Tinh thần carnaval trong tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng

1. Đặt vấn đề

Cuối TK XIX đầu TK XX, thực dân Pháp xác lập sự cai trị trên đất nước ta, đánh dấu một bước chuyển của xã hội Việt Nam: đi từ hình thức xã hội phong kiến độc lập sang xã hội tư bản thuộc địa. Bức tranh xã hội lúc đó thật ảm đạm với nhiều bi kịch, tệ nạn xã hội. Ở thành thị, các phong trào do thực dân Pháp đề xướng như: Âu hóa, vui vẻ trẻ trung, thi thể thao, cải cách y phục… ngày càng lộ rõ chân tướng và tạo ra nhiều nghịch cảnh. Đây cũng chính là mảnh đất màu mỡ để nhiều nhà văn hiện thực phóng bút, dùng ngôn từ văn chương để phanh phui, bóc trần bộ mặt xã hội đương thời. Trong đội ngũ những nhà văn hiện thực phê phán ấy, không thể không kể tới sự góp mặt của Vũ Trọng Phụng với đứa con tinh thần sáng giá của ông - tiểu thuyết Số đỏ.

Trước khi đi vào thế giới nghệ thuật của tiểu thuyết Số đỏ, cần khái quát về khái niệm carnaval và nguyên lý carnaval hóa trong văn học nghệ thuật. Nhà khoa học nhân văn, nhà lý luận phê bình văn học Nga Mikhail Mikhailovich Bakhtin, trên cơ sở nghiên cứu sâu sắc về hiện thực xã hội, đặc biệt là hiện thực xã hội Trung cổ và Phục hưng, đã có được cái nhìn hệ thống về hiện tượng carnaval trong đời sống xã hội, đồng thời đã đưa khái niệm carnaval hóa vào lĩnh vực văn học và lịch sử - văn hóa. Căn cứ vào lý thuyết của M.M. Bakhtin, với hứng thú tìm hiểu những ánh sáng mới lạ tỏa chiếu từ tác phẩm của một hiện tượng văn học khá phức tạp, chúng tôi đi vào nghiên cứu tinh thần carnaval trong tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, nhằm góp thêm tiếng nói vào cuộc đối thoại dân chủ về tác phẩm của một nhà văn được mệnh danh là phóng viên cuộc đời, ông vua phóng sự đất Bắc, nhà tiểu thuyết bậc thày trong lịch sử văn học hiện đại Việt Nam.

2. Đôi nét về carnavalcarnaval hóa

Carnaval, còn gọi là hội hóa trang, hội giả trang... là một lễ hội công cộng ngoài trời và thường được tổ chức hằng năm ở một địa điểm đặc biệt nào đó. Đặc trưng của carnaval là việc sử dụng trang phục, mặt nạ nhiều màu sắc, cùng sự hoạt náo thông qua các điệu nhảy, múa, diễu hành... Trong số các học giả quan tâm tới vấn đề này, nhà triết học, nghiên cứu văn học người Nga M.M. Bakhtin đã tìm hiểu thấu đáo hiện tượng carnaval trong thực tiễn xã hội Trung cổ và Phục hưng. Ông hiểu hiện tượng carnaval với ý nghĩa rất rộng, gồm các lễ hội, nghi lễ, trò chơi, câu chuyện gây cười, cách sống trần tục vượt thoát khuôn khổ, nề nếp... mà đặc điểm nổi bật là niềm vui hội hè của quần chúng. Theo M.M. Bakhtin, carnaval là một “hình thức trình diễn nguyên hợp mang tính chất lễ nghi” hay còn gọi là “hội giả trang”, “hội trá hình”. Loại hình này luôn hướng đến mục đích xóa nhòa mọi ranh giới khu biệt giữa sân khấu và quảng trường, diễn viên và khán giả. Lễ hội hướng tới phạm vi toàn dân - chủ nhân đích thực và mang tính phổ quát sâu sắc. Vì vậy, carnaval còn góp phần xác lập một cuộc sống mới trên những bình diện vui nhộn, suồng sã, trái ngược với thứ đời sống nghiêm túc và hoàn bị hằng ngày. Nó thu hẹp nhằm tiến tới xóa bỏ khoảng cách giữa mọi người... Họ có thể mặc sức giao tiếp với nhau thông qua các hình thức ngôn ngữ và hành động bộc trực, suồng sã mang tính quảng trường (1). Ông cho rằng: “carnaval đem sáp gần, thống nhất, hôn phối và kết hợp cái thiêng liêng với cái phàm tục, cái cao cả với cái thấp hèn, cái lớn lao với cái nhỏ mọn, cái uyên thâm với cái dốt nát” (2).

Trên cơ sở nghiên cứu và định nghĩa về carnaval như vậy, M.M. Bakhtin đã đề xuất nguyên lý        carnaval hóa và đưa khái niệm này vào nghiên cứu văn học, nhân học, lịch sử - văn hóa... Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là phê bình văn học, thi pháp học của M.M. Bakhtin, mà một thành phần quan trọng là nguyên lý carnaval hóa, đã có ảnh hưởng tương đối sâu rộng. Bao trùm các bình diện khác nhau của tác phẩm, từ cấp độ ngôn ngữ, qua thế giới nghệ thuật cho tới nội dung tư tưởng và cấu trúc thể loại, như một thành phần vững bền của văn hóa, carnaval hóa là công cụ diễn giải có hiệu quả trong việc phân tích tác phẩm cụ thể cũng như các tiến trình văn hóa và văn học ở những thời đại khác nhau. Ở Việt Nam, có một số nghiên cứu, báo cáo khoa học, bài viết... đã đề cập tới vấn đề nghiên cứu các tác phẩm, trào lưu văn học từ ánh sáng của nguyên lý carnaval hóa, tuy nhiên, nhìn chung còn chưa nhiều và chưa được lan rộng tới nhiều trường tác phẩm khác nhau. Vì thế, việc nghiên cứu theo hướng này vẫn được coi là mới mẻ trong phê bình văn học hiện đại ở Việt Nam.

3. Biểu hiện của tinh thần carnaval trong thế giới nghệ thuật Số đỏ

“Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là tác phẩm quen thuộc với nhiều thế hệ bạn đọc. Đến nay, mặc dù đã được phổ biến rộng rãi, nhưng không phải mọi cắt nghĩa về nó đã thật thấu đáo, thuyết phục. Tiếng cười của Số đỏ vẫn là một thách thức lớn đối với các lý thuyết văn học” (3). Từ lý thuyết của M.M. Bakhtin, chúng tôi tập trung làm rõ một vài khía cạnh nổi bật nhất về tính chất carnaval, tinh thần carnaval trong tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng.

Những lễ hội hóa trang carnaval

Theo bước chân phiêu lưu của Xuân Tóc Đỏ, nhiều không gian nghệ thuật đối lập được mở ra với lễ hội hóa trang carnaval, thể hiện qua những đám đông sôi động, phong phú, muôn màu, muôn vẻ. Đám đông đó trước hết được khắc họa trong không gian vỉa hè, lề đường. Bức tranh về cuộc sống đời thường của tầng lớp hạ lưu tại một ngóc ngách nhỏ giữa chốn Hà thành rộng lớn ở mở đầu tác phẩm là minh chứng cho tài quan sát, bút pháp tả thực của Vũ Trọng Phụng. Tuy nhiên, không gian công cộng trong tác phẩm không chỉ dừng lại ở những cảnh hè phố, ven đường mà còn gắn với các sự kiện lớn, trọng đại như đám ma cụ cố; buổi khánh thành sân quần và lời phát biểu của “diễn giả Xuân” hay trong buổi diễn thuyết của đốc tờ Trực Ngôn ở nhà bà Phó Đoan; buổi giao lưu quần vợt giữa Xuân và tài tử Luang Brabahol… Trong không gian công cộng ấy, từ đám đông thượng lưu đến bình dân, từ những “ông chủ”, “bà chủ” đến các nhân vật trong thế giới hạ lưu đều được tái hiện lại rất chi tiết qua lăng kính hiện thực của tác giả. Số đỏ là minh chứng nghệ thuật rõ nét phản ánh cái xã hội hết sức phức tạp, nhốn nháo, xô bồ, một xã hội nhá nhem, nửa quê nửa tỉnh, nửa Tây nửa ta... Trong làn sóng Âu hóa trào dâng ấy, những nhân vật nhố nhăng, đồi bại, chạy theo trào lưu một cách lố bịch đã được khắc họa rõ nét, điển hình là Phó Đoan, Xuân Tóc Đỏ, Văn Minh, TYPN... Những con người với những cảnh tượng bịp bợm, những hành vi đểu cáng, những trò diễn lố lăng, dâm đãng đã thực sự phơi bày rõ mặt trái của xã hội.

Những hành động carnaval

Tấn phong và hạ bệ là hành động chủ đạo thể hiện tư tưởng carnaval, thể hiện qua những tình huống đảo ngược đầy bất ngờ, mâu thuẫn. Ở Số đỏ, cái hạ lưu được tấn phong thành thượng lưu, thể hiện khéo léo thông qua môtip may rủi. Ngược lại, thế giới thượng lưu với danh hiệu “văn minh”, “tiến bộ”, “đạo đức” bị hạ bệ, “bóc trần” với hình hài biến dạng, hài hước. Chính sự ngược đời, phi lý ấy đã tạo ra tiếng cười cho độc giả. Dưới góc độ của bầu không khí trào tiếu dân gian carnaval, Số đỏ còn trở nên cuốn hút và đặc sắc hơn nhiều khi các sự kiện, tình tiết chồng gối lên nhau như những đợt sóng của loạt hành động tấn phong - hạ bệ, đeo mặt nạ - lột mặt nạ...

Lễ hội carnaval bao giờ cũng là một sự hòa quyện vừa đối lập, vừa dung hợp những nghịch âm, nghịch cảnh: hài hước và nghiêm trang, nụ cười và nước mắt, bi kịch và hài kịch, trang trọng và suồng sã, cao sang và thấp hèn... Trong Số đỏ, hôn phối của Tuyết và Xuân cũng là một sự đối lập, ngược đời như thế. Bên cạnh đó, Số đỏ còn chứa đựng những ngóc ngách, uẩn khúc trái ngang đậm tính hội hè, kịch tính như mối quan hệ bí mật giữa mụ Phó Đoan và Xuân Tóc Đỏ. Và những mối quan hệ tréo ngoe ấy là nút giao của thế giới hạ lưu - thượng lưu. Có thể thấy rằng, dù ở tầng lớp nào, xuất thân nào, thì những kẻ sinh thời ở cái xã hội mà Vũ Trọng Phụng đang lột tả, vạch trần ấy đều là những kẻ dối trá, tà dâm như nhau.

Những nhân vật carnaval

Nổi bật trên sân khấu trình diễn của nghệ thuật carnaval là những nhân vật carnaval. Trong thực tiễn hay trong văn chương, các nhân vật trong lễ hội hóa trang có thể bao gồm tất cả các loại: nhân vật cao cả, thấp hèn, rối, hề... sóng đôi cùng cặp hành động tấn phong và hạ bệ. Ở đây, chúng tôi đề cập đến ba loại hình nhân vật đặc thù, tiêu biểu trong Số đỏ: nhân vật mô hình (rối, hề); nhân vật nghịch dị và nhân vật cặp đôi. Vũ Trọng Phụng với biệt tài xây dựng hình tượng nhân vật đã thành công dựng lên những kiểu nhân vật khôi hài, lố bịch. Ông hướng tiếng cười vào mọi giai tầng trong xã hội, bất kể ai cũng được khai thác dưới phương diện trào tiếu, đều biến thành những anh hề trên sân khấu cuộc đời. Đó là cụ cố Hồng - một con người “vô nghĩa lý”, một người rởm đời, học đòi và thích diễn cái trò già cả trong gia đình; là Xuân Tóc Đỏ học thuộc như một con vẹt, từng cử chỉ, hành động của hắn y như cỗ máy cài đặt sẵn; hay hai viên cảnh sát Min Đơ, Min Toa chấp nhận bãi phạt cho Xuân và Văn Minh chỉ để đánh đổi lấy sự tung hô về cái danh “cua rơ giỏi nhất”. Nhân vật nghịch dị cũng là một loại hình nhân vật đáng được chú ý trong tiểu thuyết Số đỏ. Giá trị của nghịch dị một mặt tạo nên tiếng cười, mặt khác nhằm châm biếm sâu cay, lật tẩy bộ mặt của con người, của xã hội. Nhân vật nghịch dị thường đi liền với cái xấu xí, kỳ quặc, hiện lên với những thứ phàm tục, xác thịt, về những thứ trái với thuần phong mỹ tục. Vũ Trọng Phụng không ngại đưa vào trong tác phẩm của mình những yếu tố thấm đẫm tính dục bản năng, vấn đề luyến ái, mại dâm... những vấn đề tuy nhạy cảm nhưng bắt nhịp và phản ánh đúng bản năng gốc của những người hạ cấp, đểu cáng, đĩ thõa, vô nghĩa lý trong cuộc sống tân thời. Những hình tượng carnaval đều mang “lưỡng tính”, thống nhất hai cực thay đổi và khủng hoảng: sinh - tử, trên - dưới, đần độn - anh minh... và hình tượng đặc trưng cho tư duy carnaval ấy cũng xuất hiện trong tác phẩm. Nhân vật cặp đôi trong Số đỏ được xây dựng trên quan hệ tương phản (sự đối lập giữa Xuân Tóc Đỏ với thế giới thượng lưu, một bên là bình dân, một bên là những “ông chủ”, “bà chủ” trong xã hội cũ). Ngoài ra, ta còn bắt gặp những cặp đôi dựa trên cơ sở tương đồng như vợ chồng Văn Minh, vợ chồng Phán Mọc Sừng... Ở những cặp đôi này có sự tương đồng về xuất thân, nghề nghiệp hay tính cách, quan điểm... Đặc biệt, Xuân Tóc Đỏ như một diễn viên tham gia vào sân khấu carnaval để diễn trò “lộn trái thế giới”. Mở đầu, hắn là kẻ nương nhờ, chịu sự dẫn dắt, kiểm soát của đám trí thức rởm như Văn Minh; kết thúc tác phẩm, hắn trở thành người nắm quyền, ban ơn huệ, dẫn dắt hành vi, lời nói của những người xung quanh (4). Qua nhân vật này, nhà văn thể hiện sự tố cáo mạnh mẽ đối với xã hội đương thời - xã hội tư sản đầy rẫy thói dâm ô, bịp bợm vô liêm sỉ mà Xuân Tóc Đỏ là một điển hình.

Như vậy, với những đối tượng có tính chất tiêu điểm, ngòi bút của Vũ Trọng Phụng trào phúng để “hạ huyệt” đối tượng bằng những ngón đòn nghệ thuật “hạ yết” điêu luyện. Tiếng cười ở đây không chỉ trào lộng, hài hước mà còn châm biếm, đả kích sâu cay, nhiều khi là tiếng cười lớn gầm thét, phẫn nộ. “Mặc dù, có thể tìm thấy trong văn bản Số đỏ những khẩu hiệu, từ ngữ, chương trình Âu hóa của giới thượng lưu, trí thức Việt Nam đầu TK XX, nhưng theo thiển ý của tôi, cảm quan thời đại đã đưa các tầng ý nghĩa của tác phẩm trượt khỏi chiến lược ban đầu. Trên thực tế, cái cười của tác phẩm có ý nghĩa sâu sắc hơn, mà thế giới nhân vật chỉ là một trong những ký hiệu nghệ thuật” (5).

Ngôn ngữ carnaval

Ngôn ngữ carnaval là sự hòa trộn giữa ngôn ngữ mang sắc thái thành kính, thiêng liêng với bình dân, suồng sã, là đặc trưng của nét văn hóa tự do, dân chủ hóa mà lễ hội hóa trang carnaval thể hiện. Xét tổng thể, Số đỏ không chỉ thành công ở phương diện nội dung mà còn đặc sắc ở phương diện nghệ thuật, trong đó ngôn ngữ nói chung, ngôn ngữ carnaval nói riêng, đóng vai trò vô cùng quan trọng. “Theo bước chân Xuân Tóc Đỏ, người đọc nhiều lần chứng kiến những màn đấu khẩu bi hài của các nhân vật, mà thực chất là sự không thông hiểu ngôn ngữ hiện đại và sự va đập, giao tranh giữa các khung diễn ngôn. Lúc mới bước chân vào thế giới thượng lưu, Xuân Tóc Đỏ nhiều phen lúng túng trước các diễn ngôn Đông - Tây. Chẳng hạn, khi nghe nhà mỹ thuật lý luận với vợ ông ta rằng “khi người ta nói phụ nữ… là nói vợ con chị em người khác, chứ không phải vợ con chị em của ta” và nhà báo giảng giải rằng “gia đình tôi thì cứ phải theo cổ, không được có hạng đàn bà ăn mặc tân thời, nay khiêu vũ, mai chợ phiên, rồi về nhà chửi lại mẹ chồng bằng những lý thuyết bình quyền với giải phóng” thì hắn “ôm đầu nghĩ ngợi, băn khoăn không hiểu nghĩa lý cái việc cải cách” ấy ra làm sao” (6). Số đỏ châm biếm, giễu nhại một xã hội, một phong trào chính trị, một thời đoạn đô thị hóa… đặc biệt là nhại thứ ngôn ngữ hổ lốn, tạp nham, lổn nhổn, xiêu vẹo. Ở Số đỏ, ta có thể thấy sự hòa trộn giữa ngôn ngữ Âu hóa và ngôn ngữ bình dân, chửi thề chính là đặc điểm nổi bật nhất hiện lên trong những câu thoại của các nhân vật chính. “Nhà nghiên cứu Peter Zinoman, trong bài Số đỏ của Vũ Trọng Phụng và chủ nghĩa hiện đại Việt Nam, cho rằng, đấy là những biểu hiện về nỗi hoài nghi “sự trong sáng và độ đáng tin cậy của ngôn ngữ” trong việc dẫn dắt con người đến tri thức đúng đắn, đồng thời cũng nói lên “cảm giác châm biếm và bất lực ngày càng cao hơn - có liên quan đến những thay đổi nhanh chóng và bất ngờ, đặc trưng của thời hiện đại nói chung” (7). Và, trên tinh thần đó, “có thể đọc Số đỏ như một biểu đạt về khát vọng chiếm đoạt quyền tạo tác diễn ngôn của những phận người nhỏ bé trong xã hội Việt Nam đầu TK XX, những người mà với họ văn hóa và học thức Tây phương là một thứ hấp dẫn nhưng xa vời” (8).

4. Kết luận

Có thể thấy, căn nguyên, gốc rễ tinh thần carnaval trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng không xuất phát từ sự học hỏi của tác giả về văn học Tây phương mà do carnaval vốn tồn tại từ trong phong cách văn học nhà văn lựa chọn, thể loại văn học nhà văn sử dụng. Đặc biệt hơn, từ cuộc đời nhọc nhằn nơi thành thị nhốn nháo, hỗn loạn, xô bồ, tiếng cười giễu nhại trào lộng carnaval vang lên để thay Vũ Trọng Phụng “đánh địch”, công kích vào hiện thực xã hội lố lăng, đểu giả, dâm dục... mà nhà văn phản ánh một cách hết sức chân thực.

Trong tràng cười Số đỏ, Vũ Trọng Phụng đã khéo léo phục dựng lên tinh thần của lễ hội trào tiếu dân gian. Việc nghiên cứu tinh thần carnaval trong tiểu thuyết đã chỉ ra tính chất hội hè dân gian, xoay quanh bốn khía cạnh: hành động carnaval như một chất keo kỳ diệu gắn kết các thành tố nghệ thuật - nội dung để khắc họa lên chân dung cuộc đeo - lột mặt nạ, tấn phong - hạ bệ giữa các nhân vật; lễ hội carnaval - không gian quảng trường, hội hè của lễ hội hóa trang như nơi sân quần, tiệm may Âu hóa, đám tang cụ cố tổ hay nơi diễn ra trận quần giữa Xuân Tóc Đỏ và vua nước Xiêm là minh chứng rõ rệt nhất cho xã hội tạp nham, lộn xộn, nhốn nháo, nhố nhăng và lố bịch; nhân vật carnaval hội tụ đầy đủ những tên rối, tên hề khoác lên mình những tấm áo hào nhoáng của giới thượng lưu giàu có, quyền thế và tân tiến, hiện đại nhưng thực chất mục ruỗng và thối nát trong nhân cách, suy đồi đạo đức, ngang nhiên đạp đổ, giẫm đạp lên nề nếp truyền thống; ngôn ngữ carnaval thành kính, thiêng liêng mà cũng bình dân, suồng sã qua thứ ngôn từ tạp nham, “vá đụp”, “lơ lớ” của ngôn ngữ bình dân chửi thề và ngôn ngữ Âu hóa là chủ yếu. Cuộc hoán đổi, lật đổ ngôi vị thông qua hàng loạt yếu tố phi lý, phi logic, ngược đời được Vũ Trọng Phụng sáng tạo ra trong tiểu thuyết Số đỏ đã thay tác giả “đánh” mạnh mẽ vào hai thế giới hạ lưu - thượng lưu giai đoạn những năm 30 TK XX, tưởng chừng như đối nghịch nhưng thực chất đều giả dối, dâm loạn như nhau. Dù thế nào, tiếng cười trào lộng carnaval trong Số đỏ vẫn mang tinh thần lễ hội dân gian: tiếng cười mang tinh thần phục sinh, tiếng cười đưa những cái xấu xa xuống mồ để phục sinh những giá trị tốt đẹp bằng cách đả kích đối tượng thông qua hình thức hài hước, giễu nhại, trào phúng. Phải thế chăng mà Số đỏ và không ít tác phẩm khác của Vũ Trọng Phụng, đã được coi là những tác phẩm vượt thời gian, là di sản hiếm có của thế hệ vàng văn chương Việt Nam hiện đại.

_____________

1, 2. Trần Nhật Thư, Dấu ấn Carnaval hóa trong truyện mười ngày của Boccatio, tapchisonghuong.com.vn, 8-8-2008.

3, 4, 5, 6, 7, 8. Lê Thị Gấm, Đọc lại Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, vannghequandoi.com.vn, 2-2-2021.

Tài liệu tham khảo

1. M. Bakhtin, Những vấn đề thi pháp Dostoievski, Trần Đình Sử chủ biên, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1998.

2. M. Bakhtin, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư dịch, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2003.

3. M. Bakhtin, Sáng tác của Francois Rabelais và nền văn hóa dân gian Trung cổ và Phục hưng, Hoàng Ngọc Hiến, Từ Thị Loan dịch, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006.

4. Hoàng Ngọc Hiến, Vũ Trọng Phụng - về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2000.

5. Nguyễn Đăng Điệp, Văn Giá, Lê Quang Hưng, Nguyễn Phượng, Chu Văn Sơn, Chân dung các nhà văn Việt Nam hiện đại tập một, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2005.

6. Đỗ Đức Hiểu, Thi pháp hiện đại, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000.

7. Phan Trọng Hoàng Linh, Cơ sở nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ lý thuyết Carnaval của M. Bakhtin, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 3 (529), 2016, tr.74-84.

8. Nguyễn Đăng Mạnh, Nhà văn Việt Nam hiện đại - chân dung phong cách, Nxb Văn học, Hà Nội, 2009.

9. Trần Đăng Suyền, Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, Nxb Giáo dục, 2013.

10. Trần Đình Sử (chủ biên), Lý luận văn học tập 2 - Tác phẩm và thể loại văn học, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, 2013.

ĐẶNG QUỲNH ANH - CÔNG QUỲNH ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 500, tháng 6-2022

;