Văn hóa ứng xử của người Đà Lạt

Từ trước đến nay, trong nhiều nghiên cứu nét đặc trưng về văn hóa, con người Đà Lạt, người ta thường sử dụng cụm từ: phong cách người Đà Lạt. Theo ông Nguyễn Hữu Tranh (80 tuổi) - người được mệnh danh nhà Đà Lạt học, phong cách bao gồm phong độ, phẩm cách của con người. Phong độ là dáng vẻ, sắc thái bề ngoài, còn phẩm cách là cách thức ứng xử trong giao tiếp thể hiện những phẩm chất về tư tưởng, tình cảm bên trong của con người. Nói cách khác, văn hóa ứng xử của người Đà Lạt là hồn cốt của người Đà Lạt, được hình thành và lưu giữ hơn một thế kỷ qua…

 

Nhiều công trình nghiên cứu đã khẳng định: Đà Lạt là nơi hội tụ của cư dân từ khắp mọi miền. Hơn 125 năm về trước, Đà Lạt là xứ sở của người Lạch (tộc người thiểu số bản địa); khi người Pháp cai quản, nhận thấy vùng đất này có khí hậu mát lành, đất đỏ bazan màu mỡ nên đã xây dựng Đà Lạt làm nơi nghỉ dưỡng và hình thành các đồn điền để thực hiện chính sách khai thác thuộc địa.

Nhằm xây dựng Đà Lạt thành một tiểu Paris, những năm đầu TK XX, người Pháp đã đưa các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, kỹ sư canh nông… từ chính quốc đến Đà Lạt; đồng thời đưa một lượng lớn công nhân, nông dân là người Kinh bị bắt đi lính, đi phu, lao dịch từ nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam đến Đà Lạt để làm việc cho người Pháp. Sau đó, cư dân của nhiều vùng miền (đông nhất là người Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) lần lượt đến Đà Lạt làm công nhân, thợ thủ công, buôn bán... rồi định cư, hình thành các ấp dân cư đầu tiên ở Đà Lạt.

Người Kinh đến Đà Lạt định cư đồng thời với người Pháp. Họ đã đóng góp nhiều công sức trong việc xây dựng thành phố và gắn bó lâu dài với vùng đất này. Từ buổi hoang sơ ấy đã định hình nét văn hóa của người Đà Lạt xưa có sự quyện hòa, pha trộn văn hóa Pháp. Đó là phong thái nhẹ nhàng, lịch lãm, ung dung, tự tại…

Đà Lạt trong tâm thức mọi người là vùng đất có khí hậu mát lạnh quanh năm, có rừng thông, hồ, thác… rất đẹp và nên thơ. Đặc biệt, thiên nhiên, cảnh quan, không gian thơ mộng ấy… đã tác động lớn đến tâm tính con người, thanh lọc hồn người để trở thành những gì tinh túy nhất của con người phố núi. Sự hội tụ, tổng hòa, tinh chế ấy đã đúc thành một mẫu người Đà Lạt. Theo ông Nguyễn Hữu Tranh, có dáng dấp Huế nhưng không phải Huế, Hà Nội mà không phải Hà Nội, Quảng mà không hẳn Quảng, bản sắc con người Đà Lạt rất dễ cảm nhận và phân biệt nhưng gọi tên nó là gì vẫn còn là chuyện tế nhị.

Cư dân Bắc, Trung, Nam đến định cư ở Đà Lạt đều mang theo nét đặc trưng văn hóa riêng từng vùng miền. Dù là người định cư trước hay người đến sau, dù ngưới có cá tính hay phong cách gì… nhưng trong quá trình sinh sống đã có sự giao thoa, nhào trộn và sự sàng lọc của Đà Lạt, làm thay đổi cơ bản để hình thành nét văn hóa Đà Lạt - phong cách Đà Lạt. Nói nôm na, Đà Lạt đã chắt lọc những tinh túy văn hóa của người nhập cư để hình thành bản sắc văn hóa. Phong cách thanh lịch của người Hà thành, nếp sống trọng lễ nghĩa, chuẩn mực của người Huế, đức tính hiền lành, cần cù, chịu khó và thượng võ của người Nam - Ngãi - Bình - Phú hòa quyện với thiên nhiên, khí hậu, phong thái Đà Lạt để trở thành phong cách Đà Lạt. Phong cách người Đà Lạt thể hiện qua đức tính, thói quen, cung cách cư xử trong giao tiếp hằng ngày giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên và môi trường xã hội. Đó là phong cách thanh lịch, hiền hòa, thoáng đạt, trọng nghĩa tình.

Du khách đến Đà Lạt, gặp bất cứ công dân nào của thành phố đều có cảm nhận: Người Đà Lạt ăn nói nhẹ nhàng, khiêm tốn, kín đáo, lịch sự và dễ gần. Người Đà Lạt không thích ồn ào, xô bồ, vồ vập, tâng bốc, phô trương mà nhẹ nhàng, kín đáo, ý nhị. Trong cư xử với nhau hay đối với khách du lịch, người ta ít thấy người Đà Lạt nóng nảy, to tiếng hay nói thề, chửi tục. Vào chợ, siêu thị, bến xe, quán cà phê, quán nhậu hay khu vực công cộng đông người..., ít khi gặp cảnh ồn ào, xô bồ, chen lấn, đánh nhau, tình trạng móc túi, trộm cướp rất ít khi xảy ra.

Do chịu ảnh hưởng từ văn hóa Pháp, tôn giáo, tín ngưỡng và nền giáo dục lâu đời nên người Đà Lạt hình thành lối sống lễ giáo, trọng lễ nghĩa. Văn hóa ứng xử gia đình của người Đà Lạt từ xưa duy trì đến cuộc sống hiện đại ngày nay (không phải nơi nào cũng tồn tại) là việc duy trì bữa cơm gia đình. Dù đi đâu, làm nghề gì, người Đà Lạt vẫn lấy bữa cơm gia đình làm giao ước. Bữa cơm gia đình, ngoài việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho nhau hằng ngày, gắn kết chặt chẽ các thành viên trong gia đình còn là sự gặp gỡ để ông, bà, cha, mẹ giáo dục, khuyên bảo, uốn nắn con cháu kịp thời khi con cháu làm chuyện không tốt, không hay với bạn bè, thày cô giáo, người lớn xung quanh…

Sự ảnh hưởng của khí hậu lạnh quanh năm đã hình thành văn hóa mặc rất riêng của người Đà Lạt. Chiếc áo khoác ngoài hay áo len đều trở thành trang phục quen thuộc, phổ biến của người Đà Lạt. Trang phục của người Đà Lạt có chọn lọc; đảm bảo đẹp, ấm và kín đáo!

 

Nữ sinh Đà Lạt 
 Ảnh: Thanh Dương Hồng

 

Một nét đẹp nữa mà xưa nay, người Đà Lạt gìn giữ, là văn hóa đường phố - văn hóa ứng xử nơi công cộng. Đường phố luôn được giữ gìn xanh, sạch, đẹp. Khó thấy cảnh lộn xộn, xô bồ, chộp giật… Mỗi năm, Đà Lạt đón 6 - 7 triệu lượt du khách trong nước và khách nước ngoài tham quan, nghiên cứu, nghỉ dưỡng… nhưng Đà Lạt không hề bị Âu hóa.

Thực trạng hiện nay

“Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Dưới tác động của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, nhất là tác động của cuộc sống đương đại, dù bền chặt đến đâu thì ít nhiều lối sống, cách sống của con người phải thay đổi! Đà Lạt cũng vậy, bên cạnh các yếu tố tự nhiên, xã hội có tính bền vững, phong cách đặc trưng vẫn là thanh lịch - hiền hòa - mến khách, tuy nhiên, qua 125 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt chịu sự tác động rất lớn dẫn đến sự pha trộn, lai tạp, làm biến sắc dần những tinh túy đặc trưng một thời. Đã có nhiều ý kiến tỏ ra nuối tiếc với quá khứ hoang khai, khi thành phố chưa được nâng cấp, chỉnh trang và phát triển như bây giờ.

Những năm gần đây, cùng với sự ùn tắc giao thông, cảnh quan, môi trường, kiến trúc bị xâm hại, Đà Lạt nóng lên bởi những hành vi ứng xử phản cảm, trái với phong cách và đức tính người Đà Lạt. Đó là chuyện bán hàng thách giá cao, “chặt chém”, lừa dối, thậm chí hành hung du khách theo kiểu côn đồ của một bộ phận dân kinh doanh du lịch, dịch vụ. Bức xúc nhất là nạn trong hoạt động du lịch tái diễn.

Sự phát triển của Đà Lạt đã thu hút một bộ phận lao động tự do, học vấn thấp, thậm chí số đối tượng ma túy, tội phạm… từ nhiều tỉnh, thành đến Đà Lạt tá túc, được các chủ kinh doanh thuê mướn buôn bán hàng, làm cò mồi dẫn dụ, đưa khách để kiếm hoa hồng, ăn chia… Đây thực sự là những ung nhọt đã làm vẩn đục hình ảnh du lịch Đà Lạt.

Theo Địa chí Đà Lạt, dân số Đà Lạt năm 1923 chỉ có 1.500 người, đến năm 1939 có 11.500 người và hiện nay là gần 300.000 người sinh sống. Cùng với gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa đã dẫn đến sự xuất hiện những tòa nhà cao tầng, nhiều công trình, nhà dân xây dựng không theo quy hoạch, phá vỡ lối kiến trúc xưa, rừng thông bị thu hẹp dần. Đà Lạt sôi động hơn, chật chội và ngột ngạt hơn…

Theo đó, văn hóa ứng xử của người Đà Lạt (nhất là thế hệ thứ ba và số người mới nhập cư) dường như nóng tính, xô bồ hơn, làm mất dần phong thái nền nã, lịch lãm, hiền hòa của người Đà Lạt.

Làm gì để giữ gìn phong cách người Đà Lạt?

Đã có nhiều nghiên cứu, hội thảo, tọa đàm khoa học về giữ gìn, phát huy phong cách người Đà Lạt được tổ chức trong nhiều năm qua. Nội dung xuyên suốt trong các hội thảo là tập trung phân tích về thực trạng, những tác động khách quan, chủ quan; khía cạnh lịch sử, xã hội, xu thế… tác động đến tư duy, phong cách, lối sống, văn hóa và văn hóa ứng xử của người Đà Lạt. Chung quy, có 2 nhóm vấn đề: những chứng nhân, những người sống lâu đời ở Đà Lạt tỏ ra tiếc nuối, muốn níu giữ Đà Lạt xưa với hoài niệm đẹp, đó là những con đường quanh co, góc phố rêu phong, rặng thông già với những chiều sương giăng bảng lảng…; nhóm có tư tưởng hiện đại thì cho rằng, Đà Lạt phải thay đổi, vươn tới sự phát triển theo quy luật chung là tất yếu…

Đầu năm 2019, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức triển lãm bản đồ quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt, trưng cầu ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Qua các hội thảo, đặc biệt tại hội thảo: Phát huy văn hóa ứng xử người Đà Lạt- góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Lâm Đồng: văn minh - thân thiện - an toàn, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng và UBND thành phố Đà Lạt tổ chức; hay hội thảo Giữ gìn và phát huy phong cách thanh lịch - hiền hòa - mến khách của người Đà Lạt, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng phối hợp với Trường Đại học Đà Lạt tổ chức mới đây, dù có những ý kiến khác nhau, song, quan điểm Đà Lạt phải thay đổi, phải được quy hoạch hiện đại hơn, đẹp hơn, phù hợp với sự phát triển được nhiều người thống nhất. Thực trạng Đà Lạt hôm nay là sự hiển nhiên bởi quy luật nghiệt ngã của sự vận động và phát triển, không thể giữ mãi một Đà Lạt trầm mặc với “đường xưa lối cũ”, “người lưa thưa chìm dưới sương mù” mà phải đối diện với thực tế. Song, điều quan trọng nhất là giữ được hồn cốt người Đà Lạt, giữ cho được phong cách thanh lịch, hiền hòa, mến khách của người Đà Lạt trong cuộc sống hiện đại hôm nay.

Muốn làm được điều này, bên cạnh việc tập trung xây dựng thành phố thông minh, quy hoạch kiến trúc, cảnh quan đô thị, nâng cấp hạ tầng giao thông…, cần tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân và ngay cả khách tham quan phải có trách nhiệm giữ gìn cảnh quan, môi trường, tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động du lịch, triển khai thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Tiếp tục gìn giữ và phát huy văn hóa ứng xử của người Đà Lạt trong gia đình, nhà trường và xã hội, tổ chức nhiều hoạt động, lựa chọn những biện pháp tuyên truyền phù hợp nhằm giúp người Đà Lạt thích ứng với cuộc sống hiện đại nhưng không đánh mất nét bản sắc riêng.

 

Tác giả: Thanh Dương Hồng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 425, tháng 11 - 2019

 

;