1. Dẫn nhập
Trong vài thập niên trở lại đây, vấn đề văn hóa doanh nghiệp được quan tâm, bàn thảo ở nhiều cấp độ, thu hút sự quan tâm của cả giới nghiên cứu học thuật, giới quản lý lẫn các doanh nhân. Dù còn nhiều bàn luận xung quanh khái niệm, cơ cấu của văn hóa doanh nghiệp, nhưng tựu trung lại, các ý kiến khá đồng thuận khi khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa doanh nghiệp trong sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng, với sự phát triển của cả nền kinh tế nói chung.
Văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ giá trị văn hóa được gây dựng nên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, từ đó trở thành quy tắc, tập quán quen thuộc ăn sâu vào hoạt động của doanh nghiệp đồng thời chi phối tình cảm, cách suy nghĩ và hành vi mọi thành viên của doanh nghiệp trong việc theo đuổi và thực hiện các mục đích.
Văn hóa doanh nghiệp thể hiện ở sứ mệnh, tầm nhìn của doanh nghiệp, những giá trị mà doanh nghiệp đang có, thể hiện cách ứng xử của người lãnh đạo cũng như nhân viên của doanh nghiệp, thể hiện ở những biểu hiện bề ngoài của doanh nghiệp (như đồng phục, logo, cách bài trí, nghi thức…).
Ở Việt Nam, nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp trong việc gia tăng giá trị cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 10-11 hằng năm là Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Ngày 7-11-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức phát động Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Ngày 28-2-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 248/QĐ-TTg thành lập Ban tổ chức triển khai cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”. Cuộc vận động này đã được các doanh nghiệp trên cả nước hưởng ứng rộng rãi.
Trong bối cảnh tìm kiếm các giải pháp để khôi phục sự phát triển của nền kinh tế, của các doanh nghiệp thời kỳ hậu COVID-19, phát huy vai trò của văn hóa doanh nghiệp được xem là một trong các giải pháp có tính khả thi.
Triển khai Kết luận số 24-KL/TW ngày 30-12-2021 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-01-2022 của Quốc hội, để góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ trong trung và dài hạn, Chính phủ thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Chương trình của Chính phủ đề ra 5 nhóm giải pháp vĩ mô. Đây là những giải pháp tổng thể và quan trọng để giúp các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. Nhưng bên cạnh giải pháp từ phía Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp từng bước tháo gỡ khó khăn thì một điều không kém phần quan trọng đó là mỗi doanh nghiệp cần phát huy nội lực của chính mình. Vì xét đến cùng, sức mạnh nội sinh chính là yếu tố quyết định cho sự thành bại của mỗi thực thể trong quá trình phát triển. Mà văn hóa doanh nghiệp chính là một yếu tố quan trọng để cấu thành nên sức mạnh nội sinh của doanh nghiệp.
2. Tác động của đại dịch COVID-19 đến sự phát triển của doanh nghiệp
Đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội ở quy mô toàn cầu. Việt Nam không phải là một ngoại lệ.
Nhìn lại 2 năm chống chọi với đại dịch COVID-19 (2020-2021) có thể thấy, mặc dù Chính phủ và các cơ quan, doanh nghiệp rất quyết liệt trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, xã hội”, tốc độ tăng trưởng GDP vẫn duy trì ở mức dương, song có sự sụt giảm đáng kể. Kinh tế Việt Nam đạt mức thấp nhất trong giai đoạn 2011-2021. Đa số các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.
Đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm, trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể có xu hướng tăng lên. Năm 2020, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 2,3% so với năm 2019; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể tăng 13,9%. Phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ phải tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể. Những doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường nhiều hơn.
Trong năm 2021, có 116.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 1,6 triệu tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 854 nghìn lao động, giảm 13,4% về số doanh nghiệp, giảm 27,9% về vốn đăng ký và giảm 18,1% về số lao động so với năm trước.
Bên cạnh đó, có 43.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2021 lên gần 160.000 doanh nghiệp, giảm 10,7% so với năm 2020. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn gần 55.000 doanh nghiệp, tăng 18% so với năm trước; 48.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,8%; 16.700 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,1% (1).
Hệ quả tất yếu của việc doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc bị giải thể do dịch bệnh là nhiều lao động bị cắt giảm, nhiều lao động trong độ tuổi ở cả khu vực thành thị và nông thôn không có việc làm. Số liệu của Tổng cục Thống kê đã cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 (2020-2021), nhất là năm 2021 chiếm tỷ lệ cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (2)
Tỷ lệ: %
Năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp trong đội tuổi lao động là 2,48%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,89%; khu vực nông thôn là 1,75.
Năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp trong đội tuổi lao động là 3,2%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 4,33%; khu vực nông thôn là 2,5 %.
Theo Báo cáo tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 nhìn chung có tác động nghiêm trọng đến doanh nghiệp tại Việt Nam, với 87,2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực” (3).
3. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp tham gia quản trị phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19
Về vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 có thể nhìn nhận dưới các góc độ sau:
Thứ nhất, văn hóa doanh nghiệp khơi dậy những giá trị truyền thống tốt đẹp để vượt qua khó khăn.
Văn hóa doanh nghiệp là một thành tố cấu thành nên nền văn hóa dân tộc. Với tư cách là một thành tố của văn hóa dân tộc, văn hóa doanh nghiệp được hình thành trên cơ sở tiếp thu những giá trị văn hóa truyền thống và chịu sự tác động của các giá trị văn hóa truyền thống. Đó là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, trọng nghĩa tình, đạo lý, chăm chỉ, sáng tạo, nhân văn... Trong lúc bệnh dịch hoành hành, tinh thần tương thân tương ái, nhường cơm sẻ áo, hỗ trợ thuốc men, nhu yếu phẩm, yêu thương đùm bọc lẫn nhau giữa người lao động với người lao động, giữa cấp trên, cấp dưới trong các doanh nghiệp được thực hành. Không chỉ chăm lo, chia sẻ trong nội bộ các doanh nghiệp, mà những giá trị văn hóa tốt đẹp đó còn được các doanh nghiệp lan tỏa tới cộng đồng. Khi Thủ tướng kêu gọi toàn dân tham gia đóng góp ủng hộ quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã tham gia rất tích cực. Khi dịch bệnh thuyên giảm, những giá trị đó vẫn được phát huy. Nó thể hiện trong hệ giá trị mà mỗi doanh nghiệp xây dựng và thực hành. Mặc dù mỗi doanh nghiệp dựa trên sứ mệnh của mình để hình thành nên hệ giá trị mà họ theo đuổi, nhưng những giá trị văn hóa truyền thống vẫn là nền tảng để từ đó hình thành những giá trị của các doanh nghiệp. Khi những giá trị này trở thành “nếp”, thành thói quen, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, chi phối ứng xử của các thành viên nghĩa là khi đó nó đã trở thành động lực tinh thần của doanh nghiệp. Việc thu nhận những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc trở thành động lực tinh thần của doanh nghiệp, một mặt vừa góp phần tạo nên sức mạnh mềm của doanh nghiệp, mặt khác, nó góp phần phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, biến giá trị văn hóa truyền thống trở thành động lực cho sự phát triển.
Thứ hai, văn hóa doanh nghiệp củng cố ý chí, niềm tin, khát vọng phát triển của doanh nghiệp.
Khi văn hóa doanh nghiệp với hạt nhân là hệ giá trị được thẩm thấu vào trong mỗi thành viên, nó sẽ góp phần tạo nên sự đồng thuận, đồng tâm, nhất trí trong quá trình vận hành doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là động lực thúc đẩy doanh nghiệp trong những hoàn cảnh, điều kiện bình thường, mà chính những giá trị tinh thần ấy sẽ là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy các doanh nghiệp trong lúc khó khăn, trong trạng thái “bình thường mới”.
“Khát vọng và ý chí phát triển là động lực hết sức quan trọng để đưa mọi dân tộc đi tới thịnh vượng và thành công” (4). Khát vọng về một đất nước độc lập, hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc đã hun đúc nên ý chí, dẫn dắt các thế hệ người Việt Nam vượt thoát khỏi bao cuộc thử thách hiểm nghèo của lịch sử, giành lại độc lập và chung tay xây dựng đất nước. Lịch sử đã chứng minh rằng những giá trị văn hóa được khơi dậy đúng mức sẽ biến thành sức mạnh to lớn.
Có thể nói, cơ đồ dân tộc khát vọng phát triển đất nước đã tạo nên sự chuyển động của nền kinh tế quốc dân trong cả mục tiêu và phương thức phát triển. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ kết hợp với đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ kinh tế quốc tế không chỉ là phương châm phát triển kinh tế quốc gia mà còn thể hiện rõ trong định hướng phát triển của các doanh nghiệp. Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, bằng ý chí, nỗ lực, khẳng định được uy tín, vị thế trên thương trường. Từ các slogan đến các kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp này đã thể hiện được khát vọng phát triển, ý chí tự cường, lòng tự hào dân tộc. Không giới hạn mình trong phạm vi biên giới lãnh thổ, rất nhiều doanh nghiệp đã vươn ra thị trường quốc tế và khẳng định thương hiệu. Trong bối cảnh hậu COVID-19, ý chí và khát vọng vươn lên đã thôi thúc các doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm tòi những hướng đi mới để thích ứng linh hoạt với bối cảnh mới.
Thứ ba, văn hóa doanh nghiệp phát huy sức sáng tạo của các chủ thể sản xuất, kinh doanh.
Bản chất của văn hóa là sáng tạo; văn hóa là sự sáng tạo của con người trong quá trình tương tác với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội để tạo ra những giá trị. Văn hóa doanh nghiệp được kiến tạo và duy trì bởi tất cả các thành viên trong tổ chức, từ ban lãnh đạo tới nhân viên. Văn hóa doanh nghiệp ở một mức độ nhất định sẽ góp phần dẫn dắt các thành viên hướng tới mục đích chung. Và trên hành trình thực hiện sứ mệnh của doanh nghiệp đã được xác định, văn hóa doanh nghiệp kích thích óc sáng tạo, những sáng kiến cá nhân, những ý tưởng đổi mới, những giải pháp hữu hiệu để tối ưu hóa lợi nhuận, tối đa hóa giá trị của doanh nghiệp. Một câu hỏi lớn đặt ra cho tất cả các doanh nghiệp hiện nay là làm thế nào để phát triển trong điều kiện các nguy cơ dịch bệnh vẫn có khả năng bùng phát. Nhưng câu trả lời cho mỗi doanh nghiệp là không giống nhau, vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, phụ thuộc cả vào bản sắc của doanh nghiệp đó. Việc thích ứng với các điều kiện thực tế nhiều biến động đòi hỏi một tâm thế chủ động, linh hoạt của doanh nghiệp, hay nói cách khác, là các doanh nghiệp cần phát huy vai trò của văn hóa doanh nghiệp, hình thành hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo.
Thứ tư, văn hóa doanh nghiệp thúc đẩy việc làm chủ và ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp.
Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi suy nghĩ và cả cách thức vận hành doanh nghiệp. Trong đó, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp nổi lên như là giải pháp hữu hiệu để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Trong thời kỳ dịch bệnh hoành hành, nhiều doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu, triển khai nhiều ứng dụng công nghệ để tăng khả năng tiếp cận khách hàng, thay đổi phương thức kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế. Nhận thức được tính ưu việt của việc ứng dụng khoa học, công nghệ, tăng cường đổi mới sáng tạo, sau khi dịch bệnh tạm lắng, các doanh nghiệp không những duy trì mà còn tích cực, chủ động hơn trong việc áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, nếu như trước đây, tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp là 70-30, thức là 70% đầu tư cho khoa học công nghệ lấy từ nguồn ngân sách nhà nước và 30% là do doanh nghiệp thì đến nay, tỷ lệ này đã là 50-50. Các doanh nghiệp đã đầu tư nhiều hơn cho khoa học công nghệ. Việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động của doanh nghiệp đã góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp như chi phí vận hành, quản trị hệ thống, quản lý khách hàng, kiểm soát hiệu suất công việc, quản lý và khai thác thông tin. Chuyển đổi số chính là phát huy vai trò của văn hóa doanh nghiệp, khuyến khích các ý tưởng sáng tạo, những nỗ lực đổi mới của mỗi thành viên trong tổ chức.
4. Những vấn đề đặt ra và giải pháp phát huy vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong phát triển kinh tế thời kỳ hậu COVID-19
Những vấn đề đặt ra
Văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân là những vấn đề được xã hội quan tâm những năm gần đây. Một số chính sách về phát triển văn hóa doanh nghiệp đã được ban hành. Tuy nhiên, đa phần các chính sách mang tính động viên, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng và thực hành văn hóa doanh nghiệp, còn thiếu vắng khung pháp lý mang tính bắt buộc đối với việc thực hiện văn hóa doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp cơ bản phụ thuộc vào nhận thức, ý chí của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào ban lãnh đạo nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp trong phát triển thì ở doanh nghiệp đó, nội dung này được quan tâm và ngược lại.
Hơn nữa, những vấn đề như văn hóa doanh nghiệp hay văn hóa doanh nhân cần được đặt trong tổng thể chính sách/ chiến lược văn hóa trong kinh tế. Văn hóa trong kinh tế bao hàm những nội dung cốt lõi nào? Xây dựng văn hóa trong kinh tế chỉ tập trung vào xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân hay cần mở rộng sang cả hệ thống tầm nhìn, xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế, tháo gỡ về thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh sáng tạo và ứng dụng khoa học, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, chống các rào cản đối với sự phát triển kinh tế nhìn từ góc độ văn hóa? Hàng loạt các câu hỏi vẫn đang cần những lời giải đáp từ phía các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý.
Việc xây dựng văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, văn hóa lao động, văn minh thương mại, dịch vụ chưa thực sự đi vào đời sống kinh tế. Văn hóa chưa đủ sức lan tỏa, vun trồng, bồi đắp những nhân tố mới, những giá trị mới tích cực, tiến bộ, chưa đẩy lùi được những nhân tố tiêu cực, độc hại trong hoạt động kinh tế. Chính vì vậy, tình trạng làm ăn phi pháp như buôn lậu, lừa đảo, trốn thuế, hàng giả, hàng độc hại, tệ tham nhũng, lãng phí... ngày càng gia tăng, làm tiêu phí nguồn lực phát triển kinh tế, gây nên những bức xúc trong xã hội.
Nhìn chung tác động của văn hóa vào trong kinh tế còn hạn chế, chưa đủ sức mạnh để tạo nên quá trình “văn hóa hóa kinh tế”, nhằm xây dựng một nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.
Giải pháp
Xuất phát từ vai trò quan trọng của văn hóa doanh nghiệp cũng như thực tế xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong thời gian qua, để văn hóa doanh nghiệp có thể trở thành điểm tựa, thành nguồn lực cho việc phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, thiết nghĩ, cần chú ý tới những giải pháp sau:
Một là, cần tập trung thể chế hóa các quan điểm của Đảng về vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế (trong đó có văn hóa doanh nghiệp) thành luật pháp, thành các chiến lược, thành các quy định cụ thể. Cần xây dựng chế tài về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, xác định được trách nhiệm pháp lý của các chủ thể kinh tế trong việc tuân thủ các giá trị, chuẩn mực văn hóa cũng như khai thác nguồn vốn văn hóa để phát triển kinh tế. Có như vậy, mới tạo động lực cho các doanh nghiệp tìm tòi, đổi mới mô hình hoạt động theo hướng coi trọng các giá trị văn hóa trong sản xuất, kinh doanh.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Thời gian qua, việc triển khai cuộc vận động rộng khắp trên phạm vi cả nước đã góp phần “đánh động”, nâng cao nhận thức của xã hội, đặc biệt là của các nhà lãnh đạo, quản lý, các doanh nhân về sự cần thiết phải tiến hành xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Cuộc vận động này bước đầu đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Thời gian tới, bên cạnh chiều rộng, cần chú ý tới chiều sâu của cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Muốn vậy, cần tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu tổng kết thực tiễn của các cơ quan hữu quan để kịp thời nhân rộng những điển hình tiên tiến, phát hiện những khó khăn, vướng mắc (nếu có) để tham mưu cho chính phủ điều chỉnh chính sách hoặc ban hành chính sách mới.
Ba là, các doanh nghiệp bám sát Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội của Chính phủ, tận dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tăng cường nguồn lực phát triển doanh nghiệp trong những năm trước mắt.
Bốn là, văn hóa doanh nghiệp cùng với vốn, thể chế, công nghệ, nhân lực được xem là những nguồn lực cơ bản có thể “vực dậy” doanh nghiệp sau đại dịch. Vì vậy, các doanh nghiệp cần quan tâm xây dựng, khai thác hợp lý tất cả các nguồn lực này. Nếu chỉ chú trọng một trong các nguồn lực đó không thôi là chưa đủ và có thể gây ra sự mất cân đối trong phát triển; khi đó, doanh nghiệp sẽ khó đạt được hiệu quả phát triển như mong muốn.
________________
1. Giải pháp giúp phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch COVID-19, mof.gov.vn, 7-3-2022.
2. Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê 2021, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2022, tr.164.
3. Thu Trang, Gần 90% doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, baotintuc.vn, 12-3-2021.
4. Nguyễn Xuân Thắng, Tư tưởng, lý luận với đổi mới và phát triển đất nước, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 673.
5. Doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ để vượt “bão” COVID-19, moit.gov.vn, 5-7-2021.
PGS, TS VŨ THỊ PHƯƠNG HẬU
Nguồn: Tạp chí VHNT số 509, tháng 9-2022