Luật Điện ảnh - sửa đổi để phát triển

Trong số 7 bộ môn nghệ thuật, điện ảnh là ngành đầu tiên xây dựng luật và tạo được hành lang pháp lý cho điện ảnh Việt Nam phát triển, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân và hội nhập với điện ảnh thế giới.

Phim Kiều @ ứng dụng kỹ thuật mới trong cảnh quay

Ra đời năm 2006, Luật Điện ảnh đã có những sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua vào năm 2009. 15 năm đi vào cuộc sống, Luật Điện ảnh đã tạo ra hành lang pháp lý, thể chế hóa được nhiều hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, Luật Điện ảnh đã tạo được cơ sở pháp lý trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, đóng góp quan trọng cho công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để điện ảnh phát triển.

15 thi hành luật, Điện ảnh Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân từ mọi thành phần kinh tế tham gia vào các lĩnh vực hoạt động của điện ảnh. Cũng nhờ có luật mà việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thông qua chương trình mục tiêu phát triển điện ảnh. Nhà nước cũng đã có những chính sách tài trợ cho việc phổ biến phim phục vụ miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nông thôn, các lực lượng vũ trang cũng như phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại... Bên cạnh đó, các quy định về việc thành lập cơ sở sản xuất, phát hành và phổ biến phim, tổ chức tham gia các Liên hoan Phim, hội chợ phim... đã đưa điện ảnh Việt Nam vươn xa, hòa nhập vào với dòng chảy của điện ảnh quốc tế. Số lượng phim Việt Nam sản xuất ngày càng tăng, đặc biệt là sự phát triển của các đơn vị sản xuất và phát hành, phổ biến phim tư nhân.

Ở thời điểm xây dựng luật, cả 3 công đoạn quan trọng của điện ảnh là sáng tác, phát hành và phổ biến đều dựa trên nền tảng của phim nhựa 35mm với đầu ra là các rạp chiếu, trên truyền hình hay điểm chiếu bóng công cộng. Theo thời gian, sự phát triển như vũ bão của công nghệ, kỹ thuật số đã tác động tới nhiều ngành nghề, lĩnh vực của cuộc sống, làm thay đổi nhận thức, giải trí trong đó có điện ảnh. Ngoài các phương thức cũ, sự lên ngôi của các nền tảng số, các phim trình chiếu trên không gian mạng đã khiến việc sản xuất, phát hành và phổ biến phim với một số điều quy định trong luật không còn phù hợp. 

Nắm bắt tầm quan trọng của điện ảnh khi vừa là ngành nghệ thuật, công nghiệp sáng tạo vừa là ngành kinh tế, có tác động sâu rộng tới quần chúng qua các tác phẩm, phương thức phổ biến, năm 2019, Bộ VHTTDL đã trình đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi). Nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm đã được tổ chức nhằm lấy ý kiến đóng góp, sửa đổi Luật Điện ảnh từ các nhà quản lý, các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, báo chí... Các hội thảo, tọa đàm, đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đều bám sát 4 chính sách đề xuất trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua là tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; Hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.

Phim Bố già đoạt doanh thu khủng với hơn 400 tỷ tại thị trường Việt Nam

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành. Trong đó, nhiều nội dung mới chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Điện ảnh 2006, Luật Điện ảnh sửa đổi, bổ sung 2009. Tại Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, có khá nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung như quyền và nghĩa vụ của nhà sản xuất phim, các thành phần tham gia bộ phim như biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên và các thành viên khác. 

Một điểm khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà quản lý và giới làm nghề là sửa đổi quy định về sản xuất phim bằng ngân sách nhà nước. Theo Dự thảo Luật (lần 8) có 2 phương án: phương án 1: Giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng (đối với phim có nội dung, đề tài phục vụ nhiệm vụ chính trị); phương án 2: Giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu (như phương án 1 và đối với phim có các nội dung khác đề giải trí). Thực tế, hơn chục năm qua chưa có bộ phim nào được sản xuất bằng hình thức đấu thầu khi sử dụng ngân sách do yếu tố đặc thù của sản xuất phim. Tuy nhiên, quy định về đấu thầu vẫn đang được thảo luận khi nhận định phương thức này sẽ tạo sự bình đẳng, cạnh tranh để lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ công, trong đó có dịch vụ sản xuất tác phẩm điện ảnh. Việc tập trung vào các điểm nghẽn đã phản ánh quyết tâm đổi mới để đưa Luật Điện ảnh vận dụng vào sản xuất, phát hành cũng như tạo tiền đề cho mở rộng, phát triển và hội nhập. 

Một điểm sửa đổi nữa liên quan đến quy định về xuất nhập khẩu phim. Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đề xuất bỏ quy định doanh nghiệp phát hành phim, kinh doanh xuất nhập khẩu phim phải có rạp như trong luật hiện hành. Điều này nhằm hướng tới sự công bằng cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này cũng như hạn chế bớt sự lệ thuộc vào các doanh nghiệp ngoại đang nắm giữ phần lớn hệ thống phát hành phim tại thị trường Việt Nam.

Hệ thống phân loại phim cũng nhận được nhiều ý kiến khi thực tế đòi hỏi phải có sự linh hoạt hơn nữa so với cách phân loại phim hiện nay. Dự thảo luật đã bổ sung quy định cảnh báo trẻ em dưới 13 tuổi xem phim dưới sự giám hộ của cha mẹ hoặc người giám hộ. Một số ý kiến đề xuất tăng thêm mức độ phân loại cho đối tượng trên 18 tuổi khi thực tế có một số phim yêu cầu lứa tuổi khán giả tiếp cận phim trưởng thành hơn. Kiến nghị nâng lên mức 21, thậm chí là 25 tuổi với một số phim có nhiều cảnh nóng, cảnh bạo lực thay vì mức cao nhất hiện nay chỉ dừng ở 18 tuổi.

Việc phổ biến phim trên không gian mạng, các nền tảng số là lĩnh vực nóng nhất khi sự can thiệp của công nghệ, kỹ thuật tác động mạnh mẽ tới nhận thức, nhu cầu giải trí, hưởng thụ văn hóa của người dân. Trong Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), đây cũng là lĩnh vực quan trọng được đề xuất bổ sung . Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về phát hành phim trên không gian mạng theo hình thức giao trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân tự phân loại phim, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 33 Luật Điện ảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim . Dự thảo Luật sửa đổi còn bổ sung quy định về thu hút các tổ chức nước ngoài làm phim tại Việt Nam để tăng nguồn thu, tăng cơ hội giao lưu, học hỏi cũng như giới thiệu, quảng bá đất nước, con người Việt Nam. 

Phim Sám hối - một tác phẩm hợp tác của điện ảnh Việt Nam

Quỹ hỗ trợ điện ảnh từng là niềm hy vọng của các đạo diễn trẻ, các nghệ sĩ theo đuổi dòng phim nghệ thuật nhưng 15 năm qua, điều này vẫn chưa trở thành hiện thực. Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi quy định thêm về nguồn thu của Quỹ hỗ trợ và phát triển điện ảnh nhằm nâng cao tính khả thi. Dự Luật cũng bổ sung các chính sách nhà nước về quá trình phát triển công nghiệp điện ảnh, thị trường điện ảnh; bổ sung các quy định và phân cấp quản lý nhà nước cho các địa phương... 

Ngoài các hội thảo, tọa đàm, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) còn thu hút khá nhiều ý kiến của các cấp ngành, các nghệ sĩ làm nghề trong khối nhà nước và tự do. Với tinh thần cầu thị, Ban soạn thảo đã theo sát các ý kiến, đóng góp để trao đổi, bàn luận nhằm hoàn thiện Luật Điện ảnh (sửa đổi). Một trong các ý kiến được trao đổi nhiều là lĩnh vực hợp tác quốc tế trong đó có thủ tục cấp giấy phép cho các kịch bản, đoàn phim nước ngoài vào Việt Nam làm phim. Trước ý kiến nhiều đoàn phim nước ngoài đã chọn các nước láng giềng khi thủ tục cấp phép của Việt Nam quá lâu, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh chia sẻ: "Việc cấp giấy phép kịch bản cho đoàn phim nước ngoài theo Luật điện ảnh là trong vòng 30 ngày. Vấn đề là các đoàn phim quốc tế vào Việt Nam đang bị cái A xong mới đến B, B xong mới đến C nên quy trình thủ tục bị kéo dài. Họ phải tuân thủ những thủ tục do các luật khác quy định, ví dụ đưa ôtô, máy bay vào Việt Nam, cần sự phối hợp giữa các bộ ngành".

Ngoài ra, một số ý kiến đề xuất nên chăng bỏ tỷ lệ bắt buộc phim Việt trên dịch vụ VOD. Tại một số điều khoản trong dự luật, theo một số người, các câu chữ còn đa nghĩa, dễ gây suy diễn như Điều 10: nghiêm cấm “kích động bạo lực” “trừ trường hợp nhằm nội dung phê phán, tố cáo, lên án tội ác…”. Việc để biên độ rộng cho cách hiểu cũng sẽ dễ dẫn đến các tranh cãi về việc người duyệt đôi khi cảm tính và người làm phim khó bị thuyết phục khi phim có các cảnh bị yêu cầu cắt sửa hay phim bị cấm. Nhiều ý kiến đề nghị nên có quy định cụ thể, rõ ràng hơn để tránh nhiều cách hiểu. 

Là một trong những ngành kinh tế sáng tạo, điện ảnh trong đó có dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cũng nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng, nhà nước, các tổ chức xã hội, các nghệ sĩ làm nghề... Theo thống kê, hiện nền kinh tế sáng tạo nói chung (trong đó có điện ảnh) đã và đang đóng góp lớn cho nền kinh tế Việt Nam khi chiếm hơn 3% GDP, xếp thứ 10,6 % số việc làm và gần 4% kim ngạch xuất khẩu và đang có tiềm năng tăng trưởng rất lớn. 

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh - đơn vị trực tiếp xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cho biết: “Ban soạn thảo luôn tiếp nhận những góp ý khác nhau về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) trong đó tôn trọng cả đề xuất duyệt phim chặt hơn lẫn quan điểm muốn luật cởi mở hơn của giới làm phim”.

Ngày 23/10/2021, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã trình bày trước Quốc hội tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ và phiên họp tại hội trường với nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi. Đây là bước ban đầu để dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tiếp tục được hoàn thiện, dự kiến dự thảo Luật sẽ được thông qua vào kỳ họp Quốc hội năm 2022. Kỷ nguyên kỹ thuật số đang mang tới nhiều cơ hội quý báu cho ngành công nghiệp sáng tạo trong đó có điện ảnh. Luật Điện ảnh (sửa đổi) khi được ban hành hy vọng có thể tạo nên cú hích lớn cho doanh nghiệp, cho các nghệ sĩ và thúc đẩy nền điện ảnh Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới.

NGÔ MINH NGUYỆT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 481, tháng 11-2021

;