Lan tỏa trách nhiệm thực hiện an sinh cho nhân dân

Theo tinh thần Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm y tế (BHYT), tiến tới BHYT toàn dân, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp và bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực.

Sự vào cuộc của các cấp, các ngành

BHXH Việt Nam luôn xác định việc phát triển người tham gia BHYT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra. BHXH Việt Nam chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn, thành lập Ban chỉ đạo phát triển người tham gia BHXH, BHYT để triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực BHXH, BHYT. Hội đồng nhân dân, UBND các cấp đã đưa chỉ tiêu tham gia BHYT vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, triển khai các biện pháp để mọi người dân tham gia BHYT, mở rộng diện bao phủ BHYT, kiểm soát sử dụng quỹ BHYT và tăng cường công tác quản lý nhà nước về BHYT tại địa phương, hỗ trợ đối tượng tham gia BHYT.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo hiểm y tế, chỉ đạo thực hiện các quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tổ chức triển khai và thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp được đưa ra trong Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29-3-2013, Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020.

Các địa phương cũng đã xây dựng và ban hành kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị thực hiện và đã linh hoạt vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ mua thẻ BHYT cho một số nhóm đối tượng còn khó khăn trong cuộc sống, làm lan tỏa tính chia sẻ cộng đồng, tương thân, tương ái qua đó giúp người dân tiếp cận với việc khám, chữa bệnh BHYT làm tiền đề cho việc tự nguyện tham gia BHYT sau này.

Tặng sổ BHXH cho người lao động tại TP.HCM - Ảnh: tapchibaohiemxahoi.gov.vn

Gia tăng độ bao phủ BHYT toàn dân

Trong thời gian qua, công tác phối hợp truyền thông với các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và các cơ quan truyền thông báo chí được BHXH Việt Nam triển khai tích cực, hiệu quả. Công tác phối hợp truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật BHYT với các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan báo chí ở Trung ương tiếp tục được duy trì, mở rộng, phát huy hiệu quả, từng bước đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền. Các thông tin được thực hiện đảm bảo đúng định hướng, trọng tâm, trọng điểm theo từng thời kỳ, theo chủ đề, chủ điểm và đặc thù vùng miền. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, BHXH Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị kịp thời ứng dụng công nghệ truyền thông mới trong truyền thông chính sách BHYT.

Nhờ sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cơ quan chức năng, số người tham gia BHYT trong thời gian qua đã tăng đáng kể, “tính đến 31-12-2020, số người tham gia BHYT là 87,96 triệu người đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số. Trong đó, ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng trên 51 triệu người, chiếm 58%. Tổng số chi do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 là 39.953 tỷ đồng, bằng 37% tổng số thu tiền đóng BHYT” (1). Việc gia tăng số người tham gia BHYT cũng như gia tăng số lượt khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc là tín hiệu đáng mừng cho thấy, chính sách BHYT đang đi đúng hướng, trở thành nguồn tài chính đáng kể góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Bên cạnh đó, công tác soạn thảo, phát hành các ấn phẩm truyền thông bảo hiểm y tế tiếp tục được duy trì và thực hiện theo đúng quy định. Nội dung các ấn phẩm ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng, đảm bảo đúng theo các văn bản pháp luật. Các loại ấn phẩm truyền thông gồm: Những điều cần biết về bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên; Những điều cần biết về bảo hiểm y tế hộ gia đình… Trong năm 2021, ước có trên 18 triệu ấn phẩm truyền thông (tờ rơi, tờ gấp, băng rôn, phướn…) được in ấn, phát hành ở 63 BHXH tỉnh, thành phố để sử dụng tuyên truyền tới người dân và doanh nghiệp; ước có khoảng 730.000 lượt phát thanh về chính sách BHXH, BHYT nói chung trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Có thể nói, với sự đầu tư, đổi mới công tác biên tập, sản xuất các sản phẩm truyền thông, công tác truyền thông trực quan thông qua các sản phẩm này ngày càng đem lại hiệu quả, giúp chính sách BHXH, BHYT đi vào cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân và người lao động.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác thực hiện chính sách BHYT hiện nay cũng còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế, khó khăn và thách thức. Nhận thức về vai trò của BHYT nhiều nơi còn chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương có nơi còn thiếu quyết liệt; việc tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng, hiệu quả; việc chấp hành chính sách pháp luật về BHYT của một số doanh nghiệp chưa nghiêm dẫn đến tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT vẫn xảy ra làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Mặt khác, đại dịch COVID-19 cũng phần nào ảnh hưởng đến công tác triển khai thực hiện chính sách BHYT tại các tỉnh. Mặc dù các cấp, các ngành vẫn không ngừng nỗ lực, cố gắng tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp song kết quả đạt được vẫn còn thấp.

Để khắc phục những khó khăn và phát triển đối tượng tham gia BHYT, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục triển khai, thực hiện tốt một số giải pháp:

Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Chủ động đổi mới hình thức nội dung tuyên truyền để mọi người dân nắm vững về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT dưới nhiều hình thức (tọa đàm, vận động đối thoại trực tiếp, hội nghị, hội thảo trao đổi về chính sách...) đến người dân.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đơn giản hóa thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT. Phát triển hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT theo hướng chuyên nghiệp, đào tạo kỹ năng, phương pháp tiếp cận người dân cho các đại lý, nhằm giúp các đại lý định hướng chiến lược, xây dựng kế hoạch vận động người dân tham gia BHYT phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật. 

Thứ ba, bổ sung một số quy định liên quan tới mức đóng, mức hỗ trợ đóng BHYT đối với người lao động tạm dừng hợp đồng lao động; hỗ trợ (hoãn/miễn) đóng BHYT đối với những đối tượng chịu ảnh hưởng do thiên tại, dịch bệnh gây ra; lộ trình hỗ trợ mức đóng 5 năm cho các đối tượng sau khi thoát nghèo và các đối tượng là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng mới ra khỏi danh sách thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Đồng thời, cần xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách BHYT để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

CHI TRẦN

____________________

1. Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, 21-10-2021.

;