Trình hiện về nghệ thuật và nghệ sĩ cải lương trong bối cảnh đương đại (Trường hợp Đoạn trường vinh hoa (2020) của đạo diễn Lê Mỹ Cường)

Trong đời sống nghệ thuật đương đại Việt Nam, xu hướng hoài niệm, hoài nhớ (Nostalgia) đang trở nên phổ biến và thịnh hành, thu hút khán giả đại chúng. Việc đưa vào phim chất liệu nghệ thuật truyền thống cải lương là biểu hiện của xu hướng này trong điện ảnh.

Có thể kể đến các bộ phim Việt khai thác đề tài về nghệ thuật cải lương hoặc đưa cải lương vào mạch truyện như Sài Gòn, anh yêu em (2016), Song lang (2018), Ðất phương Nam (2023)… và gần đây nhất là Sáng đèn (2024). Nằm trong xu hướng đưa cải lương vào điện ảnh nhưng bằng phương thức khác biệt, Ðoạn trường vinh hoa (2020) của đạo diễn Lê Mỹ Cường đã lựa chọn phong cách phim tài liệu điện ảnh trực tiếp để khai thác đề tài về nghệ thuật truyền thống cải lương và người nghệ sĩ của gánh tuồng cổ trong bối cảnh đương đại. Ðoạn trường vinh hoa ra mắt khán giả vào năm 2020. Trước khi phát sóng trên VTV Ðặc biệt vào tháng 12 năm 2020, bộ phim đã được phát hành tại các cụm rạp BHD ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ với 234 suất chiếu. Ðây là không ít bộ phim tài liệu Việt Nam được phát hành tại rạp, trước đó có phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (2014), Ði tìm Phong (2015), và sau là phim Những đứa trẻ trong sương (2022). Với hơn 100 giờ quay trong suốt 18 tháng, Lê Mỹ Cường cùng người cộng sự Thanh Nguyễn đã theo chân đoàn hát cải lương Phương Ánh rong ruổi khắp các tỉnh Nam Bộ vào dịp lễ Kỳ Yên và khắc họa câu chuyện về nghệ thuật và nghệ sĩ đầy xúc động. 

Từ lý thuyết diễn ngôn và góc tiếp cận liên ngành, bài viết phân tích sự trình hiện về nghệ thuật và nghệ sĩ cải lương trong phim Ðoạn trường vinh hoa, để thấy được những giá trị của loại hình nghệ thuật truyền thống, niềm đam mê yêu nghề của người nghệ sĩ và cả những thách thức với nghệ thuật và người nghệ sĩ tuồng cổ này trong bối cảnh thời đại mới. Bộ phim trình hiện những mảnh ghép đối lập của người nghệ sĩ trên sân khấu và trong đời sống dưới ánh đèn, qua đó làm nổi bật diễn biến cảm xúc, đời sống tinh thần cũng như số phận của người nghệ sĩ cải lương. Ðặc biệt, bộ phim như một diễn ngôn về nghệ thuật truyền thống và nghệ sĩ trong bối cảnh đương đại, để loại hình nghệ thuật này không bị mai một và suy thoái, cần thêm những chính sách và thiết chế phù hợp để gìn giữ, duy trì và bảo tồn loại hình nghệ thuật đậm màu sắc văn hóa bản địa này. 

Sự trình hiện về nghệ thuật cải lương truyền thống và những thách thức trong thời đại mới

Cải lương là nghệ thuật sân khấu đặc sắc của vùng sông nước Nam Bộ Việt Nam, xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ XX. Cải lương có mối quan hệ mật thiết với hát bội và đờn ca tài tử, là sự kế thừa và đi lên của hai loại hình nghệ thuật truyền thống này. Loại hình nghệ thuật truyền thống này có “âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc” (1). Chính bởi vậy, nghệ thuật cải lương phát triển rực rỡ và thu hút đông đảo khán giả. Tuy nhiên, trong bối cảnh đương đại, dưới sự tác động của quá trình hội nhập văn hóa, sự phát triển của nhiều phương tiện truyền thông mới, nhiều loại hình nghệ thuật từ các nước Âu, Mỹ, Hàn Quốc đã nhanh chóng trở nên thịnh hành và được lòng công chúng. Ðiều này dẫn đến việc, cải lương cũng như các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác gặp khó khăn trong việc tìm chỗ đứng trong lòng khán giả. Trần Ðức Hiệp đúc kết rằng: “Các bộ môn nghệ thuật sân khấu hát bội (tuồng), cải lương và kịch hiện nay không còn phổ thông như các thời kỳ trước do thị hiếu của khán giả đã thay đổi qua sự phát triển của nhiều phương tiện truyền thông mới. Văn hóa bản địa đã dần bị áp lực từ văn hóa bên ngoài” (2). 

Câu chuyện trong Ðoạn trường vinh hoa là hành trình theo chân gánh hát cải lương Phương Ánh đi biểu diễn ở các tỉnh miền Tây vào dịp lễ Kỳ Yên. Ðạo diễn Lê Mỹ Cường vừa thể hiện được đặc trưng của thể loại tài liệu trực tiếp là bám sát sự thật, đi theo dòng chảy sự kiện, vì vậy, câu chuyện về nghệ thuật cải lương hiện lên chân thực và tự nhiên hơn. Bên cạnh đó, với ưu thế là lối kể chuyện của điện ảnh, bằng cách lấy cảnh quay (mise-en-shot) và dàn cảnh (mise-en-scene), đạo diễn đã trình hiện được vẻ đẹp, đặc trưng và giá trị của cải lương, đồng thời khai thác được những góc khuất, hiện trạng dần mai một của loại hình nghệ thuật từng là tinh hoa và huy hoàng này một cách chân thực và đầy xúc cảm, từ đó, tạo được sự đồng cảm sâu sắc của khán giả.

Trong Ðoạn trường vinh hoa, cải lương được trình hiện là loại hình gần gũi với người dân thôn quê, được biểu diễn ở các không gian thân thuộc như các khoảng đất trống ở làng quê hay sân đình… nơi mà người dân dễ dàng tập trung đến xem. Ðặc biệt, đạo diễn cho thấy, loại hình nghệ thuật này tập trung vào các tích truyện cổ và giọng hát, vào diễn xuất của diễn viên mà không yêu cầu quá lớn về các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Chỉ cần một sân khấu dựng tạm, một lớp rèm, ánh đèn sân khấu và âm nhạc là những khúc tuồng cổ của đoàn hát được ngân vang. Ðạo diễn cũng cho thấy đặc trưng về tính lưu động, dễ dàng di chuyển đến các làng quê của đoàn hát. Những nghệ sĩ sẽ đến địa điểm biểu diễn trong ngày, ban ngày dựng và trang trí sân khấu, buổi tối sẽ biểu diễn. 

Trong bối cảnh đương đại, đoàn hát Phương Ánh khá vất vả, chật vật để duy trì loại hình nghệ thuật cải lương này. Bộ phim mở đầu với phân cảnh sân khấu cải lương sau một buổi biểu diễn, người dân đã ra về hết và các diễn viên đoàn hát ở lại thu dọn và thay đồ. Ðạo diễn sử dụng góc máy thấp, cảnh toàn thu gọn hình ảnh sân khấu vào khuôn hình. Việc sử dụng góc máy thấp như thể hiện sự trân trọng loại hình nghệ thuật sân khấu này, nhưng đó lại là sân khấu sau buổi biểu diễn khi ánh đèn rực rỡ và lời ca đã tắt, lúc này sân khấu ấy chỉ được bao phủ bởi ánh đèn yếu ớt, xung quanh là đêm tối. Ngay từ phân cảnh đầu tiên đã dự báo số phận của cải lương, khi loại hình nghệ thuật này không còn ở thời kỳ đỉnh cao. Tiếp đó, xuyên suốt mạch phim, đạo diễn trình hiện ba buổi biểu diễn của đoàn hát. Ánh đèn sân khấu vẫn rực rỡ, những tấm rèm lấp lánh vẫn được kéo lên, mỗi nghệ sĩ dù đã lớn tuổi nhưng vẫn rất say mê biểu diễn trong những bộ trang phục lộng lẫy, bắt mắt. Hình ảnh đó như là sự ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của những người nghệ sĩ để duy trì và gìn giữ loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Không chỉ trình hiện những đặc trưng của nghệ thuật cải lương, đạo diễn còn cho thấy sự thay đổi về công chúng khán giả. Theo lời kể của bà bầu Phương Ánh, đã có thời kỳ sân khấu cải lương rất đông khán giả. Tuy nhiên, từ khi tivi phổ biến vào những năm 90 của thế kỷ trước, cải lương giảm hẳn lượng người xem. Một số đoàn hát lớn không trụ được phải giải thể, trong đó có cả đoàn của Phương Ánh. Ðó là thách thức mà những đoàn hát lưu động như đoàn hát Phương Ánh phải đối mặt. Trong phân đoạn biểu diễn của đoàn hát, đạo diễn dùng khuôn hình trung cận cảnh cho thấy ánh mắt chăm chú và yêu thích của khán giả, nhưng cũng từ khuôn hình ấy, chúng ta thấy phần lớn khán giả của buổi biểu diễn là người già và trẻ em, khán giả trẻ gần như vắng bóng. Thế nhưng, trước hiện trạng đó, đoàn hát không nản lòng, họ chấp nhận sự đổi thay mang tính thời đại đó. Ðiều họ làm là nỗ lực, kiên trì để có những vở diễn hay và thu hút khán giả hơn. Trong phim, đoàn hát Phương Ánh cũng thích ứng trong việc truyền thông cho buổi biểu diễn, họ căng băng rôn, dán áp phích và tích cực đi loa truyền thông về buổi biểu diễn để khán giả chú ý đến xem. 

Trong phim, nghệ thuật cải lương cũng được trình hiện mang đậm màu sắc văn hóa bản địa vùng Nam Bộ. Ðoàn hát biểu diễn các tác phẩm như Trường tương tư, Bạch Yến Nhi cứu chúa… Khí chất hào sảng, phóng khoáng và giọng hát vang ngân của các diễn viên tạo cảm xúc mạnh mẽ với người dân thôn quê. Bộ phim thu âm trực tiếp từ hiện trường, nhờ đó từng lời ca, tiếng hát, câu thoại của vở diễn cải lương đều được ghi trọn trong mỗi cảnh quay. Khán giả vẫn ấn tượng với từng khúc vọng cổ mỗi khi được người nghệ sĩ cất lên: “Khi bức màn buông danh vọng hết/ Người về lòng rũ sạch sầu thương/ Người vào cởi áo lau son phấn/ Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường”. Có thể thấy, lời ca cất lên vừa thấm thía, sâu sắc lại như vừa mang cả tâm tư dồn nén của cuộc đời nghệ sĩ để rồi bật ra thành những ca từ day dứt, xót xa. Nếu Song lang (2020) hay Sáng đèn (2024) khai thác đề tài về nghệ thuật cải lương, nhưng bởi là phim hư cấu nên dễ dàng đưa vào cốt truyện những sự kiện tạo sự hấp dẫn khán giả như câu chuyện tình yêu đồng tính trong Song lang, hay tình yêu gặp trắc trở trong Sáng đèn thì Ðoạn trường vinh hoa lại xoáy sâu và tạo sự đồng cảm của khán giả bằng chính giá trị của nghệ thuật và phẩm chất, tính cách người nghệ sĩ. Dù khó khăn, thách thức nhưng họ vẫn nỗ lực hết mình để duy trì, gìn giữ loại hình nghệ thuật này nói riêng, cũng như nét văn hóa bản địa đặc sắc của người Nam Bộ nói chung.              

(còn nữa) 

_________________

1. Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

2. TS Lê Thị Tuân, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

TS LÊ THỊ TUÂN - HÀ PHƯƠNG ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 574, tháng 6-2024

;