Các mục tiêu kinh tế của chính sách văn hóa ở Việt Nam

Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò của văn hóa như một động lực kinh tế ngày càng được quan tâm. Ngoài các mục tiêu văn hóa mang tính truyền thống như bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, chính sách văn hóa còn có các mục tiêu đóng góp vào sự phát triển kinh tế của quốc gia. Bài viết đề cập đến mục tiêu kinh tế của chính sách văn hóa trong nghiên cứu của các học giả nước ngoài; mục tiêu kinh tế của chính sách văn hóa trong hệ thống định hướng chính sách hiện hành của Việt Nam; đề xuất giải pháp tăng cường tính toàn diện của chính sách văn hóa ở Việt Nam.

Du lịch văn hóa là một trong các ngành công nghiệp văn hóa được chú trọng - trong ảnh: khách tham quan Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) - Ảnh: Minh Quân

1. Mục tiêu kinh tế của chính sách văn hóa trong các nghiên cứu của học giả nước ngoài

Trong những năm qua, nghiên cứu về vai trò kinh tế của văn hóa đã nhận được sự quan tâm đáng kể từ cộng đồng học thuật và các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới. Các nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào hai khía cạnh chính: văn hóa có thể đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế thông qua các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH), bao gồm cả du lịch văn hóa; hàng hóa và dịch vụ văn hóa có những đặc điểm đặc thù, đòi hỏi phải có sự can thiệp của Nhà nước để đảm bảo thị trường sản phẩm văn hóa có thể hoạt động tối ưu.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế trực tiếp từ các ngành CNVH: David Throsby, nhà kinh tế học văn hóa hàng đầu thế giới, chỉ ra rằng, các ngành CNVH như nghệ thuật, âm nhạc, điện ảnh và các lĩnh vực sáng tạo khác, đã trở thành một cấu phần quan trọng của các nền kinh tế hiện đại. Những ngành công nghiệp này tạo ra việc làm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thương mại, có tỷ lệ đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nhiều quốc gia (1). Trong lĩnh vực du lịch, Greg Richards khẳng định, du lịch văn hóa đã trở thành một phân khúc quan trọng của thị trường du lịch toàn cầu, đặc biệt là ở những nơi có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú. Du lịch văn hóa thu hút du khách quốc tế và ngoại tệ, tạo ra thu nhập và việc làm cho người dân, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nhiều địa phương (2).

Mục tiêu khai thác các ngoại ứng tích cực của văn hóa: Ngoài việc đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế, văn hóa còn mang lại những ngoại ứng tích cực, tức là những lợi ích gián tiếp mà không phải lúc nào cũng được tính toán đầy đủ trong giá thành của các sản phẩm văn hóa. Theo William J. Baumol, các sản phẩm văn hóa có thể tác động tích cực đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế như thúc đẩy sự sáng tạo và cải thiện chất lượng giáo dục, nâng cao năng suất lao động hay quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia. Một trong những ngoại ứng tích cực quan trọng khác của văn hóa là phát triển đô thị (3). Graeme Evans lập luận rằng, đầu tư vào văn hóa không chỉ giúp bảo tồn các giá trị lịch sử mà còn tạo ra các không gian sống mới, nâng cao giá trị bất động sản, cải thiện cơ sở hạ tầng, thu hút lao động sáng tạo, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị (4).

Mục tiêu khắc phục các thất bại thị trường: Văn hóa, giống như nhiều lĩnh vực khác, cũng phải đối mặt với các thất bại thị trường. Một trong những thất bại thị trường phổ biến nhất xuất phát từ đặc điểm hàng hóa công cộng của một số sản phẩm văn hóa, là hành vi “người ăn theo”, tức là việc người dân có thể sử dụng các sản phẩm văn hóa công cộng mà không phải trả tiền (5). Ví dụ, một di tích lịch sử có nhiều người thường xuyên đến tham quan, tham gia các sự kiện cộng đồng, nhưng chỉ một số người trong đó đóng góp kinh phí vào công tác bảo tồn di tích. Vì vậy, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, với kinh phí ít ỏi, di tích sẽ xuống cấp. Một thất bại thị trường khác trong lĩnh vực văn hóa là tính chất “trải nghiệm” của sản phẩm văn hóa. Người tiêu dùng thường phải trải nghiệm trước mới biết sản phẩm văn hóa đó có giá trị hay không, từ đó đưa ra lựa chọn tiêu dùng. Ví dụ, nếu lúc đi học, học sinh không được giáo dục, trải nghiệm về nghệ thuật truyền thống, thì đến khi lớn lên, sẽ ít khi chi trả mua vé đi xem các buổi biểu diễn của các loại hình nghệ thuật này. Điều này dẫn đến sự thiếu hiệu quả của thị trường, yêu cầu Nhà nước phải có sự can thiệp.

Mục tiêu tăng năng suất trong các ngành CNVH: William J. Baumol và William G. Bowen đã phân tích rằng, các ngành CNVH, đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn, gặp khó khăn trong việc tăng năng suất lao động vì đây là những ngành sử dụng nhiều lao động và không thể dễ cải thiện năng suất thông qua đổi mới công nghệ. Cụ thể, các dàn nhạc giao hưởng phải đối mặt với thua lỗ do chi phí sản xuất cao, nhưng không có cách nào giảm thời gian và công sức lao động mà không ảnh hưởng đến chất lượng của các tác phẩm nghệ thuật. Hiện tượng này được gọi là “Bệnh chi phí Baumol”, yêu cầu Nhà nước phải can thiệp để hỗ trợ các ngành này duy trì hoạt động (6).

Mục tiêu giải quyết vấn đề chi phí cố định và chi phí chìm cao, chi phí cận biên thấp: Theo các học giả Carl Shapiro và Hal R. Varian, một số lĩnh vực văn hóa thường phải chịu chi phí cố định và chi phí chìm rất cao, do đó, chi phí sản xuất trung bình chỉ có thể giảm bằng cách tăng quy mô sản xuất, tạo ra tính kinh tế theo quy mô, từ đó hình thành nên những doanh nghiệp đầu tư lớn trong văn hóa (7). Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra rào cản gia nhập thị trường, khiến các doanh nghiệp nhỏ khó cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn. Để giải quyết, cần có các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp văn hóa nhỏ và vừa phát triển. Đồng thời, các lĩnh vực như âm nhạc, xuất bản thường có chi phí cận biên rất thấp, thậm chí gần bằng 0, cụ thể trong việc sao chép sách, bản ghi âm, bản ghi hình. Việc này khiến các nhà sản xuất nội dung gốc khó thu hồi chi phí bỏ ra, vì vậy cũng cần có sự can thiệp của Nhà nước.

Mục tiêu xử lý khoảng trống trong hệ thống và mạng lưới kết nối: Theo nghiên cứu của Andy C. Pratt, việc kết nối giữa các giai đoạn sản xuất và phân phối trong ngành CNVH là rất cần thiết. Trong đó, các mạng lưới xã hội phức tạp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng sản phẩm văn hóa, đồng thời tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo (8).

Mục tiêu giải quyết bất cân xứng thông tin và tính bất định: Sự bất cân xứng thông tin là thất bại thị trường phổ biến nhất, không chỉ trong văn hóa mà còn trong mọi ngành, lĩnh vực. Ngoài sự bất cân xứng thông tin, văn hóa còn có đặc trưng là sự không chắc chắn, hay còn gọi là đặc tính “không ai biết” của sản phẩm văn hóa (9). Ruth Towse cũng phân tích ảnh hưởng của sự bất cân xứng thông tin đến giá cả và đầu tư trong lĩnh vực văn hóa (10). Những nghiên cứu này cho thấy tính chất phức tạp về thông tin trong văn hóa và sự cần thiết phải có cách tiếp cận chính sách phù hợp từ Nhà nước.

Tóm lại, các nghiên cứu trên đã chỉ ra rằng, chính sách văn hóa không chỉ có các mục tiêu văn hóa, chính trị, xã hội mà còn có các mục tiêu kinh tế, đòi hỏi phải có sự can thiệp của Nhà nước một cách phù hợp và toàn diện.

2. Các mục tiêu kinh tế của chính sách văn hóa trong hệ thống định hướng chính sách hiện hành của Việt Nam

Qua việc rà soát các định hướng, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa, có thể thấy rằng, các văn bản chính sách về văn hóa ít đề cập đến các khái niệm kinh tế phổ biến liên quan đến văn hóa như dịch vụ, hàng hóa công cộng, khuyến dụng. Tuy nhiên, một số định hướng hiện hành của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa có thể được phân tích và diễn giải theo hướng giải quyết các vấn đề về mặt kinh tế.

Một trong những mục tiêu kinh tế rõ ràng nhất trong chính sách văn hóa của Việt Nam là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trực tiếp thông qua CNVH. Mục tiêu khai thác khía cạnh kinh tế của văn hóa để tăng trưởng kinh tế được đề cập ngay từ Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16-7-1998 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII. Đến giai đoạn sau, các văn bản của Đảng về văn hóa như Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đều xác định phát triển các ngành CNVH và thị trường văn hóa là mục tiêu trọng tâm. Trong hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành văn hóa, mục tiêu về phát triển CNVH để tăng trưởng kinh tế được thể hiện chưa đậm nét, đặc biệt trong giai đoạn trước, chỉ phần nào xuất hiện trong pháp luật về nhiếp ảnh, thời gian gần đây xuất hiện ở pháp luật về bản quyền tác giả, điện ảnh. Phát triển du lịch văn hóa là mục tiêu được thể hiện sâu sắc ở Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng như tại Luật Du lịch.

Các mục tiêu về khai thác các ngoại ứng tích cực của văn hóa và khắc phục hành vi người ăn theo đều không được nêu rõ ràng dưới ngôn ngữ kinh tế trong các văn bản của Đảng hay trong hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành văn hóa. Việc khai thác các ngoại ứng tích cực của văn hóa chủ yếu được thể hiện qua các mục tiêu xã hội hoặc mục tiêu chính trị như xây dựng con người, gắn kết xã hội, thúc đẩy giáo dục và chia sẻ tri thức. Một ngoại ứng tích cực phổ biến khác của văn hóa thường được đề cập trong các nghiên cứu quốc tế là “phát triển đô thị” không được đề cập trong hệ thống văn bản của Đảng, nhưng đã được thể hiện tại Luật Thủ đô năm 2024, với quy định về phát triển đô thị dựa trên bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong khuôn khổ các yếu tố đặc thù về văn hóa của Hà Nội. Đối với mục tiêu khắc phục hành vi người ăn theo của sản phẩm văn hóa, ở một góc độ nhất định, nội dung về hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế, xã hội trong các văn bản Nghị quyết, chiến lược cũng phần nào thể hiện mục tiêu. Trừ lĩnh vực bản quyền tác giả, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực văn hóa hầu như không đề cập mục tiêu này. Trong các văn bản cấp chiến lược, mục tiêu được phần nào đề cập tại các chiến lược về phát triển các ngành CNVH và sở hữu trí tuệ.

Các mục tiêu kinh tế khác khá phổ biến trong văn hóa là khắc phục tính chất trải nghiệm của văn hóa, tăng năng suất sản xuất hàng hóa, dịch vụ văn hóa, giải quyết vấn đề về chi phí cố định và chi phí chìm cao, giải quyết vấn đề chi phí cận biên thấp đều không được đề cập cụ thể trong các văn bản của Đảng. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nêu trong các văn bản của Đảng cũng có thể phần nào liên quan đến các mục tiêu kinh tế này. Tương tự, trong hệ thống văn bản pháp luật và các văn bản chiến lược, có một số quy định, công cụ chính sách, giải pháp cụ thể liên quan trực tiếp đến các mục tiêu trên, nhưng các khái niệm quan trọng như tăng năng suất, gia nhập thị trường… đều không được đề cập đến trong các văn bản pháp luật. Do đó, khó có thể xác định các công cụ chính sách như ưu đãi thuế, ưu đãi vốn xuất hiện trong các văn bản có xuất phát từ các mục tiêu kinh tế không. Duy nhất, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 dành riêng một mục tiêu về việc hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gồm các giải pháp như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Các mục tiêu về khoảng trống trong hệ thống và mạng lưới kết nối, giải quyết sự bất cân xứng thông tin và tính bất định là hai mục tiêu đặc thù đối với nền kinh tế sáng tạo nói chung, các ngành CNVH nói riêng. Tuy nhiên, trong các văn bản của Đảng gần như chưa đề cập đến hai mục tiêu kinh tế này, trừ Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 với các nội dung về hỗ trợ quảng bá văn hóa, nghệ thuật, mặc dù nội dung này chủ yếu liên quan đến mục tiêu chính trị hơn là mục tiêu kinh tế. Trong các văn bản pháp luật và chiến lược, mục tiêu khoảng trống trong hệ thống và mạng lưới kết nối không được đề cập cụ thể, nhưng được thể hiện thông qua các nội dung về các tổ chức trung gian như hội, quỹ tại một số lĩnh vực như quảng cáo, thư viện, điện ảnh, bản quyền tác giả. Đối với mục tiêu giải quyết bất cân xứng thông tin và tính bất định, mục tiêu này đã cơ bản xuất hiện trong một số văn bản pháp luật gần đây thuộc lĩnh vực xuất bản, điện ảnh, gia đình, bản quyền tác giả. Trong hệ thống các chiến lược lĩnh vực văn hóa, hầu hết đều có nội dung về xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, là một giải pháp phổ biến để giải quyết bất cân xứng thông tin.

Tóm lại, nội dung duy nhất về mục tiêu kinh tế được đề cập trực tiếp tại các chỉ đạo, định hướng, chiến lược của Đảng, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến văn hóa là phát triển các ngành CNVH để tăng trưởng kinh tế. Các mục tiêu kinh tế phổ biến khác đều chưa được tiếp cận trực tiếp và đề cập cụ thể.

3. Đề xuất, kiến nghị

Để tăng cường tính toàn diện của chính sách văn hóa, có thể bổ sung các mục tiêu kinh tế vào các văn bản chỉ đạo, định hướng của Đảng và chính sách, chiến lược của Nhà nước về văn hóa. Cụ thể:

Thứ nhất, khai thác các ngoại ứng tích cực của văn hóa như phát triển đô thị và tạo việc làm chất lượng cao. Việc phát triển đô thị dựa trên di sản văn hóa hay sáng tạo nghệ thuật có thể mang lại những thay đổi lớn trong hạ tầng và kinh tế địa phương, không chỉ tạo ra việc làm chất lượng cao trong các ngành CNVH mà còn nâng cao giá trị bất động sản, thúc đẩy sự phát triển kinh tế tổng thể.

Thứ hai, khắc phục các điểm yếu của hàng hóa công cộng và hàng hóa khuyến dụng trong văn hóa như về năng suất sản xuất hàng hóa, dịch vụ văn hóa, chi phí cố định và chi phí chìm cao, chi phí cận biên thấp, tính chất “trải nghiệm” của văn hóa, hành vi “người ăn theo”. Việc khắc phục những hạn chế này thông qua các chính sách hỗ trợ tài chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi sẽ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng cường cung cấp sản phẩm văn hóa đến người tiêu dùng mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Thứ ba, duy trì, phát huy tính hệ thống và tính kết nối của các lĩnh vực văn hóa ở cấp quốc gia và địa phương. Sự kết nối giữa các bên liên quan sẽ giúp chia sẻ nguồn lực, kiến thức, kinh nghiệm, giảm thiểu rào cản tiếp cận thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa phát triển, đặc biệt tại cấp địa phương. Đồng thời, còn giúp tăng cường sự liên kết giữa các cơ quan văn hóa, doanh nghiệp và cộng đồng, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa trên phạm vi toàn quốc.

Thứ tư, cải thiện hệ thống thông tin và giảm thiểu rủi ro trong thị trường sản phẩm văn hóa. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về văn hóa sẽ giúp các doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận được thông tin cần thiết để đưa ra các quyết định đầu tư hợp lý, tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và ổn định. Ngoài ra, mục tiêu này sẽ nâng cao niềm tin của nhà đầu tư và các bên liên quan, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm văn hóa một cách bền vững.

Việc bổ sung 4 mục tiêu kinh tế này không chỉ giúp nâng cao vai trò của văn hóa mà còn giúp đóng góp vào sự phát triển bền vững và toàn diện của Việt Nam trong thời kỳ mới.

_______________

1, 5. Throsby, D., Economics and Culture (Kinh tế học và văn hóa), Nxb Đại học Cambridge, 2000.

2. Richards, G., Cultural tourism: A review of recent research and trends (Du lịch văn hóa: Tổng quan về nghiên cứu và xu hướng gần đây), Journal of Hospitality and Tourism Management, số 36, 2018, tr.12-21.

3. Baumol, W. J., Application of Welfare Economics (Ứng dụng kinh tế phúc lợi), In R. Towse (chủ biên), A Handbook of Cultural Economics, xuất bản lần 2, 2011, tr.9-18.

4. Evans, G., Measure for Measure: Evaluating the Evidence of Culture’s Contribution to Regeneration (Đánh giá bằng chứng về đóng góp của văn hóa đối với tái sinh đô thị), Urban Studies, 42(5-6), 2005, tr.959-983.

6. Baumol, W. & Bowen W., Performing Arts, The Economic Dilemma: A study of Problems common to Theater, Opera, Music and Dance (Nghệ thuật biểu diễn, vấn đề kinh tế: nghiên cứu các vấn đề chung đối với sân khấu, opera, âm nhạc và khiêu vũ), Recherches Économiques de Louvain, 37(3), 1971, tr.232.

7. Shapiro, C. & Varian, H. R., Information Rules: A Strategic Guide to the Network Economy (Quy tắc thông tin: Hướng dẫn chiến lược cho nền kinh tế mạng lưới), The Journal of Technology Transfer, số 25, 1998, tr.250-252.

8. Pratt, A. C., The Cultural Economy: A Call for Spatialized ‘Production of Culture’ Perspectives (Kinh tế học văn hóa: Lời kêu gọi cách tiếp cận ‘sản xuất văn hóa’ theo không gian), International Journal of Cultural Studies, 7(1), 2004, tr.117-128.

9. Caves, R., Creative Industries: Contracts between Art and Commerce (Ngành công nghiệp sáng tạo: Hợp đồng giữa nghệ thuật và thương mại), Nxb Đại học Harvard, 2000.

10. Towse, A., Textbook of Cultural Economics (Sách giáo khoa về kinh tế học văn hóa), Nxb Đại học Cambridge, 2010.

ĐỖ QUANG MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 584, tháng 10-2024

;