Trong lời Điếu do Chủ tịch nước Tô Lâm (nay là Tổng Bí thư) đọc tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1944-2024), Đảng ta đánh giá: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc với trí tuệ uyên bác, sắc sảo đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hệ thống tư tưởng và lý luận quý giá về con đường cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Kiên định vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhà tư tưởng Nguyễn Phú Trọng, ngọn cờ lý luận của Đảng đã làm sáng tỏ lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (1). Trong di sản vô giá đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu nhiều quan điểm về văn hóa và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ảnh: bvhttdl.gov.vn
1. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng định nghĩa về văn hóa
Trong học thuật, định nghĩa chỉ ra nội hàm của thuật ngữ là một công việc của một nhà lý luận có ý nghĩa góp phần nâng cao nhận thức về sự vật, hiện tượng và hướng dẫn hành động.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã đưa ra định nghĩa về văn hóa được ghi trong cuốn Nhật ký trong tù vào năm 1943: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn hóa nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa” (2).
UNESCO tổ chức quốc tế về văn hóa, giáo dục của Liên hợp quốc đưa ra nghĩa rộng của văn hóa: “Trong ý nghĩa rộng nhất, văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt về tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và tín ngưỡng” (3).
Trong di sản tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cách tiếp cận mới về văn hóa. Nội hàm của văn hóa được đặt trong bối cảnh xây dựng và phát triển của quốc gia Việt Nam, tiền đồ sống còn của dân tộc trước thách thức của toàn cầu hóa văn hóa và hội nhập quốc tế, của sự xâm lăng văn hóa. Tổng Bí thư định nghĩa: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn” (4). Định nghĩa trên của Tổng Bí thư rất khái quát, dễ hiểu, xác định rõ nội dung cốt lõi của văn hóa làm cho mỗi người Việt Nam từ trí thức đến người bình dân đều hiểu.
Tổng Bí thư quan niệm: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng” (5). Trong thư gửi Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023, ngày 28-8-2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã diễn giải đầy đủ, cụ thể về văn hóa: “Chúng ta đều đã biết, văn hóa là một phạm trù rất rộng, có thể được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau, với nhiều cách tiếp cận khác nhau, rất phong phú, đa dạng. Nhưng dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ” (6). Với định nghĩa trên, Tổng Bí thư đã đề cập đến tầng sâu của văn hóa, kết tinh của tinh hoa, tinh túy, những giá trị tốt đẹp, nhân văn, tiến bộ có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển con người và xã hội.
2. Quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vai trò, vị trí của văn hóa
Khi nói đến vai trò, vị trí của văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn và phân tích sâu sắc các quan điểm của các lãnh đạo Đảng ta. Đó là quan điểm: “Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân”, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hóa là một mặt trận, anh chị em (văn nghệ sĩ) là chiến sĩ trên mặt trận đó” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; quan điểm: “Định hướng xã hội chủ nghĩa là văn hóa” của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tổng Bí thư phân tích 5 quan điểm về xây dựng và phát triển văn hóa nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phân tích mục tiêu chung xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới nêu trong Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Qua các bài nói, bài viết, Tổng Bí thư đã xác định vai trò, vị trí của văn hóa trong các mối quan hệ với kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, dân tộc và với văn học nghệ thuật.
Với kinh tế, trong bài viết Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, thực hiện công bằng xã hội, Tổng Bí thư nhấn mạnh “Càng đi vào kinh tế thị trường trong thời đại văn minh này, chúng ta càng nhận rõ phải phát triển văn hóa, chăm sóc, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, coi đây là động lực, vừa là mục tiêu của công cuộc xây dựng xã hội mới” (7); “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực và nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” (8).
Với chính trị, xây dựng và phát triển văn hóa là một nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp cách mạng ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Theo Tổng Bí thư: “Ngày nay, văn hóa còn được coi như một yếu tố có vai trò quyết định sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia, dân tộc” (9). Trong bài phát biểu Xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng rạng rỡ, xứng đáng là trung tâm văn hóa tiêu biểu của cả nước, Tổng Bí thư chỉ rõ “Vấn đề bao trùm, chi phối, quyết định, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ văn hóa trong giai đoạn cách mạng mới là giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề gốc rễ, cực kỳ quan trọng, vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là cốt lõi của nền văn hóa tiên tiến mà chúng ta xây dựng. Giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa cũng có nghĩa là bảo đảm và giữ vững sự lãnh đạo của Đảng” (10).
Với xã hội, Đảng ta chủ trương phải kết hợp ngay từ đầu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm dần những khó khăn trong đời sống của Nhân dân, từng bước xây dựng một xã hội trong đó Nhân dân thực sự làm chủ các công việc nhà nước, mọi người sống nhân ái, có văn hóa, tôn trọng pháp luật, kỷ cương, xóa bỏ mọi áp bức, bất công, ai cũng có điều kiện để vươn lên, để cống hiến, trưởng thành và xây dựng một cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc” (11).
Với văn hóa, Tổng Bí thư khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc” (12).
Với dân tộc, “Văn hóa còn thì dân tộc còn” (13). Trong bài phát biểu Để Viện Văn học mãi là trung tâm nghiên cứu văn học lớn nhất của cả nước, Tổng Bí thư đã khẳng định “Chính nền văn hóa Việt Nam đã tạo nên sức mạnh, giúp Nhân dân ta, Dân tộc ta đánh thắng mọi kẻ thù hung bạo và mỗi thắng lợi ấy lại góp phần làm phong phú, sâu sắc, rạng rỡ thêm nền văn hóa Việt Nam” (14).
Với văn học nghệ thuật, trong bài phát biểu Văn học nghệ thuật phải đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Tổng Bí thư ghi nhận: “Các hoạt động văn học, nghệ thuật mang đến cho Nhân dân những tình cảm và tiếng nói nhân nghĩa, tri ân, động viên cổ vũ con người tự hào và phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc, cùng nhau hướng tới mục đích chung, xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp” (15).
3. Quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người
Tổng Bí thư cho rằng: Văn hóa bao gồm rất nhiều lĩnh vực, nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo, phức tạp. Làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người là yêu cầu rất cao, là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài. Để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cần phải tiến hành đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần được tập trung chỉ đạo và triển khai ngay:
Một là, “trong xây dựng văn hóa phải lấy xây dựng, phát triển con người có nhân cách, có lối sống tốt đẹp làm trọng tâm” (16) đặt lên hàng đầu là xây dựng con người Việt Nam “Hướng các hoạt động văn hóa vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách” (17).
Hai là, “xây dựng môi trường văn hóa (gia đình, cộng đồng và xã hội) lành mạnh làm cốt lõi” (18). Tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy các giá trị gia đình, cộng đồng, dân tộc Việt Nam. “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, bảo vệ những giá trị chân - thiện - mĩ” (19).
Ba là, đẩy mạnh thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Điều 4 quy định: Đảng Cộng sản Việt Nam là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” (20).
Mọi chủ trương, quan điểm về văn hóa của Đảng có đi nhanh vào cuộc sống phụ thuộc rất nhiều vào việc Nhà nước thể chế hóa thành những chính sách cụ thể. Tổng Bí thư đồng tình với nhận định: “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa” (21). Từ đó, Tổng Bí thư nhận định “Việc cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết về văn hóa còn chậm và thiếu điều kiện đảm bảo thực hiện” (22) và đề ra nhiệm vụ “Đẩy nhanh việc cụ thể hóa, thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa và có chế tài đủ mạnh để tổ chức thực hiện Nghị quyết, ngăn ngừa những vi phạm trong hoạt động văn hóa” (23).
Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa. Tổng Bí thư dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Tổng Bí thư nhận rõ: chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Vì vậy, Tổng Bí thư nhấn mạnh “Đặc biệt chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật. Đội ngũ này có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp văn hóa nói riêng và trong sự nghiệp cách mạng nói chung” (24).
Năm là, phải tiến hành tổng kết thực tiễn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lý luận cách mạng của Đảng, là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, ông rất quan tâm việc gắn lý luận với hoạt động thực tiễn. Tổng Bí thư yêu cầu “Công tác tư tưởng - văn hóa tham gia tổng kết thực tiễn, tiếp tục bổ sung hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là trên những vấn đề chưa rõ hoặc đang nổi cộm” (25). Tổng kết kinh nghiệm của những điển hình tiên tiến, phát huy nhân tố mới, hướng về cơ sở, hiểu rõ tâm trạng và nguyện vọng của quần chúng, khai thác và phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sáng tạo của nhân dân.
Trong bài Cần nhiều nỗ lực, sáng tạo mới, thực hiện trọng trách đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng và Nhà nước tại Lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn là một trong những nhiệm vụ to lớn, có tầm quan trọng đặc biệt đối với học viện. Các đồng chí cần đầu tư nhiều hơn nữa công sức và nguồn lực cho nhiệm vụ này” (26).
Tóm lại, trước yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng, những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo sâu sắc, toàn diện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Với phương châm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, chúng ta hy vọng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, chúng ta sẽ thực hiện tốt những chỉ dạy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một đặc trưng của mô hình chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
__________________
1. Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vietnamplus.vn, 26-7-2024.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.428-431.
3. Hoàng Vinh, Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng văn hóa ở nước ta, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1999, tr.41-42.
4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 21, 22, 23, 24, 25, 26. Nguyễn Phú Trọng, Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr.29, 31, 199, 139, 59, 54, 336, 140, 29, 29, 325, 277, 59, 60, 59, 45, 41, 59, 61, 48, 69, 475.
20. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2014, tr.9.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Văn Đồng, Văn hóa và đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 1994.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000.
3. Nguyễn Phú Trọng, Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024.
PGS, TS NGUYỄN HỮU THỨC
Nguồn: Tạp chí VHNT số 587, tháng 11-2024