An sinh xã hội - những nỗ lực đáng ghi nhận của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Có thể thấy, hai năm vừa qua, cả thế giới trong đó có Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. Liên tiếp trong hai năm, đại dịch hoành hành và đến nay vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp kéo theo hệ lụy lớn đến tất cả mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội trên cả nước, làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, thậm chí giải thể, phá sản, theo đó là người lao động mất việc làm, không có thu nhập, cuộc sống khó khăn…

Chính vì thế đã tác động trực tiếp đến việc thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) - một trong những trụ cột quan trọng của an sinh xã hội. Tuy vậy, phải khẳng định, thời gian qua, ngành bảo hiểm Việt Nam đã nỗ lực để phát huy tối đa hiệu quả trong việc đảm bảo an sinh xã hội, giúp người lao động ổn định cuộc sống. Các chính sách về bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã thực sự trở thành “chỗ dựa” cho người lao động, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua khó khăn, duy trì cuộc sống, vơi bớt những áp lực về kinh tế trong mùa dịch. Ngoài ra, các chính sách này cũng giúp người lao động có cơ hội được hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, từ đó tìm kiếm những cơ hội nghề nghiệp mới chất lượng hơn cho bản thân.

Trao tặng sổ BHXH cho các hộ nghèo tại tỉnh Phú Thọ - Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ

Là quỹ ngoài ngân sách nhà nước lớn nhất được hình thành trên cơ sở sự tham gia đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động, được Nhà nước quản lý bảo toàn, tăng trưởng, có trách nhiệm bảo hộ cho người tham gia. Nguồn quỹ này đang phát huy vai trò và chức năng của mình khi đang được quản lý, sử dụng hiệu quả thông qua công tác chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN kịp thời, hỗ trợ người dân, người lao động vượt qua khó khăn trong tình hình dịch bệnh.

Với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành BHXH Việt Nam đã chủ động, kịp thời trong công tác tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan ban hành các chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19. Thống nhất từ Trung ương đến địa phương, ngành BHXH đã nỗ lực, cố gắng, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời để tháo gỡ những vướng mắc, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ; triển khai kịp thời, hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử, liên thông, giải quyết thủ tục hành chính trên trục dữ liệu quốc gia, triển khai ứng dụng VssID - BHXH số. Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử của BHXH Việt Nam đã hỗ trợ hiệu quả trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh thời gian qua, tạo điều kiện giải quyết nhanh gọn chế độ cho người tham gia bảo hiểm, góp phần nâng cao uy tín trong nhân dân vì thế số người tham gia BHXH đã tăng lên đáng kể, tạo đà tăng trưởng cho quỹ BHXH.

Bên cạnh đó, thời điểm dịch bệnh bùng phát trở lại, BHXH các tỉnh, thành phố đã nhanh chóng đưa ra những giải pháp phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh ở từng địa phương, thực hiện có hiệu quả, sáng tạo công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, từ trực tiếp đến trực tuyến, từ lưu động đến truyền thanh trên hệ thống phát thanh của địa phương… để tuyên truyền về lợi ích, sự cần thiết và tầm quan trọng của chính sách BHXH tự nguyện đến các tầng lớp nhân dân lao động; vận động người dân, doanh nghiệp tham gia cũng là một kênh hữu hiệu để phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Triển khai Nghị quyết số 68, Quyết định số 23; Nghị quyết số 116, Quyết định số 28 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện được một số kết quả sau tính đến hết ngày 21-12-2021: tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 842 đơn vị với 159.885 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 1.111,4 tỷ đồng tại 57 tỉnh, thành; xác nhận danh sách cho 2.930.717 lao động của 70.148 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách tại 63 tỉnh, thành phố.

Trong dài hạn, để BHXH tiếp tục thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình, cần có nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo toàn, tăng trưởng, đảm bảo khả năng chi trả các chế độ kịp thời và cân đối như:

Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý về BHXH, tăng cường các định chế pháp luật; nghiên cứu, đề xuất một số điều khoản hợp lý để thúc đẩy doanh nghiệp và người lao động tham gia BHXH, BHYT; có giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng không chấp hành hoặc chấp hành chưa nghiêm túc pháp luật về BHXH. Đồng thời, đưa ra các giải pháp xử lý tiền nợ BHXH, BHTN, BHYT tồn đọng đối với một số đơn vị ngừng hoạt động kéo dài hoặc chờ phá sản, giải thể, chủ doanh nghiệp bỏ trốn... để không ảnh hưởng đến quyền lợi cho người lao động.

Kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để khắc phục những tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT.

Xây dựng các giải pháp phù hợp với từng giai đoạn, từng thời điểm, từng khu vực để phát triển người tham gia; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHTN chính xác, kịp thời, thuận tiện nhất cho người thụ hưởng. Tăng cường thanh tra chuyên ngành BHXH; thu hồi nợ và các khoản thanh toán chế độ BHXH, BHYT, BHTN không đúng quy định; tiếp tục đổi mới, kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Quỹ BHYT cần được thực hiện chi trả đúng, đủ, kịp thời cho công tác khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia BHYT; chi cho công tác y tế cơ quan, y tế trường học; chi cho công tác quản lý quỹ BHYT; dành cho quỹ dự phòng.

Mặc dù tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng cao trong những năm gần đây, nhưng chưa thật sự bền vững, do các nhóm người tham gia BHYT chưa đồng đều, nhóm được ngân sách Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng vẫn chiếm tỷ lệ cao; nhóm người lao động và người sử dụng lao động đóng lại giảm do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, việc cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đôi khi chưa kịp thời, trẻ không có Giấy chứng sinh hoặc cán bộ phụ trách tại các xã chưa quan tâm đúng mức... Về nhóm người cao tuổi thụ hưởng các chính sách chăm sóc y tế vẫn còn nhiều vấn đề bất cập và chưa thật sự đồng đều, nhất là người cao tuổi ở các vùng sâu, vùng xa…

Để tăng cường phát triển quỹ BHYT, cần tiếp tục hỗ trợ BHYT cho người dân ở các vùng không còn thuộc diện hưởng BHYT do Nhà nước đảm bảo theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Vì người nghèo trong khu vực này vẫn còn nhiều, tài chính còn eo hẹp, nên hiện tại chưa thể tự bỏ tiền mua thẻ BHYT và điều này sẽ tác động đến việc thực hiện tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân. Cần xây dựng chính sách BHYT theo nhóm người thụ hưởng, không nên theo vùng hay khu vực như hiện nay, sẽ không công bằng và thiệt thòi cho người có hoàn cảnh khó khăn. Cần bố trí nguồn ngân sách để nâng mức hỗ trợ tham gia BHYT đối với người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, đặc biệt là người cao tuổi có điều kiện khó khăn, người cao tuổi ở vùng dân tộc thiểu số; nâng mức hỗ trợ cho người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; nghiên cứu phương án nâng mức đóng BHYT phù hợp với khả năng chi trả của người dân; Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT; xử lý nghiêm những hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và chất lượng dịch vụ y tế; tăng cường mở rộng độ bao phủ của BHYT, đảm bảo tính bền vững của chính sách BHYT là vấn đề hết sức quan trọng đặt ra hiện nay.

HƯƠNG GIANG

;