Nam, chúng ta có thể đi đến kết luận: Nho giáo hình thành và phát triển gắn liền với chế độ quân chủ; hay nói cách khác, nó là “giá đỡ” của xã hội quân chủ. Vậy nên, khi xã hội quân chủ suy tàn thì Nho giáo cũng dần dần biến mất. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận được những phương diện tích cực của nó trong suốt chiều dài lịch sử. Xã hội Việt Nam suốt một thời kỳ dài sẽ như thế nào và ra sao nếu không “dựa” vào Nho giáo? Song đây là học thuyết cai trị, nên chủ yếu là sự tồn tại của nó gắn với tầng lớp thống trị và con đường truyền bá “đi” từ quan xuống dân, mang tính “cưỡng bức”, áp đặt chứ không phải “tự nguyện”. Quá trình truyền bá như vậy rõ ràng khó không tạo nên một sức sống bền bỉ. Ngay cả ở triều đình, đôi khi “các tập tục của Nho giáo cũng rất xa lạ với ta” (4), chưa nói đến tầng lớp nhân dân nơi miền thôn quê.
Con đường của Phật giáo
Giống Nho giáo, tư tưởng Phật giáo cũng từ nước ngoài du nhập và ảnh hưởng đến Việt Nam, trải qua nhiều thăng trầm cùng lịch sử.
Thiên niên kỷ thứ nhất là thời kỳ du nhập, truyền bá và hình thành các trung tâm Phật giáo. Lúc đó, ở châu thổ sông Hồng, các triều đại quân chủ phương Bắc đang thống trị, âm mưu đồng hóa nước ta. Tư tưởng Nho giáo đang được các Thái thú của “Thiên triều” áp đặt nhưng Phật giáo vẫn xâm nhập và đã đặt cơ sở trong đời sống tâm linh người dân (truyền thuyết Man Nương). Hai trung tâm Phật giáo ở Luy Lâu và Tây Nam Bộ đã cho thấy sức sống của Phật giáo trong giai đoạn này.
Thiên niên kỷ thứ hai là thời kỳ phát triển, trong đó thời Lý - Trần, Phật giáo đạt đến cực thịnh. Từ TK X, Phật giáo đã dần khẳng định vị thế trong đời sống xã hội, rồi trở thành Quốc giáo: triều đình xây dựng các nhà lưu giữ kinh Phật; nhiều nhà sư tham gia triều chính, đón sứ thần hay giữ các trọng trách (như Ngô Chân Lưu). Khắp bàn dân thiên hạ đều theo đạo và làm việc theo đạo Phật đến mức làm một số bậc quan lại lấy làm tức giận lắm đã phải thốt lên: “Phật chỉ lấy điều họa phúc mà động lòng người, sao mà sâu sắc và bền chắc đến như vậy? Trên từ vương công, dưới đến thứ dân, hễ làm cái gì thuộc về việc Phật thì hết cả gia tài cũng không tiếc. Nếu hôm nay đem tiền của để làm chùa, xây tháp thì hớn hở vui vẻ, như trong tay đã cầm được cái biên lai để ngày sau đi nhận số tiền trả báo lại. Cho nên, trong từ kinh thành, ngoài đến châu phủ, đường cùng, ngõ hẻm, chẳng khiến đã theo, chẳng thề mà tin; hễ chỗ nào có nhà ở thì có chùa Phật, bỏ đi thì làm lại, hư thì sửa lại” (5).
Thiết tưởng, không thể không nhắc tới ở đây cái gọi là Di sản Văn hóa Phật giáo.
Ngoài cung điện của các vương triều thay nhau trị vì thì những công trình hoành tráng, tôn nghiêm nhất quốc gia chính là hệ thống chùa tháp. Chùa Một Cột, tượng Phật nghìn mắt nghìn tay cùng với “Tứ đại khí”: Tháp Báo Thiên, vạc chùa Phổ Minh, chuông Quy Điền, tượng Phật chùa Quỳnh Lâm là những di sản tiêu biểu của văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Các lễ hội dân gian lớn nhất nước ta cũng là lễ hội Phật giáo: hội chùa Hương Tích, Yên Tử, hội chùa Thầy…
Văn học mang dấu ấn thiền, hương sắc thiền thời Lý - Trần đã để lại nhiều kiệt tác, ngày càng được lớp học giả hậu bối khám phá, phát hiện thêm nhiều tầng, nhiều vỉa.
Từ thời Hậu Lê đến vương triều Nguyễn, tư tưởng Nho giáo là nền tảng, “điểm tựa” của nhà nước quân chủ nhưng Phật giáo vẫn tiếp tục được duy trì. Dòng chảy văn hóa Phật giáo bị “lở” ở chốn cung đình thì vẫn không ngừng “bồi đắp” trong đời sống xã hội, tìm được sức sống trong tín ngưỡng dân gian.
Con đường Phật giáo tiếp cận, truyền bá và phát triển ở nước ta khác với Nho giáo. Nếu Nho giáo truyền bá vào nước ta theo lối áp đặt, cưỡng bức từ trên xuống thì Phật giáo được truyền bá tự nguyện, hòa đồng, thuyết phục từ dân và ảnh hưởng đến tầng lớp trên. Sự khác nhau này cũng dẫn đến những tác động khác nhau trong đời sống văn hóa và đời sống tâm linh.
Trước khi Phật giáo du nhập vào nước ta, người dân “bản xứ” đã có những tín ngưỡng bản địa: thờ vật tổ, thờ các lực lượng tự nhiên như: mây, mưa, sấm, chớp… Phật giáo vào nước ta đã hòa đồng với các tín ngưỡng bản địa, như “Phật hóa” các hiện tượng tự nhiên, “chuyển hóa” thành Tứ pháp: Vân, Vũ, Lôi và Điện. Thực tế cũng chứng minh rằng “Các pho tượng này hoàn toàn điêu khắc theo tiêu chuẩn một pho tượng Phật. Nghĩa là đầy đủ 32 tướng tốt cùng 80 vẻ đẹp - mà một trong những nét tiêu biểu chính là tướng nhục kế, những khế ấn và khuôn mặt đầy lòng từ mẫn” (6), để từ đó chinh phục tâm thức người dân bằng tư tưởng nhân đạo, nhân văn, cứu khổ, cứu nạn gần gũi với đời sống con người.
Những quan niệm từ bi, bác ái, cứu khổ cứu nạn của Phật giáo rất gần với ý thức sống của người nông dân đất Việt: Thương người như thể thương thân, Lá lành đùm lá rách, Một miếng khi đói bằng một gói khi no… nên đã “đi” vào lòng người hơn là những triết lý cao siêu được tầm chương trích cú từ kinh điển của các bậc thánh hiền.
Đối với người dân chịu nhiều tầng áp bức của các tầng lớp thống trị trong xã hội, cửa thiền là nơi bình đẳng, không phân biệt sang hèn. Đến với cửa Phật, người mang lễ vật cũng như kẻ chỉ có tấm lòng, người tới trước cũng như kẻ đến sau, quan lại cũng chẳng khác bình dân - chỉ cốt là cái tâm theo quan niệm: Tu tại tâm, Phật ở trong lòng. Điều này đã lý giải sức hút của Phật giáo trong đời sống tâm linh.
Với người dân trong các làng quê, ngôi chùa làng là nơi gần kề, thân thuộc, không “xa cách” như cửa Khổng sân Trình. Phật không xa vời mà gần gũi, từ bi, có thể thấu hiểu nỗi đau của con người, mọi tầng lớp chúng sinh. Đến với cửa Phật, con người được giải tỏa nỗi lòng, có thêm hy vọng. Vườn chùa cũng đồng thời là vườn thuốc nam có thể chữa “bách bệnh” cho con nhà nghèo; nhà chùa là nơi xứng đáng gửi gắm niềm tin nên người ta thành tâm hiến ruộng, cúng vàng hay đúc chuông, tạc tượng.
Tư tưởng Phật giáo - theo cách nhìn hiện đại - đương nhiên không phải không có những hạn chế nhất định nhưng con đường nhập thế của Phật giáo thì bình dân, dễ được “thập loại chúng sinh” chấp nhận.
Từ nhân dân, từ đời sống nơi thôn dã, Phật giáo đã ảnh hưởng đến các tầng lớp trên và quan lại, vua chúa. Khi nhà sư trở thành Quốc sư - tham dự triều chính thì bên cạnh hoàng bào là tấm áo cà sa; khi vua tự nhận là Phật tử, rồi từ bỏ ngôi vị cao sang tìm đến cửa Phật thì cũng là lúc Phật giáo đạt đến giai đoạn phát triển cực thịnh ở quốc gia Đại Việt.
Thực tế phát triển của Phật giáo trong lịch sử và tư tưởng Việt Nam cho chúng ta hình dung về một con đường - đường đi của Phật giáo: từ quảng đại quần chúng, Phật giáo phát triển ngày càng sâu rộng rồi ảnh hưởng đến tầng lớp trên của xã hội một cách tự nguyện, hòa bình. Con đường ấy cũng khẳng định: cái gì đi ra từ nhân dân, gắn bó với nhân dân mới có sức sống lâu bền.
Không giống như Nho giáo ở Trung Quốc, vì gắn chặt với hệ ý thức của tầng lớp trên (vua chúa, quan lại triều đình) áp đặt xuống thứ dân nên khi triều đình sụp đổ, ngay lập tức giáo lý của nó cũng không còn “lý do” tồn tại. Nho giáo có nhiều ưu điểm, song nó phù hợp với chính sự hơn là đời sống tâm linh. Điều này thì chỉ Phật giáo mới làm được. Có thể nói, Phật giáo đã thấm nhuần vào cách suy tư và sinh hoạt của người Việt. Các triều đại quân chủ có thể sụp đổ nhưng Phật giáo vẫn hiện hữu, bền bỉ, đồng hành cùng các tầng lớp nhân dân trải qua mọi biến cố thăng trầm. Không có gì ngạc nhiên nếu chúng ta biết: ở Việt Nam hiện nay, trong số 16 tôn giáo được công nhận thì Phật giáo vẫn là tôn giáo chiếm tỷ lệ tín đồ cao nhất. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2022 thì số lượng tín đồ đạo Phật là 15.140.000 người; số lượng tín đồ đạo Công giáo: 7.009.317 người; Phật giáo Hòa Hảo: 1.530.000 người; đạo Cao Đài: 1.247.979 người; đạo Tin lành: 1.121.239 người (7).
Kết luận
Khi đặt ra vấn đề tìm hiểu con đường du nhập của Nho giáo và Phật giáo, người viết không có ý khẳng định hệ tư tưởng nào ưu việt hơn hệ tư tưởng nào (vì cả hai đều có những mặt tích cực và hạn chế) mà chỉ trình bày khách quan những gì từng diễn ra trong lịch sử nước nhà. Song, từ những gì đã diễn ra, muốn hay không, lại cho chúng ta nhận thức về giá trị, sức sống của mỗi con đường du nhập, mỗi hệ tư tưởng. Và đến hôm nay, khi Nho giáo đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử thì Phật giáo vẫn khẳng định được sức sống mãnh liệt của mình trong dòng chảy văn hóa Việt Nam.
_________________________
1. Trần Quốc Vượng (chủ biên), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.55-60.
2, 4. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2008, tr.264, 265.
3. Cao Tự Thanh, Nho giáo ở Gia Định, Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2009, tr.453.
5. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2002, tr.458.
6. Xem thêm Phật giáo Việt Nam, vi.wikipedia.org, truy cập ngày 19-8-2024.
7. Xem thêm Tổng quan về Tôn giáo ở Việt Nam, vietnam.opendevelopmentmekong.net, 27-8-2023.
TS HÀ THỊ ĐAN - Ths PHẠM VÕ THANH HÀ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 590, tháng 12-2024