Vai trò của trường quay trong nền công nghiệp điện ảnh

Một nền điện ảnh để phát triển bền vững cần có rất nhiều yếu tố trong đó có trường quay. Một trường quay đủ chuẩn không chỉ là nơi tái tạo bối cảnh mà còn giúp tiết giảm kinh phí, tạo môi trường thuận lợi trong sản xuất phim.

Nỗi khó mang tên bối cảnh

Mỗi bộ phim đều cần có một bối cảnh để câu chuyện, nhân vật hoạt động, phát triển trong đó. Bối cảnh có thể là một làng quê khi câu chuyện phim diễn ra ở đó như Thời xa vắng (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lê Lựu), Mê Thảo thời vang bóng (chuyển thể từ tiểu thuyết Chùa đàn của nhà văn Nguyễn Tuân) hay Thương nhớ đồng quê (chuyển thể từ truyện cùng tên của đạo diễn Đặng Nhật Minh).

Bối cảnh cũng có thể là những cánh đồng mùa nước nổi trong phim Mùa len trâu hay các kênh rạch nơi cha con người đàn ông đầy sân hận sống trong phim Cánh đồng bất tận. Ngoài bối cảnh về nông thôn, nhiều bộ phim khai thác về đề tài thành phố như Hà Nội mùa đông năm 1946, Sài Gòn, em yêu anh

Với các bộ phim có đề tài lịch sử như Khát vọng Thăng Long hay Long Thành cầm giả ca thì bối cảnh lại là không gian của Việt Nam từ vài thế kỷ trước. Lâu nay, để tiết giảm kinh phí, các đoàn làm phim ngay từ khi kịch bản được duyệt, cấp kinh phí đã có những chuyến chọn bối cảnh bất kể là phim chiếu rạp hay phim truyền hình. Nhiều đoàn làm phim đã chọn những không gian gần với câu chuyện phim vừa tận dụng được sự đa dạng của bối cảnh thực, vừa tiết kiệm chi phí dàn dựng. Cố đạo diễn Hồ Quang Minh khi cùng nhà quay phim Trần Hùng (hãng phim truyện Việt Nam) đi chọn cảnh cho bộ phim Thời xa vắng đã đi đến khá nhiều các vùng quê phía Bắc. Có những bối cảnh ông rất tâm đắc khi triền đê, cánh đồng rất hợp với tưởng tượng của ông về câu chuyện. Tuy nhiên, ở giữa cái không gian đầy thơ mộng, gợi nhớ của những năm 40, 50 của thế kỷ trước ấy lại lọt vào vài cây cột điện với dây dợ chạy giăng giăng từ đê vào xóm. Bối cảnh đành phải bỏ khi thời điểm đó người dân quê vẫn dùng đèn dầu để lấy ánh sáng khi đêm về chứ chưa biết đến ánh sáng của những bóng đèn điện.

Bối cảnh trong phim Chuyện của Pao

Khi làm phim Hà Nội mùa đông năm 1946, êkip cũng phải chọn nhiều phố lại Nam Định, Hải Phòng để lên được không khí của Hà Nội những năm 40 khi không còn nhiều tuyến phố ở thủ đô còn giữ được nếp phố, nếp nhà giống ở thời kỳ đó. Có vô số những câu chuyện về bối cảnh đã khiến đoàn phim phải thay đổi tình tiết, câu chuyện như cảnh ngôi trường mà họ vừa quay đã vội quét vôi trắng chuẩn bị cho lễ khai giảng khi bộ phim mượn để quay còn chưa xong. Cá biệt, có những phim nội cảnh quay ở một địa điểm, ngoại cảnh lại quay ở một địa điểm khác khi nhà và bối cảnh xung quanh không khớp như chuyện phim mô tả. Tìm được căn nhà ưng ý nhưng nhiều khi cổng, sân vườn lại không đúng với bối cảnh. Để làm nên một tổng thể thống nhất, không hiếm bộ phim có nội cảnh quay ở một nơi nhưng ngoại cảnh chỉ cách vài mét từ nhà ra ngõ lại được quay ở một nơi khác. Nhiều bộ phim rơi vào tình huống khó xử khi gia chủ khăng khăng đòi lại nhà dù bộ phim còn chưa quay xong. 

Đạo diễn Trần Quốc Trọng, tác giả của nhiều bộ phim về thời trước như Bí thư tỉnh ủy, Gia phả của đất chia sẻ: Có những ngôi nhà mái ngói rất phù hợp với bối cảnh nhưng liền kề đó là ngôi nhà cao tầng hay vướng cột điện, cột ăng - ten, chảo truyền hình cáp… Không đổi được thực địa, nhiều đoàn đành lựa những góc máy, cắt cúp sao cho khuôn hình chỉ tập trung ở cảnh cận, cảnh trung mà hiếm những cảnh rộng hay toàn cảnh. Tình hình này cũng khá phổ biến với những đoàn làm phim lịch sử khi mà cung điện, thành quách chỉ cần room xa một chút là lấp ló đèn điện, nhà cao tầng, biển quảng cáo… Trong hoàn cảnh đó, mọi nỗ lực, sáng kiến đều được vận dụng để sao khi lên hình khán giả không nhận ra những khác biệt, chắp vá… Và đó cũng là lý do nhiều êkip làm phim ngại khi chọn đề tài có bối cảnh lùi xa nhiều chục năm.

Ngoài chuyện thụ động về bối cảnh, việc chọn bối cảnh trong tự nhiên còn khiến các đoàn làm phim phải xoay xở mọi cách để ngăn tiếng ồn lọt vào hay rất khó để ngăn lại cả một con phố, một ngôi làng để diễn tả cảnh đuổi bắt hay lễ hội. Chính những khó khăn đó buộc nhiều đoàn phim phải tìm đến trường quay nơi họ có thể chủ động dàn dựng, tái tạo hoặc giữ yên lặng khi thu tiếng đồng bộ. Nhiều quay phim phàn nàn, khi quay các bộ phim có bối cảnh xưa, họ rất ngại khi phải quay những cảnh toàn, cảnh rộng khi chỉ cần lia máy quá một chút là các cột điện, ăngten, nhà cao tầng đã lọt vào bối cảnh của nếp nhà ba gian, sân gạch. Những bất tiện đó khiến nhiều đoàn làm phim phải chọn quay tại nhiều bối cảnh và xử lý rất vất vả ở hậu kỳ.

Những trường quay dang dở

Nhận rõ tầm quan trọng của bối cảnh nên ngay từ rất sớm các phim trường ở Việt Nam đã được đầu tư, xây dựng. Từng có một phim trường mini được dựng tại số 4 Thụy Khê ngay trong hãng phim truyện Việt Nam. Trường quay Cổ Loa cũng được đầu tư từ khá sớm. Hàng loạt các trường quay sau đó được lựa chọn ở Hòa Bình, Hưng Yên (trường quay của Đài truyền hình khi quay các phim sitcom), phim trường của HTV ở Củ Chi TP. Hồ Chí Minh, trường quay tại Yên Tử (Quảng Ninh)… Trong số các trường quay được dư luận biết đến, có cái là do nhà nước đầu tư (phim trường Cổ Loa), có cái là do các Đài truyền hình lập ra (phim trường Hưng Yên, HTV ở Củ Chi), có nơi do tư nhân bỏ vốn …

Thiên nhiên trong phim Cậu vàng

Với phim trường, không chỉ có nhà nước, thời làm phim nở rộ một số công ty tư nhân cũng đầu tư phim trường với mong muốn phục vụ các đoàn làm phim cũng như giữ lại các bối cảnh để làm du lịch… Tuy nhiên, hầu hết các mô hình đó đều không phát huy hiệu quả. Có quá nhiều lý do khiến cho trường quay không phát huy hết tác dụng. Trường quay Cổ Loa ngày trước bị coi là quá đơn giản, các đoàn làm phim phải dựng lại toàn bộ bối cảnh khiến chi phí làm phim bị đội lên. Bên cạnh việc phải đầu tư quá nhiều cho bối cảnh thì việc không có các tiện ích đi kèm như ăn, ở cho đoàn làm phim cũng khiến cho trường quay này kém thu hút. Những năm gần đây khi trường quay Cổ Loa được đầu tư thì chi phí thuê trường quay cũng là một trong các lý do khiến nhiều đoàn làm phim phải cân nhắc, tính toán khi lựa chọn. Tựu chung, lý do mà các trường quay khó thu hút được các đoàn làm phim ngoài sự sơ sài của bối cảnh, đạo cụ, còn là chi phí thuê chưa thu hút cũng như thiếu các tiện ích đi kèm.

Nhìn sang những nước có nền điện ảnh phát triển thì quy mô đầu tư phim trường của họ rất lớn. Ở Mỹ, Anh hay Trung Quốc đều có những phim trường nổi tiếng nơi các đoàn làm phim từ cổ trang đến hiện đại đều có thể tìm thấy ở đó những bối cảnh hay không gian tương đối phù hợp và bồi đắp thêm. Bên cạnh việc tạo ra những mô hình khắc họa từng giai đoạn cụ thể, ví như các cung điện thời nhà Thanh, nhà Minh, các khu phố, bến cảng, nhà ga thời cận, hiện đại… các trường quay còn có sẵn chỗ ăn ở cho đoàn làm phim. Nhiều trường quay còn có các đạo cụ cũng như thiết bị và diễn viên quần chúng để cho thuê khi cần. Ở một số nước, phim trường là cả một dây chuyền chuyên nghiệp từ xưởng đóng đạo cụ đến kho chứa phục trang. 

Câu chuyện bối cảnh, đạo cụ sẽ càng ngày càng làm khó các đoàn làm phim khi cuộc sống hiện đại đang xóa dần nhiều bối cảnh cũ. Tất cả chỉ có thể được giải quyết khi có một hệ thống trường quay đủ rộng nơi có thể kiến tạo, dựng cảnh và một kho đạo cụ, phục trang với những hiện vật được sưu tầm, tích lũy, bổ sung để phục vụ cho các đoàn phim khi làm về các triều đại hay đơn giản là cuộc sống cách đây vài chục năm về trước.

Một bối cảnh quen thuộc trong phim Thương nhớ ở ai

Các trường quay ngoài việc phục vụ cho các đoàn phim còn tận dụng luôn các bối cảnh đó để làm du lịch nhằm đa dạng nguồn thu cho phim trường. Sự đa dạng đó không chỉ nuôi sống trường quay mà còn giúp bổ sung trang thiết bị, đạo cụ và làm giảm áp lực chi phí thuê mướn cho các đoàn làm phim.

Câu chuyện về trường quay những ngày gần đây lại nóng trên các diễn đàn khi nhà nước có chủ trương đầu tư cho trường quay Cổ Loa. Nhiều ý kiến cho rằng nếu không có sự đầu tư đồng bộ dễ dẫn đến hiệu suất sử dụng thấp. Có ý kiến băn khoăn việc điện ảnh Việt chưa phát triển đồng bộ về số lượng, nhân lực cũng làm giảm tác dụng của trường quay… 

Vẫn còn đó nhiều bộ phim vẫn phải tìm kiếm những không gian mới làm phong phú cho bộ phim của mình hay một số đoàn phim bom tấn bay ra tận nước ngoài tìm bối cảnh. Nhưng việc có một trường quay đạt chuẩn sẽ giúp các nhà làm phim nói riêng cũng như nền công nghiệp phim ảnh nói chung tiết kiệm được thời gian, kinh phí và quan trọng là tạo được đồng bộ để phát triển. Vấn đề là đầu tư ra sao cũng như những người điều hành sau đó sẽ vận dụng, kết hợp thế nào để trường quay phát huy tốt, hỗ trợ tích cực cho việc sản xuất phim.

TÔN QUẾ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 484, tháng 12-2021

;