Văn hóa ứng xử thời dịch bệnh corona

Gần một tháng kể từ thời điểm Trung Quốc công bố chính thức về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCov hay còn gọi là COVID-19) bùng phát tại thành phố Vũ Hán, đến nay, dịch bệnh này đã lây lan ra nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Ngày 31-1-2020, Tổ chức Y tế Thế giới đã phải thông báo tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Hệ lụy của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona đã tác động tới nhiều nước, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế và đời sống xã hội của các quốc gia, trong đó có nước ta.

Đứng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona, Đảng và Nhà nước ta đã kịp thời chỉ đạo và tìm mọi biện pháp ngăn chặn dịch lây lan ở Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona tại Việt Nam đã được kiểm soát tốt, số ca nhiễm bệnh ít. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, các bộ, ngành, các cấp chính quyền cơ sở đã tích cực chủ động vào cuộc với nhiều biện pháp mạnh mẽ, phòng, chống dịch bệnh. Các cơ quan báo chí đã tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh corona.

Phát khẩu trang miễn phí cho hành khách trên tuyến Hanoi City Tour

Ảnh: http://kinhtedothi.vn

Bên cạnh đó, có thể thấy, tinh thần phòng, chống dịch bệnh của người dân được nâng cao, nhất là từ sau khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona tại Việt Nam và nêu rõ phương châm “Chống dịch như chống giặc”. Người dân cả nước đã đồng lòng cùng với Đảng, Chính phủ tham gia phòng chống, ngăn chặn, nhằm đẩy lùi dịch bệnh này. Trong cuộc chiến đó, đã xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt với những cử chỉ và hành động cao đẹp. Tại một số nơi như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… đã có nhiều thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, doanh nhân, nghệ sĩ, cán bộ, nhân viên các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… kêu gọi quyên góp tiền hay tự bỏ tiền mua khẩu trang, nước sát khuẩn và tự tay phát miễn phí cho người dân và du khách để phòng chống dịch. Trên mạng xã hội xuất hiện những bài viết, video clips cập nhật thông tin về tình hình bệnh dịch, hướng dẫn cách tự làm khẩu trang, bảo vệ sức khỏe...

Tuy nhiên, bên cạnh những nghĩa cử cao đẹp, ấm tình đồng bào, vẫn còn đó những biểu hiện văn hóa tiêu cực, gián tiếp gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch. Vẫn có những người lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi. Đó là câu chuyện về những tiểu thương “găm” hàng khẩu trang, nước diệt khuẩn để bán với giá cao. Chuyện về chiếc khẩu trang được đẩy lên cao trào, sau dòng trạng thái trên facebook, được cho là của một tiểu thương tại chợ thuốc Hapulico (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Người này kêu gọi các cửa hàng đồng loạt không bán khẩu trang, nước rửa tay để nhà nước lo. Tiếp sau đó là động thái các cửa hàng tại đây đồng loạt treo biển “Không bán khẩu trang, nước rửa tay, miễn hỏi”, gây nên sự phẫn nộ trong dư luận… Từ câu chuyện về những chiếc khẩu trang thời dịch bệnh, đã bộc lộ ra vấn đề đạo đức, văn hóa kinh doanh rất đáng bàn.

Từ xưa đến nay, dân tộc ta luôn luôn tự hào vì có truyền thống tương thân tương ái, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Chẳng vậy mà, dù đất nước ta đã trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, mất mát và đau thương nhưng vẫn đoàn kết, chung sức, chung lòng, đấu tranh giành độc lập và tự do, thống nhất đất nước như ngày hôm nay. Ấy vậy mà, trong lúc dịch bệnh bùng lên, khi Nhà nước vì sức khỏe, tính mạng người dân, đã chấp nhận thiệt hại kinh tế để chống dịch thì không ít người lại lợi dụng hoàn cảnh này để trục lợi. Nhiều cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế không niêm yết giá, tăng giá bán khẩu trang, nước sát khuẩn đã bị cơ quan chức năng xử phạt.

Và, câu chuyện về dịch bệnh corona ngày càng bị đẩy đi xa hơn khi hàng loạt các thông tin sai sự thật về dịch bệnh được một số người đưa lên mạng xã hội với tốc độ lan truyền khủng khiếp. Một phần có những người dân chưa ý thức, nhưng cũng có những người muốn câu like, câu view bằng mọi giá. Họ đưa thông tin giật gân, sai sự thật để có nhiều lượt chia sẻ, nhiều người quan tâm, từ đó phục vụ cho mục đích cá nhân. Cơ quan chức năng tại nhiều địa phương đã xử phạt hành chính các đối tượng vi phạm vì hành vi đưa thông tin sai sự thật về bệnh dịch. Và thật đáng buồn, ngay cả những nghệ sĩ nổi tiếng cũng đưa thông tin sai. Vụ việc ba người nổi tiếng là nghệ sĩ Cát Phượng, diễn viên Ngô Thanh Vân và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị cơ quan chức năng mời làm việc và xử phạt hành chính vì đưa thông tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật về dịch viêm phổi do virus corona gây ra, có lẽ là bài học cho mọi người. Hay như chính quyền thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) đã yêu cầu sư trụ trì Thích Trúc Thái Minh, chùa Ba Vàng (thành phố Uông Bí) gỡ bỏ thông tin về khóa lễ tu tập hồi hướng hóa giải dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona trên mạng internet…

Không chỉ vậy, nhiều người có biểu hiện thái quá đến thiếu văn hóa với các bạn trẻ trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc). Báo điện tử VnExpress đã kể câu chuyện các sinh viên, nghiên cứu sinh này dù âm tính với corona nhưng vẫn bị nhiều người điện thoại chửi mắng, thông tin cá nhân bị chia sẻ trên mạng… Thiết nghĩ, chúng ta cần phải ứng xử có văn hóa, văn minh trong mọi trường hợp để cùng chung tay, góp sức đẩy lùi dịch bệnh corona.

Tác giả: Tuệ Sam

Nguồn: Tạp chí VHNT số 428, tháng 2-2020

;