Văn hóa doanh nghiệp và một số đề xuất xây dựng, phát huy văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh sau đại dịch

1. Văn hóa doanh nghiệp - khái niệm và vai trò

Tại Hội nghị quốc tế về chính sách văn hóa do UNESCO tổ chức ở Mexico năm 1982, một tuyên bố đã được đưa ra, trong đó văn hóa được định nghĩa: “Trong ý nghĩa rộng nhất, văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt về tinh thần và vật chất, trí tuệ và cảm xúc quyết định tính cách của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và tín ngưỡng. Văn hóa đem lại cho con người khả năng suy xét về bản thân. Chính văn hóa làm cho chúng ta trở thành những sinh vật đặc biệt nhân bản, có lý tính, có óc phê phán và dấn thân một cách đạo lý” (1).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (2).

Từ điển Tiếng Việt đã khái quát một cách ngắn gọn: “Văn hóa là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử” (3).

Như vậy, các định nghĩa trên đã tiếp cận văn hóa theo nghĩa rộng, bao gồm cả những giá trị vật chất và giá trị tinh thần do con người sáng tạo ra. Ở đó, các giá trị văn hóa tinh thần được kết tinh trong văn chương - nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, phép giao tiếp - ứng xử, các cách thức tổ chức xây dựng xã hội - cộng đồng…; các giá trị văn hóa vật chất được kết tinh trong các sản phẩm vật chất được làm ra để phục vụ đời sống, sự sinh tồn của con người như: nhà ở, công cụ sản xuất, hàng hóa, phương tiện đi lại, các hạ tầng, nhu yếu phẩm vật chất… Theo chúng tôi, cách nhìn nhận văn hóa theo nghĩa rộng này sẽ giúp cho việc tiếp cận định nghĩa văn hóa doanh nghiệp được toàn diện và chính xác - bởi doanh nghiệp là một thực thể xã hội, một cộng đồng sống; các giá trị mà nó cần có để tồn tại và phát triển, hoặc tạo ra để phục vụ xã hội luôn bao gồm các giá trị vật chất và tinh thần.

Theo tổng hợp của nhóm biên soạn cuốn sách Đẳng cấp của Văn hóa doanh nghiệp (Nxb Đại học Sư phạm TP.HCM, 2018) thì từ trước năm 1980, những câu chuyện về văn hóa tổ chức hay văn hóa doanh nghiệp đã bắt đầu được các nhà nghiên cứu, các giáo sư ở các trường đại học hàng đầu thế giới như Harvard, Stanford, MIT… chia sẻ và trao đổi một cách không chính thức. Đến khi cuốn sách có tựa đề Văn hóa doanh nghiệp của tác giả Terrence Deal và Allan Kennedy được xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1982 thì trào lưu xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp bắt đầu được chú ý, để rồi áp dụng vào thực tế một cách rộng rãi. Trong suốt thập niên 1980, sau khi chứng kiến sự đột phá và xâm nhập thị trường Hoa Kỳ một cách mạnh mẽ, hiệu quả của các doanh nghiệp Nhật trong nhiều lĩnh vực hàng hóa như ô tô, máy nghe nhạc Sony và rất nhiều các sản phẩm “Made in Japan” khác thì các chuyên gia kinh tế và quản trị Hoa Kỳ đã dụng công tìm hiểu nguyên nhân thành công của các doanh nghiệp Nhật. Hầu hết các nghiên cứu đều đi đến cùng một kết luận: yếu tố văn hóa doanh nghiệp đã đóng một vai trò then chốt! Ngay sau đấy, Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ khi đó đã dẫn đầu một đoàn đại biểu Quốc hội sang Nhật để nghiên cứu, học hỏi bí quyết thành công của các doanh nghiệp Nhật, và bí quyết đặc biệt đó chính là yếu tố xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, sau năm 2000, khi nền kinh tế thị trường đã đi được một chặng đường thì văn hóa doanh nghiệp bắt đầu được coi trọng. Và, ở một số trường đại học tại Hà Nội và TP.HCM, văn hóa doanh nghiệp đã chính thức được đưa vào giảng dạy. Cho đến nay, Việt Nam cũng đã thành lập Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp và với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, một bộ tiêu chí về văn hóa doanh nghiệp cũng đã được Hiệp hội này nghiên cứu ban hành và đi vào cuộc sống.

Vậy văn hóa doanh nghiệp là gì? Giáo sư Edgar Schein thuộc Đại học MIT trong cuốn sách Văn hóa và tổ chức lãnh đạo (1992) đã đưa ra định nghĩa: “Văn hóa doanh nghiệp là tập hợp của sự đồng nhất và lâu bền một cách tương đối các giá trị, niềm tin, phong tục, truyền thống và thực hành, được chia sẻ giữa các thành viên trong tổ chức, được những thành viên mới tham gia tổ chức học tập và được lưu truyền từ thế hệ nhân sự này sang thế hệ nhân sự tiếp theo”. Trong Chuyên đề Văn hóa doanh nghiệp (tài liệu dành cho đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã định nghĩa: “Văn hóa doanh nghiệp bao gồm một hệ thống những ý nghĩa, giá trị, niềm tin chủ đạo, cách nhận thức và phương pháp tư duy được mọi thành viên trong một tổ chức cùng thống nhất và có ảnh hưởng trong phạm vi rộng đến nhận thức và hành động của từng thành viên”. Còn trong giáo trình Văn hóa kinh doanh (Nxb Đại học Kinh tế quốc dân, 2012), văn hóa doanh nghiệp được định nghĩa: “Văn hóa doanh nghiệp là một hệ thống các giá trị, các chuẩn mực; các quan niệm và hành vi của doanh nghiệp, chi phối hoạt động của mọi thành viên trong doanh nghiệp và tạo nên bản sắc kinh doanh riêng của doanh nghiệp”.

Từ những định nghĩa kể trên, sau khi phân tích, đánh giá, tham khảo về mặt nội dung, có thể rút ra một cách hiểu chung nhất về văn hóa doanh nghiệp như sau: “Văn hóa doanh nghiệp là một hệ thống các giá trị và chuẩn mực do doanh nghiệp sáng tạo nên trong quá trình hoạt động kinh doanh được chia sẻ, lưu truyền và thống nhất thực hành giữa các thành viên qua nhiều thế hệ, hướng tới tạo lập uy tín và danh tiếng của thương hiệu doanh nghiệp”. Theo nhiều nhà nghiên cứu, văn hóa doanh nghiệp bao gồm các yếu tố cơ bản: tầm nhìn và sứ mệnh; hệ thống các giá trị và chuẩn mực; con người sáng tạo và thực thi; văn hóa giao tiếp và ứng xử; truyền thống và bản sắc. Có thể thấy, văn hóa doanh nghiệp được hiểu như vậy sẽ là nhân tố bao trùm, quyết định làm nên thương hiệu của doanh nghiệp, nó neo giữ, vun đắp sự phát triển và chèo lái con thuyền doanh nghiệp hướng tới những giá trị phổ biến, đó là cái Đúng, cái Tốt và cái Đẹp (Chân - Thiện - Mỹ).

Ngày 7-11-2016, tại lễ công bố Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam 10-11 và phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”, khi nói về tầm quan trọng và vai trò của văn hóa doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: “Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của thương hiệu, là yếu tố khác biệt bền vững của doanh nghiệp. Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia. Mọi quốc gia đều ra sức bảo vệ những thương hiệu của mình. Đó là lý do của Chính phủ kiến tạo ngày nay rất quan tâm đến chủ đề văn hóa doanh nghiệp… Và ngày hôm nay, tôi rất vui mừng có mặt tại đây để cùng tham dự lễ công bố Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, ngày 10-11 và phát động cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Đây là một sự kiện quan trọng và có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, mà còn có ý nghĩa đối với người dân và toàn xã hội” (4). Tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, theo chúng tôi là bởi nó được thể hiện ở các vai trò cơ bản dưới đây đối với doanh nghiệp:

 Thứ nhất, văn hóa doanh nghiệp là nhân tố vừa cốt lõi, vừa bao trùm, giúp doanh nghiệp hình thành và phát triển thương hiệu. Thương hiệu bền vững, có sức lan tỏa, tạo dựng được niềm tin với đối tác, với xã hội sẽ làm nên sự phát triển ổn định và thành công của doanh nghiệp - điều mà không một doanh nghiệp chân chính nào không muốn hướng tới, đặc biệt trong bối cảnh hậu COVID-19 hiện nay. Về vai trò này, ông Tổng Giám đốc của Công ty  Zappos - một công ty kinh doanh trực tuyến có giá trị 1,2 tỷ USD thuộc tập đoàn Amazon đã nói: “Ưu tiên số một của chúng tôi là văn hóa doanh nghiệp. Niềm tin tuyệt đối của chúng tôi là nếu có được văn hóa đúng, tất cả những thứ khác như cung cấp dịch vụ khách hàng tuyệt vời hoặc xây dựng một thương hiệu bền vững sẽ tự nhiên đến với nó”. Còn với Vala Afshar, tác giả của cuốn sách Nỗ lực cho một xã hội kinh doanh đẳng cấp đã đưa ra một nhận định ấn tượng: “Không có sự tách rời giữa văn hóa doanh nghiệp và thương hiệu”.

Thứ hai, văn hóa doanh nghiệp giúp hình thành một môi trường làm việc kinh doanh có kỷ cương, dân chủ, văn minh và hiệu quả. Môi trường ấy gắn kết các thành viên, thu hút nhân tài… tạo động lực cho người lao động phát huy trí sáng tạo, sức cạnh tranh và khát vọng cống hiến làm giàu cho doanh nghiệp, cho bản thân.

 Thứ ba, văn hóa doanh nghiệp giúp cho doanh nghiệp và đội ngũ của nó có khả năng trụ vững trước khó khăn và có được năng lực vượt qua thử thách, chẳng hạn như đối mặt với đại dịch COVID-19, khủng hoảng kinh tế, suy thoái và lạm phát… Về vai trò này, nhà điều hành nổi tiếng về chiến lược tổ chức doanh nghiệp tại Hoa Kỳ là Jon KatZenbach - người đã có 35 năm làm giám đốc tư vấn nghệ thuật lãnh đạo đã coi văn hóa doanh nghiệp là một loại vũ khí chiến đấu khi ông phát biểu: “Văn hóa doanh nghiệp có thể trở thành vũ khí bí mật làm cho những điều phi thường xảy ra”.

 Thứ tư, văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô giá của doanh nghiệp, nó giúp tạo dựng truyền thống và bản sắc doanh nghiệp, kiến thiết cảm hứng bên trong của đội ngũ và khả năng kết nối với môi trường bên ngoài để duy trì tầm nhìn và chiến lược kinh doanh. Về vai trò này, Tổng Giám đốc Costco - một trong những công ty bán lẻ lớn nhất thế giới của Hoa Kỳ với 741 đại siêu thị và 231.000 nhân viên đã nói về văn hóa doanh nghiệp của công ty mình: “Nó (tức văn hóa doanh nghiệp) là điều thúc đẩy và dẫn dắt toàn bộ hoạt động của Costco, dẫn dắt chiến lược kinh doanh của chúng tôi. Giúp nhận biết chúng tôi như thế nào trong mắt khách hàng, vai trò của chúng tôi như thế nào đối với cổ đông, nhà đầu tư và đối tác. Văn hóa doanh nghiệp của chúng tôi là như vậy và chúng tôi hy vọng nó sẽ tiếp tục được duy trì như thế… Ở Costco, nhân viên cảm thấy hạnh phúc với công việc hơn là những lý do khác chẳng hạn như tiền bạc. Tôi nghĩ họ có sự tự hào khi làm việc trong tổ chức của chúng tôi”.

Thứ năm, văn hóa doanh nghiệp giúp doanh nghiệp tạo dựng phương thức ứng xử, kỹ năng giao tiếp trong nội bộ doanh nghiệp và trong sự hợp tác kinh doanh, sản xuất; nó kết nối doanh nghiệp với cộng đồng và người dân bằng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Thực tế trong những năm tháng chống dịch vừa qua, sự chung tay, đóng góp cả về nhân lực, vật lực để chiến đấu với bệnh tật, để củng cố ngành Y tế, để hỗ trợ người nghèo của doanh nghiệp là vô cùng to lớn và hiệu quả. Về vai trò này, Tổng Giám đốc công ty Zappos Tony Hsieh đã có một phát ngôn rất mạnh mẽ và nổi tiếng: “Ngay cả khi bạn là một ngôi sao trong công việc tại Zappos, nếu bạn kém về ứng xử văn hóa, chúng tôi sẽ sa thải bạn”. Với câu nói này, nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã cho thấy văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp quan trọng đến nhường nào!

Vậy là, như chúng ta vẫn thường nói, cộng đồng doanh nghiệp là trái tim của nền kinh tế, sức khỏe của nền kinh tế tùy thuộc phần lớn vào sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp. Và để doanh nghiệp khỏe mạnh, văn hóa doanh nghiệp với vai trò quan trọng của nó chính là nguồn năng lượng thiết yếu tạo nên sức đề kháng, sức trỗi dậy để phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế, đặc biệt là trong giai đoạn phục hồi kinh tế, xã hội đất nước sau đại dịch với biết bao những khó khăn, trở ngại khó lường. Vấn đề đặt ra là phải làm sao xây dựng và phát huy được văn hóa doanh nghiệp ở mức cao nhất có thể, để văn hóa doanh nghiệp trở thành điểm tựa, thành bệ đỡ cho doanh nghiệp trụ vững trong điều kiện hậu COVID-19 hiện nay.

2. Một số đề xuất kiến nghị về xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp sau đại dịch

Sau hơn 30 năm đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nước ta từ một quốc gia nghèo sau chiến tranh đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình khá, có vị thế và uy tín lớn trên trường quốc tế. Thế giới sau hơn hai năm bị đại dịch COVID-19 tàn phá, phần lớn các nước chìm trong khủng hoảng kinh tế và an sinh xã hội thì Việt Nam đã trụ vững, nền kinh tế vẫn nằm trong tốp không nhiều quốc gia giữ được tăng trưởng và có khả năng phục hồi nhanh sau đại dịch. Để có được thành tựu như vậy phải kể đến sự đóng góp to lớn của cộng đồng các doanh nghiệp. Trong khó khăn và thử thách bộn bề, với sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng với tình hình, năng động sáng tạo trong kinh doanh sản xuất, đồng thời vẫn thực hiện được đạo lý và trách nhiệm xã hội trong việc hỗ trợ người nghèo vượt qua đại dịch. Sở dĩ, có được những thành công như vậy là do phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đã tạo dựng cho mình một nền tảng văn hóa doanh nghiệp, được thể hiện ở tầm nhìn, sứ mệnh, những giá trị, khả năng kết nối, năng lực quản trị, kinh doanh sáng tạo và đúng đắn. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, việc xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp ở nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa thật sự được quan tâm. Đó là một nguyên nhân lớn dẫn đến những bất cập và tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra ở nhiều ngành, nhiều khu vực kinh tế, cả nhà nước và tư nhân. Chẳng hạn, trong những năm gần đây, hàng trăm vụ án kinh tế đã phải đem ra xét xử, liên quan đến nhiều doanh nghiệp lớn cả công và tư, làm thất thoát một lượng tiền bạc, của cải khổng lồ của Nhà nước, của nhân dân và cả của doanh nghiệp; những phi vụ làm ăn bất minh - lừa đảo, lợi dụng kẽ hở của cơ chế chính sách đã làm hư hỏng, thoái hóa biến chất hàng trăm lãnh đạo doanh nghiệp và cán bộ công quyền. Đây là một hiện trạng mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gọi là “giặc nội xâm” cần được ngăn chặn và loại bỏ.

Từ thực tế đó, để các doanh nghiệp phát triển lành mạnh và bền vững vì sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế đất nước sau đại dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp cùng với Nhà nước, sự đồng hành của nhân dân và xã hội phải tiếp tục hành động xây dựng, củng cố và phát huy vai trò của văn hóa đối với doanh nghiệp. Nói như một số nhà nghiên cứu, nhà quản lý thì văn hóa doanh nghiệp chính là sức khỏe - trí tuệ - hiệu quả - sự an toàn, hay nói một cách hình ảnh hơn, văn hóa doanh nghiệp chính là “chân ga - chân phanh” của con tàu doanh nghiệp - nó thiết lập sự an toàn và thúc đẩy sự tiến bộ của doanh nghiệp!

Đề xuất kiến nghị với Nhà nước

Thứ nhất, Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng, các cơ sở Đảng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến đến các cơ quan nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể xã hội về các nội dung cơ bản thuộc về đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước liên quan trực tiếp đến vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp dưới đây:

Một là, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định một nhiệm vụ rất quan trọng cần triển khai là: “Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển bền vững của đất nước” (5).

Từ góc nhìn thực tiễn, khi phân tích nội dung của đoạn trích nói trên trong văn kiện của Đảng, có thể nhận thấy: Tương ứng với yêu cầu “xây dựng văn hóa trong chính trị”, chúng ta cần nghiên cứu triển khai trong thực tế các khái niệm: “văn hóa công vụ”, “đạo đức công vụ”, “văn hóa lãnh đạo”… Tương ứng với yêu cầu “xây dựng văn hóa trong kinh tế”, chúng ta cần nghiên cứu triển khai trong thực tế các khái niệm: “văn hóa doanh nghiệp”, “văn hóa kinh doanh”, “văn hóa doanh nhân”…

Những quan điểm đường lối về xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế của Đảng mang tính chỉ đạo cần được tiếp tục triển khai mạnh mẽ và rộng khắp trong thực tiễn đời sống. Giữa văn hóa chính trị và văn hóa kinh tế có quan hệ khăng khít biện chứng với nhau, và được thể hiện trong thực tế đời sống bằng một ví dụ cụ thể, đó là mối quan hệ có tính chất nhân quả giữa “văn hóa công vụ” (của người công chức) và “văn hóa doanh nghiệp” (của người doanh nhân). Mối quan hệ này thực chất là mối quan hệ giữa nhà nước (người quản lý) và cộng đồng doanh nghiệp (đối tượng được quản lý). Hiệu quả xã hội của mối quan hệ hai chiều này sẽ tùy thuộc vào sự chi phối của văn hóa công vụ của người công chức và văn hóa doanh nghiệp của người doanh nhân.

Hai là, từ sự phân tích về mặt lý luận mối quan hệ giữa văn hóa chính trị và văn hóa kinh tế ở trên, mà thực chất là mối quan hệ giữa hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động kinh tế của doanh nghiệp khi soi chiếu vào thực tiễn thì có thể thấy: doanh nghiệp lấy giá trị thương hiệu làm căn cốt để phấn đấu thực hiện; còn Nhà nước (trước hết là Chính phủ) lấy trách nhiệm liêm chính - kiến tạo làm căn cốt để phấn đấu thực hiện. Không có Nhà nước kiến tạo thì không thể có doanh nghiệp tốt - thương hiệu tốt, hay nói cách khác, Chính phủ không kiến tạo thì doanh nghiệp không thể tốt - không thể có thương hiệu, và có thể sẽ lụi tàn, mất niềm tin và phương hướng trong điều kiện khó khăn, nghiệt ngã của đại dịch.

Đồng thời, không ngừng xây dựng thể chế và bộ máy nhà nước liêm chính - kiến tạo; với ý chí chính trị cao nhất, cần đẩy mạnh việc cải cách thể chế, cải cách hành chính và cải cách tư pháp liên quan đến các lĩnh vực văn hóa và kinh tế. Tạo dựng một môi trường sinh thái lành mạnh và thuận lợi cho khả năng phục hồi và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp với nền tảng văn hóa doanh nghiệp vững chắc vừa là trách nhiệm của nhà nước, vừa là trách nhiệm của doanh nghiệp. Và bởi vậy, muốn xây dựng được văn hóa doanh nghiệp thì các cơ quan nhà nước liên quan, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội phải được quán triệt, thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo này trong cả tư duy và hành động.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ngang tầm nhiệm vụ; tuân thủ các yêu cầu và chuẩn mực của văn hóa công vụ, đạo đức công vụ khi thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong điều kiện có nhiều biến động về cơ chế, chính sách, pháp luật để đáp ứng những tình huống quản lý tức thời, nhanh chóng do hậu quả của đại dịch. Nhà nước đặc biệt quan tâm đến thu nhập và đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức một cách thực chất, trên tinh thần coi đây là một giải pháp then chốt để phòng chống tham nhũng, tiêu cực; có cơ chế, chính sách, pháp luật đồng bộ để đảm bảo yêu cầu: không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần tham nhũng và không muốn tham nhũng; tiến tới triệt tiêu sự nhũng nhiễu trong quan hệ với doanh nghiệp, phá hoại văn hóa doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện rất khó khăn sau đại dịch.

Thứ ba, bên cạnh đó, xin được đề xuất với Quốc hội và Chính phủ, trong tương lai sửa Luật Thi đua khen thưởng, nếu không vì một lý do đặc biệt nào đó, nên bổ sung vào Luật này danh hiệu về văn hóa doanh nghiệp để tôn vinh những doanh nghiệp có thành tích xây dựng và phát huy tốt văn hóa doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển bền vững kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước. Đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp phối hợp với Bộ VHTTDL, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Hội, Hiệp hội liên quan đến doanh nghiệp, các tỉnh thành trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt, triển khai tới các doanh nghiệp trong cả nước “Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam” (sửa đổi 2022) như là một nhiệm vụ then chốt trong triển khai cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phát động tại Hà Nội năm 2016; khuyến khích đưa nội dung phát triển văn hóa doanh nghiệp vào các hội thảo, tọa đàm (cả trong nước và quốc tế) và các lớp học, các chương trình bồi dưỡng kiến thức cho doanh nghiệp được tổ chức hằng năm…

Đề xuất kiến nghị với doanh nghiệp

Thứ nhất, về lãnh đạo và đội ngũ nhân sự. Trong bối cảnh ngổn ngang những khó khăn thách thức sau đại dịch như: sự đứt gãy chuỗi cung ứng; sự thâm hụt của các nguồn lực; những bất định khó lường trong môi trường kinh doanh, hợp tác; mối đe dọa của sự xuống cấp uy tín và thương hiệu…, đội ngũ những người lãnh đạo doanh nghiệp rất cần thể hiện vai trò đầu tàu, gương mẫu, sức chống chịu dẻo dai trước áp lực và sự dũng cảm quyết đoán trong các chủ trương quyết sách kinh doanh của doanh nghiệp. Muốn vậy, đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp cần trau dồi đạo đức, nâng cao trình độ năng lực, tư duy và tầm nhìn, bám sát thực tiễn trong quản lý điều hành các hoạt động kinh doanh; coi trọng, đề cao triết lý kinh doanh và giữ gìn chữ tín trong mọi hoàn cảnh; chăm lo đời sống và động viên chia sẻ với đội ngũ nhân sự những khó khăn thách thức; biến những giá trị văn hóa trong doanh nghiệp thành nguồn lực, động lực cho sự phục hồi và phát triển doanh nghiệp, tiếp tục đóng góp thiết thực vào sự vực dậy nền kinh tế đất nước vốn đang bị tổn thương vì dịch bệnh.

Mỗi doanh nghiệp trong khó khăn càng rất cần xây dựng một cộng đồng nhân sự, dù ở các vị trí khác nhau nhưng đều phải có chất lượng, sự gắn kết để cùng hướng về mục tiêu, mục đích mang tính sứ mệnh của doanh nghiệp; đồng thời phải xây dựng một xã hội học tập, mà trong đó đội ngũ nhân sự được tăng cường tri thức, có trình độ khoa học công nghệ, năng động, sáng tạo và một năng lực vượt khó, một tinh thần dấn thân vì doanh nghiệp.

Thứ hai, về mô hình văn hóa doanh nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp và cộng đồng nhân sự phải chung tay xây dựng được một mô hình văn hóa doanh nghiệp phù hợp với chiến lược và triết lý kinh doanh của mình. Mô hình ấy cũng có thể thay đổi, chẳng hạn trong tình thế của những biến động sau đại dịch, để thích ứng, doanh nghiệp có thể điều chỉnh trên cơ sở những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Mô hình văn hóa doanh nghiệp giúp tạo nên sự nhất quán và đồng thuận trong hoạt động kinh doanh, trong xây dựng kỷ cương và hình thành truyền thống, bản sắc riêng có của doanh nghiệp. Mô hình văn hóa doanh nghiệp còn góp phần tạo dựng thương hiệu của doanh nghiệp và neo giữ sự bền vững của nó trong đời sống kinh tế, xã hội. Về mặt tổ chức, các công ty, nhất là các công ty, tập đoàn doanh nghiệp lớn cần hình thành một bộ phận chịu trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo về xây dựng văn hóa doanh nghiệp để thường xuyên “hâm nóng” những giá trị văn hóa trong doanh nghiệp.

Thứ ba, về văn hóa giao tiếp, ứng xử. Với doanh nghiệp, trong điều kiện của nền kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hóa, mỗi doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều rất cần xây dựng cho mình một phương thức ứng xử văn hóa trong kinh doanh, hợp tác và đàm phán, liên kết kinh tế khi cần thiết. Sự hợp tác và liên kết trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp mang lại cho doanh nghiệp những lợi thế về nguồn lực, sự chia sẻ về kinh nghiệm, sự phong phú và đa dạng về cơ hội kinh doanh và một tầm nhìn xa rộng hơn về phát triển doanh nghiệp của mình; và cuối cùng là tạo nên sức mạnh của sự “nhân đôi”, giúp cho doanh nghiệp chống chọi được với những rủi ro đã lớn lên rất nhiều đối với mỗi doanh nghiệp sau cơn bão của đại dịch COVID-19.

Đề xuất kiến nghị về vai trò của phản biện xã hội đối với xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Cộng đồng xã hội và người dân ở mỗi quốc gia dân tộc đều là đối tượng phục vụ của doanh nghiệp, và là khách hàng của doanh nghiệp. Đây là mối quan hệ có tính chất cung cầu. Bởi vậy, cùng với việc xác định trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng xã hội và người dân thì cũng cần xác định trách nhiệm của cộng đồng xã hội và người dân đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp rất cần xã hội quan tâm đến tiêu dùng sản phẩm của mình để phát triển kinh doanh sản xuất, làm giàu cho mình và đóng góp cho xã hội; còn xã hội rất cần doanh nghiệp phải kinh doanh trung thực, đúng đắn, tuân thủ đạo đức và pháp luật để sản phẩm bán cho họ không phải là hàng giả, hàng kém chất lượng, gây hậu quả cho đời sống và sự an toàn của họ. Ở đây, chúng tôi muốn nói về một hai khía cạnh mà cộng đồng xã hội và người dân có thể làm với sự quan tâm của Nhà nước để góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thể hiện tốt nhất trách nhiệm xã hội của mình với cộng đồng.

Cụ thể, trong đời sống xã hội, ngoài pháp luật là công cụ để điều chỉnh hành vi của con người và tổ chức thì còn có một công cụ khác là dư luận xã hội (tức là ý kiến của nhân dân) cũng góp phần to lớn vào điều chỉnh hành vi của con người và tổ chức. Bằng dư luận xã hội, người ta có thể khen một hành vi nào đó và cũng có thể phê phán một hành vi nào đó (nếu không có lợi cho xã hội). Có thể lấy ví dụ là một doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm trên thị trường đã buôn bán thuốc giả, sau khi bị lộ, dư luận xã hội đã lập tức lên án dữ dội, thậm chí còn đi trước cả pháp luật để tẩy chay hành vi mất lương tri đó, và khai tử một doanh nghiệp. Từ đó có thể thấy, cùng với các công cụ phòng chống tiêu cực do nhà nước nắm giữ thì việc Nhà nước tiếp thu kênh thông tin dư luận xã hội từ nhân dân là vô cùng quan trọng và cần thiết. Trong trường hợp này, dư luận xã hội giúp loại bỏ doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật và văn hóa doanh nghiệp ra khỏi đời sống xã hội, gióng lên một lời cảnh tỉnh cho những doanh nghiệp không quan tâm đến việc xây dựng cho doanh nghiệp của mình một nền tảng văn hóa và đạo đức vững chắc, vì cộng đồng. Không phải ngẫu nhiên mà cứ đến trước mỗi kỳ họp của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lại có nghĩa vụ trình lên các đại biểu của nhân dân một báo cáo tổng hợp những ý kiến của người dân trước những vấn đề bức xúc của xã hội đã và đang diễn ra hằng ngày.

Cùng song hành với dư luận xã hội có tư cách là một kênh phản biện xã hội cần được Nhà nước quan tâm và khuyến khích, ở nước ta còn các cơ quan truyền thông đại chúng cũng có vai trò là những kênh thông tin khác rất quan trọng cần được Nhà nước quan tâm chỉ đạo khi đồng thời với việc phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, của doanh nghiệp thì cũng chuyển tải những đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước đến với người dân và doanh nghiệp. Những chuyển tải về cả thành tựu và bất cập của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội đã cung cấp thông tin bổ ích cho xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, giúp nâng cao dân trí, hướng con người vào một lối sống có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, tạo nên một môi trường sống văn hóa, cởi mở và dân chủ. Trong môi trường lành mạnh ấy, văn hóa doanh nghiệp có điều kiện để đơm hoa kết trái và thể hiện vai trò vừa là cốt lõi, vừa là bao trùm của mình đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp vì một đất nước trong lành, phồn vinh và tươi đẹp.

_______________________

1. Hoàng Vinh, Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng văn hóa ở nước ta, Viện Văn hóa - Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1999, tr.42.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.458.

3. Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học, Hà Nội, 2013, tr.1409.

4. Thủ tướng phát động xây dựng Văn hóa doanh nghiệp, baochinhphu.vn, 7-11-2016.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.128.

TS TRẦN MINH CHÍNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 512, tháng 10-2022

;