Thông điệp từ văn hóa xếp hàng

Chuyện người đến sau nhường người đến trước tưởng chừng đơn giản, như một quy định bất thành văn, ai cũng có thể vận dụng, thực hành. Nhưng không, có những người được ăn học, từng trải trong cuộc đời vẫn không thể hiểu và ứng xử tốt với thói quen, hành vi xếp hàng nơi công cộng. Vụ việc 4 nữ hành khách thuộc hai gia đình mâu thuẫn, xô xát vì tranh giành chỗ xếp hàng xảy ra vào ngày 3-2-2020, trước cửa ra tàu bay tại sân bay Nội Bài gây những phẫn nộ cho nhiều hành khách và dư luận, đặt ra nhiều vấn đề về văn hóa ứng xử của không ít người Việt ở những nơi đông người.

Về những hành vi phản cảm trong thói quen xếp hàng nơi công cộng, không khó để bắt gặp những cảnh tượng hỗn hoạn, những câu văng tục, chửi thề, thậm chí giẫm đạp lên nhau để đạt được mục đích tư lợi nào đó của không ít người, trong đó có rất nhiều thanh thiếu niên. Một số vụ việc xảy ra ở đô thị lớn mà báo chí đưa tin khiến không ít độc giả, người dân cảm thấy ái ngại trước những hành xử thiếu văn hóa của không ít người trong các sự kiện lớn mang tính chất từ thiện, nhân đạo, như vụ nhiều người dân không thể chờ đợi xếp hàng đã trèo lên sân khấu để cướp áo mưa trong sự kiện Đại sứ quán Hà Lan tổ chức phát 3.000 áo mưa miễn phí cho người dân tại một sân khấu ngoài trời trước cửa UBND quận Ba Đình, Hà Nội diễn ra vào ngày 12-9-2013. Cảnh hàng nghìn người, chủ yếu là học sinh, sinh viên chen lấn, xô đẩy tạo nên cảnh tượng hỗn loạn để được vào ăn một suất miễn phí tại một quán sushi Nhật ở phố Đoàn Trần Nghiệp (Hai Bà Trưng, Hà Nội) ngày 24-10-2014. Cảnh hàng ngàn người đổ xô về một cửa hàng thức ăn nhanh ở trung tâm quận 1 TP.HCM để được nhận một phần ăn miễn phí bất chấp cái nắng như đổ lửa vào ngày 24-3-2015. Nhiều người dân do không chịu đựng được cảnh chờ đợi, xếp hàng đã chen ngang, xô đẩy người khác, dẫn đến những xích mích, bất đồng, ùn tắc giao thông. Trước cảnh tượng đó, ban tổ chức đã phải ném các phần ăn miễn phí từ trên tầng xuống phía dưới. Hay như vụ việc diễn ra ở Công viên Nước Hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội), vào ngày 21-4-2015, khi công viên có chương trình miễn phí vé vào cửa cho du khách. Để có được một suất tắm miễn phí, cả người lớn và trẻ em bất chấp nguy hiểm vượt tường rào sắt nhọn để vào được công viên, thậm chí nhiều người còn dùng thang để hỗ trợ, tạo nên cảnh tượng hỗn loạn. Sau khoảng hơn 2 tiếng, công viên đã phải đóng cửa vì quá tải và để ổn định tình hình...

Trong lĩnh vực giải trí cũng vậy, tình trạng đam mê, tôn thờ thần tượng một cách thái quá khiến không ít bạn trẻ sẵn sàng liều mình, bất chấp quy định, coi thường tính mạng, sức khỏe của bản thân để mong chạm được mặt, được “hôn lên ghế” của thần tượng - nhất là các ngôi sao điện ảnh, âm nhạc Hàn Quốc. Vụ việc nhiều bạn trẻ sẵn sàng leo trèo, vượt hàng rào sắt, chen lấn, xô đẩy đến ngất xỉu để được ngắm nhìn ngôi sao thần tượng: hoàng tử Châu Á - Lee Kwang Soo tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình vào ngày 28-10-2017, nhân sự kiện Lễ hội văn hóa ẩm thực Việt Nam - Hàn Quốc khiến không ít người cảm thấy lo ngại về cách hành xử thiếu văn minh, lịch sự của thanh thiếu niên trong các sự kiện văn hóa.

Người dân Hà Nội xếp hàng mua khẩu trang y tế - Ảnh: Quang Hợp

Câu chuyện buồn từ thói quen xếp hàng không chỉ xảy ra đối với người trẻ mà với nhiều người lớn tuổi, việc chờ đợi, xếp hàng một cách trật tự, văn minh cũng trở nên khó khăn vì sợ không đến lượt, không đạt được mục đích, tham vọng cá nhân. Cảnh tượng nhiều thương bệnh binh sẵn sằng trèo rào, xô đẩy, chen chúc nhau trước cổng trụ sở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) ngày 18-11-2109 để mong có được cặp vé ưu đãi xem trận đội tuyển Việt Nam gặp Thái Lan là ví dụ. Mặc dù Ban tổ chức đã lắp rào chắn, phân luồng xếp hàng song vẫn không tránh được tình trạng thương bệnh binh chen lấn, xô đẩy, lớn tiếng với nhau.

Trong không gian của lễ hội, đền miếu cũng vậy, để xin lộc, để có được ấn nhà đền, nhiều người đã thức trắng đêm, chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để có được lộc thánh. Vụ việc chen lấn, xô đẩy diễn ra tại lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) những năm trước, hay gần đây là cảnh tượng hàng ngàn người dân đổ xô về miếu Bà Thiên Hậu (ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) trong đêm 18-2-2019. Để được vào chính điện thắp hương cầu may, nhiều người bất chấp nội quy của ban quản lý miếu, không chịu xếp hàng, dẫn đến cảnh chen lấn, xô đẩy.

Có thể nói, tình trạng chen lấn, bất chấp quy định xếp hàng vẫn diễn ra thường xuyên trong nhiều không gian, môi trường, lĩnh vực, thuộc các tầng lớp người khác nhau trong xã hội. Dễ gặp nhất là trong các sự kiện, lễ hội văn hóa, các hoạt động mang tính thiện nguyện, miễn phí ở các không gian đền, chùa, miếu, bệnh viện, trường học, nhà ga bến tàu, công sở... Vì mục đích, động cơ cá nhân, nhiều người sẵn sàng chen ngang, xô đẩy, tạo những hiệu ứng đám đông; họ bắt chước lẫn nhau, tạo nên sự hỗn loạn, vô tổ chức.

Trước những hình ảnh về thói quen xấu của không ít người Việt, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và du khách nước ngoài thấy lo lắng, kinh ngạc và khó lý giải cho những hiện tượng phản cảm trong một xã hội văn minh. Vì sao một bộ phận người Việt, trong đó có không ít bạn trẻ lại liều mình, bất chấp hình ảnh, danh dự cá nhân, tính mạng, sức khỏe bản thân để đổi lấy những cái không đáng với những điều mình phải trả giá? Phải chăng đi lên từ một đất nước nông nghiệp, những căn tính tiểu nông háo danh, chuộng hình thức, tâm lý một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp hay sự hiếu kỳ, tò mò, đắc thắng; sự nhỏ nhen, vị kỷ; hiệu ứng đám đông, ăn xổi, ở thì,… khiến không ít người chỉ nhăm nhăm vào những lợi ích trước mắt, để những dục vọng cá nhân chiến thắng, bất chất những hệ lụy xấu có thể xảy đến cho mình và cho đồng loại. Câu chuyện xếp hàng theo trật tự với quy ước bất thành văn là người đến sau nhường người đến trước, ưu tiên cho người già, trẻ em và phụ nữ, tưởng là đơn giản, dễ thực hành, nhưng với nhiều người lại khó vô cùng. Từ câu chuyện nhỏ về xếp hàng, phản ánh phần nào tâm lý, tính cách một cộng đồng, dân tộc.

Nhìn rộng ra các nước tiên tiến, văn minh như Nhật Bản, Singapore, câu chuyện xếp hàng trong trật tự nói lên đức tính, tinh thần và ý thức công dân của họ. Chuyện xếp hàng thuộc về chuẩn mực đạo đức và hành vi xã hội, nó được hình thành do tập quán, thói quen khi thế hệ đi trước thực hành và thế hệ sau học tập, làm theo. Đó cũng là cách hành xử mang tinh thần nhân văn, tôn trọng người khác và tôn trọng chính bản thân mình. Hẳn chúng ta chưa quên hình ảnh những người dân Nhật Bản trong thảm họa động đất sóng thần, họ vẫn bình tĩnh, kiên nhẫn xếp hàng, không chen lấn, xô đẩy hoảng loạn để chờ được giải cứu; họ xếp hàng trong trật tự, im lặng chờ đến lượt mình để nhận cứu trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, đèn dầu. Câu chuyện về một em bé người Nhật - nạn nhân trong trận thiên tai đứng xếp hàng chờ phát thực phẩm, trên người chỉ có một chiếc áo thun và quần cộc trong khi trời lạnh, gợi nhiều bài học sâu sắc từ văn hóa xếp hàng của người Nhật. Cậu bé được một thành viên trong đoàn cứu trợ cho một phần lương khô và đề nghị ăn trước cho đỡ đói vì bé xếp cuối hàng. Tuy nhiên, sau khi nhận được phần lương khô thì cậu bé đã cho vào giỏ của những người đang phát thực phẩm và tiếp tục quay lại hàng để chờ. Khi được hỏi lý do, câu trả lời của cậu bé đã gây xúc động cho rất nhiều người: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ”.

Không chỉ với người Nhật, người dân
Singapore từ lâu coi chuyện xếp hàng là một quy định bắt buộc, thể hiện sự văn minh, lịch sự. Ngay sau khi giành độc lập, chính phủ
Singapore thực hiện rất nhiều chiến dịch để cải tổ đất nước, như chiến dịch làm sạch thành phố, an toàn giao thông… trong đó có chiến dịch nổi tiếng năm 1970 buộc người dân phải xếp hàng, mang tên Xếp hàng để nhanh hơn và vì an toàn. Trước đó, trong năm 1969, Chính phủ nước này thực hiện chiến dịch kéo dài hai tuần lễ thực hiện việc xếp hàng tại các trạm xe buýt với tổng cộng hơn 1.000 sinh viên đứng xếp hàng. Với người Singapore, xếp hàng không chỉ là chuyện đương nhiên mà còn là một nhu cầu, bởi họ quan niệm: điều tốt dành cho những người biết chờ đợi.

Học tập văn hóa xếp hàng của Nhật Bản, Singapore, các nước trong khu vực như Ấn Độ, Trung Quốc cũng tiến hành nhiều chủ trương, ban hành các chính sách và đạo luật để hình thành thói quen văn hóa xếp hàng, tạo ra trật tự kỷ cương xã hội. Hiện ở Trung Quốc, ngày 11 hằng tháng được gọi là ngày xếp hàng với khẩu hiệu: “Xếp hàng là văn minh, lịch sự là vinh quang”. Người Trung Quốc chọn số 11 là vì biểu tượng con số 1 đứng sau con số 1 khác cho thấy sự nhẫn nại của việc xếp hàng. Đồng thời, ngày 22 hằng tháng là ngày nhường ghế tại các nơi công cộng với ý nghĩa số 2 nhìn giống người ngồi.

Ở nước ta, để tạo thói quen, hành vi ứng xử văn minh nơi công cộng, trong đó có văn hóa xếp hàng đòi hỏi cần có thời gian nhất định với sự quyết tâm của chính quyền và nhân dân, nhất là những thế hệ đi trước. Trong đó, cần phải bắt đầu từ vấn đề giáo dục, hình thành thói quen xếp hàng cho trẻ em ngay từ trong môi trường gia đình, nhà trường, xã hội để mỗi người ý thức rõ hơn về trách nhiệm, bổn phận của cá nhân với cộng đồng. Việc tôn trọng người khác cũng là tôn trọng chính bản thân mình; thực hành tốt phương châm sống: “Mình vì mọi người”; lan tỏa những hành vi, thói quen tốt để “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp” (Hồ Chí Minh).

Trong điều kiện đất nước đang trong quá trình chuyển đổi mô hình từ nước nông nghiệp sang công nghiệp, tiến lên chủ nghĩa xã hội, việc hình thành nếp sống, thói quen kỷ cương, kỷ luật là hết sức cần thiết, bắt đầu từ những câu chuyện thường ngày, gắn liền với mỗi cá nhân như câu chuyện xếp hàng, tạo những nét đẹp trong văn hóa ứng xử giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể, cộng đồng. Muốn vậy, trước hết cần thực hành tốt tinh thần nêu gương, trước hết là với cán bộ, đảng viên (theo Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018 của BCH Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương với quy định: “Cán bộ đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Mẫu mực về đạo đức, lối sống”. Đồng thời thực hiện tốt Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025 (Quyết định số 1299/QĐ-TTg, ngày 3-10-2018 của Thủ tướng Chính phủ), cùng những nỗ lực không ngừng của mỗi người trong việc học tập, trau dồi kiến thức, vốn sống, vốn văn hóa, chắc chắn văn hóa xếp hàng sẽ sớm được định hình, trở thành nép đẹp trong đời sống văn hóa ở nước ta, góp phần tạo nên hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam hiện nay.

Tác giả: Nguyễn Huy Phòng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 429, tháng 3-2020

;