Trong 2 năm đại dịch COVID-19 vừa qua, Viettel cũng như nhiều doanh nghiệp khác tại Việt Nam và trên thế giới phải đối mặt với vô vàn khó khăn do diễn biến tiêu cực của dịch bệnh. Tuy nhiên, dịch COVID-19 cũng thúc đẩy Viettel thực hiện sớm hơn các mục tiêu chuyển đổi và giúp Viettel đạt được sự tăng trưởng kinh doanh, đồng thời trở thành đơn vị đi đầu trong hỗ trợ Chính phủ và người dân, các doanh nghiệp khác vượt qua đại dịch. Một trong những yếu tố giúp Viettel trở nên linh hoạt và mạnh mẽ hơn trong đại dịch, đó là do bộ Gen của người Viettel hay nói đúng hơn là văn hóa doanh nghiệp của Viettel đã trở thành sức mạnh nội sinh giúp Viettel vượt qua nghịch cảnh.
Giá trị “Sáng tạo là sức sống” giúp người Viettel miệt mài làm việc, tạo nên nhiều công trình được cấp bằng sáng chế, sở hữu trí tuệ
1. Bộ gen Viettel đã giúp Viettel vượt qua đại dịch COVID-19
Viettel có ý thức xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ rất sớm, nếu không có văn hóa thì doanh nghiệp sẽ khó tồn tại lâu dài và đặc biệt, khó tồn tại khi phát triển nhanh. Chính vì thế, sau rất nhiều trăn trở và tâm huyết, năm 2006, Viettel đã công bố bộ 8 giá trị cốt lõi. Mở đầu cuốn Nền tảng tư tưởng của mình, Viettel đã viết: “Người Viettel không chỉ làm việc, họ sống nữa. Và bởi vậy, họ cần một triết lý chung để sống. Viettel cần có một sự khác biệt trong số hàng trăm triệu doanh nghiệp trên thế giới này. Và bởi vậy, Viettel cần một triết lý kinh doanh riêng biệt. Thế hệ này và những thế hệ khác nữa sẽ chung tay xây nên Viettel. Và bởi vậy, Viettel cần có một bộ gen để duy trì và phát triển, đó là văn hóa doanh nghiệp. Những giá trị cốt lõi Viettel được đúc kết qua quá trình hình thành và phát triển, từ những thành công và cả những thất bại, nhọc nhằn của nhiều thế hệ người Viettel. Đây là những giá trị tinh túy nhất trong văn hóa của người Viettel. Rất mong bạn hãy biết trân trọng, cùng gìn giữ và phát triển, sử dụng như một phương châm sống và hành động để dù ở đâu, lúc nào chúng ta đều được nhận ra là người Viettel”.
Quay lại với đại dịch COVID-19, vào ngày 23-1-2020, Việt Nam ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 do virus SARS-COV-2 gây ra tại TP.HCM. Dịch bệnh nhanh chóng bùng phát và ảnh hưởng đến tất cả các doanh nghiệp trong đó có Viettel. Tương tự Việt Nam, hơn 10 quốc gia Viettel đầu tư cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Hoạt động kinh doanh trên toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi hàng loạt các biện pháp phòng chống dịch rất khác nhau của các chính phủ.
Nhiều người cho rằng, trong dịch bệnh thì khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông nhiều hơn. Nhưng trên thực tế, khi thu nhập ít đi, khó khăn về việc làm tăng lên và thu nhập giảm thì người tiêu dùng buộc phải cắt giảm chi phí. Trên thị trường một số doanh nghiệp viễn thông bị giảm doanh thu tới 10%. Bài toán đặt ra cho Viettel là làm thế nào để sống chung với dịch và thoát khỏi sự suy thoái ngành. Ban lãnh đạo của Viettel đã đưa ra mục tiêu “kép” - duy trì doanh thu từ các dịch vụ viễn thông truyền thống, đạt bằng được sự tăng trưởng đối với dịch vụ số. Đây là điều vô cùng khó vì theo lộ trình giai đoạn này, Viettel mới đặt ưu tiên phát triển nền tảng số chứ chưa đưa sản phẩm ra kinh doanh.
Nhiệm vụ dù có thách thức nhưng đã được người Viettel toàn cầu tin tưởng và nhanh chóng đi vào thực thi. Điều này xuất phát từ giá trị văn hóa “Truyền thống và cách làm người lính” giá trị này chỉ dẫn cho người Viettel luôn xác định cho mình sự kỷ luật, đoàn kết và chấp nhận gian khó, đồng thời thôi thúc người Viettel quyết tâm vượt qua khó khăn với cách làm quyết đoán, nhanh, triệt để.
Viettel thực hiện dịch chuyển các hoạt động kinh doanh truyền thống lên nền tảng online và nền tảng số; xây dựng công cụ cho nhân viên có thể tương tác làm việc từ xa; đối với khách hàng, chúng tôi đưa giải pháp cung cấp dịch vụ mà không cần tiếp xúc trực tiếp. Mỗi người Viettel đã vận dụng giá trị “thích ứng nhanh là sức mạnh cạnh tranh” tạo ra sự linh hoạt vượt qua rào cản mà dịch bệnh gây ra.
Giá trị “Sáng tạo là sức sống” giúp người Viettel miệt mài làm việc, tạo nên nhiều công trình được cấp bằng sáng chế, sở hữu trí tuệ. Các phong trào sáng kiến, ý tưởng của Viettel diễn ra sôi nổi, rộng khắp, lan tỏa cao. Năm 2020, toàn Tập đoàn có 6.079 sáng kiến, ý tưởng được công nhận, đem lại giá trị làm lợi 1.229 tỷ đồng; năm 2021 có 7.103 sáng kiến, ý tưởng được công nhận, đem lại giá trị làm lợi 1.300 tỷ đồng. Viettel được ghi nhận là doanh nghiệp công nghệ có số lượng đơn đăng ký và số bằng được cấp hằng năm nhiều nhất tại Việt Nam (đăng ký 386, đã cấp 51), trong đó có 9 sáng chế được cấp tại Mỹ.
Bên cạnh đó, mỗi người lao động đến với Viettel đều coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình để cùng nhau xây dựng và vun đắp. Đại dịch xảy ra, Viettel đã ứng xử với cán bộ công nhân viên như những người thân trong gia đình. Việc quan trọng nhất là làm thế nào đảm bảo an toàn, giữ gìn sức khỏe cho cán bộ công nhân viên. Các chính sách được xây dựng trên quan điểm bảo đảm điều kiện tốt nhất cho cán bộ công nhân viên và người thân phòng, tránh dịch. Tập đoàn cung cấp các vật dụng bảo hộ bảo vệ cán bộ công nhân viên, tiêm vắc-xin sớm nhất cho cán bộ công nhân viên, tuân thủ các quy định của nhà nước về phòng chống dịch.
Viettel hỗ trợ số tiền lên tới 24 tỷ đồng cho gần 7.000 nhân viên bị mắc bệnh và ảnh hưởng công việc do dịch COVID-19. Song song với đó, Tập đoàn vẫn duy trì các chương trình phúc lợi đầy đủ cho cán bộ công nhân viên như chương trình khám sức khỏe định kỳ với kinh phí lên tới gần 80 tỷ đồng, chương trình điều trị vô sinh cho cán bộ công nhân viên hiếm muộn, chương trình tặng gần 100.000 suất quà Tết cho toàn bộ người thân cán bộ công nhân viên trong Tập đoàn.
Về phía người lao động, nhờ được Tập đoàn bảo vệ, động viên và đồng hành trong dịch mà cán bộ công nhân viên luôn cảm thấy vững tin, không quản ngại khó khăn, vất vả, sẵn sàng xung phong ra tuyến đầu, dũng cảm đi vào tâm dịch, triển khai các hệ thống công nghệ hỗ trợ quản lý điều hành tại các khu cách ly hay tận tụy vận chuyển, cung ứng hàng hóa cho các quận huyện bị phong tỏa… Đặc biệt, cán bộ công nhân viên Tập đoàn đã đồng sức, chung lòng tìm ra các giải pháp phù hợp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành mọi chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận và hỗ trợ Chính phủ chống dịch trong 2 năm COVID-19.
Cụ thể năm 2020, Viettel đạt tổng doanh thu hơn 264 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 4,4%, năm 2021 Viettel đạt doanh thu 274 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 3,3%, nộp ngân sách gần 32 nghìn tỷ đồng. Tất cả các lĩnh vực của Viettel từ viễn thông, chuyển đổi số, nghiên cứu sản xuất, thương mại điện tử, logistic đều có kết quả tích cực. Giá trị thương hiệu Viettel được Brand Finance - công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới định giá 8,758 tỷ USD (tăng 2.697 tỷ USD, gần 45% so với năm 2021). Viettel đứng ở vị trí thứ 18 và là thương hiệu tăng trưởng tốt nhất trong lĩnh vực viễn thông. Tiếp tục duy trì vị trí số 1 về thương hiệu viễn thông tại Đông Nam Á và nằm trong top 3 thương hiệu giá trị nhất khu vực.
Với tầm nhìn “Sáng tạo vì con người”, Viettel xác định luôn sáng tạo để cuộc sống người dân Việt Nam ngày càng tốt hơn. Giai đoạn phát triển thứ 4 của mình, Viettel đặt ra sứ mệnh “Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số”, Viettel đã xác định việc đóng góp các giải pháp công nghệ để giải quyết vấn đề của đất nước là trách nhiệm của chúng tôi. Điều này cũng thể hiện rất rõ nét trong 2 năm COVID-19 Viettel đã dành ngân sách lên tới 10.500 tỷ đồng chung tay cùng Chính phủ chống lại dịch COVID-19 như triển khai hàng loạt các giải pháp công nghệ thông tin, đồng hành cùng Chính phủ, bộ/ngành, doanh nghiệp trong công tác phòng, chống, đẩy lùi dịch COVID-19: Xây dựng, triển khai, vận hành web suckhoetoandan.vn, ứng dụng Sức khỏe Việt Nam, tổng đài hỗ trợ tư vấn về dịch vụ CODIV-19, hệ thống khai báo y tế cho toàn dân...; xây dựng trung tâm khám chữa bệnh từ xa Telehealth, kết nối thành công 1.300 cơ sở; kết nối cầu truyền hình từ Bộ Y tế đến 22 bệnh viện lớn tại các tỉnh để hỗ trợ điều hành, chuẩn đoán bệnh; xây dựng trung tâm hạt nhân (Bộ Y tế và 27 bệnh viện hạt nhân) và các trung tâm vệ tinh (bao gồm 150 bệnh viện) để thuận tiện trong việc điều trị tại chỗ, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, quá tải do chuyển tuyến; triển khai mạng xã hội học tập ViettelStudy cho 40.000 điểm trường học trên khắp cả nước với 11 triệu tài khoản người dùng...; triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, các vùng dịch bị cách ly các gói cước viễn thông…
Trong đại dịch, tầm nhìn, sứ mệnh và 8 giá trị văn hóa cốt lõi của Viettel đã trở thành kim chỉ nam chỉ dẫn cho ban lãnh đạo đưa ra các quyết định chiến lược của Viettel, chỉ dẫn cho lãnh đạo cấp trung điều hành và chỉ dẫn cho cán bộ công nhân viên hành động. Nhờ vậy, Viettel đã có thể linh hoạt, sáng tạo, đoàn kết vượt qua đại dịch.
2. Văn hóa doanh nghiệp thúc đẩy Viettel tăng trưởng góp phần tạo sức bật cho sự phục hồi kinh tế
COVID-19 vẫn tác động tiêu cực đến nền kinh tế
Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 4% xuống còn 3,1% vào cuối tháng 5-2022. Lý do được đưa ra là do kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với những rủi ro lớn do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Ukraine cũng như nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới. Sự bất ổn do COVID-19 từng khiến nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp và mệt mỏi đi tìm vị trí mới. Thế nhưng, hậu đại dịch, làn sóng tự nguyện nghỉ việc (Great Resignation) đang có xu hướng bùng nổ khắp toàn cầu. Năm 2021 được xem là năm đại nghỉ việc tại Mỹ khi số lao động nghỉ việc tăng kỷ lục, ước tính lên tới 38/ 162 triệu việc làm.
Đối với nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022, Chính phủ đã quyết liệt triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội; nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. GDP 6 tháng đầu năm tăng 6,42%; 44/63 tỉnh có tốc độ tăng trưởng trên 6% đã thể hiện tính đồng đều trong phục hồi của các địa phương. Tuy nhiên tình hình kinh tế, xã hội nước ta vẫn còn nhiều khó khăn cần khắc phục, trong đó nổi lên là dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến khó lường với các biến chủng mới lây lan nhanh hơn, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch trở lại…
Các số liệu trên cho thấy, COVID-19 vẫn còn là một mối nguy cơ cho nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Vậy, chúng ta cần làm gì để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, trở thành điểm tựa cho phục hồi kinh tế sau đại dịch? Câu trả lời đó chính là văn hóa doanh nghiệp, đây là liều vắc-xin giúp doanh nghiệp kiên cường hơn và hồi phục mạnh mẽ sau khủng hoảng.
Đặt mục tiêu cao để bứt phá
Đầu năm 2022, người “thuyền trưởng” của Viettel đã gửi bức thư chào năm mới đến toàn thể cán bộ nhân viên. Trong thư, Chủ tịch Tập đoàn Tào Đức Thắng đã chỉ rõ cho cán bộ công nhân viên thấy: “Thế giới chúng ta đang sống là thế giới của những biến động không ngờ. Dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa thể ngăn chặn. Lĩnh vực công nghệ mà chúng ta đang theo đuổi đang có những bước nhảy đột phá. Cuộc sống thực và cuộc sống số đã đan xen, hòa quyện với nhau. Người ta đã bắt đầu nói đến vũ trụ ảo, đã du lịch lên sao Hỏa, dần dần hiện thực khát vọng chinh phục một hành tinh mới. Có rất nhiều thách thức đang chờ đón Viettel. Nhưng trong khó khăn, chúng ta cũng nhìn thấy ở đó nhiều và rất nhiều cơ hội. Dịch bệnh gây ra nhiều đau thương nhưng nó cũng thúc đẩy chúng ta ứng dụng công nghệ nhiều hơn, chuyển đổi số nhanh hơn. Nhiều công nghệ mang tính nền tảng ra đời nhưng gần như miễn phí hoặc giá rất rẻ, là cơ hội để chúng ta phát triển các ứng dụng cho cuộc sống. Vũ trụ ảo sẽ mang đến cho chúng ta một thế giới thứ hai song hành với thế giới thực tại, nghĩa là chúng ta có gấp đôi thậm chí gấp nhiều lần không gian để sáng tạo, để theo đuổi”.
Với sứ mệnh “Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số”, Viettel đặt ra cho mình 4 mục tiêu bứt phá: Viettel sẽ trở thành một Tập đoàn viễn thông, công nghiệp, công nghệ ở quy mô toàn cầu; Viettel sẽ là hạt nhân của nền công nghiệp quốc phòng, hình thành cho được ngành nghiên cứu sản xuất công nghệ cao ở Việt Nam; Viettel cũng đặt ra cho thế hệ của mình sứ mệnh kiến thiết nên xã hội số ở Việt Nam với 4 trọng tâm: Chính phủ số để người dân được phục vụ tốt hơn; Kinh tế số để người dân giàu có hơn; Xã hội số để người dân hạnh phúc hơn; An ninh mạng để người dân sống và làm việc an toàn hơn; Viettel sẽ tiếp tục tiên phong công nghệ, dẫn dắt trải nghiệm người dùng đến một chu kỳ mới đó là vũ trụ ảo. Mục tiêu đặt ra dù gặp nhiều thách thức nhưng hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn của Viettel “sáng tạo vì con người” bởi Viettel nhận thức rõ chỉ có sáng tạo mới có thể giúp Viettel chiến thắng nghịch cảnh và tạo nên sự thịnh vượng cho cả Viettel, cho xã hội và người dân. Người “thuyền trưởng” của Viettel kêu gọi toàn thể người lao động tiếp tục nỗ lực, đoàn kết để nhanh chóng đưa Viettel tăng trưởng mạnh mẽ, hoàn thành các mục tiêu mà năm 2022 Tập đoàn đặt ra.
Văn hóa đổi mới sáng tạo là chìa khóa của Viettel
Trên thực tế, do bối cảnh cạnh tranh, đổi mới sáng tạo giờ đây không còn là một lựa chọn mà trở thành một yêu cầu bắt buộc. Đổi mới sáng tạo được ví như một cuộc đua marathon trong đó mỗi doanh nghiệp buộc phải trở thành một doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ở một mức độ nhất định để có thể tồn tại và phát triển.
Trong nửa đầu năm 2022, để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, cùng với việc tôn vinh từ những ý tưởng nhỏ nhất ở tất cả các vị trí công việc, đặt ra các mục tiêu cao, áp lực lớn từ đó tạo ra sức ép lớn đòi hỏi những cách làm đột phá, sáng tạo, đơn vị cũng liên tục thực hiện các giải pháp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo điều kiện để nhân viên tham gia các dự án có nhiều thách thức, giải quyết các vấn đề của xã hội với triết lý “Sáng tạo vì con người”.
Bên cạnh đó, để người Viettel hiểu và thêm khâm phục những đóng góp, sáng tạo của đồng nghiệp ở các đơn vị trong cùng hệ sinh thái, Viettel đã tổ chức chuỗi sự kiện “Ngày Sáng tạo Viettel” khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo phục vụ mục tiêu tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số của Tập đoàn.
22 đơn vị thành viên của ngôi nhà chung Viettel đã đem đến các hoạt động sáng tạo nổi bật của đơn vị trong sản xuất kinh doanh. Mỗi cán bộ, nhân viên thông qua các hoạt động này đều cảm thấy tự hào khi được trải nghiệm những thành tựu của đồng nghiệp và thêm yêu ngôi nhà chung Viettel.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, Viettel đã nộp 19 đơn đăng ký sáng chế trong nước, 2 đơn sáng chế quốc tế, 7 công bố khoa học trên các tạp chí, hội nghị quốc tế. Tập đoàn có 4.713 sáng kiến ý tưởng được công nhận, đem lại giá trị làm lợi 1.299 tỷ đồng. Đây cũng là minh chứng cho việc người Viettel đã thực hành giá trị cốt lõi “Sáng tạo là sức sống” trong công việc hàng ngày giúp nó ngấm sâu vào văn hóa của mỗi người Viettel.
Tư duy số dẫn dắt Viettel hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số
Chuyển đổi số không chỉ là sự chuyển đổi về công nghệ mà còn là sự chuyển đổi của tư duy. Viettel nhận thấy một doanh nghiệp sẽ chuyển đổi số thành công khi và chỉ khi toàn bộ đội ngũ nhân sự, bao gồm cả lãnh đạo và nhân viên vượt qua những “chiếc bẫy” trong tư duy truyền thống - những điều có thể làm chậm lại hoặc “trật bánh” các sáng kiến chuyển đổi số của doanh nghiệp. Với sứ mệnh “Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số”, năm 2020, Viettel đã xây dựng và tuyên bố văn hóa số gồm 5 đặc tính: Sáng tạo (Innovation), Hướng tới khách hàng (Customer centric), Linh hoạt (Agility), Văn hóa mở và hợp tác (Open Culture), Tư duy số (Digital- first mindset).
Sau khi công bố văn hóa số, Viettel đã tổ chức truyền thông và thôi thúc nhân viên cam kết thực hành văn hóa số hằng ngày, tổ chức cuộc thi và hoạt động đào tạo để truyền đạt các giá trị văn hóa cho cán bộ nhân viên… Nhờ có tư duy số mà trong đại dịch Viettel đã hoàn thành sứ mệng hỗ trợ đất nước phòng chống dịch và sử dụng công nghệ để đưa cuộc sống người dân về trạng thái bình thường mới. Bên cạnh đó, Viettel triển khai hoạt động đánh giá thực hành văn hóa số của các đơn vị thành viên thông qua chương trình đánh giá mức độ trưởng thành số với 6 thành tố chính gồm: văn hóa, dữ liệu, chiến lược, khách hàng, vận hành và công nghệ.
Việc đánh giá mức độ trưởng thành số giúp cho các đơn vị trong hệ sinh thái của Viettel biết được mình đang đứng ở đâu trong hành trình chuyển đổi số, so sánh mức độ trưởng thành số của đơn vị với các công ty cùng ngành trên thế giới cũng như tại Việt Nam, từ đó giúp đơn vị xác định mục tiêu và xây dựng lộ trình chuyển đổi số phù hợp. Các đơn vị nếu muốn nâng hạng mức độ trưởng thành số không thể bỏ qua xây dựng văn hóa số, nâng cao ý thức chuyển đổi số của từng cá nhân.
Tư duy số đã giúp người Viettel biến chuyển văn hóa phù hợp với mục tiêu của Tập đoàn và tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có tư duy sáng tạo đột phá, thích ứng linh hoạt với thay đổi, đồng thời, sẵn sàng tiếp thu các phản hồi để biến chúng thành cơ hội mới, từ đó đưa doanh nghiệp bước lên vị thế cao hơn trên thị trường.
Quả ngọt từ thực hành văn hóa
COVID-19 vẫn tạo ra áp lực cho nền kinh tế Việt Nam và thế giới, tuy nhiên, nhờ những cách làm sáng tạo, quyết liệt và đoàn kết mà 6 tháng đầu năm 2022 Viettel đã hoàn thành tất cả các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh. Doanh thu hợp nhất đạt 79,7 nghìn tỷ đồng, 22 đơn vị thành viên trong hệ sinh thái Viettel đều vượt kế hoạch năm, doanh thu dịch vụ toàn Tập đoàn tăng trưởng 11,6%, gấp đôi năm 2021, lợi nhuận trước thuế tăng 21,7%, dòng tiền về tăng trưởng 14%.
Viettel là minh chứng cho việc biến văn hóa trở thành điểm tựa để tạo đà tăng trưởng cho doanh nghiệp góp phần phục hồi kinh tế đất nước trong bối cảnh bình thường mới. Ở Viettel, văn hóa không phải là một hoạt động mà văn hóa đã trở thành tác nhân kích hoạt mọi hoạt động.
Tái tạo văn hóa như thế nào cho hiệu quả?
Doanh nghiệp nào cũng có văn hóa dù nó có được thể hiện ra hay không. Văn hóa doanh nghiệp là những điều mà tại doanh nghiệp đó số đông đều tin - nghĩ - và làm như vậy. Niềm tin ngầm định: Là những giả định, suy nghĩ, cảm xúc ẩn sâu không thường được nói ra nhưng được mọi người trong tổ chức tin tưởng một cách mặc nhiên không suy nghĩ. Hay nói ngắn gọn là những gì người ta Tin. Giá trị được tuyên bố: Những gì được tuyên bố chính thức là văn hóa của doanh nghiệp như triết lý, tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi. Hay nói ngắn gọn là những gì người ta Nghĩ. Hành động: Đó là các tính chất có thể quan sát thấy ở doanh nghiệp như thể hiện vật lý, hành vi, cách tương tác giữa các thành viên trong doanh nghiệp. Đây là sự thực hành văn hoá. Hay nói ngắn gọn là những gì người ta Làm.
Trước tác động của COVID-19, nhiều doanh nghiệp bộc lộ những điểm hạn chế về văn hóa doanh nghiệp thể hiện qua khả năng sáng tạo, ứng biến trong kinh doanh, năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị nhân lực. Do vậy, để hồi phục sau cơn đại khủng hoảng, các doanh nghiệp cần nghiêm túc nhìn nhận đâu là các giá trị, niềm tin hiện hữu của tổ chức, đồng thời nhận biết đâu là các giá trị cần phải gia tăng để củng cố cho sức mạnh văn hóa trong tổ chức của mình.
Để xây dựng văn hóa doanh nghiệp một cách tổng thể thì cần theo những bước cụ thể nào? Có nhiều mô hình thực thi được các nhà nghiên cứu đề xuất. Tuy nhiên, hai tác giả Julie Heifetz & Richard Hagberg đã đề xuất một mô hình 11 bước, cụ thể như sau:
Bước 1: Tìm hiểu môi trường và các yếu tố ảnh hưởng đến chiến lược doanh nghiệp trong tương lai. Xem xét có yếu tố nào làm thay đổi chiến lược doanh nghiệp trong tương lai.
Bước 2: Xác định đâu là giá trị cốt lõi làm cơ sở cho thành công. Đây là bước cơ bản nhất để xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Các giá trị cốt lõi phải là các giá trị không phai nhòa theo thời gian, là trái tim và linh hồn của doanh nghiệp.
Bước 3: Xây dựng tầm nhìn mà doanh nghiệp sẽ vươn tới. Tầm nhìn chính là bức tranh lý tưởng về doanh nghiệp trong tương lai. Tầm nhìn chính là định hướng để xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Có thể doanh nghiệp mà ta mong muốn xây dựng hoàn toàn khác biệt so với doanh nghiệp hiện mình đang có.
Bước 4: Đánh giá văn hóa hiện tại và xác định những yếu tố văn hóa nào cần thay đổi.
Bước 5: Thu hẹp khoảng cách giữa những giá trị chúng ta hiện có và những giá trị chúng ta mong muốn.
Bước 6: Xác định vai trò của lãnh đạo trong việc dẫn dắt thay đổi văn hóa. Lãnh đạo là người đề xướng và hướng dẫn các nỗ lực thay đổi. Lãnh đạo chịu trách nhiệm xây dựng tầm nhìn, truyền bá cho nhân viên hiểu đúng, tin tưởng và cùng nỗ lực để xây dựng. Lãnh đạo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xua tan những mối lo sợ và thiếu an toàn của nhân viên.
Bước 7: Khi khoảng cách đã được xác định thì việc tiếp theo là soạn thảo một kế hoạch hành động bao gồm các mục tiêu, hoạt động, thời gian, điểm mốc và trách nhiệm cụ thể. Cái gì là ưu tiên? Đâu là chỗ chúng ta cần tập trung nỗ lực? Cần những nguồn lực gì? Ai chịu trách nhiệm về những công việc cụ thể? Thời hạn nào hoàn thành?
Bước 8: Phổ biến nhu cầu thay đổi, kế hoạch hành động và động viên tinh thần, tạo động lực cho sự thay đổi từ nhân viên.
Bước 9: Nhận biết trở ngại và nguyên nhân từ chối thay đổi và xây dựng các chiến lược để đối phó.
Bước 10: Thể chế hóa, mô hình hóa và củng cố sự thay đổi văn hóa. Các hành vi, quyết định của lãnh đạo phải thể hiện là mẫu hình cho nhân viên noi theo và phù hợp với mô hình văn hóa đã xây dựng. Trong giai đoạn các hành vi theo mẫu hình lý tưởng cần được khuyến khích, động viên. Hệ thống khen thưởng phải được thiết kế phù hợp với mô hình xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Bước 11: Tiếp tục đánh giá văn hóa doanh nghiệp, thực hành và truyền thông các giá trị trong tổ chức.
Văn hóa không phải là bất biến, vì vậy, khi doanh nghiệp đã xây dựng được một văn hóa phù hợp thì việc quan trọng là liên tục đánh giá và duy trì các giá trị cốt lõi. Doanh nghiệp phải đưa các giá trị đó vào trong chiến lược, vận hành, quản trị để từ đó cài đặt các giá trị văn hóa vào trong tổ chức có như vậy văn hóa mới trở thành điểm tựa để doanh nghiệp phát triển.
3. Kết luận
Văn hóa và các giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp là yếu tố mang tính nhất quán, vượt lên trên các vòng đời sản phẩm, các tiến bộ công nghệ, các phong cách quản trị và các nhà lãnh đạo. Chất kết dính cơ bản trong công ty chính là tư tưởng và giá trị cốt lõi của công ty. Con người có những nhu cầu cơ bản, họ cần thuộc về một tổ chức nào đó khiến họ thấy tự hào, họ cần những giá trị và mục tiêu hướng dẫn đem lại ý nghĩa cho công việc và cuộc sống.
Sau cơn đại khủng hoảng, hơn bao giờ hết các doanh nghiệp sẽ nhìn rõ các giá trị, niềm tin của tổ chức, đồng thời nhận biết đâu là các giá trị mà tổ chức của mình cần phải bổ sung để có thể tạo nên sức mạnh cộng hưởng cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vững vàng hơn sau đại dịch, từng bước phát triển tạo điểm tựa cho phục hồi kinh tế đất nước.
Ths NGUYỄN HÀ THÀNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 512, tháng 10-2022