Vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thực hiện mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước. Trong đó, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là những chính sách an sinh xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội và việc quán triệt, thực hiện những chính sách này thể hiện rất rõ vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp.

1. Sự khẳng định vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT

Cách đây gần 10 năm, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, trong đó chỉ rõ: “BHXH và BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội... Thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân”(1).

Gần đây, tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, đã ra Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó nhấn mạnh: “Hệ thống pháp luật, chính sách bảo hiểm xã hội... đã từng bước được hoàn thiện, ngày càng đồng bộ, phù hợp với thực tế đất nước và thông lệ quốc tế. Chính sách bảo hiểm xã hội đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội...”(2). Nghị quyết cũng khẳng định mục tiêu tổng quát của việc cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là “để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân; phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch”(3). Nghị quyết số 28-NQ/TW cũng đồng thời đề ra 5 quan điểm chỉ đạo, mục tiêu cụ thể (giai đoạn đến năm 2021, giai đoạn đến năm 2025, giai đoạn đến năm 2030), 11 nội dung cải cách, 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải cách chính sách bảo hiểm xã hội cho phù hợp với yêu cầu mới. Trong đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách bảo hiểm xã hội được coi là nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên, quan trọng (4).

Nội dung đổi mới chính sách bảo hiểm đã phân định rõ trách nhiệm trong tuyên truyền BHXH, BHYT như sau:

Cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHYT chịu trách nhiệm chỉ đạo, định hướng, kiểm tra, đánh giá công tác tuyên truyền, chú trọng thực hiện tuyên truyền theo chiến dịch gắn với việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách BHXH, BHYT.

Cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT (đứng đầu là cấp ủy, chính quyền) chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch tuyên truyền và chú trọng thực hiện tuyên truyền thường xuyên nhằm tiếp cận, thuyết phục người dân chủ động tham gia BHXH, BHYT (5).

2. Vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT

Để thực hiện các mục tiêu về BHXH, BHYT đã được đề ra trong Nghị quyết 28-NQ/TW cần có sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác này và sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Như vậy, yếu tố quan trọng nhất chính là sự đồng thuận trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ cấp ủy, chính quyền các cấp đến mọi tầng lớp nhân dân. Trong quá trình này, vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp là hết sức quan trọng và được thể hiện qua nhiều khía cạnh.

Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, quán triệt sâu sắc quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu nêu trong Nghị quyết 28-NQ/TW. Việc nhận thức đầy đủ nội dung Nghị quyết số 28-NQ/TW nói riêng và các chủ trương, chính sách BHXH nói chung là điều kiện quan trọng để các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân thấy rõ vai trò, trách nhiệm đối với việc tổ chức thực hiện mục tiêu cải cách chính sách BHXH trong tình hình mới. Bên cạnh đó, việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT sẽ giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cơ bản của cải cách chính sách BHXH, BHYT.

Thứ hai, ban hành các văn bản chỉ đạo phù hợp, đề ra kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu và có những giải pháp sát thực để thực hiện hiệu quả các chính sách BHXH, BHYT. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể, phù hợp sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc tổ chức thực hiện cải cách chính sách BHXH, BHYT được thuận lợi. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền các cấp cần có kế hoạch tuyên truyền phù hợp với định hướng cải cách chính sách BHXH, BHYT theo từng giai đoạn; tăng cường hình thức tuyên truyền hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ; kết hợp hài hòa giữa hình thức tuyên truyền thường xuyên với hình thức tuyên truyền theo đợt thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; các kênh truyền thông của trung ương, địa phương, ngành và đoàn thể chính trị - xã hội, các hoạt động hội nghị, hội thảo cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật về chính sách BHXH, BHYT, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện mục tiêu đề ra.

Thứ ba, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội và của cán bộ, đảng viên trong nhận thức đầy đủ, sâu sắc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, tự giác tuân thủ, chấp hành tốt tiến trình cải cách chính sách về BHXH, BHYT...

Thứ tư, quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác BHXH, BHYT. Đội ngũ cán bộ làm công tác BHXH, BHYT và đội ngũ làm các dịch vụ chăm sóc, đảm bảo quyền lợi cho người dân trước hết là người phải hiểu sâu sắc các vấn đề về công tác BHXH, BHYT để thực hiện tốt công tác này ở mỗi địa phương, ngành, lĩnh vực, đơn vị, góp phần phát triển thị trường bảo hiểm và thực hiện an sinh xã hội.

Thứ năm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH, BHYT. Đặc biệt là trong việc xác định rõ những đối tượng cụ thể tham gia BHXH, BHYT để có những cách tiếp cận, kế hoạch, mục tiêu và có phương pháp, giải pháp phù hợp nhằm thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tham gia BHXH, BHYT; trong lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT...

Hiện nay, thực trạng công tác BHXH, BHYT đang bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Tỷ lệ dân số chưa tham gia các loại hình bảo hiểm (BHXH, BHYT, BHTN) vẫn chưa thực sự cao. Hiện tượng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT vẫn còn nóng ở nhiều địa phương. Tình trạng doanh nghiệp nợ và không đóng BHXH, BHYT không ít. Đặc biệt nhiều đối tượng thuộc diện cận nghèo, mặc dù đã được ngân sách hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHXH, BHYT, nhưng vẫn chưa hoặc không tham gia... Để từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập này, ngoài sự nỗ lực không ngừng của ngành BHXH, thì việc thực hiện các giải pháp đồng bộ đã được nêu ra trong Nghị quyết số 28-NQ/TW, đặc biệt là việc nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, là vô cùng quan trọng.

Như vậy, có thể khẳng định, việc xác định rõ vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc giải quyết những vấn đề cụ thể về BHXH, BHYT là một trong những yếu tố quan trọng để đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết 28-NQ/TW đã đề ra, góp phần hoàn thành mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.

THÙY LINH

____________________

1. Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020.

2, 3, 4, 5. Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

;