“Bản hùng ca bất diệt”: Chương trình nghệ thuật đầy ý nghĩa về truyền thống cách mạng, đạo lý "uống nước nhớ nguồn"

Tối 26-7, tại Khu Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng (phường Quảng Phú, thành phố Đà Nẵng) - công trình mang đậm giá trị lịch sử và tâm linh, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Chương trình nghệ thuật “Bản hùng ca bất diệt” với chủ đề “Đất nước lời ru”, nhằm tưởng niệm, tri ân những người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025).

Tham dự chương trình có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng.

Về phía các đơn vị tổ chức có: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông.

Cùng dự chương trình có: đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, TP Đà Nẵng; các đồng chí lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng lao động, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, cựu dân công hỏa tuyến, các lực lượng tham gia các cuộc kháng chiến cứu nước; đại diện các gia đình thương binh - liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính và các đại biểu tham dự chương trình

Chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca bất diệt" là chương trình thường niên do Bộ VHTTDL tổ chức nhằm tri ân các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là một trong những hoạt động đặc biệt và ý nghĩa, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, đồng thời, góp phần tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng và trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ đối với quê hương đất nước.

Phát biểu khai mạc chương trình, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh: 78 năm đã trôi qua, kể từ ngày 27-7-1947, một ngày đã đi vào lịch sử như biểu tượng của lòng biết ơn và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Đạo lý đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong dòng chảy văn hóa dân tộc Việt Nam.

“Để có được ngày hôm nay, hàng triệu người con ưu tú đã ngã xuống cho Tổ quốc “nở hoa độc lập, kết trái tự do”. Đáp đền sự hy sinh to lớn đó, không chỉ bằng lời nói, mà bằng hành động cụ thể, đó là trách nhiệm của mỗi chúng ta, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội” – Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc đẩy mạnh công tác đền ơn đáp nghĩa, gìn giữ đạo lý truyền thống, trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã triển khai nhiều việc làm thiết thực, cụ thể, góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần tri ân trong toàn xã hội. Cụ thể, ngành VHTTDL đã chỉ đạo và phối hợp, chỉ đạo, tổ chức nhiều chuỗi các hoạt động, sự kiện văn hóa nghệ thuật từ trung ương đến cơ sở, nhất là các vùng căn cứ địa cách mạng, địa chỉ đỏ, trong nghĩa trang liệt sĩ, kết hợp tri ân những người có công với cách mạng, các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

Các di tích lịch sử cách mạng, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công anh hùng liệt sĩ trên toàn quốc tiếp tục được bảo tồn, tôn tạo những tác phẩm điện ảnh, sân khấu mỹ thuật, nhiếp ảnh văn học được đầu tư, sáng tạo, đã khắc họa sinh động hình ảnh người lính, người mẹ, người dân Việt Nam trong chiến tranh và hòa bình, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, hun đúc tinh thần tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu khai mạc chương trình

Văn hóa nghệ thuật không chỉ là phương tiện sáng tạo mà còn là ngôn ngữ của lòng biết ơn. Chương trình nghệ thuật đặc biệt Bản hùng ca bất diệt với chủ đề Đất nước lời ru là một khúc tráng ca thấm đẫm tình người, gắn kết ký ức dân tộc với hiện tại, khơi dậy lòng biết ơn và tự hào trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Đất nước lời ru là hình ảnh biểu tượng cho sự hy sinh, thầm lặng và vĩ đại của người mẹ Việt Nam, những người đã tiễn chồng, tiễn con ra chiến trường để rồi biến chính tình yêu thương ấy thành ngọn lửa bất diệt cho dân tộc. Đó cũng là lời ru của đất mẹ dành cho những anh hùng bất tử, cho thế hệ hôm nay để sống sao cho xứng đáng với niềm tin lý tưởng và trách nhiệm.

Thông qua các tiết mục được dàn dựng công phu, giàu cảm xúc, chương trình chính là hành trình nghệ thuật bằng âm nhạc, hình ảnh và cảm xúc, tái hiện khí phách hào hùng của các thế hệ đi trước, đồng thời gửi gắm thông điệp tri ân là mạch nguồn tiếp nối, là sức mạnh để dựng xây tương lai, và hơn hết, thông điệp của chương trình nghệ thuật là lời nhắn gửi bằng trái tim: “Chúng tôi không quên! Nhân dân không quên!”.

“Ngành VHTTDL sẽ tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong việc khơi dậy khát vọng cống hiến, gìn giữ bản sắc, bồi đắp nền tảng tinh thần trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc lan tỏa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” không chỉ là trách nhiệm mà còn là vinh dự, là cách chúng ta cùng nhau gìn giữ ký ức dân tộc bằng ánh sáng của văn hóa và nghệ thuật” – Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Chương trình nghệ thuật với các ca khúc cách mạng bất hủ vang lên giữa không gian thiêng liêng của Khu Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng

Tại chương trình, khán giả được thưởng thức chương trình nghệ thuật Bản hùng ca bất diệt với chủ đề Đất nước lời ru. Chương trình gồm 3 chương: chương I: Lời ru trong bão lửa; Chương II: Lời ru đất nước; Chương III: Lời ru hòa bình – viết tiếp những ước mơ.

Các ca khúc, hoạt cảnh: Lời ru quê hương, Người mẹ của tôi, Lời ru bên nôi, Lời ru trên nương, Mẹ yêu con, Một rừng cây- một đời người, Cho con là người Việt Nam… do các nghệ sĩ: NSND Tấn Minh, Đăng Dương, NSƯT Lan Anh, NSƯT Phạm Thu Hà, Viết Danh, Thanh Tài, Thu Hằng, Nhóm MTV, Dàn nhạc dân tộc Thanh Âm Xanh… thể hiện làm xúc động công chúng. Giai điệu của các ca khúc cách mạng bất hủ vang lên giữa không gian thiêng liêng của Khu Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng đã đưa người xem trở về với những năm tháng gian khổ mà hào hùng của dân tộc. Những hình ảnh, câu chuyện xúc động và các tiết mục nghệ thuật đặc sắc góp phần khơi dậy niềm tự hào, lòng biết ơn sâu sắc với thế hệ đi trước - những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, để chúng ta thêm trân trọng giá trị của hòa bình hôm nay.

BÍCH NGỌC (tổng hợp) - Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ VHTTDL

;