Vai trò văn hóa ứng xử của những người làm công tác di sản Thủ đô

Văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện có hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ và cung cấp các dịch vụ công cho xã hội. TP Hà Nội - Nơi tập trung nhiều di tích lịch sử văn hóa từ bao đời nay, cần phải gìn giữ và truyền thông lan tỏa tới công chúng trong và ngoài nước, góp phần phát huy những giá trị mà hệ thống các di tích mang lại. Việc xác định vai trò văn hóa ứng xử của đội ngũ viên chức phục vụ, thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập Khối Di sản của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội là rất quan trọng, nhằm giúp cho các cán bộ, viên chức nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa ứng xử trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

1. Khái quát chung

Hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống hằng ngày bởi hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập nhằm mục đích cung cấp những dịch vụ công thiết yếu cho việc bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân trong các lĩnh vực như văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, khoa học và các lĩnh vực khác.

Đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) hoạt động trong lĩnh vực văn hóa gồm: Biểu diễn các loại hình nghệ thuật; Điện ảnh, dịch vụ hỗ trợ điện ảnh và dịch vụ liên quan đến điện ảnh; Di sản văn hóa và các hoạt động liên quan; Triển lãm nghệ thuật; Tuyên truyền, cổ động; Thư viện; Quảng cáo; Quyền tác giả, quyền tác phẩm nghệ thuật, các quyền liên quan đối với tác phẩm văn hóa, nghệ thuật và các dịch vụ hỗ trợ; Sáng tác và hoạt động hỗ trợ sáng tác; Xúc tiến văn hóa trong và ngoài nước.

Hiện nay, các ĐVSNCL - Khối Di sản thuộc Sở Văn hóa và Thể Thao Hà Nội, gồm: Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội và Bảo tàng Hà Nội, với chức năng quản lý, bảo tồn, phát huy và khai thác giá trị các di tích và tài liệu, hiện vật liên quan; Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học về các di tích cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ công chúng, khách tham quan Di tích…

Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, cán bộ, công chức, viên chức bằng việc tuân thủ các chuẩn mực, quy định trong quản lý di sản văn hóa, thực hiện đúng trách nhiệm trong việc bảo quản, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa, qua đó giúp cho các giá trị di sản văn hóa được bảo tồn, lưu giữ lâu bền. Việc tuân thủ các quy định, nguyên tắc, yêu cầu trong trưng bày, quảng bá di sản văn hóa tại các trung tâm sẽ giúp cho những giá trị di sản văn hóa được lan tỏa sâu rộng đến công chúng trong nước và quốc tế. Thông quá đó, các giá trị của di sản văn hóa được duy trì, bảo vệ và gìn giữ, phát triển trong tương lai.

Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám triển khai hệ thống vé điện tử phục vụ du khách - Ảnh Thúy Nga

Văn hóa ứng xử (VHƯX) là khái niệm chỉ những sáng tạo về lĩnh vực ứng xử trong xã hội loài người và ứng xử giữa con người với vũ trụ. Ứng xử trong xã hội loài người hay ứng xử giữa con người với con người, bao gồm hàng loạt hệ thống cộng đồng, làng xã… đến những ứng xử khác như: ứng xử trong gia đình, dòng họ, ứng xử giữa các dân tộc, ứng xử giữa các quốc gia với nhau. Mỗi hệ thống ứng xử lại có các nguyên tắc và cung cách riêng nhằm mục đích chung sống hữu hảo với nhau. Còn ứng xử giữa con người với vũ trụ, với thế giới tự nhiên cũng bao gồm rất nhiều hệ thống và vô cùng phong phú, nhằm đạt mục đích cao là chung sống ổn định với tự nhiên.

Trong cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam, tác giả Trần Ngọc Thêm không trình bày định nghĩa về VHƯX nhưng đã xác định nội hàm của khái niệm này. Tác giả cho rằng, nội dung của VHƯX là thái độ của cộng đồng với hai loại môi trường bao gồm môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Với mỗi loại môi trường đều có cách xử thế phù hợp là: tận dụng và ứng phó môi trường. Các cộng đồng chủ thể trong văn hóa tồn tại trong quan hệ với hai loại môi trường: môi trường tự nhiên (thiên nhiên, khí hậu…) và môi trường xã hội (các quốc gia láng giềng…). Với mỗi loại môi trường đều có cách thức xử thế phù hợp là: tận dụng môi trường (ảnh hưởng tích cực) và ứng phó với môi trường (ảnh hưởng tiêu cực).

Một cách khái quát, có thể hiểu: VHƯX là cách thức quan hệ, thái độ và hành động của các chủ thể, nhằm ứng biến, ứng phó và thể hiện tình cảm đối với môi trường tự nhiên, đối với xã hội, đối với người khác và với bản thân. Cách thức quan hệ, thái độ và hành động đó được biểu hiện dưới dạng những chuẩn mực, giá trị cơ bản của xã hội. Nó tồn tại dưới dạng các nguyên tắc ứng xử, các phương châm xử thế của con người trong những điều kiện nhất định.

Theo đó, VHƯX của viên chức tại các ĐVSNCL- Khối Di sản thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội là hệ thống các giá trị có tính chuẩn mực về cách ứng xử, thái độ, hành vi của viên chức ngành Di sản văn hóa trong các mối quan hệ cụ thể, nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa. VHƯX của viên chức tại các ĐVSNCL trong Khối Di sản được biểu hiện bằng các mối quan hệ ứng xử cụ thể, bao gồm VHƯX của viên chức đối với cấp trên, đối với cấp dưới, với đồng nghiệp; VHƯX của viên chức với người dân, tổ chức; VHƯX của viên chức với truyền thông; VHƯX của viên chức với việc sử dụng và bảo quản tài sản công; VHƯX của viên chức với cảnh quan, môi trường làm việc.

2. Đặc điểm VHƯX của viên chức trong các ĐVSNCL - Khối Di sản thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội

Thứ nhất, chủ thể thực hiện VHƯX tại các ĐVSNCL trong Khối Di sản là những viên chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý di sản văn hóa của Thủ đô. Do vậy, đòi hỏi các viên chức ở đây phải có chuyên môn nghiệp vụ về quản lý di sản văn hóa cũng như thực hiện các nhiệm vụ thuộc về cung ứng dịch vụ văn hóa.

Thứ hai, VHƯX của viên chức tại các ĐVSNCL trong Khối Di sản vừa thể hiện phong cách giao tiếp, ứng xử theo các chuẩn mực của một tổ chức hành chính sự nghiệp, vừa mang phong cách giao tiếp, ứng xử có tính đặc thù của lĩnh vực quản lý văn hóa - quản lý di sản. Do đó, viên chức sẽ phải tuân thủ các chuẩn mực về ứng xử giữa mối quan hệ trong nội bộ tổ chức, để thực hiện các chức năng nhiệm vụ liên quan đến quản lý di sản. Trong quan hệ với người dân, tổ chức, khách tham quan, việc tuân thủ các chuẩn mực VHƯX trong cung ứng các dịch vụ văn hóa, nhằm đáp ứng được mức độ hài lòng và tin tưởng. Trong mối quan hệ với di sản văn hóa, VHƯX của viên chức với di sản văn hóa, thể hiện rõ những chuẩn mực xử sự nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Thứ ba, VHƯX của viên chức tại các ĐVSNCL trong Khối Di sản thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, vừa chịu ảnh hưởng phong cách, lối sống, văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa chịu ảnh hưởng phong cách, lối sống, văn hóa người Hà Nội. Đó là thái độ ứng xử có văn hóa, bên cạnh thái độ thân thiện và cởi mở, luôn thể hiện thái độ tự trọng và tôn trọng người khác; thái độ trung thực, thẳng thắn; lòng nhân ái, bao dung… Trong giao tiếp, ứng xử của người Hà Nội có những sắc thái riêng biệt, và thường được biết đến với một tên gọi chung là “thanh lịch”. Nét thanh lịch của người Hà Nội được biểu hiện ở sự thanh thoát, thanh tao, thanh nhã trong lời ăn tiếng nói (ngôn ngữ giao tiếp); ở sự lịch lãm, lịch thiệp và lịch sự trong cử chỉ, điệu bộ, trang phục và phong cách giao tiếp. Người Hà Nội có ý thức trọng danh dự về mặt chủ thể giao tiếp, và đặc biệt quan tâm đến đối tượng giao tiếp, hay hỏi han, quan sát, đánh giá tỉ mỉ từ hình thức đến nội dung; cách thức giao tiếp mềm mỏng, tế nhị với sự hỗ trợ của hệ thống nghi thức phong phú. Điều đó đã làm nên chất Thăng Long - Hà Nội thuần hậu, chất phác, thanh lịch.

Các viên chức làm việc trong môi trường văn hóa của người Hà Nội, sẽ phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa cộng đồng nơi đây, tạo ra sức hấp dẫn của các di sản văn hóa của Hà Nội đến với công chúng, nhân dân.

3. Vai trò của VHƯX đối với viên chức trong các ĐVSNCL - Khối Di sản thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội

Thứ nhất, VHƯX góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh và giá trị của viên chức tại các ĐVSNCL- Khối Di sản

VHƯX được coi là các giá trị văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ của mỗi viên chức tại các ĐVSNCL. Nó được biểu hiện trong mối quan hệ giữa con người với con người trong tổ chức, với bên ngoài tổ chức (người dân, tổ chức, khách quốc tế), với các di sản văn hóa, với cảnh quan và môi trường làm việc… Quá trình thực hiện hoạt động quản lý di sản văn hóa cùng những mối quan hệ bên trong và bên ngoài tại các đơn vị trong khối Di sản, mỗi viên chức tuân thủ nghiêm túc chuẩn mực văn hóa trong ứng xử, trong các mối quan hệ này, sẽ đồng nghĩa với việc hình ảnh, giá trị của viên chức và đơn vị sẽ được nâng cao.

Thứ hai, VHƯX tạo ra môi trường làm việc khoa học và nhân văn cho viên chức tại các ĐVSNCL - Khối Di sản

VHƯX là những chuẩn mực giá giá trị mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, do đó, các chuẩn mực văn hóa ứng xử là những tiêu chí quan trọng, nhằm định hướng và điều chỉnh hành vi của con người, trong mỗi quan hệ ứng xử cụ thể. Vì vậy, viên chức ứng xử đúng đắn, chuẩn mực sẽ tạo ra những mối quan hệ tốt giữa viên chức với những người trong tổ chức và cộng đồng.

Mỗi hành vi, lời nói, cử chỉ hay thái độ nhỏ của người viên chức, có thể làm cho con người nhớ đến nhau với ấn tượng tốt đẹp. Mỗi viên chức có VHƯX tốt với mọi người, thì sẽ thấy sự tự tin khi được đánh giá đúng, công bằng, khách quan đối với công sức, tâm huyết, năng lực, trách nhiệm của mình về các hoạt động chung. Qua đó, viên chức tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, trong công việc cũng như trong các mối quan hệ. VHƯX giúp cho mỗi viên chức thêm yêu công việc của mình, trân trọng những mối quan hệ mình đang có, có trách nhiệm với công việc để đóng góp, cống hiến giá trị bản thân cho hoạt động quản lý di sản. Qua đó, tạo ra môi trường, bầu không khí giao tiếp, làm việc hiệu quả, gần gũi, chuẩn mực, trân trọng lẫn nhau.

Thứ ba, VHƯX giúp cho viên chức tại các ĐVSNCL- Khối Di sản gắn kết nhau thực hiện hiệu quả những mục tiêu của tổ chức

Trong quá trình thực thi các nhiệm vụ trong quản lý nhà nước về văn hóa, viên chức có thể sẽ phải đối diện với những khác biệt trong quan điểm, hướng tiếp cận, các tư duy vấn đề vì vậy rất dễ dẫn đến những xung đột. Khi đó, cần dựa trên các chuẩn mực xử sự của VHƯX, sẽ là tiêu chí quan trọng trong giải quyết các xung đột cá nhân, hướng đến sự cam kết, kết nối vì mục tiêu chung của tổ chức. Do đó, các chuẩn mực của VHƯX giúp mỗi viên chức nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc điều chỉnh thái độ, hành vi và kỹ năng ứng xử để giảm thiểu xung đột, hướng các thành viên trong tổ chức đến sự tôn trọng chuẩn mực chung. Những cách ứng xử đẹp, có văn hóa sẽ tạo ra những mối quan hệ gắn bó, nhân văn và bền vững. VHƯX chuẩn mực, có lý, có tình giúp tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp giữa các viên chức và tạo môi trường làm việc thoải mái, lành mạnh. Như vậy, VHƯX phù hợp, sẽ góp phần quan trọng gắn kết các thành viên trong các ĐVSNCL, giúp các thành viên thống nhất về cách hiểu vấn đề, đánh giá, lựa chọn và định hướng hành động. Khi các ĐVSNCL thuộc Khối Di sản phải đối mặt với xu hướng xung đột lẫn nhau, thì bằng việc sử dụng các tiêu chí chuẩn mực trong VHƯX để định hướng, điều chỉnh hành vi của viên chức, đồng thời là căn cứ giải quyết các xung đột, mâu thuẫn, qua đó giúp các viên chức đoàn kết, thấu hiểu, chia sẻ và xây dựng bầu không khí làm việc thân thiện, kết nối và nhân văn.

Thứ tư, VHƯX giúp cho viên chức tại các ĐVSNCL - Khối Di sản góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị di sản vản hóa truyền thống của dân tộc

Bằng việc tuân thủ các chuẩn mực, các quy định trong quản lý di sản văn hóa tại các ĐVSNCL thuộc Khối Di sản, viên chức thực hiện đúng các trách nhiệm trong việc bảo quản, trùng tu, tôn tạo di sản văn hóa, qua đó giúp cho các giá trị di sản văn hóa được giữ gìn, lưu giữ lâu bền. Cùng với đó, việc tuân thủ các quy định, các nguyên tắc, yêu cầu trong trưng bày, quảng bá di sản văn hóa tại các đơn vị này sẽ góp phần lan tỏa sâu rộng đến công chúng trong nước và quốc tế. Thông qua đó các giá trị của di sản văn hóa được duy trì và gìn giữ, phát triển trong tương lai.

NGUYỄN QUỐC THÀNH

Phó Giám đốc - Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám

____________________

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

2. Luật Viên chức số 58/2010/QH12.

3. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999.

;