TRI THỨC DÂN GIAN TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ HÀNG HÓA CỦA NGƯỜI DAO

 

         1. Tri thức dân gian trong thời kỳ kinh tế thị trường

         Khái niệm tri thức dân gian (hay tri thức bản địa, tri thức địa phương) được hiểu theo nghĩa rộng. Đó là: “Các truyền thống lâu đời, kinh nghiệm, thực tiễn sống của một cộng đồng liên quan đến môi trường tự nhiên, xã hội, đời sống, tư duy của cộng đồng đó. Tri thức bản địa bao gồm các loại trí khôn, kinh nghiệm, phong tục, lề thói ứng xử, bài học của một cộng đồng. Tri thức bản địa được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, người này qua người khác, thông qua truyện kể, huyền thoại, văn học dân gian, các nghi lễ, lễ thức, tập quán, lề thói, quy định, luật tục…” (1).

         Tri thức dân gian đối diện với kinh tế thị trường là một vấn đề nằm trong mối quan hệ giữa văn hóa truyền thống các tộc người với kinh tế thị trường. Mối quan hệ này đã được giới học giả ở nhiều lĩnh vực như kinh tế học, văn hóa học, xã hội học, nhân học... quan tâm và tìm hiểu. Nhiều công trình nghiên cứu đã đặt ra những quan điểm khác nhau dựa trên các mức độ tiếp cận khác nhau, nhưng nhìn chung, có hai hệ quan điểm chủ yếu. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tri thức dân gian sẽ bị hủy hoại bởi kinh tế thị trường, đồng nghĩa với việc nhiều yếu tố văn hóa tộc người sẽ bị thị trường làm cho méo mó, mất mát. Những người theo quan điểm này cùng đặt vấn đề bảo vệ nguyên bản các tri thức dân gian cũng như yếu tố văn hóa truyền thống trước sự đe dọa của thị trường. Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng tri thức dân gian khi tiếp xúc với kinh tế thị trường không những không bị hủy hoại và biến mất, mà thậm chí còn được bổ sung, đa dạng hóa, trở thành nguồn lực để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Thông qua đó, họ lại đặt ra phương án bảo tồn động các giá trị văn hóa, tức là chấp nhận sự tiếp xúc, biến đổi và cố gắng điều chỉnh sự biến đổi của văn hóa theo hướng tích cực.

         Tri thức dân gian hay tri thức khoa học hiện đại cũng đều tuân theo nguyên tắc này. Tri thức dân gian của cộng đồng nào cũng được hình thành từ quá trình lịch sử xây dựng, phát triển của cộng đồng đó, gắn với môi trường tự nhiên, xã hội và văn hóa của họ. Đó là kết quả lao động mang tính cộng đồng, dù thực chất cũng có nhiều cá nhân ở các lĩnh vực đóng góp như thày lang trong tri thức dân gian về chăm sóc sức khỏe, nghệ nhân trong nghề thủ công nghiệp, thày cúng trong tri thức dân gian về lễ hội văn hóa hay thủ lĩnh trong thiết chế xã hội truyền thống... Nhưng tất cả những tri thức đó, sau khi được cộng đồng chấp nhận, ứng dụng thì đã trở thành tài sản chung. Đó cũng là nét khác biệt giữa tri thức dân gian với tri thức khoa học. Trong khi tri thức khoa học hiện đại có bản quyền sở hữu, sự ghi nhận đối với các cá nhân xuất sắc, thì tri thức dân gian là thuộc về cộng đồng và khi đưa ra khỏi đời sống cộng đồng đó thì nó không còn mang đúng ý nghĩa. Hệ thống tri thức dân gian của các cộng đồng luôn biến đổi theo thời gian, những cái không phù hợp sẽ bị loại bỏ, những cái mới sẽ được bổ sung để hợp lý hơn. Dù có bị tác động bởi thị trường hay không thì quá trình biến đổi đó vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, khi kinh tế hàng hóa phát triển thì sự biến đổi này trở nên mạnh mẽ, đa dạng, khó kiểm soát hơn.

         Sự biến đổi này thể hiện trên một số khuynh hướng. Thứ nhất, các tri thức dân gian không còn thích hợp với đời sống kinh tế thị trường thì sẽ bị mai một. Mức độ của chúng bị thu hẹp dần, vai trò trong cuộc sống dần được thay thế bởi một hệ thống tri thức khác, có thể là những tri thức khoa học hiện đại. Thứ hai, những tri thức dân gian bị thị trường hóa và biến đổi theo hướng tiêu cực, ít gắn với đời sống sinh hoạt cộng đồng hơn. Nó làm cho tính chất, chất lượng hay vai trò văn hóa cộng đồng của những tri thức này bị hạn chế, có khi bị thay đổi. Thứ ba, nhiều tri thức dân gian trở thành nguồn lực cho các cộng đồng phát triển kinh tế, tạo ra sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao đưa ra thị trường, góp phần làm tăng trưởng nền kinh tế, thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của người dân bản địa. Những tri thức dân gian này, sau khi vào thị trường đã biến đổi nhanh chóng, nhưng được cộng đồng và người dân bản địa chấp nhận một cách tự giác hơn. Nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số đang có mức độ phát triển nhanh và ngày càng hiện đại hóa đều thể hiện rõ khuynh hướng này, như trường hợp người Dao Đỏ là một ví dụ.

         2. Vai trò của tri thức dân gian trong phát triển kinh tế hàng hóa của người Dao ở Tả Phìn

         Tả Phìn là một xã vùng cao tương đối nhỏ, nằm ở phía bắc của huyện Sa Pa, cách thị trấn Sa Pa khoảng 12km. Dân cư ở Tả Phìn gồm 4 dân tộc: Mông, Dao, Kinh và Giáy. Trong đó, dân tộc Mông chiếm tỷ lệ dân số cao nhất, tiếp đến là Dao và Kinh. Các hộ gia đình người Mông và Dao sinh sống ở các thôn bản khác trong xã, còn người Kinh sống tập trung ở khu vực trung tâm xã và chủ yếu làm nghề buôn bán tạp hóa, quán ăn.

         Trải qua mấy trăm năm sinh sống ở đây, người Dao đã sáng tạo ra một hệ thống tri thức dân gian phong phú, mang dấu ấn đặc trưng tộc người trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên, quan hệ con người, xã hội, văn hóa và quá trình sản xuất kinh tế. Hiểu theo nghĩa rộng, hệ thống tri thức dân gian của người Dao gồm các thiết chế xã hội, thiết chế văn hóa, đặc trưng văn hóa như các lễ hội, sinh hoạt văn hóa, tổ chức sản xuất, kinh nghiệm sản xuất, quan hệ xã hội, trí tuệ, kỹ năng sinh tồn...

         Trong nhiều năm qua, dưới tác động của đô thị hóa và sự phát triển du lịch, người Dao ở Tả Phìn đang thay đổi nhanh chóng theo hướng hiện đại hóa, thị trường hóa. Nền kinh tế của họ đang chuyển đổi nhanh chóng, nhiều hoạt động kinh tế mới xuất hiện, đời sống vật chất của người dân được nâng cao. Trong số nhiều nguyên nhân tác động đến quá trình chuyển đổi này, có việc người dân bản địa đã khéo léo ứng dụng các tri thức dân gian của họ vào phát triển kinh tế hàng hóa để nâng cao chất lượng cuộc sống. Điều này được thể hiện trên một số phương diện:

         Ứng dụng các tri thức dân gian về nông nghiệp

         Người Dao ở Tả Phìn đã tích hợp được một hệ thống tri thức dân gian về tự nhiên và sinh thái ở đây. Đó là kết quả của quá trình thích ứng và cải tạo tự nhiên một cách hợp lý. Những hiểu biết phong phú về rừng, nguồn nước, hệ sinh thái của họ đã được khai thác để phục vụ cuộc sống trong hàng trăm năm qua.

         Những tri thức về hệ sinh thái rừng là cơ sở cho các hoạt động kinh tế nương rẫy, săn bắn của người Dao. Trong quá khứ, người Dao rất giỏi săn bắn và có một hệ thống tri thức dân gian rất phong phú trong lĩnh vực này. Ngày nay, việc săn bắn đã bị hạn chế do nhiều nhân tố, nhưng những tri thức đó vẫn được vận dụng trong quá trình phát triển. Họ vẫn săn bắn thỏ, nai, lợn rừng, gà rừng... đem đi bán cho các nhà hàng của người Kinh. Ngày nay, người Dao sử dụng những tri thức về rừng và hệ sinh thái để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, phát triển du lịch thắng cảnh. Bên cạnh đó, việc khai thác thảo quả là biểu hiện rõ nét của kinh tế nương rẫy. Thu nhập từ thảo quả là nguồn tiền lớn và quan trọng đối với đời sống các hộ gia đình.

         Người Dao ở Tả Phìn có hiểu biết rất phong phú về nguồn nước. Đó là nền tảng để họ cải tạo cả một vùng đồi núi thành hệ thống ruộng bậc thang, không chỉ có giá trị về kinh tế nông nghiệp mà còn là thắng cảnh đẹp rất thu hút khách du lịch. Hiện nay, người Dao còn nuôi cá hồi, chăm sóc phong lan để bán.

         Những phân tích trên cho thấy người Dao ở Tả Phìn đã biết ứng dụng những tri thức dân gian về rừng, nguồn nước, hệ sinh thái vào phát triển kinh tế. Nhiều mô hình sinh kế mới được hình thành dựa trên hệ thống tri thức này đã ngày càng mang về thu nhập lớn cho người dân.

         Ứng dụng các tri thức dân gian về chăm sóc sức khỏe

         Trong hệ thống tri thức dân gian của người Dao thì tri thức về chăm sóc sức khỏe giữ một vị trí quan trọng. Trải qua nhiều thế hệ, kho tàng tri thức này ngày càng phong phú, nhất là những phương thuốc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, được nhiều cộng đồng xung quanh công nhận (2).

         Khi kinh tế hàng hóa phát triển, với tư duy nhanh nhạy, người Dao đã biết tận dụng lợi thế của mình trong việc khai thác các phương thuốc để tạo thành sản phẩm đưa ra thị trường. Hiện nay, thuốc tắm người Dao trở thành sản phẩm nổi tiếng, một thương hiệu xuất hiện ở khắp nơi. Bên cạnh thuốc tắm, người Dao còn tự mình chiết xuất nhiều loạt thuốc khác như thuốc xoa bóp để chữa vết thương, thuốc để ngâm rượu, thuốc chữa viêm xoang, viêm họng hay thuốc bổ dành cho phụ nữ sau khi sinh... và đóng thành chai nhỏ đem bán ở các cửa hàng trong xã. Không chỉ vậy, họ còn thu hút được khách du lịch đến địa phương để nghỉ dưỡng và sử dụng tại chỗ, tạo nên thế mạnh trong phát triển dịch vụ du lịch tại nhà.

         Ứng dụng các tri thức dân gian trong thủ công nghiệp

         Thủ công nghiệp của người Dao khá đa dạng và phát triển, từ nghề rèn, làm đồ bạc, đan lát, may thêu... đến nổi tiếng nhất là thêu thổ cẩm. Phụ nữ Dao đều được mẹ dạy cho thêu thổ cẩm từ khi còn khá nhỏ. Trước đây, người Dao thêu thổ cẩm chủ yếu để phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình, rất ít khi đem ra trao đổi. Nhưng từ khi du lịch phát triển, đây trở thành mặt hàng được du khách yêu thích, hình thành nên một nghề sản xuất hàng hóa. Lúc đầu, họ chỉ sản xuất trong các gia đình và đem ra bán cho khách theo cách đi bán hàng rong. Năm 1998, câu lạc bộ thổ cẩm Tả Phìn được thành lập và ngày càng phát triển, thu hút thêm nhiều người tham gia. Ban quản lý câu lạc bộ tiêu thụ bằng cách gửi sản phẩm cho các cửa hàng ở nhiều nơi. Những nơi bán hàng lại xem xét thị hiếu của khách, thiết kế mẫu mới rồi chuyển về cho ban quản lý để phân công cho các thành viên sản xuất và nộp đúng thời hạn. Doanh thu trung bình hàng năm của câu lạc bộ lúc phát triển ổn định là khoảng 250 triệu đồng. Trong những năm đầu, do được các tổ chức tài trợ nên câu lạc bộ hoạt động khá hiệu quả. Nhưng vài năm gần đây, sự tiếp cận thị trường khó khăn khiến câu lạc bộ ngày càng hạn chế, doanh thu cũng giảm. Các thành viên ban quản lý phải mang hàng đi bán cho các cửa hiệu, nếu trừ chi phí đi lại thì khoản tiền thu được cũng không đáng kể.

         Ứng dụng các đặc trưng văn hóa tộc người vào phát triển kinh tế hàng hóa

         Người Dao ở Tả Phìn còn giữ được nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống tộc người đặc trưng từ ăn mặc, sản xuất đến lễ hội như tết truyền thống, lễ pút tòng, cấp sắc, đám cưới, đám tang... Trong mỗi hình thức lại chứa đựng cả một hệ thống tri thức dân gian về lịch sử, văn hóa tộc người. Với tính cách nhanh nhạy, cởi mở, họ rất biết cách thu hút du khách qua các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đó cũng là cơ sở cho việc phát triển dịch vụ du lịch tại nhà của người Dao. Tại đây, khách du lịch được cùng ăn, ở, trò chuyện với người bản địa để tìm hiểu về văn hóa. Chính vì vậy, dù cùng sinh sống trong một xã nhưng người Dao chiếm ưu thế hơn người Mông trong hoạt động du lịch tại nhà nhờ biết vận dụng tri thức văn hóa tộc người vào kinh doanh. Năm 2005, ở Tả Phìn chỉ có 3 gia đình người Dao tham gia hoạt động du lịch tại nhà. Đến năm 2014, con số này tăng lên 17 hộ, gấp gần 6 lần. Nguồn thu nhập từ hoạt động này khá lớn và giữ vị trí quan trọng đối với cuộc sống của những hộ gia đình tham gia.

         3. Hệ quả của quá trình vận dụng tri thức dân gian vào phát triển kinh tế hàng hóa của người Dao ở Tả Phìn

         Quá trình phát triển kinh tế thị trường nói chung và việc ứng dụng tri thức dân gian vào phát triển kinh tế hàng hóa nói riêng đã tạo điều kiện cho người Dao ở Tả Phìn đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế, xã hội, văn hóa. Qua những hoạt động đó, kho tàng tri thức dân gian của người Dao được bổ sung thêm nhiều yếu tố mới. Nền kinh tế phát triển nhanh, hiện đại hơn, đời sống vật chất được nâng cao, cải thiện đáng kể. Quá trình tiếp xúc, giao lưu văn hóa cũng làm cho nền văn hóa người Dao đa dạng, phong phú hơn. Nhiều đặc trưng văn hóa của họ được phổ biến để nhiều người biết tới. Người Dao cũng học tập được nhiều kinh nghiệm mới, tiếp nhận nhiều yếu tố văn hóa mới trong đời sống văn hóa cũng như hoạt động kinh tế.

         Tuy nhiên, bên cạnh đó, kinh tế thị trường đã tác động tiêu cực đến các yếu tố văn hóa truyền thống, làm mất mát, mai một nhiều tri thức dân gian. Nhiều ngành nghề thủ công truyền thống như rèn, làm đồ bạc đã bị hạn chế và mai một do không có khả năng cạnh tranh. Nhiều sinh hoạt văn hóa như lễ cấp sắc, pút tòng... cũng thay đổi và không còn giữ được vị trí, vai trò liên kết cộng đồng như trước nữa. Nhiều sản phẩm như thổ cẩm, thuốc tắm... vì chạy theo nhu cầu của thị trường nên cũng bị thay đổi chất lượng. Bên cạnh thị trường hóa văn hóa, còn có quá trình Kinh hóa lối sống, Tàu hóa hàng hóa, đã và đang tác động mạnh đến đời sống văn hóa người Dao hiện nay.

         Tri thức dân gian ở mỗi người trong một cộng đồng ở mức độ khác nhau, nên việc ứng dụng nó để phát triển kinh tế hàng hóa cũng đẩy nhanh quá trình phân hóa xã hội. Một bộ phận nắm được nhiều tri thức, nhanh nhạy trong tiếp cận thị trường đã nhanh chóng phát triển, hình thành nhóm ưu thế mới trong xã hội người Dao. Nhóm này mong muốn đưa các tri thức dân gian và yếu tố văn hóa truyền thống tộc người ra để phát triển kinh tế, cổ vũ cho sự hội nhập, giao lưu văn hóa. Trong khi đó, nhiều người do hạn chế về tri thức dân gian, tiếp cận thị trường nên bị tụt lại sau. Họ lo sợ sự giao lưu sẽ làm biến mất các yếu tố văn hóa truyền thống nên mong muốn hạn chế quá trình thị trường hóa văn hóa. Cũng từ đó mà hình thành nên những tiềm ẩn cho xung đột nhóm, xung đột tộc người.

         Trong quá trình phát triển kinh tế hàng hóa, người Dao đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường. Họ đến với thị trường qua vai trò trung gian của những người Kinh (và một số người nước ngoài), các tổ chức, quỹ phát triển. Họ thiếu vốn, kỹ năng và thông tin về thị trường. Nếu những hạn chế này được khắc phục thì sự phát triển của thị trường ở đây sẽ càng lành mạnh hơn, tạo điều kiện để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tộc người.

         Hiện nay, quá trình thị trường hóa đang tác động mạnh mẽ đến hầu hết các cộng đồng, dân tộc trên toàn thế giới. Sự phát triển của kinh tế thị trường đã và đang tác động mạnh mẽ, toàn diện đến nền văn hóa của các động đồng, tộc người. Gần như tất cả các mặt của đời sống văn hóa đều chịu ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực từ cộng đồng, trong đó có hệ thống tri thức dân gian.

         Người Dao ở Tả Phìn là một cộng đồng mới tiếp cận với kinh tế thị trường trong vài thập kỷ qua dưới ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa và sự phát triển của du lịch ở Sa Pa. Trong xã hội truyền thống, họ đã sáng tạo nên một hệ thống tri thức dân gian để phục vụ quá trình phát triển. Đó là những tri thức dân gian về rừng, nguồn nước, hệ sinh thái, chăm sóc sức khỏe, sản xuất kinh tế hay các thiết chế xã hội, nét văn hóa đặc trưng tộc người. Những tri thức dân gian này thể hiện trí tuệ cũng như lịch sử phát triển của cộng đồng, là một tài sản lớn, giữ vị trí quyết định trong cuộc sống của họ. Để phát triển nhanh hơn trong hoạt động kinh tế hàng hóa, người Dao đã khéo léo ứng dụng các tri thức dân gian của mình để tạo thành nguồn lực. Những tri thức dân gian đã được người dân vận dụng để tạo ra sản phẩm đem bán trên thị trường, thu hút khách du lịch, làm cơ sở để hình thành các hoạt động, dịch vụ du lịch. Từ đó, họ đã thu về được một nguồn lợi kinh tế không nhỏ, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của mình.

         Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế hàng hóa cũng tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của người Dao ở Tả Phìn. Nhiều sinh hoạt văn hóa bị biến đổi theo hướng tiêu cực, nhiều ngành nghề bị mai một, nhiều đặc trưng văn hóa tộc người bị đe dọa. Bên cạnh đó là sự hạn chế, phụ thuộc trong các hoạt động kinh tế, phân hóa đời sống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về xung đột nhóm và tộc người. Những vấn đề này cần phải được nghiên cứu kỹ càng và có những chính sách điều chỉnh hợp lý, để vừa phát triển được kinh tế, nâng cao đời sống, vừa bảo tồn, phát huy được đặc trưng văn hóa của người Dao.

         ______________

         1. Hà Hữu Nga, Tri thức bản địa và phát triển, tham luận hội thảo khoa học Nghiên cứu một số giá trị tri thức bản địa, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy để góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi, 30-12-2009.

         2. Trần Hồng Hạnh, Tri thức địa phương trong sử dụng thuốc nam của người Dao Đỏ (xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai), Tạp chí Dân tộc học, số 5-2002, tr.23-30.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 382, tháng 4-2016

Tác giả : BÚI MINH HÀO

;