TRI THỨC CỦA NGƯỜI CHỨT TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN RỪNG

Trong quá trình lao động, dân tộc Chứt ở khu vực biên giới Việt - Lào, nằm trên địa bàn hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, đạt được những thành quả ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong thế ứng xử văn hóa với môi trường tự nhiên. Người Chứt luôn vượt qua khó khăn, linh hoạt, có khả năng thích ứng văn hóa. Tùy theo điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái, dân tộc Chứt đã tích lũy được một kho tàng rất phong phú về tri thức dân gian trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên rừng. Đối với các cư dân miền núi, rừng có đóng góp to lớn đối với sinh kế, phúc lợi của họ như tạo thu nhập, công ăn, việc làm, cung cấp lương thực thiết yếu, giảm nhẹ những thiệt hại khi mùa màng thất bát.


Khái quát về dân tộc Chứt

Vùng miền núi các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh là mảnh đất hội tụ các nền văn hóa của gần 15 dân tộc cư trú, mỗi dân tộc mang một nét văn hóa độc đáo riêng. Sự đa dạng về điều kiện tự nhiên đã giúp đồng bào có khả năng thích ứng cao, sáng tạo trong cách thức sản xuất, có những ứng xử phù hợp trong đời sống sinh hoạt cộng đồng.

Dân tộc Chứt ở Việt Nam có khoảng 6.022 người, trong đó có 5 nhóm địa phương (Sách, Rục, Mày, A Rem, Mã Liềng), thuộc nhóm ngôn ngữ Việt Mường, ngữ hệ Nam Á, cư trú thành các bản. Do địa bàn cư trú là vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa nên đời sống của dân tộc Chứt ở Việt Nam gặp vô vàn khó khăn, trình độ dân trí thấp. Họ chủ yếu sống bằng nông nghiệp nương rẫy, nghề thủ công chủ yếu là đan lát, trong đời sống vật chất, tinh thần của họ thì yếu tố tự nhiên có vai trò đặc biệt quan trọng.

Tri thức địa phương về quản lý, sử dụng tài nguyên rừng

Hình thức quản lý tài nguyên rừng

Thứ nhất, tri thức trong phân loại rừng truyền thống.

Người Chứt phân rừng thành 3 loại: rừng thiêng, rừng già, rừng thứ sinh.

Rừng thiêng được coi là nơi cư ngụ của các vị thần linh thiêng, cũng là nơi xuất phát nguồn nước của sông, suối. Đồng bào thường gọi rừng thiêng với nhiều tên khác nhau. Rừng thiêng được bảo vệ bằng luật tục, cơ chế thiêng hóa. Theo quan niệm của đồng bào, không ai trong cộng đồng được tự tiện xâm phạm vào khu rừng này, nếu xâm phạm sẽ bị thần linh trừng phạt.

Rừng già là những khu rừng mà dân bản được phép phát rẫy, săn bắn, thu lượm. Đây chính là rừng sản xuất, nơi đất đai tươi tốt, các cá nhân, gia đình được khai thác tùy vào sức lực, nhân khẩu trong gia đình. Khi khai thác loại rừng này, đồng bào dựa vào những kinh nghiệm lâu đời, những chế tài được quy định bởi luật tục.

Rừng thứ sinh là những khu rừng hồi phục trên nền những diện tích rừng già đã phát rẫy. Trước đây, trong khoảng từ 3 - 5 năm thì những diện tích rừng già bị phát nương làm rẫy dần hồi phục lại độ che phủ cũng như độ màu mỡ của đất.

Thứ hai, tri thức trong quy định quyền sở hữu.

Ranh giới phân định vùng đất thuộc quyền quản lý của mỗi làng thường là sông suối, ngọn đồi hoặc khu đất mà dân cư trong làng đã sản xuất, khai thác ít nhất là một mùa rẫy. Ranh giới vùng đất thuộc quyền quản lý của mỗi làng thường mang tính ước lệ, không được quy định thành văn bản hoặc cột mốc cụ thể. Nó được xác lập bởi những người đầu tiên đến vùng đất mới lập làng hoặc do trưởng làng hoạch định. Những người có vai trò quan trọng trong làng (trưởng làng, hội đồng già làng, trưởng họ) có trách nhiệm chỉ rõ cho các thành viên khác trong cộng đồng biết về ranh giới đất đai của làng mình. Luật tục quy định quyền sở hữu cộng đồng nguồn tài nguyên rừng với những nội dung rất cụ thể.

Nguồn tài nguyên rừng (đất rừng, hệ động - thực vật…) thuộc quyền sở hữu chung, thuộc quyền quản lý của một chủ thể cao nhất, đó là cộng đồng làng. Đất rừng, tài nguyên rừng do toàn bộ cộng đồng sở hữu, được các thành viên sử dụng, khai thác. Các thành viên này được đối xử bình đẳng trong các quan hệ sử dụng đất của cộng đồng. Không ai được quyền bán hoặc chuyển nhượng đất rừng cho người ngoài. Khi một thành viên rời làng, quyền sử dụng đất cộng đồng của người đó chấm dứt.

Những vùng đất thuộc quyền sở hữu của làng chỉ có những thành viên trong làng mới được khai thác, sản xuất. Các thành viên khác làng nếu xâm phạm sẽ bị xử phạt theo quyết định của trưởng làng hoặc hội đồng già làng. Nếu thành viên trong làng xâm phạm ranh giới đất thuộc quyền quản lý của làng khác cũng sẽ bị phạt nặng. Những người ngoài đến khai thác các tài nguyên này phải được phép của trưởng làng hoặc hội đồng già làng.

Những quy định về quyền sở hữu cộng đồng đối với nguồn tài nguyên rừng được xem là cơ sở để các thành viên tiến hành khai thác, sản xuất. Những quy ước cộng đồng đi kèm theo những chế tài, đảm bảo tính thực thi trong sự vận hành của nền sản xuất vốn dĩ còn dựa quá nhiều vào khai thác những thứ có sẵn trong tự nhiên; đồng thời, duy trì một trật tự ổn định, ít gây ra những tranh chấp về quyền sở hữu trong cộng đồng làng hoặc giữa các cộng đồng với nhau.

Thứ ba, tri thức về nghĩa vụ, quyền lợi của cá nhân.

Trước đây, đối với dân tộc Chứt, toàn bộ đất đai, rừng núi, sông suối nằm trong phạm vi của làng đều thuộc làng quản lý, đó là tài nguyên chung cho tất cả mọi thành viên của cộng đồng. Có thể nói, trong xã hội cộng đồng người Chứt thì quyền cá nhân rất được coi trọng, gắn với sự đề cao, tôn trọng quyền khai phá, sử dụng đất đai đầu tiên. Việc xác lập quyền sở hữu những lâm sản rừng được thể hiện bằng cách đánh dấu, để người khác biết rằng đó là vật đã có chủ. Mặc dù hình thức chỉ thị sở hữu rất đơn giản, thậm chí mơ hồ, song nó lại được các cá nhân tuân thủ nghiêm ngặt, bởi ai vi phạm sẽ bị phạt nặng theo luật tục. Như vậy, có thể thấy toàn bộ các cá nhân trong cộng đồng làng của người Chứt đều tham gia vào quá trình quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên rừng.

Thứ tư, thiết chế quản lý tài nguyên rừng.

Với quy định tài nguyên rừng là tài sản chung của cả cộng đồng, làng được xem là chủ sở hữu chung của mọi nguồn tài nguyên rừng trong phạm vi quản lý. Mọi vấn đề liên quan đến phân chia quyền lợi của các thành viên trong làng đều phải tuân theo những quy định chung của làng.

Trường hợp xảy ra những tranh chấp với làng khác, các tổ chức điều hành của làng là người đại diện đứng ra giải quyết.

Những vấn đề liên quan đến khai thác tài nguyên rừng: địa điểm, thời gian, cách thức, các loại tài nguyên được khai thác đều phải tuân theo những quy định chung của làng. Nếu các thành viên trong cộng đồng vi phạm sẽ bị xử lý theo luật tục.

Hình thức sử dụng tài nguyên rừng

Thứ nhất, tri thức trong khai thác, sử dụng gỗ.

Trước đây, gỗ được khai thác thường xuyên, tự do mà không gặp phải sự ngăn cản từ phía chính quyền. Gỗ thường được lấy về để làm nhà ở, chuồng gia súc, đóng bàn ghế hay chế tác giường, tủ, công cụ lao động… Công việc khai thác gỗ không quá vất vả vì dân tộc Chứt sống chủ yếu gần rừng, dễ khai thác, vận chuyển. Để có thể khai thác các sản phẩm chất lượng, tiết kiệm được thời gian, họ có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm nắm bắt chu kỳ sinh trưởng của cây. Trước khi chặt, đồng bào phải quan sát xem để cây đổ hướng nào cho dễ vận chuyển. Mùa khai thác gỗ chủ yếu vào 5 tháng cuối năm âm lịch hàng năm, vì đây là thời điểm thân cây ít nước nên thường không bị mọt, nứt. Việc khai thác loại gỗ nào, chất lượng ra sao lại tùy theo mục đích sử dụng của các hộ gia đình. Công cụ khai thác gỗ chủ yếu là rìu, dao, cưa xẻ, hiện nay còn có thêm cưa máy. Khi lên rừng lấy gỗ làm nhà, đồng bào thường kiêng lấy cây cụt ngọn vì sợ sau này sẽ làm ăn không phát đạt, kiêng lấy cây có những dây leo quấn quanh thân vì theo họ đó là cây có ma, nếu lấy về coi như dẫn ma về nhà mình, kiêng lấy cây mọc hai cành đều nhau vì như vậy sẽ dẫn đến anh em bị chia rẽ.

Thứ hai, tri thức trong khai thác, sử dụng các sản phẩm phi gỗ.

Với dân tộc Chứt, việc khai thác các sản phẩm ngoài gỗ có vai trò khá quan trọng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Củi được sử dụng làm nguồn chất đốt chính trong đời sống hàng ngày. Họ thường vào rừng khai thác những cành cây khô bị gãy, những cành cây bị bỏ lại sau khi chặt các cây gỗ lớn. Đa số các loại cây trên rừng đều có thể làm củi, duy chỉ kiêng cây đa, cây gạo, vì theo quan niệm dân gian thì hai loại cây này là nơi cư trú ngụ của ma, nếu lấy về, sẽ gặp rủi ro. Đồng bào đi lấy củi hàng ngày chứ không thể theo mùa cố định, đặc biệt là vào những ngày nông nhàn, họ kiếm củi về tích trữ, phòng khi mưa lũ. Các đối tượng vào rừng lấy củi thường là phụ nữ, trẻ em, đàn ông cũng tham gia vào hoạt động này nhưng không nhiều, tùy từng thời điểm, ngoài ra họ còn mang củi đi bán.

Thứ ba, tri thức trong săn bắn.

Săn bắn thường diễn ra vào tháng 1, 2, là thời điểm nông nhàn. Trước đây, người Chứt tổ chức săn bắn tập thể, thu hút nhiều thanh niên trai tráng, người già trong làng tham gia. Hình thức săn bắn tập thể có hai kiểu là săn đón, săn vây. Hình thức săn đón được tiến hành bằng cách chia nhóm thợ săn thành hai tốp, một tốp đuổi con thú đến một địa điểm đã định trước để tốp còn lại dùng bẫy, giáo, mác, cung tên bắn chết hoặc bắt sống. Săn vây là cả nhóm thợ cùng vây bắt một con thú. Hình thức săn tập thể thường diễn ra vào một thời điểm nhất định trong năm, săn những con thú lớn. Hình thức săn bắn cá nhân cũng rất phổ biến, được tiến hành thường xuyên. Tuy nhiên hình thức này chỉ để săn những con thú nhỏ, chủ yếu dùng cung tên, nỏ, đặt bẫy. Người Chứt sử dụng các loại bẫy như bẫy đâm, bẫy đạp, bẫy thắt, bẫy nhốt, bẫy kẹp… Quy ước của các thợ săn cũng nêu rõ không săn thú còn nhỏ, mang thai, đi theo bầy đàn. Đặc biệt đối với chim thú sống theo bầy đàn, người Chứt nghiêm cấm việc quây bắt cả đàn, cả bầy. Vì vậy trong hệ thống bẫy thú của họ cũng không có các kiểu bẫy đàn. Sau khi kết thúc cuộc đi săn, sản phẩm được chia đều cho các thành viên trong đoàn, cho cả cộng đồng. Hiện nay, hình thức săn bắn tập thể đã mai một, chỉ còn tồn tại hình thức săn bắn đơn lẻ, chủ yếu là bẫy các loại chim thú phá hoại mùa màng.

Phát huy vai trò hệ tri thức bản địa của dân tộc Chứt

Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn, chúng tôi đưa ra một số vấn đề nhằm bảo tồn, phát huy giá trị thực tiễn của tri thức bản địa về quản lý nguồn tài nguyên rừng của dân tộc Chứt tại Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Quản lý, sử dụng tài nguyên rừng bền vững gắn với đặc điểm truyền thống văn hóa. Cần phải tăng cường sự tham gia của đồng bào trong xây dựng kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất đai, bảo vệ các nguồn lợi của rừng. Kết hợp chặt chẽ, khoa học phương thức quản lý nhà nước bằng pháp luật, phương thức quản lý cộng đồng bằng luật tục, tạo thành mẫu số chung trong mô hình quản lý tài nguyên rừng có hiệu quả, dựa trên cơ chế phân quyền rõ ràng, cụ thể hơn. Đồng thời, đánh giá đúng vai trò của các bên liên quan, tôn trọng, đề cao vai trò của các trưởng làng, trưởng họ trong quản lý tài nguyên rừng, hạn chế tối đa sự tách rời, chồng chéo giữa các phương thức quản lý tài nguyên rừng.

Bảo tồn, phát huy hệ thống tri thức bản địa của đồng bào trong vấn đề quản lý, sử dụng tài nguyên rừng trong bối cảnh hiện nay. Kết hợp tri thức bản địa của đồng bào với tri thức khoa học hiện đại cũng có nghĩa là chuyển tải được những kinh nghiệm quý của đồng bào trong vấn đề quản lý tài nguyên rừng vào mô hình quản lý hiện nay.

Trong việc thực hiện các chương trình dự án trồng rừng, song song với việc hỗ trợ đồng bào về kỹ thuật, kỹ năng quản lý, nguồn vốn vay, cần cung cấp thông tin thị trường cho đồng bào để họ có thể nhận được giá trị kinh tế cao của rừng trồng. Đảm bảo đầu ra cho sản phẩm từ rừng, tránh tình trạng thay đổi liên tục cơ cấu rừng trồng do sự bất ổn của thị trường. Việc làm giàu, phát triển rừng cũng cần quy hoạch nhiều loài cây để tăng cường tính đa dạng sinh học của rừng.

Xác định chiến lược sinh kế bền vững cho đồng bào nhằm giảm áp lực khai thác nguồn lợi từ rừng. Hiện nay, chiến lược sinh kế của đồng bào đang có xu hướng ít phụ thuộc vào rừng. Tuy nhiên, trong bối cảnh tài nguyên rừng đang suy giảm, cần phải có biện pháp để giảm hơn nữa áp lực khai thác tài nguyên rừng. Tận dụng tối đa những nguồn lực đầu tư hiện có tại địa phương để nâng cao kiến thức khoa học, kỹ thuật cho đồng bào thông qua các hoạt động tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất điển hình để nhân rộng.

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền một cách hiệu quả, nhằm giúp đồng bào nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của rừng; về tình trạng suy thoái tài nguyên; trách nhiệm, quyền lợi của người dân đối với rừng; chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý rừng; các quy định pháp lý của Nhà nước đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng trên cơ sở đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, chú trọng văn hóa truyền thống, tri thức bản địa của đồng bào.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016

Tác giả : ĐẶNG THÁI SƠN

;