Nồng hậu Lê Hồng Chương

Đạo diễn Lê Hồng Chương sinh năm 1957, được đào tạo về chuyên ngành quay phim ở Nga, thành danh với vai trò đạo diễn phim tài liệu. Tên tuổi ông gắn với nhiều hạng mục giải thưởng danh giá của ngành điện ảnh. Ông được phong tặng danh hiệu NSND năm 2015, giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2022.

Những bộ phim neo lại với thời gian 

Thang đá ngược ngàn (2002), Muốn được sống (2004), Còn lại với thời gian (2005) là 3 bộ phim tài liệu góp phần đem lại giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho đạo diễn NSND Lê Hồng Chương. Đây cũng là bộ ba gặt hái nhiều giải thưởng điện ảnh, để lại nơi ông ấn tượng sâu sắc trong suốt quá trình làm phim cũng như sau này.

Thang đá ngược ngàn bắt đầu với câu chuyện của cô gái trẻ Lương Thị Mùi lớn lên trong trại phong Quỳnh Lập, tình nguyện lên Phá Đáy - bản miền núi heo hút xa xôi nhất của tỉnh Nghệ An để dạy chữ cho trẻ em. Trước đó, đạo diễn Lê Hồng Chương tình cờ đọc được bài phóng sự của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng viết về cô, ông rất xúc động, nhận thấy đây chính là nhân vật ông đang tìm kiếm. Bởi từ lâu ông đã ấp ủ thực hiện bộ phim về những người mắc bệnh phong. Khi con nhỏ, chứng kiến công việc của mẹ - một dược sĩ ở bệnh viện da liễu Hà Nội, những chuyến công tác và những câu chuyện mẹ kể về bệnh nhân phong tác động sâu sắc tới ông. Y học hiện đại đã chữa được căn bệnh này, nhưng các di chứng vẫn ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe, chất lượng sống và sự hòa nhập cộng đồng của họ. 

 NSND Lê Hồng Chương nhận 2 giải Cánh diều Vàng cho phim tài liệu Còn lại với thời gian

Khoảng thời gian làm phim Thang đá ngược ngàn là những ngày thật đáng nhớ. Ê-kíp làm phim nhiều lần trở đi trở lại trại phong Quỳnh Lập, làm quen và thuyết phục nhân vật đồng ý chia sẻ câu chuyện của mình trước máy quay phim. Hai tuần quay phim ở Phá Đáy, sang tuần thứ ba thì mưa lớp ập xuống, tầm tã. Phá Đáy hoàn toàn bị cô lập. Lái xe của đoàn phim phải vượt núi ra bên ngoài mua thức ăn và đồ dùng thiết yếu về cho anh em. Thang đá ngược ngàn được quay bằng phim nhựa, ngay việc di chuyển mang vác cả tấn thiết bị vào Phá Đáy phục vụ cho quay phim ở thời điểm đó cũng tốn rất nhiều công sức, bởi đâu đã có đường vào bản. Song, bù lại là tình cảm của người dân, những khung hình quý giá, những thước phim thể hiện sâu sắc cuộc sống vất vả, cô đơn cùng khát khao bình dị của một cộng đồng bé nhỏ đã và đang bị căn bệnh phong đeo đẳng, ám ảnh, ngăn cách họ với xã hội. 

Sau Thang đá ngược ngàn, Muốn được sống lại là câu chuyện khác, câu chuyện của những người bị nhiễm HIV. Nhân vật chính là chị Phạm Thị Huệ ở Hải Phòng, người phụ nữ đầu tiên ở nước ta công khai tình trạng nhiễm HIV. Chị dũng cảm đối diện với hiện thực, vượt qua nhiều rào cản, sự kỳ thị của xã hội, cùng các thành viên khác thành lập nhóm Hoa Phượng Đỏ chăm sóc cho bệnh nhân HIV giai đoạn cuối, tuyên truyền, chia sẻ thông tin với những người cùng cảnh ngộ. Với những đóng góp cho cộng đồng, năm 2004, Phạm Thị Huệ được Tạp chí Time của Mỹ bầu chọn là Anh hùng châu Á

Tìm được nhân vật để chuyển tải thông điệp tác phẩm, song thuyết phục được nhân vật xuất hiện trước ống kính lại là nỗ lực không nhỏ. Khoảng cách, sự e dè từ hai phía là điều không tránh khỏi. Để xóa bỏ khoảng cách này, cần phải có kỹ năng thuyết phục, sự thấu hiểu tâm lý nhân vật, cả những kiến thức để tự bảo vệ mình. Nhưng trên hết vẫn là tình cảm, sự chân thành. Lê Hồng Chương đã làm được điều ấy, hòa nhập vào cộng đồng người nhiễm HIV, ăn cùng với họ, ngủ trên chiếc giường của họ, tạo dựng niềm tin nơi họ, như thể người nhà, như thể bạn bè. Khi ấy, những thước phim được bắt đầu.

Với Còn lại với thời gian, một bộ phim về đề tài hậu chiến, để có hơn 20 phút phim gọn gàng lắng đọng thì đó là kết quả của nhiều năm trời lặng lẽ quan sát, lặng lẽ sưu tầm tư liệu. Cơ duyên cũng bắt đầu từ câu chuyện của gia đình, người bác ruột của ông đi chiến trường và không trở về, kỉ vật duy nhất kết nối gia đình là vài lá thư úa màu thời gian. Năm 2005, khi Fredric Whitehurst - một cựu sĩ quan trong quân đội Mỹ, từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam đã lưu giữ hai cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm cùng những tấm ảnh do phóng viên ảnh, nhà quay phim Nguyễn Văn Giá chụp ở chiến trường - trở lại Việt Nam, thì ông và các đồng nghiệp mới có cơ hội để thực hiện bộ phim. Câu hỏi nghẹn ngào của Fredric Whitehurst bên mộ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm “Chị Trâm ơi, tại sao, tại sao lại như vậy?...” như một lát cứa vào lòng những người đang sống.

Phim tài liệu là lựa chọn cả cuộc đời 

Nếu không làm phim tài liệu mình sẽ làm gì? Phim chọn mình hay mình chọn phim? Có lẽ không bao giờ đạo diễn NSND Lê Hồng Chương đặt ra câu hỏi này. Bởi ông đã đến với phim tài liệu thật tự nhiên. Cha ông là đạo diễn, nguyên giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Bầu không khí trong gia đình, những thước phim tư liệu, những người bạn đồng nghiệp của cha… tất cả đã ở trong “khung hình” quan sát của cậu bé Chương từ khi còn nhỏ. Vì thế, khi sang Nga du học, năm đầu ông học về phim truyện, nhưng đến năm cuối, bài tốt nghiệp của ông lại là tác phẩm tài liệu. Buổi đầu về công tác tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, ông gắn bó với máy quay phim. Đó là những năm 80 của thế kỷ trước. Hãng đang là một đơn vị mạnh, giàu truyền thống, với những tên tuổi lớn của điện ảnh tài liệu nước nhà như đạo diễn NSND Lê Mạnh Thích, đạo diễn NSND Đào Trọng Khánh, đạo diễn NSND Trần Văn Thủy. Được làm việc cùng họ là vinh dự của những người trẻ tuổi. Trên tất cả, tình yêu, niềm đam mê phim tài liệu cuốn lấy ông. Mỗi lần quay phim về, ông và một số anh em thường lưu lại ở phòng dựng, ban đêm trải giấy trải chiếu xuống nền nhà ngủ, rồi chở các đạo diễn đi đi về về, lắng nghe những lời chia sẻ động viên của các nghệ sĩ, mục đích cuối cùng chỉ để thỏa mãn đam mê làm phim, gắn bó với phim đến phút cuối cùng, muốn được tham dự, muốn được vui cùng phim buồn cùng phim. 

. NSND Lê Hồng Chương trao giải Bông sen Vàng cho phim tài liệu Ranh giới tại LHP Việt Nam lần thứ 22

Từ công việc quay phim đến khi trở thành đạo diễn là một khoảng cách. Chính Lê Hồng Chương đã vô tình rút ngắn khoảng cách ấy. Trong một lần được sứ quán Thụy Sĩ mời đi quay phim làm tư liệu, nhân dịp chuyên gia của họ sang làm việc với dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, ông đã chủ động lên kịch bản phim, với sự phối hợp của những người bạn như NSND Nguyễn Thước (quay phim), Hồng Sơn (thu thanh). Từ đây, phim tài liệu đầu tay mang tên Giao hưởng đã ra đời. Một bộ phim không nằm trong kế hoạch của Hãng, thực hiện hoàn toàn tự nguyện bằng niềm đam mê. Đạo diễn NSND Lê Mạnh Thích (lúc đó là giám đốc Hãng phim) nhận thấy đây là tác phẩm tốt với ngôn ngữ mới mẻ giàu chất thơ, ông đã đưa Giao hưởng vào danh sách tham dự một Liên hoan Phim tài liệu Quốc tế. Cũng có thể coi Giao hưởng là mối tình đầu, mối duyên đầu đưa Lê Hồng Chương chính thức trở thành đạo diễn phim tài liệu. Từ đây những tác phẩm nối nhau ra đời, với một niềm say mê, một năng lượng nghệ thuật dồi dào cùng cảm xúc đằm chín trước cuộc đời.

Một tấm tình nồng hậu 

Từng trải qua nhiều vị trí công tác như: Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh và hiện là Phó Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam, song trước hết và sau cùng đạo diễn NSND Lê Hồng Chương luôn nhận mình là người làm nghề - một người làm nghề chăm chỉ. Sức sống của các tác phẩm và hàng loạt giải thưởng điện ảnh đã minh chứng cho năng lực và năng lượng làm việc của ông. Những vấn đề, sự quan tâm mà ông đặt ra qua từng bộ phim luôn gắn với thân phận con người trong những biến đổi của đời sống tự nhiên, những biến động của lịch sử và xã hội. 

Làm thế nào để tạo được nét riêng trong sáng tạo, không bước vào lối đi của người khác và không lặp lại chính mình? Đó là câu hỏi mà Lê Hồng Chương luôn đau đáu. Điện ảnh tài liệu nước nhà chịu ảnh hưởng rất lớn của điện ảnh Nga - Xô Viết. Điều này có tính lịch sử, bởi trong thời gian suốt mấy chục năm, nước bạn Nga đã hỗ trợ chúng ta đào tạo về điện ảnh cũng như nhiều lĩnh vực nghệ thuật và khoa học khác. Bản thân ông cũng được học tập ở Nga, lại làm việc ở một đơn vị có bề dày truyền thống, kinh nghiệm. Thế nên, phim tài liệu do Lê Hồng Chương đạo diễn không đi ra ngoài đường ray chung, nhưng với mỗi tác phẩm ông luôn có những tìm tòi riêng, thể hiện rõ nhất qua cách lập tứ đậm chất văn học. Thang đá ngược ngàn là một ví dụ. Đó là một hình ảnh vừa giàu tính hiện thực, vừa được nâng lên thành hình tượng, gợi mở ở mỗi người ngẫm nghĩ riêng. Hay với Còn lại với thời gian, hình ảnh những lá thư được trở đi trở lại, như một vật chứng kết nối những câu chuyện của quá khứ và hiện tại, kết nối những số phận còn sống và đã khuất, kết nối nỗi đau và hạnh phúc, giấc mơ và niềm hy vọng… Phim tài liệu, tính “tài liệu” phải gắn với hình ảnh. Thế nên ông chú trọng sự lắng đọng, gợi mở trong các khung hình, sự dồn nén khi thể hiện nội tâm nhân vật. Và đặc biệt, mong muốn đi đến tận cùng của câu chuyện, của vấn đề là một mục tiêu ông đặt ra cũng như đòi hỏi cộng sự trong suốt quá trình làm phim.

NSND Lê Hồng Chương cùng êkip làm phim ở Điện Biên năm 2019

Miệt mài, chỉn chu trong công việc, nhưng ngoài đời Lê Hồng Chương là người giản dị, cởi mở và hòa đồng với thế hệ trẻ. Điều này thể hiện rõ khi ông ngồi ghế giám khảo trong các cuộc thi, các Liên hoan phim tài điện ảnh hay truyền hình. Thái độ khách quan, công tâm đi cùng với sự khích lệ là phong cách làm việc của ông. Thời điểm ông làm Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cũng vậy, luôn động viên những người trẻ, lấy tác phẩm làm tiêu chí đáng giá chất lượng chuyên môn. Nhắc đến ông, nhiều anh em nghệ sĩ vẫn thân mật gọi là “đại ca” với lòng quý mến và cả biết ơn, bởi chính ông đã truyền cho họ niềm đam mê, những kinh nghiệm và cả sự dấn thân trong nghề nghiệp. Lê Hồng Chương cũng là một trong những người nỗ lực tìm ngôn ngữ thể hiện mới cho phim tài liệu Việt. Những khóa học về điện ảnh tài liệu trực tiếp của Varan (Pháp) tổ chức ở trong nước có đóng góp không nhỏ của ông trong vai trò thúc đẩy, kết nối.

Đạo diễn NSND Lê Hồng Chương bộc bạch: “Tôi thích sự chuyển động, cố gắng làm tất cả những gì mình dự định dù không thể biết sau này nó tốt hay xấu, quan trọng là có đam mê, có ngọn lửa và được sống như mình mong muốn”. Nơi ông ở - một căn hộ chung cư rộng rãi ắp đầy ánh sáng bày rất nhiều đồng hồ cùng những vật kỉ niệm - vật chứng thời gian của người làm phim tài liệu. Trong không gian yên tĩnh, ông lắng nghe tiếng chuông đồng hồ nối nhau điểm nhịp, như lời nhắc nhở hối thúc của thời gian. Bởi đời người chỉ sống có một lần!

ANH THƯ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 547, tháng 9-2023

;