Trần Nam Tước - Tiếp sức sống mới cho linh thú xưa

Gắn bó với công việc tạo tác linh thú đến nay đã 32 năm, nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Trần Nam Tước luôn cẩn trọng trong từng khâu phục dựng hiện vật cổ. Còn đối với những sáng tác mới, dù lấy quan niệm tạo hình dân gian làm cơ sở, nhưng ông vẫn luôn theo đuổi phong cách tự do, phóng khoáng, đầy mới lạ.

Dòng suy tưởng về nguồn cội Hồng Bàng thể hiện qua 3 tác phẩm Biết đâu nguồn cội, Thiên đô long mệnhBách noãn Hồng Bàng - Ảnh: Nam Dương

Rong ruổi tìm kiếm bản ngã 

NNƯT Trần Nam Tước, tên thật là Trần Xuân Triều, sinh ra trên mảnh đất Kiến Xương, Thái Bình giàu truyền thống văn hóa. Những ngày tháng thơ ấu, ông thường hay đắp những con linh thú từ đất, để chơi cùng với chúng bạn. Những con giống đất tuy thô sơ, chưa được cầu kì, tỉ mỉ, nhưng nhờ đó đã ươm mầm nên một Trần Nam Tước say mê với nghệ thuật tạo tượng sau này.

Cũng giống bao đứa trẻ ở những làng quê khác, ông cũng lớn lên từ những câu chuyện truyền thuyết, cổ tích của những cụ cao niên trong làng kể lại. Không biết từ bao giờ, những câu chuyện ấy đã thấm nhuần vào trong con người ông. Và đó cũng là kim chỉ nam định hướng cho phong cách sáng tạo nghệ thuật trong ông sau này - tiếp thu những chất liệu dân gian vào trong tác phẩm nghệ thuật hiện đại. 

Để nâng cao tay nghề, ông quyết định chuyển lên sinh sống và lập nghiệp tại làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Và tại nơi “đất lành chim đậu” này, thương hiệu Trần Nam Tước đã dần được khẳng định và có vị thế nhất định trong lòng những người yêu gốm sứ. 

 Tác phẩm Ngựa chầu - Ảnh: Nam Dương

Ông tâm niệm, để có thể làm nên thương hiệu của riêng mình, cần phải tránh xa sao chép tiền nhân. Nếu là phục dựng, trùng tu, ông khắt khe trong từng công đoạn, để sao cho bản phục dựng giống với hiện vật gốc nhất có thể. Còn nếu không phải trùng tu, phục dựng, ông phải cho sản phẩm của mình một đời sống mới, phản ánh được thời đại mà nó được tạo ra. Song, để ra hồn linh vật Việt, ông vẫn phải căn cứ vào quan niệm tạo hình mà các cụ truyền lại. Bởi với ông, người thợ làm nghề - cũng đồng thời là một người góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, cần có ý thức dân tộc, phải làm sao để người xem nhận ra được hồn cốt của dân tộc mình trên từng tác phẩm, mà không lai tạp với dân tộc nào khác. 

Đơn cử như với loài rồng, nghệ nhân Trần Nam Tước không đi theo mô-típ Trung Hoa mắt quỷ, sừng nai, tai chó, trán lạc đà như nhiều hộ sản xuất hiện nay. Thay vào đó, ông đã kế thừa thừa quan niệm của dân gian về hình tượng rồng - nhất điểu, nhìn ngư, tam xà, tứ tượng để đưa vào trong tác phẩm của mình. Vì vậy, rồng của nghệ nhân Trần Nam Tước có mắt, cánh, bàn chân, móng chân của loài đại bàng, thân hình uốn lượn giống với loài rắn lại kết hợp vảy cá, cùng với đôi nanh giống với ngà voi và mũi vươn dài tựa vòi voi. Theo nghệ nhân Trần Nam Tước đoán định, phải chăng dân gian xưa xây dựng hình tượng như vậy là vì nơi cư trú, sinh hoạt của 4 loài vật ấy hội tụ đủ các không gian địa lý: trên trời, dưới mặt đất, dưới nước, bao hàm cả yếu tố âm và dương. Chim đại bàng đại diện cho bầu trời. Loài cá bơi vẫy vùng dưới nước, dẫn lối qua mọi ngóc ngách để tìm về long mạch. Loài voi - đại diện cho sức mạnh và rắn - đại diện cho trí khôn đều sinh sống trên mặt đất. Rồng phương Đông thường không có cánh, nhưng với tạo hình của Trần Nam Tước, thân hình của rồng kết hợp với đôi cánh tựa như tiên, khiến người xem liên tưởng đến sự hòa hợp, giao phối giữa rồng và tiên trong truyền thuyết người Việt sinh ra bọc trăm trứng. Sinh vật trông thật lạ mắt ấy, nếu bóc tách từng chi tiết, hóa ra lại thật quen thuộc. 

 Tác phẩm Níu - Ảnh: NVCC

Ấn tượng với các tác phẩm nghệ thuật của NNƯT Trần Nam Tước, nhà văn Hoàng Quốc Hải nhận thấy: “Các tác phẩm, đặc biệt là những linh thú đem đến cho người xem cảm giác vừa quen vừa lạ. Quen là bởi chúng đều mang hồn dân tộc, lạ là bởi sức sáng tạo không ngờ của tác giả.”

Thổi hồn mới vào trang sử cũ 

Là một người con của miền biển Thái Bình, nghệ nhân Trần Nam Tước say mê với những câu chuyện về những vị thần, thánh bảo trợ cho ngư dân miền biển. Trong kho tàng huyền thoại Việt Nam, ông đã tìm thấy hình tượng Quan Âm trụ long quá hải. Ngài rất được ngư dân ven biển kính ngưỡng, phụng thờ, với mong ước được phù trợ, bảo hộ những chuyến giăng buồm ra khơi. Dựa trên ý tưởng về tích truyện ấy, Người con của Rồng ra đời nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tổng thể là hình tượng đầu rồng với tư thế vững chãi đang vươn lên. Ngự trên cao nhất là Quan Âm Bồ Tát cứu vớt, phổ độ tất thảy chúng sinh bên dưới được an lạc, vượt qua tai ương. Bên trong hàm rồng là pho tượng Lý Công Uẩn với nhân dạng một vị thiền sư đang trong tư thế tọa thiền, gợi nhớ về những tháng ngày trước khi đăng cơ của ông. Theo Thiên Nam ngữ lục (soạn vào thời Hậu Lê), từ thuở bé, vị vua đầu triều Lý đã được đức từ mẫu là bà Phạm Thị ẵm lên chùa nương nhờ bóng Phật. Quá trình tu học, trưởng thành của ông từ đó cũng gắn liền với chốn thiền môn. Đồng thời, sự hài hòa giữa hình tượng Quan Âm - đại diện cho Phật giáo và rồng - biểu tượng của bậc đế vương, đã khẳng định mối quan hệ mật thiết của đạo Phật với hoàng tộc triều Lý. Người con của rồng thường gợi cho người ta nghĩ tới bậc thiên tử, tức vua. Thế nhưng nhìn rộng ra, rồng cũng là biểu tượng chung cho văn hóa của nhiều quốc gia Đông Á, trong đó có Việt Nam. Vì thế, tác phẩm đồng thời phản ánh nền văn hóa Việt Nam ta từ bao giờ nay đã hòa quyện với tinh thần từ bi, hỉ xả của đạo Phật. 

Tác phẩm Người con của Rồng, ra mắt nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh Nam Dương

Là một người nghệ nhân sống giữa thời đại của sự hội nhập và giao lưu văn hóa quốc tế mạnh mẽ, Trần Nam Tước luôn trăn trở, liệu rằng thế hệ trẻ hiện nay có còn nhận diện được đâu mới thực sự là bản sắc của dân tộc mình. Vì thế, vang lên trong tâm thức ông luôn là câu hỏi “Biết đâu nguồn cội”. Câu hỏi lớn ấy cũng chính là tên tác phẩm có dáng hình tựa quả trứng được ông sáng tác dựa trên cảm hứng từ truyền thuyết Lạc Long Quân, Âu Cơ. 

Những hiện vật gốm sứ trưng bày trong bảo tàng, người xem chỉ có thể chiêm ngưỡng từ một khoảng cách nhất định. Còn với sáng tác của Trần Nam Tước, ta lại có thể trực tiếp tương tác với tác phẩm qua những chiếc chuông. Những hồi chuông ngân lên từ bọc trăm trứng, thức tỉnh mỗi người nhớ về cội nguồn, những truyền thống quý báu của dân tộc qua dòng chảy truyền thuyết được khắc họa bên ngoài vỏ quả trứng. Ở đó, ta biết được ông cha mình sinh ra từ bọc trăm trứng, từ Cha Rồng, Mẹ Tiên. Ta được tiếp thêm lòng quả cảm, sức mạnh từ anh hùng Gióng đánh thắng giặc Ân, và ý chí quyết tâm từ Mai An Tiêm vượt qua cuộc sống nơi đảo hoang, nhờ tìm ra giống cây trồng mới. Và quan niệm về trời - đất, âm - dương được hình tượng hóa, gói gọn trong chiếc bánh chưng, bánh giầy do Lang Liêu tạo ra,…

 Tượng Long ngư hiện đang lưu giữ tại Lăng Gia Long (Thừa Thiên Huế). Ảnh Nam Dương

Tiếp nối dòng cảm xúc đó, 2 tác phẩm lấy cảm hứng từ trang sử vàng dưới thời Lý, thời Trần. Thiên đô long mệnh lưu dấu 2 sự kiện quan trọng bậc nhất dưới triều Lý. Hình ảnh Chiếu rời đô được đắp nổi, ghi lại dấu mốc Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La (nay là Hà Nội). Kế tiếp là hình ảnh Lý Thường Kiệt đọc bài thơ thần Nam Quốc sơn hà, áng văn được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta. Và Bách noãn Hồng Bàng nổi bật với 4 chữ Đông A Phật Thánh. Đông A là hình thức chiết tự đầy tính ẩn dụ trong Hán văn. Chữ Trần (陳) được cấu thành từ hai thành phần là Đông (東) và A (阿). Nhà Trần là triều đại duy nhất sinh ra được cả Phật và Thánh trong hoàng tộc là Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Thật khó để liệt kê hết chân dung của những người con ưu tú của đất Việt trong một tác phẩm. Bởi thế, bên trong Bách noãn Hồng Bàng lại chứa hàng trăm quả trứng rồng. Để từ truyền thống ấy, lại tiếp tục sản sinh ra những thế hệ ưu tú kế tục. Đồng thời, tác giả dùng truyền thuyết, dùng lịch sử làm bàn đạp, đưa vị thế, nền văn minh của đất nước mình sáng ngang với những cường quốc hùng mạnh.

 Tượng Linh kê. Ảnh: Nam Dương

Từ dòng suy nghĩ miên man về những trang sử chói lọi ấy, Trần Nam Tước luôn trăn trở làm sao để những người xem ý thức được và trân quý những giá trị truyền thống. Điều đó thôi thúc ông tạo ra tác phẩm Níu. Dân gian xưa thường gửi gắm vào hình tượng thần thú những quan niệm, ước vọng trong cuộc sống. Điều này có thể thấy rõ trong nghệ thuật trang trí đình, đền, chùa truyền thống của người Việt. Giống như xi vẫn - là con lai giữa rồng và cá, đặt trên nóc nhà với mong ước phòng chống hỏa hoạn. Hay hoa văn rồng xuất hiện phổ biến với nhiều đề tài độc đáo trên các kiến trúc xây dựng vào thời Lê Trung hưng, phản ánh ước vọng của người dân muốn bấu víu thế lực siêu nhiên trong một xã hội rối ren do chiến cuộc triền miên. Tiếp thu tư duy ấy, Trần Nam Tước chọn nghê - linh vật xuất hiện ở nhiều mái đình làm linh vật chủ đạo. Điểm lên trên tác phẩm là những mảnh sứ được Trần Nam Tước lấy từ những bát hương - vật mà gia đình nào cũng có - đó cũng là vật môi giới giữa thế hệ đi sau và thế hệ đi trước, người đang sống và người đã khuất. Ý nghĩa của bức tranh muốn nói, linh vật nghê giống như một sứ giả đang cố gắng níu chặt lấy những mảnh vỡ của quá khứ, những giá trị truyền thống, để chúng không trôi theo nhịp biến thiên của thời gian.

Tượng Long ngư hiện đang lưu giữ tại Lăng Gia Long (Thừa Thiên Huế). Ảnh: Nam Dương

NAM SƠN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 547, tháng 9-2023

;