Đặc tính tạo hình của ngôn ngữ thơ văn xuôi

Thơ văn xuôi là hình thức cơ bản của thơ viết bằng văn xuôi. Sự kết hợp này không phải là ngẫu hứng, cũng không chỉ là tham vọng cách tân hình thức trình bày. Từ những bài thơ văn xuôi được xem là thành công, người đọc có thể nhận thấy rõ ý thức sáng tạo của người cầm bút khi tìm đến thể loại này. Những dòng cảm xúc được phơi trải đến tận cùng, những triết lý sâu sắc đi từ những việc rất đời thường và đặc biệt, một hiện thực bộn bề, đa diện, nhiều nghịch lý của cuộc sống, cả dòng tâm tưởng mông lung, bất định... tất cả cần được thể hiện để người đọc phải đối diện trực tiếp với nó hay đối thoại với tác giả về nó. Thơ văn xuôi với kết cấu câu văn xuôi nhiều lớp lang, có thể co duỗi một cách tự do, là hình thức tối ưu được lựa chọn để có thể phô diễn, truyền tải một cách trọn vẹn, đầy đặn nhất. Sự kết hợp giữa thơ và văn xuôi đưa đến ngôn ngữ thơ văn xuôi mang tính tự sự cao hơn ngôn ngữ của các thể thơ khác mà biểu hiện cụ thể là sự xuất hiện ở tần số dày đặc của thứ ngôn ngữ tạo hình. Có thể nói, sự gia tăng của tính tạo hình là một trong những nét đặc trưng nổi bật của ngôn ngữ thơ văn xuôi.

Về cơ bản, ngôn ngữ tạo hình là ngôn ngữ của văn xuôi, ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ biểu hiện. Nghĩa là, ngôn ngữ tạo hình thiên về khả năng miêu tả, phản ánh hiện thực và xây dựng hình ảnh, còn ngôn ngữ biểu hiện thiên về khả năng khơi gợi liên tưởng, thể hiện tư tưởng, tình cảm và thái độ của chủ thể sáng tạo. Tuy nhiên, trong thực tế sáng tác không có sự phân định rạch ròi tuyệt đối. Hai loại hình ngôn ngữ này vẫn thường xuyên có sự chuyển hóa, hòa trộn vào nhau. Thơ vẫn cần đến tính tạo hình để khắc họa hình tượng, qua đó tính biểu hiện đạt hiệu quả cao hơn. Tính biểu hiện cũng cần ở văn xuôi để tư tưởng nghệ thuật của người trao đến được với người nhận bằng con đường hiệu quả nhất: xuất phát từ những rung động, rung cảm. Tuy nhiên, đối với thơ, điều quan trọng không phải là tái hiện hiện thực khách quan mà là bộc lộ thế giới chủ quan của con người trước hiện thực khách quan đó. Đối với văn xuôi, thế giới nội tâm của chủ thể phản ánh vẫn đứng sau bức tranh đời sống mang tính tư tưởng. Do vậy, tính biểu hiện được ưu tiên của ngôn ngữ thơ và tính tạo hình là đặc điểm nổi bật của ngôn ngữ văn xuôi.

Thơ văn xuôi có hình thức văn xuôi không phân dòng, xuất hiện theo từng mảng, từng chiết đoạn hoặc nếu có phân dòng thì mỗi dòng có số lượng âm tiết rất lớn. Với độ dài hay lượng âm tiết lớn mà thơ văn xuôi lại không tập trung khai thác vần điệu, cũng không xem trọng việc đãi chữ lọc từ, những vấn đề vốn dĩ là yêu cầu của thơ để dễ nhớ, dễ thuộc. Vậy, thơ văn xuôi làm thế nào có thể đứng được ở địa hạt thơ? Theo chúng tôi, xét riêng về mặt ngôn ngữ, nó đã tự hoán đổi, bù đắp lại bằng cách khai thác tính tạo hình của ngôn ngữ, nó giăng mắc tâm tưởng của người đọc bằng chính những đường nét, hình ảnh sống động của đối tượng được đề cập. Thử khảo sát bài thơ văn xuôi sau: Người đàn bà nào dắt đứa nhỏ đi trên đường kia?/ Khuôn mặt trẻ đẹp chìm vào những miền xa nào…/ Đứa bé đang lẫm chẫm muốn chạy lên, hai chân nó cứ ném về phía trước, bàn tay hoa hoa một điệu múa kỳ lạ/ Và cái miệng líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có/ Ai biết đâu, đứa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia sống/ Người chiến sĩ nào đỡ bà cụ trên đường kia?/ Đôi mắt anh có cái ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết. Bà cụ lưng còng tựa trên cánh tay anh bước từng bước run rẩy. Trên khuôn mặt già nua, không biết bao nhiêu nếp nhăn đan vào nhau, mỗi nếp nhăn chứa đựng bao nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời/ Ai biết đâu, bà cụ bước không còn vững lại chính là nơi dựa cho người chiến sĩ kia đi qua những thử thách (Nơi dựa - Nguyễn Đình Thi).

Rõ ràng bài thơ này thuộc loại không thể ngâm và chắc cũng không dễ thuộc do không vần, âm hưởng cũng chẳng du dương, câu thơ lại dài ngắn bất chợt. Cả bài cũng không có từ nào có thể coi là nhãn tự, từ nào cũng như từ nào. Vậy, điều gì làm nên sức ám ảnh khó tả của nó? Do tứ thơ hay? Do cách đặt vấn đề độc đáo? Hay do câu chuyện bình dị, đời thường được kể bằng chính thứ ngôn ngữ tự nhiên đời thường gần gũi mà vẫn chứa được ý nghĩa sâu xa? Chính loại ngôn ngữ tạo hình ở đây đã đảm bảo mức cao nhất tính chân thật của vấn đề được đề cập. Câu chuyện trong bài thơ được dựng lên bằng hai tuyến nhân vật với ngôn ngữ kể, tả rất đậm. Hai câu chuyện, hai mảng hình ảnh xuất hiện như một sự tình cờ, ngẫu nhiên nhìn thấy trên đường nhưng lại gợi lên bao điều rồi suy ngẫm, để rồi “ngộ” ra: Chỗ dựa cuộc đời con người hóa ra tồn tại ở những đối tượng hết sức bình thường. Những người cần đến ta, trở thành lẽ sống của ta rồi thành sức mạnh, thành điểm tựa cho cuộc đời ta. Triết lý giản dị mà thấm thía, giàu giá trị nhân văn toát lên không phải bằng thứ ngôn từ cao siêu mà đơn giản chỉ là những lời thuật, tả của loại ngôn ngữ tạo hình còn thô nhám.

Có thể nói, trong thơ văn xuôi, việc miêu tả, khắc họa hình ảnh của sự vật, hiện tượng nhiều khi cũng quan trọng không kém việc thổ lộ tình cảm, cảm xúc. Điều này giúp cho hình ảnh của sự vật, hiện tượng trở nên rõ nét và sự tác động của nó đối với người đọc cũng mạnh mẽ hơn. Hãy thử làm một so sánh về hình ảnh trăng trong bài thơ Trăng vàng trăng ngọc của Hàn Mặc Tử và trăng trong Chơi giữa mùa trăng cũng của tác giả này. Bài thơ tự do Trăng vàng trăng ngọc, với 15 dòng nhưng có đến 30 lần từ trăng xuất hiện song hình ảnh trăng hiện ra cũng chỉ là trăng sáng, trăng của rạng ngời, trăng vàng, trăng ngọc còn lại thì: Trăng, Trăng, Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!/… Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi/ Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi/ Trăng mới là trăng của rạng ngời… Chủ yếu qua bài thơ là nỗi lòng, là tâm trạng thi nhân. Còn trăng ở bài thơ văn xuôi Chơi giữa mùa trăng thì khác. Vẫn nhiều nỗi niềm, tâm trạng, song vầng trăng ở đây được tập trung miêu tả chi tiết, sống động với tất cả sự huyền diệu của nó: Trăng là ánh sáng? Nhất là trăng giữa mùa thu, ánh sáng càng thêm kỳ ảo, thơm thơm, và nếu người thơ lắng nghe một cách ung dung, sẽ nhận thấy có nhiều tiếng nhạc say say gió xé rách lả tả... Và rơi đến đâu, chạm vào thứ gì là chỗ ấy, thứ ấy vang lên tuy chẳng một ai thấy rõ sức rung động… So sánh trên cho thấy, nét khác biệt của việc sử dụng ngôn ngữ trong sáng tác thơ văn xuôi với sáng tác thuộc các thể thơ khác. Nếu ở các thể thơ khác, do có sự hạn định về số chữ, số câu trong bài nên người làm thơ buộc phải lựa chọn từ ngữ sao cho nói ngắn nhất mà biểu hiện được nhiều nhất, thì ở thơ văn xuôi, tác giả không phải gò mình trong những giới hạn đó. Hình thể câu thơ phóng túng, có thể mở rộng thành phần tối đa, lại được phép sử dụng liên từ, kết từ, đặc biệt là có thể kể, tả, bàn luận… đối tượng được đề cập ở đây luôn được cảm nhận, soi rọi, miêu tả một cách đầy đặn, sinh động… Ngôn ngữ tạo hình đã được tận dụng như một thế mạnh ở thể thơ này.

Song, tính tạo hình của ngôn ngữ thơ văn xuôi cũng phát triển theo nhiều hướng. Với thơ văn xuôi tiền hiện đại, ngôn ngữ tạo hình nghiêng về dạng vẽ tranh hiện thực (mượn từ của Lã Nguyên). Đó là dạng hình ảnh thiên về thị giác, thiên về sự cảm nhận cụ thể. Ngôn ngữ tạo hình ở đây phải là thứ ngôn ngữ giàu hình ảnh, lung linh màu sắc thường kết hợp với những biện pháp nhân hóa, so sánh, với những liên tưởng sống động - tất nhiên là liên tưởng mang màu sắc duy lý. Bằng thứ ngôn ngữ này, ta sẽ có hình ảnh những bức tranh với đường nét, hình hài, màu sắc cụ thể của nó, cho dù nó “vẽ” về thiên nhiên, đời sống sinh hoạt hay một trạng thái tâm lý của con người.

Đây là “bức tranh” mà Nguyễn Sĩ Đại đã dựng lên trong Mới và cũ, ba mươi sáu phố phường Hà Nội: Hà Nội ba mươi sáu phố phường: khách sạn, nhà ga, nhà nghỉ mát, cầu Thăng Long, cung văn hóa Việt - Xô, đồ sộ những công trình hiện đại. Mới và mới từng ngày: Unimex, Techcomimport, đường một, đường hai nhiều biển chắn.../ Chót vót tháp truyền hình, những gương mặt hồ bị lấp, mở mắt nhìn không thấy một gương xanh. Người thành phố giữa hai hàng phố hẹp, đài Nghiên khô mực tả Thanh thiên, nước thải chôn rùa, chôn cả kiếm.

Gương mặt Hà Nội đã được nhà thơ “vẽ” một cách tường tận. Hiện thực khách quan hiện lên cụ thể, sinh động qua hàng loạt những hình ảnh được liệt kê, đặc biệt là qua lớp từ giàu tính tạo hình. Tất nhiên, mục đích chính ở đây không phải nhằm vào việc trưng ra cái ngổn ngang, bề bộn của khung cảnh Hà Nội mới mà là sự trăn trở đến nhức nhối của thi nhân, là nỗi bất an trước những biểu hiện của mặt trái văn minh đô thị. Song những nét vẽ chân thật, sống động ở đây vẫn có giá trị nhất định của nó: tác động trực tiếp vào giác quan người đọc, khiến họ cũng choáng, cũng ngộp trước sự hỗn mang, ô hợp và nhất là cũng đau cùng tác giả bởi hồn vía linh thiêng của một vùng đất đã không còn. Sự đồng điệu, đồng cảm đến một cách tự nhiên, dễ dàng.

Ở ngòi bút Xuân Diệu, mặc dù được nhìn nhận đã nhuốm màu tượng trưng nhưng thơ văn xuôi của ông vẫn sử dụng lối tạo hình cụ thể là chính. Tiếp xúc với những thi phẩm trong tập Trường ca (1), ta thấy, dù là thơ văn xuôi nhưng thế giới thơ ông vẫn lung linh màu sắc. Và ở bảng màu ấy, chỉ hai lần xuất hiện cái màu xa xăm (Hoa học trò), màu đắng cay (Thu), còn lại toàn bộ là màu của thị giác: màu đỏ rực, thắm tươi, chói lói của Hoa học trò, màu hồng đậm, tím nhạt, xanh xám của Đóa hồng nhung hay biếc, vàng, xanh, tím của sắc thu trong Thu… Và không chỉ lung linh màu sắc mà hình hài, đường nét của đối tượng trong thơ Xuân Diệu cũng được thể hiện cụ thể, kể cả khi đó là những thứ vô hình. Sự chuyển động của vũ trụ trong buổi hoài thai một mùa xuân mới là chuyển động ngầm, vậy mà vẫn cứ thấy nó sục sôi, hối hả, rõ mồn một trên trang thơ ở bài Lệnh. Tâm trạng hay cảm giác của con người vào thời khắc chuyển giao của trời đất rất mơ hồ, khó diễn tả, nhưng bằng ngôn ngữ tạo hình, thực tả, thi nhân vẫn cụ thể hóa được nó. Đó là cảm giác của những mũi kim dịu dàng của không khí chạm vào da, hơi mát lành lạnh máu tôi vội vàng cưỡng lại, chạy hăng và khỏe (Thu).

Ngược lại, với sự tự tin của con người trong văn học tiền hiện đại về thế giới, con người trong văn học hiện đại lại luôn ở trong tâm thế bất ổn, hoài nghi. Niềm lạc quan, tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của lý trí, của khoa học đã không còn. Giờ đối với họ, cái thế giới mà con người nhìn thấy trước kia, mới chỉ là một phần, còn bao điều chưa thấy, chưa biết ở đằng sau nó. Do đó, họ muốn tìm hiểu, khám phá một cách đầy đủ, thay vì chỉ mô phỏng lại cái phần đã biết như trước đó. Thơ ca giờ đây cũng phải thực hiện chức năng này. Hình ảnh trong thơ thuộc hệ hình sáng tác hiện đại không còn hiển hiện, lồ lộ, không còn là những ký hiệu thị giác. Nó đã là hình ảnh của một chiều kích khác - chiều tâm linh, siêu thực. Và ở đây, cái được biểu đạt với cái biểu đạt có quan hệ ước lệ, tự do. Hình ảnh Bến trong Bến lạ không còn là nơi bờ sông có cầu, có bậc tam cấp ngồi tắm giặt hay là nơi neo đậu của tàu xe như giải thích của từ điển mà ở đây nó đã là biểu tượng trùng phức. Cũng có thể hiểu nó là vùng vô thức huyền hồ, mờ ảo, bất định trong thẳm sâu hồn người: Nó chính là bản năng, bản ngã, là tự do nội tâm, là ấu thời như lý giải của tác giả bài viết Đặng Đình Hưng người thèm (2). Tương tự, cũng là màu đen, màu trắng nhưng xuất hiện trong Những chuyển dịch màu đen của Nguyễn Quang Thiều nó không còn là những gam màu đen, trắng trong bảng màu thị giác: bầu trời trắng, xứ sở trắng, ngôn ngữ trắng, Gã đi, màu đen của mọi màu đen, miết vệt sáng lên những màu đen khác, hai màu đen ngóng cố hương cố hương thở nặng… Màu sắc trong bài thơ xuất hiện với vai trò là nhân vật, biểu tượng và tùy vào sự cộng sinh của trường từ vựng cũng như âm hưởng, tiết tấu câu thơ, đoạn thơ mà người đọc có thể giải mã chúng cụ thể là gì.

Thể hiện thế giới nội tâm con người, thơ văn xuôi tiền hiện đại vẫn có thể nghe, thấy, cảm nhận cụ thể rồi biểu tả bằng thứ ngôn ngữ tạo hình cụ thể. Mọi diễn biến ở đó cũng đi theo một trình tự hợp lý, rành mạch, tỏ tường. Người ta có thể thấy được sự cô đơn màu xám hay có thể cảm nhận rõ máu trong người mình đang cưỡng lại, chạy hăng và khỏe. Ngay cả những gì thuộc về ký ức cũng không một chút mờ nhòe: Bên Hồ Thiền Quang có lần tôi và em cùng nắm tay nhau, cùng líu ríu bước chân chạy trốn cơn mưa đầu hạ. Hoa chạy phía sau hôn đầy tóc, đầy vai, đầy má. Hoa chạy phía trước rạp mình làm thảm đón chân ta (Hoa sữa - Lương Ngọc An). Thế nhưng, trong thơ văn xuôi hiện đại, nội tâm con người đôi khi là cõi tâm linh vô thức, là cõi hỗn mang, nhập nhòe. Và ở đây, nó cũng có ngôn ngữ riêng của nó: Hôm ấy, trời se se - mùa chuyển, anh thấy người gai gai khó nói - như man mác - như mây trôi - lại như trống trải, cô li - như tiếng gọi mùa: Xuân hạ thu đông/ đi jữa mùa em jó lộng/ thu cùng/ đi jữa mùa xuân / jó lạnh xuân mùa/ thay áo/ mùa sương em/ sương ngượng/ ngỡ ngàng/ ngấp nghé... / xanh em/ xanh mấy xanh mùa/ xanh anh/ anh mấy em mùa/ hương em/ hương mấy em mùa/ mùa hương/ mùa hương đi tóc xanh/ mắt xanh/ tình xanh/ đi nơi xanh/ rừng xanh/ tìm xanh/ tìm anh (Ô mai - Đặng Đình Hưng).

Có thể thấy, đây là một chuỗi cảm xúc vụt qua tâm hồn, khi nối tiếp, khi đồng hiện, nhưng tất cả không có gì rõ ràng, cụ thể. Thật sự nó chỉ là những rung động mơ hồ, xâm lấn từ tiềm thức, vô thức và chỉ có thể cảm nhận chứ không gọi được thành tên. Bảng lảng nơi điệp trùng cảm xúc ấy, dường như vẫn có hướng về một bóng hình, song cũng huyền hồ, hư ảo. Đọng lại chỉ là tóc xanh, mắt xanh, tình xanh, xanh mùa… Và sắc xanh ấy cũng nhạt nhòa bởi gió, bởi sương. Đoạn thơ chẳng khác gì một bức tranh siêu thực mà ở đó những gam màu đều loang ra, xâm thực nhau, nó như sắc điệu tâm trạng khó tách bạch, liên tục biến chuyển trong cõi hỗn mang vô thức của con người.

Thế giới ngoại cảnh đi vào thơ văn xuôi hiện đại cũng bằng những hình ảnh đầy bất hợp lý. Nó được xây dựng theo nguyên lý “đặt cạnh nhau những vật thể xa nhau để làm bật ra một thực tại mới: Anh nghe em nhờ rễ sâu mở những vỉa tầng linh thiêng trong đất ấm, con sông chảy vào quang gánh, làng mạc phồn sinh tháp dựng, và cánh đồng tươi tốt trên xe cộ” (Nghe em qua điện thoại - Mai Văn Phấn). Ở đây, tác giả vẫn dùng những động từ, tính từ có giá trị tạo hình nhưng cách thức tạo hình đã khác. Cũng là những hình ảnh quen thuộc: con sông, làng mạc, cánh đồng nhưng không phải con sông chảy vào kênh rạch, ruộng đồng mà chảy vào quang gánh, còn làng mạc thì phồn sinh tháp dựng, hay cánh đồng lại tốt tươi trên xe cộ thay vì xe cộ chạy qua cánh đồng tốt tươi. Chỉ nghe tiếng em qua điện thoại mà nhân vật trữ tình ở đây đã men theo rễ sâu thức dậy cả vỉa tầng linh thiêng trong đất ấm, nghe, thấy cả một thế giới đông vui, tấp nập, phồn vinh!

Như vậy, nếu ngôn ngữ tạo hình của thơ văn xuôi tiền hiện đại nghiêng về hình ảnh cụ thể, hình ảnh thị giác thì tạo hình trong thơ văn xuôi hiện đại thiên về biểu tượng, thiên về hình ảnh tâm linh, siêu thực.

Còn với hệ hình sáng tác hậu hiện đại, tính chiết trung đã cho phép nó tái sử dụng tất cả những gì sẵn có trước đó trong kho tàng văn chương nhân loại để sáng tác, tất nhiên trong đó có ngôn ngữ. Tuy nhiên, thế giới lúc này trong cái nhìn của con người hậu hiện đại đã không còn là thế giới khách quan - thế giới mà con người tiền hiện đại tin rằng bằng trí tuệ, bằng khoa học mình đã khám phá nó đến tận cùng; nó cũng không phải là cái thế giới “siêu thực” đầy tính ảo tưởng mà người nghệ sĩ hiện đại bằng niềm tin, bằng ngôn ngữ thiết lập nên. Thế giới trong cái nhìn của con người hậu hiện đại chỉ là một hiện thực được ngụy tạo. Với cái nhìn như thế về thế giới, nên thơ hậu hiện đại tuy vẫn sử dụng ngôn ngữ của tiền hiện đại và hiện đại nhưng nói như Hoàng Ngọc Tuấn: “hậu hiện đại không thể hoàn toàn quay về thứ ngôn ngữ và cách kể chuyện theo tuyến tính của tiền hiện đại vì nó không còn thích nghi với thế giới của hiện thực thậm phồn đương đại, cũng như trước hiện thực thậm phồn họ phải đẩy những kỹ thuật hiện đại đi xa hơn” (3).

Rõ ràng, ở các tác phẩm thơ hậu hiện đại, ngôn ngữ tạo hình cụ thể hay tạo hình siêu thực đều hiện diện. Song, điều nó muốn nói đã không còn là những gì xảy ra qua những hình ảnh cụ thể hay nhập nhòe mà là những gì nằm sau lớp vỏ ngôn từ đó. Chẳng hạn, trong Anh tôi của Mai Văn Phấn: Tôi nhìn nước sông thay màu lướt qua bờ cỏ rũ rượi. Phù sa láng mịn. Trăng mọc sớm, thơ ngây và thoảng mùi rơm rạ. Nhớ người yêu vô cùng/ Chiếc áo vừa giặt nhàu nhĩ, nước lặng lẽ bốc hơi, tôi đâu có biết. Rồi những sợi vải mỏng manh lại phẳng phiu dưới bàn là nóng bỏng. Giặt - là, giặt - là. Đời sống đôi khi giống quả lắc đồng hồ quá cũ. Tôi tập nghĩ vẩn vơ để có thể nghĩ tiếp.

Đây là hai trong bốn đoạn của bài thơ. Đa phần vẫn là loại ngôn ngữ trong sáng, giàu tính tạo hình với cả hình ảnh so sánh cụ thể. Song, nội dung mà các câu từ hay hình ảnh thể hiện như chẳng ăn nhập gì với thông điệp của bài thơ. Bài thơ xuất hiện dưới hình thức một câu chuyện và được bắt đầu bằng một sự việc phi lý: Lúc gần đất xa trời anh nhờ tôi giữ hộ ký ức. Tôi từ chối vì kho ký ức tôi đã đầy ứ. Rồi tôi đưa cho anh lời khuyên và rất nhiều giải pháp. Sau mỗi giải pháp hay việc làm của tôi thì Anh nhìn tôi buồn lắm! Ý nghĩa của bài thơ không thể tìm qua việc xâu chuỗi ý của câu thơ, đoạn thơ. Mối quan hệ nhân quả đã không còn tồn tại. Sự xuất hiện của loại hình ngôn ngữ tự sự, tạo hình chỉ có vai trò làm sống động một chi tiết, một sự việc cụ thể, tức một “mảnh” nhỏ trong vô vàn phân mảnh của đời sống. Còn để hiểu được bài thơ, người đọc phải đặt tất cả vào tổng thể và kết nối chúng lại bằng logic nhảy cóc, đứt đoạn. Ở đây, sự trật khớp giữa tâm nguyện của nhân vật anh với thái độ cũng như phản ứng của nhân vật tôi có thể đem đến cho người đọc sự cảm nhận về nỗi cô đơn của con người: Nỗi cô đơn của mỗi người là không thể gửi trao hay rũ bỏ được. Câu thơ Anh nhìn tôi buồn lắm! lặp đến ba lần trong bài sau mỗi phản ứng của tôi. Tôi cảm nhận được hết nhưng tôi đã không làm gì khác, vẫn giữ kho ký ức dù đã mốc meo, thối rữa của mình, vẫn sống cho sở thích, thậm chí cho những điều tôi cảm thấy như vô nghĩa, mặc dù tôi cũng rất thương anh. Anh bất lực trước sự cô đơn của mình. Tôi bất lực trước sự ích kỷ của tôi. Phải chăng, con người không chỉ là một sinh vật cô đơn vĩnh viễn mà còn là một sinh vật ích kỷ vĩnh viễn? Cảm thức về sự phi lý giăng mắc tác phẩm từ đầu đến cuối, cùng với nó là thái độ chấp nhận, sống cùng sự phi lý đó.

Tóm lại, là một thể thơ nên ngôn ngữ thơ văn xuôi vẫn phải thể hiện đặc điểm của ngôn ngữ thơ nói chung. Đó là loại ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượngngôn ngữ của nguyên lý tương đương. Song, bên cạnh đó, ngôn ngữ thơ văn xuôi vẫn có những điểm rất riêng của thơ văn xuôi mà như phần trình bày ở bài viết đã hướng tới làm rõ. Đó là loại ngôn ngữ có sự gia tăng của tính tạo hình (bên cạnh việc mở rộng các dạng thức kết hợp - nét đặc trưng thứ hai). Và đặc tính tạo hình của ngôn ngữ thơ văn xuôi cũng xuất hiện đa dạng, độc đáo theo từng hệ hình sáng tác.

________________

1. Theo chúng tôi, thơ văn xuôi là một thể “lưỡng tính” giữa thơ trữ tình và văn xuôi tự sự. Do đó, cần có cái nhìn linh hoạt về nó. Dạng thức điển hình của thơ văn xuôi là trình bày dưới dạng văn bản văn xuôi tự do. Song, những bài thơ tự do có câu thơ kéo dài quá 11, 12 âm tiết hay những tác phẩm văn xuôi trữ tình giàu chất thơ có dung lượng ngắn cũng có thể xếp vào dạng thơ văn xuôi mở rộng.

2. Đỗ Lai Thúy, Thơ như là mỹ học của cái khác, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2012, tr.223.

3. Hoàng Ngọc Tuấn, Viết: từ hiện đại đến hậu hiện đại, vusta.vn, 30-10-2006.

TS NGUYỄN THỊ CHÍNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 494, tháng 4-2022

;