Trao giải và khai mạc Triển lãm Cuộc thi vẽ tranh Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa lần thứ I - năm 2023

Sáng 16-1, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã tổ chức Lễ trao giải và khai mạc Triển lãm Cuộc thi vẽ tranh Di sản Văn hóa Việt Nam qua hội họa lần thứ I - năm 2023.

Sau hơn 4 tháng triển khai, Ban Tổ chức Cuộc thi đã nhận được 839 tác phẩm của 494 tác giả từ 55 tỉnh, thành phố trong cả nước gửi về tham dự. Hội đồng Giám khảo, Ban Tư vấn nội dung di sản văn hóa đã tổ chức chấm sơ khảo, chung khảo, thẩm định nội dung về di sản văn hóa từ ngày 10-11 đến 5-12-2023. Với phương thức bỏ phiếu kín qua nhiều vòng, Hội đồng Giám khảo đã chọn được 100 tác phẩm vào vòng Chung khảo, trong đó có 30 tác phẩm đạt giải gồm: 1 giải xuất sắc; 1 giải Nhất; 2 giải Nhì; 4 giải Ba và 22 giải khuyến khích.

Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc thi, PGS, TS Đỗ Văn Trụ phát biểu tại Lễ trao giải - Ảnh: Nguyễn Trung

Phát biểu tại Lễ trao giải, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc thi, PGS, TS Đỗ Văn Trụ cho biết, di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Cách đây 79 năm, tại Sắc lệnh số 65/SL ngày 23-11-1945 về bảo tồn cổ tích, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bảo tồn cổ tích là công việc rất quan trọng và cần thiết trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”.

“Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là trách nhiệm của tất cả các tổ chức và cá nhân trong xã hội. Trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, đòi hỏi phải luôn năng động, sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức, biện pháp hoạt động, làm cho tình yêu di sản văn hóa, ý thức trách nhiệm đối với di sản văn hóa ngày càng lan tỏa, thấm sâu, nâng cao trong toàn xã hội” - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhấn mạnh.

Từ nhận thức đó, sau một thời gian dài chuẩn bị bài bản, khoa học, kỹ lưỡng về mọi mặt, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã chính thức phát động Cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” lần thứ I - năm 2023 trong toàn quốc từ ngày 18-5 đến ngày 30-9-2023.

Đại biểu tham dự buổi lễ

PGS, TS Đỗ Văn Trụ cho biết, Cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa lần thứ I - năm 2023” được thực hiện hoàn toàn từ nguồn kinh phí xã hội hóa, là một sân chơi rộng rãi, bổ ích, bình đẳng dành cho những người yêu di sản văn hóa, yêu hội họa trong cả nước, khuyến khích các họa sĩ trẻ, sinh viên các trường đại học mỹ thuật, cao đẳng mỹ thuật, các trường văn hóa nghệ thuật trong nước và cả sinh viên, học sinh Việt Nam ở nước ngoài.

Sau hơn 4 tháng triển khai, Ban Tổ chức Cuộc thi đã nhận được 839 tác phẩm của 494 tác giả từ 55 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó đối tượng tham dự có cả nam và nữ, người dân tộc, họa sĩ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp. Tác giả cao tuổi nhất là 84 tuổi, tác giả trẻ nhất là 9 tuổi. Tác giả có bài dự thi nhiều nhất là 8 tác phẩm.

“Hầu hết các tác phẩm dự thi đều bám sát chủ đề Cuộc thi, phản ánh những nét hay, nét đẹp, nét độc đáo trong kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng của đất nước, gồm nhiều loại hình về di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể” – Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ đánh giá.

PGS, TS Đỗ Văn Trụ cũng cho biết, bên cạnh sự phong phú về số lượng, các tác phẩm dự thi còn phản ánh tính đa dạng về thể loại, chất liệu như sơn dầu, acrylic, sơn mài, khắc gỗ, tổng hợp. Nhiều nhất trong số này là acrylic với 319 tác phẩm, chiếm hơn 1/3 số tác phẩm dự thi. Tác phẩm có kích thước lớn nhất là 3,8m x 2,6m. Nhiều tác phẩm rất công phu cả về ý tưởng, nội dung, phương pháp thể hiện.

Lễ cắt băng khai mạc triển lãm 100 tác phẩm tiêu biểu của cuộc thi

Hội đồng Giám khảo Cuộc thi gồm các họa sĩ chuyên nghiệp, lâu năm, có uy tín và nhiều kinh nghiệm đã làm việc nghiêm túc, khách quan, công tâm qua 2 vòng sơ khảo và chung khảo.

Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam khẳng định, Cuộc thi vẽ tranh “Di sản Văn hóa Việt Nam qua hội họa” lần thứ nhất năm 2023 đã thành công tốt đẹp về nhiều mặt, vượt dự kiến ban đầu, để lại nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích.

Cùng với việc tổ chức trưng bày 100 tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Hội Di sản Văn hóa Việt Nam biên tập và xuất bản cuốn sách “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa lần thứ I, năm 2023” giới thiệu một số tài liệu, hình ảnh về Cuộc thi và 100 tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo, kèm theo những thông tin ngắn gọn về tác giả, tác phẩm.

“Từ tình hình và kết quả của Cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa lần thứ I - năm 2023”, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam dự định sẽ tổ chức cuộc thi định kỳ 2 năm một lần. Cuộc thi tiếp theo sẽ được thực hiện vào năm 2025 với cơ chế, cơ cấu giải thưởng và trị giá giải thưởng như Cuộc thi lần này”- PGS, TS Đỗ  Văn Trụ cho biết.

Họa sĩ Lại Lâm Tùng đoạt giải Xuất sắc với tác phẩm "Lễ hội Khmer ở Cà Mau"

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi, họa sĩ Lê Huy Tiếp cho biết, Cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa lần thứ I - năm 2023” đã thu hút được số lượng lớn tác phẩm tham dự. Các tác phẩm được thể hiện bằng nhiều chất liệu từ sơn mài, sơn dầu, khắc gỗ, khắc kẽm, khắc đồng… Vì thế, Hội đồng nghệ thuật đã phải bỏ phiếu kín qua nhiều vòng để lựa chọn ra các tác phẩm vào vòng chấm giải và triển lãm.

Về tiêu chí đánh giá của hội đồng nghệ thuật và Ban tổ chức, họa sĩ Lê Huy Tiếp cho rằng, tác phẩm phải có cái mới, sự sáng tạo, đồng thời không thể thiếu những yếu tố cốt lõi của chuyên ngành là tạo hình. Nội dung của tác phẩm phải nêu bật được vẻ đẹp của di sản văn hóa vật thể và phi vật  thể.

Theo họa sĩ Lê Huy Tiếp, Cuộc thi này đã thành công, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tổ chức, nên còn nhiều họa sĩ e ngại, chưa có sự đầu tư về thời gian và chất lượng, vì thế các tác phẩm về đồ họa chiếm phần lớn. “Với sự tham gia tích cực của các họa sĩ, đặc biệt là các họa sĩ trẻ, tôi cho rằng cuộc thi lần thứ 2 trong thời gian tới sẽ thu hút đông đảo và có sức lan tỏa hơn nữa. Đến với cuộc thi, các tác giả không chỉ là tham dự giải và triển lãm, mà còn là sự tự hào của thế hệ trẻ về di sản văn hóa Việt Nam” - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi, họa sĩ Lê Huy Tiếp nhấn mạnh.

Tác phẩm "Lễ hội Khmer ở Cà Mau" đoạt giải Xuất sắc (phía trên) - Ảnh: Nguyễn Trung

Là tác giả đoạt giải Xuất sắc với tác phẩm Lễ hội Khmer ở Cà Mau, họa sĩ Lại Lâm Tùng đã chia sẻ cảm xúc tại buổi lễ, ông cho biết: “Tôi rất vui khi tác phẩm đoạt giải Xuất sắc trong cuộc thi. Tác phẩm này là quá trình tích lũy của tôi về di sản văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa cổ. Là người con miền Bắc, nhưng tôi đã gắn bó với mảnh đất Nam Bộ từ khi còn tấm bé, nên văn hóa của vùng đất này đã thấm đẫm vào con người tôi. Để cho ra đời bức tranh Lễ hội Khmer ở Cà Mau, tôi đã tìm kiếm tư liệu trong vòng một tháng, thực hiện tác phẩm trong 8 tháng. Ngoài việc đưa đến người xem về văn hóa, kiến trúc của người Khmer Nam Bộ, tôi muốn giới thiệu đến khán giả lễ hội văn hóa Sene Dolta, lễ báo hiếu cha mẹ hằng năm của đồng bào Khmer. Thông điệp mà tôi muốn gửi gắm trong tác phẩm, ngoài việc gìn giữ văn hóa cổ, mỗi người con phải biết trân trọng, yêu thương và gìn giữ tình cảm đối với người thân trong gia đình”.

Sau lễ trao giải, ban tổ chức tiến hành cắt băng khai mạc Triển lãm Cuộc thi vẽ tranh Di sản Văn hóa Việt Nam qua hội họa lần thứ I năm 2023. 100 tác phẩm tiêu biểu của cuộc thi được triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 16 đến 21-1.

NGỌC BÍCH

;