Xây dựng đạo đức doanh nghiệp để phát triển kinh tế bền vững

Ảnh minh họa - nguồn: chinhphu.vn

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo cơ sở thuận lợi cho quá trình giao lưu phát triển kinh tế, bên cạnh cơ hội, thời cơ, cũng tạo nhiều thách thức, trong đó có sự cạnh tranh sản phẩm, cạnh tranh thị trường đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tiêu chí đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp nói riêng của nền kinh tế đất nước. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội cũng như thách thức to lớn, đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh, không chỉ bằng nguồn vốn, chiến lược kinh doanh, công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả, mẫu mã sản phẩm mà còn bằng uy tín, thương hiệu và đạo đức doanh nghiệp. Trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam có nhiều cơ hội về đầu tư, về học hỏi tiếp thu công nghệ tiên tiến, cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu… bên cạnh đó, cũng để lại cho chúng ta không ít thách thức về cạnh tranh, đó là nguồn nhân lực chất lượng cao còn yếu, còn thiếu, năng lực cạnh tranh và tiếp cận thị trường chưa chuyên nghiệp, chưa sâu, nhiều chủng loại, mặt hàng Việt chất lượng chưa cao, mẫu mã sản phẩm chưa phong phú đa dạng, chưa đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng… Hơn nữa, một số doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, vì lợi nhuận mà bất chấp, làm mất niềm tin của khách hàng, làm ăn theo kiểu “chộp giật”, “ăn xổi”, dẫn tới hiện tượng làm hàng giả khá phổ biến trên thị trường.

“Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội” (trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam). Để phát triển kinh tế Việt Nam và hội nhập kinh tế thế giới vấn đề bảo tồn, xây dựng phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, học tập tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trong đó việc xây dựng phát huy đạo đức kinh doanh là vấn đề sống còn của doanh nghiệp, là sự phát triển của quốc gia, dân tộc.

Văn hóa doanh nghiệp được coi là giá trị tinh thần, là “giá trị cốt lõi” giúp tạo dựng thương hiệu, bản sắc, tính cạnh tranh, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển vững bền của doanh nghiệp. Hệ thống các giá trị do doanh nghiệp sáng tạo, xây dựng và tích lũy qua quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, là tổng thể hệ thống tổ chức quản lý, sản xuất, kinh doanh nhằm xác lập quy tắc tổ chức, ứng xử của một doanh nghiệp; hệ thống chuẩn mực đó chi phối hoạt động từ lãnh đạo doanh nghiệp tới nhân viên và người lao động. Đạo đức doanh nghiệp, chính là linh hồn của văn hóa doanh nghiệp, quyết định sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp.

Đạo đức doanh nghiệp là một phần quan trọng trong tổng thể văn hóa doanh nghiệp, mang tính hệ thống từ khâu tổ chức quản lý, điều hành tới sản xuất tới kinh doanh, kinh doanh là hệ quả của quy trình sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp. Đạo đức doanh nghiệp cơ bản gồm: đạo đức trong sản xuất sản phẩm hàng hóa; đạo đức kinh doanh. Thực tiễn xã hội cho thấy có doanh nghiệp vừa sản xuất vừa kinh doanh phân phối sản phẩm hàng hóa của mình, nhưng cũng có doanh nghiệp chỉ sản xuất hàng hóa còn khâu kinh doanh, buôn bán sản phẩm là do một doanh nghiệp chuyên kinh doanh phân phối đảm nhận. Như vậy, đạo đức doanh nghiệp trong sản xuất sản phẩm hàng hóa, đạo đức kinh doanh đều có những nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức, sản xuất hàng thật, hàng có chất lượng, kinh doanh hàng thật, hàng đúng chất lượng, không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không thổi phồng, thông tin chất lượng sản phẩm, chạy theo lợi nhuận bất chấp lòng tin khách hàng, kinh doanh theo kiểu chụp giật… Điều này không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp mà ảnh hưởng tới người tiêu dùng và thậm chí ảnh hưởng tới toàn xã hội.

Trong những năm gần đây, trên các phương tiện thông tin thường nhắc đến việc sản xuất phân bón giả, sản xuất, kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm có chất lượng kém đã kéo theo hệ lụy trong chất lượng, sản lượng nông nghiệp, ảnh hưởng tới đời sống của một bộ phận nông dân. Trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất sắt, thép, xi măng kém chất lượng, không chỉ ảnh hưởng chất lượng công trình mà còn ảnh hưởng tới tính mạng của nhân dân. Gần đây, điển hình là Công ty cổ phần Việt Á với vụ kit test COVID-19 đã làm lung lay cả một hệ thống y tế dự phòng, làm xói mòn, mất niềm tin đối với nhân dân; như vụ Trịnh Sướng kinh doanh xăng giả, xăng kém chất lượng đã ảnh hưởng không nhỏ tới người tiêu dùng, tới các đơn vị sản xuất kinh doanh vận tải.

Trong xã hội công nghiệp với nền kinh tế toàn cầu hóa, những nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh không chỉ nhằm xây dựng uy tín, thương hiệu để phát triển doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với nhân dân, với đất nước.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII của Đảng, “Xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, đặc biệt văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức trong xã hội, văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế, xã hội”, để phát triển sản xuất, kinh doanh, cần tiếp tục xây dựng đạo đức doanh nghiệp, với một số nguyên tắc cơ bản sau:

Thứ nhất, xây dựng bộ máy tổ chức quản lý điều hành, vai trò của người lãnh đạo.

Muốn xây dựng đạo đức doanh nghiệp trước hết phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chính là bầu không khí làm việc cho các thành viên trong doanh nghiệp, vai trò của lãnh đạo, người lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần có tâm, có tài, có đức, có tầm nhìn. Vai trò của lãnh đạo doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần, thái độ lao động của đội ngũ nhân viên và người lao động, đó là tấm gương phản chiếu để mọi người dõi theo học tập làm việc. Doanh nghiệp phải là ngôi nhà chung để mọi người đều muốn tới để sinh hoạt, cống hiến. Vì vậy, văn hóa doanh nghiệp trở thành động lực tinh thần giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Bộ máy tổ chức quản lý điều hành doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh phải chặt chẽ, có tính hệ thống khoa học, người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh trước hết phải có đức, có tâm, có tài, có tầm; trong thực tế cuộc sống phạm trù tài, đức bao giờ cũng song hành; nếu có tài không có đức thì có thể có hành vi phi đạo đức, hành vi trục lợi. Người lãnh đạo phải là tấm gương sáng để nhân viên, người lao động học tập, noi theo, là trung tâm của sự đoàn kết, trọng tâm của sự phát huy nội lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp phải xây dựng được các chuẩn giá trị văn hóa trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, chúng tạo nên hình ảnh, bản sắc riêng của doanh nghiệp.

Thứ hai, xây dựng, đào tạo đội ngũ nhân viên, người lao động.

Doanh nghiệp xây dựng, đào tạo được đội ngũ nhân viên có đức, có chuyên môn sâu tạo dựng được môi trường làm việc lành mạnh với các mối quan hệ tốt đẹp và chế độ đãi ngộ hợp lý thì người lao động trong doanh nghiệp đó cảm thấy phấn khởi, hăng hái lao động và muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Họ tự hào vì mình là nhân viên, người lao động của doanh nghiệp, xem doanh nghiệp là ngôi nhà chung, sẽ cống hiến sức lực, là nhân tố trung tâm giúp doanh nghiệp phát triển mạnh và bền vững. Đảng và Nhà nước ta luôn luôn đề cao chính sách bình đẳng, không phân biệt doanh nghiệp, thành phần kinh tế, tạo cơ hội cho các thành phần tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh theo luật định. Từ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã thu hút các doanh nghiệp không phân biệt doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân… quyền lợi bảo hiểm xã hội, tiền lương, tiền thưởng… của người lao động được quan tâm, chú trọng. Do vậy, đã thu hút đông đảo đội ngũ tri thức, người lao động có ý thức trách nhiệm với công việc, phát huy năng lực của mình cống hiến cho doanh nghiệp, gắn bó với doanh nghiệp. Điều này đã quy tụ được sức mạnh của toàn doanh nghiệp, làm cho mọi thành viên thống nhất về nhận thức, về cách thức hành động và tự giác làm việc. Trong một môi trường tổ chức doanh nghiệp có văn hóa mà mọi người đều có ý thức hợp tác, chia sẻ, gánh vác thì hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến khâu đưa sản phẩm ra thị trường chắc chắn có hiệu quả.

Thứ ba, xây dựng quy chuẩn đạo đức doanh nghiệp.

Tiêu chí chuẩn mực đạo đức doanh nghiệp, quy tắc ứng xử doanh nghiệp, của nhân viên, người lao động trong hoạt động sản xuất, lưu thông, buôn bán sản phẩm hàng hóa với khách hàng. Chất lượng sản phẩm hàng hóa, các dịch vụ trong bán hàng, chế độ bảo hành, chế độ hậu mãi… là một thước đo, là hệ giá trị doanh nghiệp. Quy trình này được vận hành một cách khoa học, chu đáo sẽ làm tăng uy tín của doanh nghiệp, tạo nên vòng quay tái đầu tư, tái sản xuất, tái kinh doanh có hiệu quả và tạo cho doanh nghiệp phát triển. Xây dựng các tiêu chí ứng xử đạo đức doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh phải dựa trên các chuẩn mực, như tôn trọng quyền con người, thượng tôn pháp luật, luật pháp quốc tế; coi trọng việc kinh doanh đảm bảo phát triển bền vững thân thiện với môi trường xã hội, môi trường tự nhiên, có trách nhiệm với cộng đồng xã hội, với đất nước.

Thứ tư, xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp.

Xây dựng thương hiệu, chuẩn mực đạo đức doanh nghiệp mang tính bền vững, doanh nghiệp sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh. Mặt khác, sự giao thoa văn hóa cho thấy nếu doanh nghiệp không khẳng định được bản sắc riêng của mình thì sẽ bị hòa tan và không có chỗ đứng trên thị trường. Vì vậy, xây dựng thương hiệu dựa trên các tiêu chí, chuẩn mực đạo đức trong sản xuất, trong kinh doanh, quy tắc ứng xử là cơ sở, nền tảng cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh trong đời sống xã hội hiện nay, có nhiều thay đổi tích cực, trọng đức, trọng năng lực đề cao sự đoàn kết, lấy con người làm trung tâm cho phát triển doanh nghiệp.

Thực hiện đường lối chỉ đạo của Đảng, để xây dựng, phát huy đạo đức doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh chúng ta cần: bảo tồn phát huy các giá trị đạo đức kinh doanh truyền thống; tiếp tục đẩy mạnh công tác học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiếp thu các giá trị đạo đức doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh thế giới; tiếp tục phát huy nội lực và sức mạnh tổng hợp của doanh nghiệp.

Đạo đức doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nói riêng, trong phát triển kinh tế xã hội của quốc gia nói chung. Đảng, Nhà nước chú trọng xây dựng một nền văn hóa ngang tầm chính trị, kinh tế lấy văn hóa làm vai trò nòng cốt để phát triển kinh tế, phát triển xã hội. Văn hóa, đạo đức doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế nhằm xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường “sánh vai cùng năm châu” như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát vọng của dân tộc.

______________

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Văn Phúc, Về việc tạo bước chuyển mạnh mẽ trong xây dựng nền đạo đức mới ở nước ta hiện nay, Tạp chí Triết học, 2007.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, 1998.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII, 2022.

PGS, TS NGUYỄN VĂN DƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 512, tháng 10-2022

;