Năm 2024: Đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng các chương trình nghệ thuật

Chiều 13-1, tại Bắc Giang, Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Nghệ thuật biểu diễn năm 2023, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông dự và chủ trì Hội nghị.

Cùng dự Hội nghị còn có: Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly; Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương; Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang Trương Quang Hải; cùng lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật, nhà hát thuộc Bộ VHTTDL và các địa phương.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì Hội nghị

Báo cáo tóm tắt công tác Nghệ thuật biểu diễn năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly cho biết, năm 2023, ngành Nghệ thuật biểu diễn đã chủ động triển khai, tổ chức thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ quản lý nhà nước cũng như công tác phát triển sự nghiệp do Chính phủ, Bộ VHTTDL và UBND các tỉnh/thành phố giao; phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; xây dựng các hoạt động văn hóa, hoàn thành các chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phối hợp với các Sở VHTT, Sở VHTTDL trên toàn quốc thực hiện tham mưu cho lãnh đạo Bộ VHTTDL và UBND cấp tỉnh trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành công tác quản lý nhà nước và phát triển sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn trên phạm vi toàn quốc và trong phạm vi địa phương nhằm tạo cơ sở pháp lý để các Sở/ngành, các đơn vị nghệ thuật, các tổ chức cá nhân hoạt động, phát triển đạt kết quả tốt.

Nhiều văn bản đã và đang hoàn thiện như: xây dựng Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị định về hoạt động văn học; xây dựng Nghị định về chế độ, chính sách đối với nghệ sĩ; xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 15/2013/TT-BVHTTDL ngày 24-12-2013 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của hội đồng nghệ thuật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; xây dựng Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc Sở VHTTDL, Sở VHTT...

Về công tác cải cách hành chính được thực hiện đồng bộ các biện pháp, trọng tâm là cải cách TTHC; thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại cơ quan; triển khai cung cấp 100% TTHC mức độ 4 lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn được giao quản lý; triển khai hiệu quả việc quản lý văn bản Voffice đến và đi trên môi trường điện tử; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn tới các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các tỉnh, thành phố, các đơn vị, tổ chức hoạt động thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn...

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của khối các cơ quan, đơn vị Trung ương, thực hiện thẩm định, chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật xây dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị do lãnh đạo Bộ giao. Các đơn vị nghệ thuật trung ương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ và lãnh đạo Cục giao, điều động biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ đồng bào, chiến sĩ vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo trên cả nước. Công tác biểu diễn giao lưu đối ngoại được các đơn vị nghệ thuật tổ chức thực hiện tốt đặc biệt là các chương trình nghệ thuật phục vụ đón các nguyên thủ sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly báo cáo tóm tắt công tác Nghệ thuật biểu diễn 2023, phương hướng nhiệm vụ 2024

Tính đến 1-12-2023 theo số liệu báo cáo của 12 đơn vị nghệ thuật Trung ương: tổ chức dàn dựng 410 chương trình, vở diễn; sửa chữa, nâng cao 136 chương trình, vở diễn; 5306 buổi biểu diễn; số kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt 107.177.341.000 đồng...

Quyền Cục trưởng Trần Ly Ly nhấn mạnh, năm 2023, ngành Nghệ thuật biểu diễn đã cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong Kế hoạch và nhiệm vụ đột xuất do Bộ, UBND cấp tỉnh phân công; công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và văn học tiếp tục được thực hiện có hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các Sở VHTTDL/Sở VHTT, các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương để tăng cường có hiệu quả công tác quản lý nhà nước; các đơn vị nghệ thuật từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp có chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật trên cả nước; thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14-12-2020 của Chính phủ; công tác thẩm định, chấp thuận biểu diễn nghệ thuật được thực hiện đúng quy trình, kiểm duyệt chặt chẽ về nội dung, hình thức; công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các sở/ngành chức năng được thường xuyên thực hiện nhằm hạn chế, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời nếu có sai phạm.

Các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tích cực xây dựng chương trình, tiết mục, vở diễn mới để tham gia các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật do Bộ VHTTDL, các Hội nghề nghiệp và UBND cấp tỉnh tổ chức.

Công tác định hướng phát triển nghệ thuật đối với các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc được coi trọng. Hầu hết các đơn vị nghệ thuật đều chuyển biến tích cực trong việc lựa chọn, dàn dựng tác phẩm. Hoạt động sáng tạo và quản lý tác phẩm văn học đã đi vào thực chất hơn, phản ánh những vấn đề mà xã hội đang cần, hướng cho khán giả các giá trị chân, thiện, mỹ, từng bước nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Quyền Cục trưởng Trần Ly Ly cũng cho biết, bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại và khó khăn, cụ thể, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật truyền thống ở địa phương, hợp nhất các đơn vị nghệ thuật chuyển sang hình thức ngoài công lập vào Trung tâm văn hóa, thành một đầu mối đã phát sinh những bất cập khiến nhiều địa phương lúng túng trong định hướng hoạt động. Chức năng nhiệm vụ của Trung tâm văn hóa và các đơn vị nghệ thuật có những điểm chung nhưng cũng có những điểm khác biệt, đặc thù nên sẽ có nhiều ảnh hưởng tới việc xây dựng các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao phục vụ nhân dân.

Toàn cảnh Hội nghị

Về xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ diễn viên kế cận: Cơ sở vật chất chưa đảm bảo, chưa được đầu tư đúng mức, các rạp hát, địa điểm biểu diễn có sẵn hiện xuống cấp không thể khai thác, sử dụng, gây khó khăn trong việc biểu diễn, luyện tập, làm việc; Các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt đối với nghệ thuật truyền thống gặp khó khăn trong việc tuyển chọn, đào tạo diễn viên, nhạc công kế cận; Nguồn nhân lực còn hạn chế về số lượng, chất lượng chuyên môn, nguồn nhân sự chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội, chưa đủ sức thu hút đông đảo khán giả, các tác phẩm nghệ thuật mới chưa được đầu tư lớn trong công tác dàn dựng trước khi biểu diễn trước công chúng. Quá trình thực hiện và đổi mới cơ chế chính sách đặc thù cho nghệ sĩ còn chậm, bất cập dẫn đến người lao động có tâm lý chán nản, không thực sự toàn tâm, toàn ý với nghề. Mức đầu tư kinh phí đầu tư của địa phương cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật còn hạn hẹp, khiến các đơn vị nghệ thuật gặp khó khăn trong hoạt động.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Quyền Cục trưởng Trần Ly Ly cho biết, cơ quan quản lý trung ương và địa phương tiếp tục tăng cường phối hợp hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước để tiếp tục lặp lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên toàn quốc; ngăn chặn, hạn chế tối đa các sai phạm còn tồn tại trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Tập trung nguồn lực để xây dựng, hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng các đề án làm cơ sở triển khai thực hiện nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và thúc đẩy sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn tiếp tục phát triển.

Tiếp tục chỉ đạo và định hướng nghệ thuật đối với các đơn vị nghệ thuật để sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật, phản ánh chân thực những vấn đề nóng của xã hội; định hướng thẩm mỹ cho khán giả, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong thời kỳ mới.

Tăng cường hơn nữa việc giao lưu quan hệ quốc tế trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn để quảng bá các giá trị độc đáo của nghệ thuật truyền thống Việt Nam với bạn bè quốc tế, tiếp thu tinh hoa nghệ thuật của các nước trên thế giới để tiếp tục xây dựng và phát triển nền nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ưu tiên đặc biệt cho các đơn vị nghệ thuật địa phương trong giao lưu nghệ thuật biểu diễn với các nước trong khu vực và thế giới.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Sở VHTTDL, VHTT địa phương đã phát biểu và kiến nghị về chính sách đặc thù đối với đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn sân khấu truyền thống; công tác đào tạo, thu hút nguồn lực, đội ngũ kế cận…

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông ghi nhận, trong năm qua, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã đạt được nhiều thành tựu, và có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, sự quan tâm của các địa phương đối với lĩnh vực này.

Cũng theo Thứ trưởng, năm 2023, văn hóa đối ngoại của Việt Nam đạt nhiều thành tựu, trong đó có sự đóng góp của nghệ thuật biểu diễn với các đoàn nghệ thuật của Việt Nam tháp tùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các chuyến công tác ở nước ngoài. Các chương trình đã quảng bá hiệu quả bản sắc văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, các đơn vị, nhà hát cần quan tâm nâng cao chất lượng các chương trình, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đồng thời gìn giữ và quảng bá được bản sắc, truyền thống văn hóa Việt Nam.

Thứ trưởng cho rằng, chất lượng của các chương trình kỷ niệm các sự kiện lớn của Đảng, đất nước cần được nâng cao hơn nữa và cần có nhiều tác phẩm xứng tầm.

Về việc sáp nhập các đoàn nghệ thuật tại các địa phương, Thứ trưởng cũng đề nghị các Sở VHTT, Sở VHTTDL địa phương rà soát và tham mưu trong công tác quản lý trên tinh thần sáp nhập tinh gọn nhưng phải giữ được tính chuyên nghiệp. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị các sở địa phương tham mưu nhiều hơn nữa về chính sách đặc thù và cần giữ mối liên hệ chặt chẽ với Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Thứ trưởng mong muốn, các địa phương cần có sự kết nối đối với những loại hình nghệ thuật có tính tương đồng để xây dựng các đề án bảo tồn, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tuy nhiên cũng cần có tính đặc thù chuyên biệt.

"Tôi mong muốn, trong năm tới có sự liên kết chặt chẽ của các địa phương trong bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống. Ví dụ bảo tồn Chèo là sự kết nối của các tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ; bảo tồn Đờn ca tài tử, Cải lương của các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long... Khi có các đề án, Bộ VHTTDL sẽ xem xét đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa"- Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn cần có kế hoạch sớm và phối hợp với các địa phương trong việc triển khai những hoạt động, liên hoan định kỳ tổ chức trong năm 2024.

NGỌC BÍCH - Ảnh: ĐÌNH TOÁN

 

;