Kịch bản phim - còn đó nỗi lo

Bên cạnh những ý kiến khen chê trái chiều về chất lượng phim, có một điểm tìm được sự thống nhất cao: đó là nỗi lo kịch bản khi vừa thiếu vừa yếu.

Phim Cù lao xác sống

Đã hàng chục năm nay khi mổ xẻ về sự thất bại của một bộ phim, bên cạnh nhiều lý do, yếu tố kịch bản yếu, mờ nhạt, lủng củng, thiếu lozic… được đề cập khá nhiều. Tại một cuộc hội thảo về điện ảnh, đạo diễn Phan Ðăng Di không giấu những băn khoăn về tình trạng thiếu kịch bản của điện ảnh Việt hiện nay. Anh nhìn nhận: “Khi nguồn kịch bản chưa tốt, việc nhà sản xuất tìm mua kịch bản nước ngoài để remake (làm lại) chỉ là giải quyết vấn đề trước mắt. Còn về lâu dài, để điện ảnh Việt có sự cạnh tranh hay tiếng nói riêng, không có cách nào khác là phải tập trung phát triển nội dung, tạo nên nền công nghiệp nội dung”. 

Thiếu kịch bản hay, mới lạ, hấp dẫn, sâu sắc về nội dung tư tưởng, mang dấu ấn bản sắc dân tộc vẫn đang là một trong những “nút thắt” của cả phim điện ảnh và phim truyền hình Việt. Nhưng dường như, đến thời điểm hiện tại, cả nhà quản lý lẫn nhà làm phim vẫn chưa thể giải quyết triệt để vấn đề này.

Phim Mưu kế thượng lưu

Sau thành công của hàng loạt phim truyền hình được Việt hóa kịch bản từ các tác phẩm ăn khách của nước ngoài như Thương ngày nắng về, Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử… phim Việt đứng trước nguy cơ thiếu “kịch bản vàng” trầm trọng. Có thời kỳ, dòng phim Việt hóa trở thành cứu cánh cho điện ảnh Việt (bao gồm màn ảnh nhỏ và màn ảnh rộng).

Theo nhận xét từ các nhà sản xuất, những bộ phim được Việt hóa vốn dĩ đã có một kịch bản hay, chất lượng, giống như một khung xương sống vững chắc, đảm bảo cho thành công bước đầu của phim. Thêm vào đó, đội ngũ diễn viên trẻ, đẹp, tài năng cũng là một điểm cộng khiến cho các bộ phim càng nhận được thiện cảm của người xem.

Cùng với đó, kịch bản phim gốc luôn dễ dàng mang lại sự tự tin cho ê-kíp “Việt hóa”. Sự tương đồng về văn hóa của các sản phẩm gốc (phần lớn đến từ các nước láng giềng châu Á) cũng khiến người nhận trách nhiệm Việt hóa dễ bề chế biến để có được món ăn tinh thần hợp khẩu vị với số đông.

Phim Đóa hoa mong manh

Thế nhưng việc nở rộ phim truyền hình Việt hóa cho thấy các nhà sản xuất đang mất niềm tin vào lực lượng sáng tác kịch bản trong nước. Các kịch bản phim nhà có thể gặp nhiều vấn đề từ nội dung dài dòng, lê thê đến cái kết “đầu voi đuôi chuột”…

Ðạo diễn Nguyễn Thanh Vân, nguyên Phó Giám đốc hãng phim truyện Việt Nam cho hay, muốn tìm được nhân tố biên kịch tiềm năng cho điện ảnh nước nhà trước hết phải bắt đầu từ khâu đào tạo.

Ðạo diễn Nguyễn Thanh Vân khẳng định: “Trong quá khứ, khi Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn mời các chuyên gia hàng đầu về để đào tạo biên kịch trong vòng 6 tháng đã mang lại hiệu ứng rất tốt. Những người học qua lớp này đã trở thành nòng cốt, những biên kịch tiềm năng cho hãng phim VFC một thời. Trên nền tảng đã tốt nghiệp văn chương, khi học thêm về điện ảnh, họ dễ tạo ra một thế hệ mới đầy tiềm năng, có những cây bút trở thành chủ lực cho điện ảnh phía Nam. Thực tế đó cho thấy những nhà quản lý cần nhìn lại khâu đào tạo, tuyển dụng, tuyển chọn để tìm được thế hệ kế cận có tài, có tầm”.

Ông cũng chia sẻ, đã có thời kỳ các nhà văn tham gia viết điện ảnh rất nhiều. Hiện nay, sức hút và môi trường không còn nữa, đây là điều đáng tiếc. Với dòng phim nghệ thuật thị trường phía Bắc đang bị ngắt quãng, những người được đào tạo chính thống chưa đủ tầm lấp “lỗ hổng” trong khâu biên kịch.

Nhìn nhận về thị trường điện ảnh hiện nay, NSND Nguyễn Thanh Vân đánh giá: “Ngày nay, điện ảnh đang nghiêng về thị trường mà quên mất đi yếu tố truyền thống, nghệ thuật. Tổng quan bức tranh điện ảnh hiện nay cần dòng phim mang tính chủ lưu, truyền thống, lịch sử, chiến tranh và cả những vấn đề nhức nhối của xã hội đương đại. Các phim hài hước tuy có sức hút nhưng không thể chính thống, đề cập, phơi bày góc khuất của xã hội. Dòng phim độc lập tuy không cần nhiều tiền nhưng phải được coi trọng. Có như vậy điện ảnh nước nhà mới có cơ hội vươn cao, bay xa”.

Phim 578 Phát đạn của kẻ điên

Nhìn ở khía cạnh khác, thù lao và vị thế của biên kịch Việt còn kém so với các nước khác. Công tác tổ chức kịch bản, thẩm định và biên tập kịch bản là khâu yếu nhất của điện ảnh hiện nay.

Gần đây, trong nỗ lực làm ra những bộ phim làm từ kịch bản “thuần Việt” khi ra rạp lại thất bại thảm hại. Các phim như: Duyên ma có doanh thu 6,6 tỷ đồng, Người tình 1,1 tỷ đồng, 578: Phát đạn của kẻ điên hơn 3,5 tỷ đồng, Người lắng nghe 2,2 tỷ đồng, Maika - cô bé đến từ hành tinh khác 4,7 tỷ đồng, Qua bển làm chi 940 triệu đồng, Mưu kế thượng lưu 1 tỷ đồng, Ðóa hoa mong manh thu hơn 400 triệu đồng…

Một bộ phim thất bại có nhiều yếu tố, nhưng khâu then chốt là kịch bản phim kém chất lượng. Nhiều kịch bản có cấu trúc lỏng lẻo, nhiều “sạn” với cốt truyện đơn giản, nhạt nhẽo. Một số khác vướng lỗi logic, lỏng lẻo ở nhiều chi tiết, lời thoại mang tính sách vở và tâm lý nhân vật chính thiếu chiều sâu ở cả hoàn cảnh, nội tâm…

Kịch bản yếu cũng đã làm phá sản các bộ phim theo thể loại mới mà gần đây các nhà làm phim Việt muốn khai phá như tiểu sử, zombie, du khảo - sinh tồn... Phim Cù lao xác sống khởi chiếu tại rạp gây tò mò cho khán giả khi là phim Việt đầu tiên khai thác chủ đề xác sống (zombie) với bối cảnh miền Tây sông nước, nhưng lại khiến khán giả thất vọng, tạo thành làn sóng chê bai mạnh mẽ trên mạng xã hội.

Phim Maika - cô bé đến từ hành tinh khác  

Phim Rừng thế mạng chiếu đầu năm 2022 mở màn cho thể loại sinh tồn của điện ảnh Việt, với câu chuyện phượt thủ đấu tranh sinh tồn khi đi du lịch khám phá, nhưng câu chuyện mỏng, những tình tiết còn sơ sài, tâm lý nhân vật chưa đào sâu đến tận cùng… cũng khiến phim khó gây ấn tượng mạnh.

Thực tế tại Việt Nam, kịch bản phim Việt vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Dù vẫn có những khóa học ngắn hạn do cá nhân các đạo diễn kỳ cựu tổ chức, hay các cuộc thi tìm kiếm nhà biên kịch tài năng mở ra, nhưng vẫn còn “khoảng trống” lớn. Các nhà làm phim như Phan Ðăng Di, Nguyễn Quang Dũng, Charlie Nguyễn đều thừa nhận rằng điện ảnh Việt đang thiếu những kịch bản gốc chất lượng và nguồn cơn sâu xa bắt nguồn từ việc lực lượng biên kịch còn thiếu và yếu về kỹ năng xây dựng kịch bản, vốn sống, tầm nhìn.

Một chủ rạp chiếu từng chia sẻ: “Ai cũng thấy những lý do tại sao phim Việt thua lỗ, 10 phim thì chỉ có 1, 2 phim thắng. Vậy mà các nhà sản xuất phim Việt chuyên nghiệp lại không nhận ra và vẫn tiếp tục đầu tư tiền vào những kịch bản kém chất lượng. Khi có đầu vào không tốt, phim sản xuất ra nhận về nhiều chỉ trích về chất lượng dẫn đến doanh thu thấp. Biên kịch yếu thì cần có sự đào tạo chính quy bài bản, chuyên nghiệp. Ðó là câu chuyện vĩ mô, chiến lược lâu dài cần phải có của nhà nước. Nhưng khi thấy kịch bản kém thì cần phải gia công thêm, mổ xẻ đến tận cùng sao cho hoàn thiện, rồi mới bắt tay làm phim. Khi chưa có được kịch bản tốt mà làm bừa, làm ẩu càng khiến cho khán giả phát nản với phim Việt, các rạp cũng không kinh doanh được”.

Phim Người lắng nghe

Có khán giả nhận xét thẳng thắn: “Tôi thật sự thấy lạ khi nhiều phim Việt ra rạp bị đánh giá kém ở khâu kịch bản, nhưng gần chục năm chẳng có thay đổi. Vẫn có những kịch bản thiếu logic, rập khuôn, dễ đoán được sản xuất và ra rạp. Kỹ thuật, kỹ xảo làm phim tệ thì còn có thể hiểu do hạn chế về máy móc. Nhưng về xây dựng kịch bản, tình tiết chúng ta cũng kém hơn cả phim các nước cùng khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines thì thật khó chấp nhận”.

Nhằm lấp lỗ hổng kịch bản, nhiều cuộc thi, nhiều khóa học dạy viết kịch bản ra đời. Ðạo diễn Phan Ðăng Di, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, nhà biên kịch Kay Nguyễn… thường tổ chức, tham gia những khóa giảng dạy, workshop về kịch bản phim. Ngoài ra, Kay Nguyễn cùng với nhóm A Type Machine (từng tham gia viết kịch bản cho hàng loạt phim ăn khách của những đạo diễn tên tuổi như Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Ngô Thanh Vân) thường cập nhật thông tin, bản dịch sách kịch bản trên mạng xã hội cho những người viết kịch bản trẻ, hay những người đang có đam mê với công việc sáng tạo nội dung này tìm đọc. 

Bên cạnh những khóa học, các cuộc thi đang được coi là một trong những giải pháp cho nguồn kịch bản. Có thể thấy từ cuộc thi Nhà biên kịch tài năng từng được tổ chức liên tục trong ba năm 2017, 2018, 2019, một số kịch bản được đánh giá cao đã được sản xuất thành phim, như phim Siêu sao siêu ngố vượt mốc doanh thu 100 trăm tỷ đồng năm 2018, phim Táo quậy ra mắt vào mùa phim Tết 2019… Cuộc thi Dự án phim ngắn CJ 2021 khởi động, trong đó những kịch bản xuất sắc được lựa chọn đã được cấp kinh phí 300 triệu đồng để làm phim. Tại cuộc thi Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh do Cục Ðiện ảnh tổ chức, ban giám khảo đã chọn được 2 kịch bản xuất sắc (đoạt giải Nhì, không có giải Nhất) là Culi không bao giờ khóc của Phạm Ngọc Lân, Nghiêm Quỳnh Trang và Thiên mạc hùng ca của Nguyễn Thị Mai Phương. Kịch bản Thiên mạc hùng ca đang trong quá trình được Cục thẩm định đưa vào quy trình sản xuất phim đặt hàng. Phim Culy không bao giờ khóc bước đầu thành công khi được ghi nhận tại các Liên hoan Phim quốc tế.

Những phân tích từ thị trường, từ các đạo diễn, nhà phát hành cho thấy, chỉ khi nào giải quyết được nút thắt về kịch bản một cách bài bản, lâu dài thì phim Việt mới mong cất cánh.

HOA NGUYỄN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 574, tháng 6-2024

 

;