Mỗi doanh nghiệp là một địa chỉ văn hóa

Đại dịch COVID-19 như một cơn bão quét qua làm ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, các doanh nghiệp, hãng sản xuất, công ty kinh doanh... Sau bão COVID-19, nhiều giá trị đã được nhìn nhận lại, nhiều doanh nghiệp gượng đứng lên sau đại dịch. Trong quá trình tái thiết ấy, văn hóa đã đóng vai trò như thế nào trong việc phục hồi và phát triển doanh nghiệp?

Mỗi một doanh nghiệp ngoài giá trị lợi nhuận mà họ đóng góp, mang lại cho cộng đồng, xã hội và cá nhân doanh nghiệp, người lao động thì hình ảnh, văn hóa là sự nhận diện, sức thu hút và vươn lên của chính doanh nghiệp đó trong cả hành trình. Với nhiều doanh nghiệp giá trị, thương hiệu và hình ảnh của họ trên thương trường, trong mắt khách hàng, ngoài giá trị vật chất còn là văn hóa mà doanh nghiệp đó đã tạo dựng trong mối quan hệ nội tại bên trong và với đối tác, khách hàng bên ngoài. Không khó để nhận ra văn hóa đã góp mặt ngay từ ngày đầu khởi nghiệp, đặt nền móng cho những viên gạch đầu tiên. Nó thể hiện ngay ở cách những người sáng lập đặt tên gọi, xác định chiến lược, tầm nhìn, định hướng cũng như sản phẩm đặc trưng của từng doanh nghiệp.

Ngay việc lựa chọn, đặt tên cho doanh nghiệp bằng tiếng mẹ đẻ, tiếng nước ngoài đã thể hiện đối tượng, sản phẩm, phân khúc khách hàng cũng như địa bàn, lĩnh vực hoạt động mà doanh nghiệp muốn hướng tới. Nó cũng thể hiện tầm nhìn, khát khao hay mục đích mà doanh nghiệp muốn định vị trong cộng đồng, xã hội. Một số tên gọi của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay được nhận diện khá tốt không chỉ bởi khách hàng trong nước mà cả quốc tế như Vinamilk, Vietnam Airlines, FPT, Vingroup, Viettel, King Coffee…

Tên gọi của doanh nghiệp như lớp áo ngoài, dấu hiệu đầu tiên để nhận biết về đơn vị, sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp. Một tên gọi ngắn hay dài, sử dụng tiếng mẹ đẻ hay ngoại ngữ đã hàm chứa trong đó khao khát, sự hiểu biết, tầm vóc văn hóa của những người sáng lập, lãnh đạo doanh nghiệp đó.

Cùng với tên gọi thì tiêu chí, mục đích, tầm nhìn chiến lược của mỗi doanh nghiệp được thể hiện trong các slogan (khẩu hiệu), phương châm hoạt động của từng doanh nghiệp. Việc chọn được một slogan độc đáo giúp truyền tải tốt những thông điệp và giá trị mà doanh nghiệp muốn hướng tới. Nhiều doanh nghiệp lớn không ngại chi tiền cho khâu này khi hiểu rõ slogan là câu nói cô đọng, hàm súc giúp các thương hiệu, sản phẩm được truyền tải một cách ngắn gọn về giá trị cốt lõi và định hướng kinh doanh của mình. Từ đó ghi dấu ấn đậm sâu trong khách hàng và góp phần quảng bá hình ảnh sản phẩm một cách hiệu quả.

Nhiều slogan có giá trị tôn vinh văn hóa, thể hiện sự tôn trọng, hướng đến cộng đồng, kích thích cảm xúc của khách hàng như: Biti’s nâng niu bàn chân Việt, Trung Nguyên - Khơi nguồn sáng tạo, Prudential - Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, KFC - vị ngon trên từng ngón tay… Cái hay của những slogan này không chỉ thể hiện sự tôn trọng của doanh nghiệp đến khách hàng mà còn đặt khách hàng làm trung tâm, hướng khách hàng là đối tượng quan trọng giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Nhiều slogan còn giúp kích thích sự tò mò, chiều chuộng cảm xúc của khách hàng cũng như thể hiện văn hóa của doanh nghiệp trong mối quan hệ giữa sản phẩm - khách hàng, doanh nghiệp - người tiêu dùng. Những slogan như Nâng niu bàn chân Việt, Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu hay Vị ngon trên từng ngón tay… có thể làm hài lòng bất cứ khách hàng nào, kể cả những người khó tính nhất. Ở đây, ngoài yếu tố cung cầu thì văn hóa, thể hiện trong sự tôn trọng, phục vụ, mong muốn cung cấp những sản phẩm tốt nhất, vừa ý nhất đứng ở góc độ khách hàng cũng như thể hiện sự thấu hiểu, trân trọng của chính doanh nghiệp đó với khách hàng sử dụng sản phẩm của họ. Một số ít doanh nghiệp đã có những thay đổi về tầm nhìn, hướng đi, chiến lược kinh doanh trong những giai đoạn khác nhau và cùng với sự thay đổi đó, một số doanh nghiệp đã thay đổi slogan như khẳng định một chương mới, một mục tiêu mới mà họ đặt ra cho doanh nghiệp trong từng bước đi, từng giai đoạn phát triển cụ thể.

Cùng với tên gọi, slogan, thương hiệu văn hóa của mỗi doanh nghiệp còn đến từ việc xây dựng môi trường văn hóa trong nội bộ và giữa doanh nghiệp với bên ngoài. Với xã hội thì tiêu chí văn hóa đầu tiên, với cộng đồng là chấp hành mọi chủ trương, chính sách, pháp luật tại địa bàn, đất nước mà doanh nghiệp hoạt động. Việc đặt doanh nghiệp hoạt động theo đúng đường lối, chính sách, pháp luật mặc nhiên thừa nhận sự tồn tại đúng đắn của mỗi doanh nghiệp về các hoạt động của mình. Khi các hoạt động đều được thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn mà pháp luật công nhận thì mọi hoạt động của công ty, các cá nhân đều được pháp luật bảo vệ.

Cùng với việc xây dựng hình ảnh văn hóa với cộng đồng, xã hội thì việc xây dựng văn hóa trong nội bộ doanh nghiệp thể hiện qua các nội quy, điều lệ, quy chế gắn với các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa, tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, thân thiện, hợp tác trong cơ quan cũng rất quan trọng trong việc tạo nên linh hồn, chất gắn kết các thành viên, giữa cấp trên và cấp dưới, đồng nghiệp… trong một doanh nghiệp.

Trong đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã chịu các tác động xấu làm lung lay, gãy đổ, thậm chí là phá sản. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp như hàng không, du lịch, khách sạn, ăn uống… bị ảnh hưởng trầm trọng vì cách ly, dịch bệnh, gián đoạn cung cầu. Nhiều doanh nghiệp khác cũng bị ảnh hưởng từ sức mua, sự suy thoái hay lạm phát sau đại dịch. Giữa muôn ngàn phép tính về đầu vào, đầu ra, giá nguyên liệu, nhân công, sản phẩm tăng cao do dịch bệnh, chiến tranh, cấm vận và sức mua suy giảm, các doanh nghiệp phải tính tới nhiều kế sách nhằm bình ổn và phát triển doanh nghiệp sau đại dịch.

Chưa khi nào văn hóa, thể hiện trong chính sách, sự quan tâm, chế độ đãi ngộ, sự sẻ chia… đối với người lao động trong từng doanh nghiệp nói riêng cũng như mối quan hệ với đối tác, khách hàng nói chung trở nên quan trọng trong sự sống còn, phát triển của doanh nghiệp như thời kỳ này.

Lúc đại dịch bùng phát, bên cạnh việc gián đoạn cung cầu, chi phí cách ly, xét nghiệm từng là gánh nặng đè lên lợi ích, doanh thu, tiền vốn của nhiều doanh nghiệp. Giữa cơn lốc đó, nhiều doanh nghiệp dù còn rất khó khăn nhưng đã hỗ trợ người lao động, cộng đồng bằng những đóng góp, quan tâm thiết thực. Một số doanh nghiệp ngoài ủng hộ vật chất, tiền của cho công cuộc phòng chống đại dịch như vắc xin, oxy, sinh phẩm y tế còn đặt mua vắc xin, khẩu trang bảo vệ người lao động và gia đình của cán bộ, công nhân viên công ty trong đại dịch. Những hỗ trợ về nhà ở, tiền thuê nhà, ăn uống, phí sinh hoạt… của một số doanh nghiệp không chỉ động viên, giữ chân người lao động yên tâm sản xuất mà còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái, sự quan tâm của lãnh đạo đến người lao động trong khó khăn. Hình ảnh những gói hàng gồm nhiều thực phẩm thiết yếu như gạo, mỳ tôm, dầu ăn, nước rửa tay, khẩu trang… được chằng buộc trên yên xe cho mỗi người lao động của một doanh nghiệp khi đăng lên làm ấm lòng nhiều người lao động trong đại dịch. Món quà tuy không lớn nhưng nó thể hiện sự quan tâm, sẻ chia của doanh nghiệp với nguồn nhân lực của mình trong những thời khắc gian khó, đầy biến động, thử thách. Nhiều doanh nghiệp thực hiện ba tại chỗ, lắp đặt tấm cách ly, bố trí lệch giờ ăn, trang bị nước sát khuẩn, khẩu trang… không chỉ thích ứng sản xuất trong đại dịch mà thể hiện sự san sẻ rủi ro, giảm bớt lợi nhuận để chăm lo sức khỏe, sự an toàn cho người lao động.

Một số doanh nghiệp thực hiện mô hình nhà máy an toàn với mục tiêu người lao động được tiêm đầy đủ và xét nghiệm thường xuyên theo đúng quy định. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số như thực hiện họp, trao đổi, phân công công việc, giao nhiệm vụ qua Zoom, các nhóm Zalo… Một số hoạt động đào tạo, ký duyệt cũng được đưa lên nền tảng số, vừa hạn chế tụ họp đông người, vừa đảm bảo công việc duy trì, xuyên suốt, đảm bảo hoạt động.

Ngay sau cơn bão COVID-19 đi qua, nhiều doanh nghiệp đã có chính sách thăm hỏi, động viên, giúp đỡ kịp thời những trường hợp khó khăn. Những cải tiến về tiền lương, chính sách đãi ngộ, ốm đau được các doanh nghiệp thực hiện và duy trì trong và sau đại dịch đã góp phần mang lại sự yên tâm và gắn kết người lao động với doanh nghiệp. Bên cạnh thu nhập, tiền lương thì chính văn hóa doanh nghiệp cũng là yếu tố giữ chân nhân sự, khiến họ tình nguyện, sát cánh cùng công ty trong những giai đoạn khó khăn nhất.

Sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp cũng nhận rõ các thách thức, trở ngại có thể ập đến bất cứ lúc nào như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, lạm phát… Nó đe dọa, tác động đến sự bình ổn và phát triển của từng doanh nghiệp. Vì thế, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong đó chú ý đến tạo điều kiện để các nhân viên thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, sự làm chủ công việc của mình trong mọi hoàn cảnh cũng như kết hợp linh hoạt các hình thức từ làm việc trực tiếp, làm việc tại nhà, làm việc trực tuyến… được nhiều doanh nghiệp tính đến. Tất cả nhằm đảm bảo sự thông suốt, hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành công việc chung. Qua đại dịch càng thấy rõ việc tuân thủ kỷ luật, tinh thần đồng tâm, sự đoàn kết, sẻ chia như một giá trị, một phẩm chất cần thiết trong xây dựng văn hóa của mỗi doanh nghiệp. Và giá trị văn hóa tốt đẹp ấy cần được duy trì thường xuyên, trong lúc bình ổn, phát triển cũng như khi chao đảo, khó khăn để nó tồn tại như một phần tất yếu và không thể thiếu trong sự vận hành và phát triển của các doanh nghiệp.

Ngày nay, không khó để nhận ra dấu ấn, nét riêng biệt của mỗi doanh nghiệp thông qua mầu sắc quần áo, logo, không gian, cách trang trí văn phòng… Nhiều doanh nghiệp có những cách rất riêng, không chỉ kết nối mọi người lại với nhau mà còn kết nối cha mẹ, người thân của cán bộ, công nhân viên với doanh nghiệp nơi con em họ đang công tác. Công ty FPT là một ví dụ. Họ đã chọn ngày 19/11 là ngày Phụ huynh FPT Software, bởi theo lý giải của họ thì đạo lý mà mỗi người Việt Nam cần ghi nhớ gồm có “công cha, nghĩa mẹ, ơn thày”.

Trong ngày phụ huynh, các ông bố, bà mẹ được hướng dẫn tham quan nơi làm việc, gặp lãnh đạo trực tiếp của con mình, nghe giới thiệu về công ty và được lãnh đạo cao nhất bày tỏ lòng biết ơn đối với gia đình vì sự đóng góp của con em họ cho sự phát triển của FPT. Cùng với các hoạt động khác, FPT luôn mang đến cho khách hàng, cộng đồng một nét văn hóa của riêng FPT trong đó đề cao tính sáng tạo, độc đáo, gắn kết… Ngoài ngày phụ huynh, FPT còn có Ngày đi làm cùng bố mẹ dành cho thế hệ con của các cán bộ, công nhân viên đang làm việc tại FPT.

Trong Ngày đi làm cùng bố mẹ, các bé sẽ được lựa chọn lĩnh vực của công ty để tham gia trải nghiệm các công việc. Ngoài ra, các cháu còn được nghe giới thiệu về FPT, giao lưu với lãnh đạo của tập đoàn, tham quan các khu làm việc để hiểu hơn về công việc của bố mẹ mình. Những chương trình này đã giúp cho các FPT Teen hiểu hơn về công việc của bố mẹ, đồng thời có định hướng tốt cho công việc sau này. Quan tâm đến người lao động rồi tới bố mẹ, con em người lao động, FPT còn có nhiều hoạt động hướng tới xã hội như Ngày vì cộng đồng, Ngày hướng về cội nguồn, Ngày gia đình FPT, Ngày nhân viên mới… Tất cả tạo thành một văn hóa doanh nghiệp mang đậm chất FPT và ở đây doanh nghiệp đã nâng văn hóa lên thành: “Vũ khí mang tên văn hóa doanh nghiệp”.

Dù nhiều hay ít, đậm hay nhạt và được xây dựng mỗi nơi mỗi khác tùy theo lựa chọn, quan điểm của từng doanh nghiệp nhưng không thể phủ nhận yếu tố văn hóa đang ngày càng được các doanh nghiệp coi trọng. Bên cạnh chế độ đãi ngộ về tiền lương, điều kiện làm việc thì văn hóa doanh nghiệp đang dần trở thành một trong những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp làm nên nét riêng cũng như thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho mình. Nhiều bạn trẻ trước khi ứng tuyển cũng dành nhiều thời gian để tìm hiểu về môi trường doanh nghiệp mà mình muốn làm việc. Một môi trường năng động, luôn khuyến khích mọi sự sáng tạo như FPT hay công ty Vinamilk với Vươn cao Việt Nam, tập đoàn Vingroup với slogan Vingroup - mãi mãi tinh thần khởi nghiệp… đang có sức thu hút rất lớn với các bạn trẻ khi họ tìm được ở đó một môi trường rộng mở cho các ý tưởng, các sáng tạo có đất để ươm trồng, phát triển. Một doanh nghiệp mà những nhà lãnh đạo, những người đứng đầu luôn có ý thức tạo dựng văn hóa với sự phát huy cao nhất tính sáng tạo, sự gắn kết đi kèm với mục tiêu vươn cao, vươn xa hay đặt mục tiêu trở thành người dẫn đầu, tạo xu hướng sẽ tạo nên một tập thể mạnh. Và chính tập thể đó, với sự phát huy cao nhất tài năng, sức sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân sẽ tạo nên một doanh nghiệp mạnh, vững vàng về mọi mặt. Một số tập đoàn lớn của Việt Nam hiện đang kết hợp rất tốt văn hóa vào trong mục tiêu, chiến lược phát triển của mình như Vinamilk, FPT hay Vingroup… Nói đến họ, ngoài các số liệu kinh tế tăng trưởng ấn tượng còn là nét văn hóa riêng mà mỗi doanh nghiệp dầy công tạo dựng. Nét văn hóa đó đã, đang và sẽ tiếp tục làm nên sự khác biệt và góp phần vào thành công của từng doanh nghiệp.

Và mỗi một doanh nghiệp tùy mục tiêu, định hướng, tầm nhìn… sẽ xây dựng và hướng đến những sứ mệnh khác nhau. Dù khác nhau về tầm nhìn, sản phẩm nhưng điểm chung giữa các doanh nghiệp đều mong muốn xây dựng nên một văn hóa của riêng đơn vị mình. Làm sao mỗi một doanh nghiệp là một địa chỉ văn hóa để mỗi người lao động thấy gắn bó, tự hào về nơi mình làm việc. Và mỗi đối tác, khách hàng khi tìm đến hợp tác, đầu tư, mua bán sản phẩm đều thấy hài lòng, thú vị với nét văn hóa được thể hiện trong cách cư xử hay trong từng chất lượng sản phẩm, các dịch vụ, tiện ích mà doanh nghiệp mang lại. Sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp đều nhận rõ văn hóa là một phần tất yếu, cần được xây dựng, duy trì xuyên suốt trong sự vận hành và phát triển của mỗi doanh nghiệp.

Trong và sau đại dịch COVID-19, một số doanh nghiệp thuộc Bộ VHTTDL như: Công ty TNHH MTV Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Công ty cổ phần hãng phim Hoạt hình Việt Nam, Công ty cổ phần Phim truyện 1… đã có nhiều sự quan tâm, hỗ trợ tới cán bộ, anh em nghệ sĩ từ tiêm vắc xin, nước sát khuẩn, khẩu trang, quan tâm thăm hỏi cũng như các chính sách về ốm đau, dịch bệnh… Nhiều biện pháp làm việc đã được kết hợp như làm việc, họp giao ban trực tuyến, phân công công việc, nhắc nhở tiến độ qua zalo, zoom, các nhóm chat… nhằm đảo bảo công việc thông suốt. Năm 2020, giữa lúc dịch bệnh bùng phát, các nghệ sĩ Công ty TNHH MTV Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã vào tận TP.HCM quay và làm bộ phim tài liệu Cuộc chiến không giới hạn khắc họa phần nào những công việc của tập thể cũng như các cá nhân đã đóng góp vào cuộc chiến chung chống lại COVID-19. Các doanh nghiệp còn lại cũng vượt lên mọi khó khăn để hoàn thành tốt các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Đại dịch COVID-19 giống như một phép thử, trong đó, mỗi doanh nghiệp cần xác định và tạo lập, hình thành cho mình một mô hình để thích ứng, từng bước bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Cùng với đó, tăng cường văn hóa doanh nghiệp thông qua trách nhiệm xã hội, quan tâm hơn đến điều kiện vật chất, tinh thần cho người lao động cũng như khách hàng bằng các chính sách cụ thể, bằng giá cả, chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ... chính là một điểm tựa để mỗi doanh nghiệp phục hồi và vươn lên sau đại dịch. Sau hết, mỗi doanh nghiệp hãy tạo dựng cho mình như một địa chỉ văn hóa để khách hàng, đối tác nhận diện bên cạnh những giá trị về lợi nhuận, sản phẩm.

NGÔ MINH NGUYỆT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 509, tháng 9-2022

;