Trà Vinh - gắn du lịch với bảo tồn văn hóa đồng bào Khmer

Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống (chiếm hơn 32%), có 142 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer với kiến trúc độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào bản địa; có các lễ hội truyền thống của người Khmer như Lễ hội Ok Om Bok, Sene Đolta, Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay; trong đó, Lễ hội Ok Om Bok được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là điều kiện để tỉnh Trà Vinh phát triển loại hình du lịch văn hóa và tâm linh.

Chùa Ang Korajaborey (Chùa Âng) là một công trình kiến trúc điêu khắc độc đáo

 

Với quan điểm bảo tồn và phát triển văn hóa Khmer Nam Bộ, Trà Vinh thực hiện Dự án “Làng Văn hóa, du lịch Khmer” với tổng vốn đầu tư 25,8 tỷ đồng (ngân sách tỉnh đầu tư 8 tỷ đồng, còn lại được huy động từ nguồn xã hội hóa) được xây dựng tại Phường 8 (TP. Trà Vinh) và xã Lương Hòa (huyện Châu Thành - Trà Vinh), được quy hoạch tổng thể thành 7 phân khu chính: Ao Bà Om; Chùa Âng; Nhà bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer; Trường Pali; Làng Văn hóa dân tộc Khmer, Chùa Lò Gạch, di tích Óc Eo cùng các phân khu chức năng với nhiều hoạt động và dịch vụ đa dạng, phong phú: chợ đêm thương mại; khu ẩm thực quảng bá các món đặc sắc trong văn hóa Khmer; khu sáng tác nghệ thuật, triển lãm nghệ thuật; khu nhà cổ… Đề án nhằm mục tiêu xây dựng “Làng Văn hóa, du lịch Khmer” Trà Vinh trở thành điểm đến văn hóa, du lịch cấp quốc gia; thực hiện chức năng bảo tồn và phát triển văn hóa Khmer tỉnh Trà Vinh theo hướng phát triển bền vững, đồng thời tạo đòn bẩy cho phát triển du lịch Trà Vinh.

Bước chân vào làng, du khách sẽ được hòa mình vào nét đẹp độc đáo của nền văn hóa Khmer lâu đời, lan tỏa bằng hình thức du lịch cộng đồng. Nổi bật ở “Làng Văn hóa, du lịch Khmer” là con đường bích họa do 5 họa sĩ, nghệ nhân Khmer vẽ trên những bức tường nhà dân tại ấp Ba Se A (xã Lương Hòa, huyện Châu Thành), gồm 28 bức tranh tái hiện hình ảnh văn hóa, sinh hoạt cuộc sống đời thường, hoạt động tín ngưỡng của đồng bào Khmer… Hiện mỗi tháng, “Làng Văn hóa, du lịch Khmer” đón hàng trăm đoàn khách trong và ngoài nước tới tham quan và trải nghiệm nhiều hoạt động phong phú: làm cốm dẹp, nhảy múa, thăm quan làng bích họa, ngắm cảnh và tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng, chùa chiền. Những người tham gia làm việc tại dự án ngày càng chuyên nghiệp do được đào tạo bài bản.

Nghệ nhân Ưu tú Lâm Phene ở ấp Ba Se A, xã Lương Hòa (huyện Châu Thành - Trà Vinh) phấn khởi nói: “Làng Văn hóa, du lịch Khmer” gắn với nét đẹp làng nghề đã tạo ra cơ hội trải nghiệm cho du khách khi đến với Trà Vinh, cũng như giao lưu văn hóa với đồng bào dân tộc Khmer. Tham gia dự án, các thành viên được hỗ trợ 60 triệu đồng cho mỗi gia đình khi đầu tư homestay. Ngoài ra, địa phương còn hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn ngân hàng trong vòng 36 tháng, định mức hỗ trợ tối đa không quá 150 triệu đồng/hộ. Gia đình tôi trực tiếp tái hiện các tiết mục văn nghệ truyền thống của người Khmer như múa Rô băm, múa chằn, đánh đàn Tà Khê... với mũ mão, mặt nạ, đạo cụ và nhạc cụ dân tộc do tôi chế tác. Ngoài ra, còn nhiều gia đình tái hiện lại cảnh giã cốm dẹp, làm bánh ống... những món ăn truyền thống của người dân tộc Khmer để phục vụ du khách vì thế đã giúp nhiều gia đình có thu nhập ổn định”.

Nghệ nhân ưu tú Lâm Phene ở ấp Ba Se A, xã Lương Hòa (huyện Châu Thành – Trà Vinh) cùng gia đình trực tiếp tái hiện các tiết mục văn nghệ truyền thống của người Khmer như múa trống Sa dăm phục vụ du khách

 

Anh Thạch Anh, hướng dẫn viên “Làng Văn hóa, du lịch Khmer” cho biết: “Làm hướng dẫn viên tại Làng Văn hóa giúp tôi có thể quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer đến với tất cả mọi người. Tham gia thực hiện dự án khởi nghiệp này chúng tôi tích lũy được tài chính và lưu giữ kho tàng văn hóa cho dân tộc mình”.

Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở VHTTDL Trà Vinh, cho biết: Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Thời gian qua, Trà Vinh duy trì và từng bước cải tiến các sinh hoạt lễ hội cổ truyền của đồng bào Khmer, bảo đảm tính văn hóa, mang nội dung tiến bộ, lành mạnh, vui tươi và thật sự tiết kiệm. Việc bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc luôn được coi trọng. Đặc biệt, phục hồi lại các loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ bị mai một.

“Trà Vinh đã mạnh dạn đầu tư vào Làng Văn hóa du lịch Khmer tạo cơ hội giới thiệu một cách trực quan và sinh động văn hóa Khmer như: nghệ thuật diễn xướng dân gian, tín ngưỡng tôn giáo, nghề truyền thống, đời sống sinh hoạt và sản xuất đến du khách gần xa…” -  ông Sum chia sẻ.

Đến với làng, du khách sẽ được tìm hiểu về phong tục, đời sống của người Khmer qua các bức bích hoạ, trực tiếp xem và làm bánh ống, cốm dẹp, gói bánh tét... Bên cạnh đó, du khách còn được xem các tiết mục văn nghệ truyền thống của người Khmer như múa Rô băm, Dù kê, múa chằn, cũng như học các điệu múa Khmer đơn giản và cách mặc các kiểu trang phục truyền thống. Các hướng dẫn viên tại làng cũng như người dân ở đây sẵn sàng chào đón khách du lịch và giúp họ hiểu hơn về văn hoá người Khmer.

Cổng chào không gian ký ức văn hóa du lịch Trà Vinh, ở ấp Ba Se A, xã Lương Hòa (huyện Châu Thành – Trà Vinh) với con đường bích họa tái hiện hình ảnh văn hóa, sinh hoạt cuộc sống đời thường, hoạt động tín ngưỡng của đồng bào Khmer

 

PHƯƠNG NGHI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 498, tháng 5-2022

 

 

;