Tiếp biến văn hóa trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở Thành phố Hồ Chí Minh

Ra đời trên cơ sở của tục thờ nữ thần, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ đã trở thành một loại hình tín ngưỡng độc đáo mang những nét đặc sắc riêng của văn hóa Việt Nam. Từ cái nôi đồng bằng Bắc Bộ, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ từ rất sớm đã có mặt ở Trung Bộ và Nam Bộ. Nếu tính theo thời gian xây dựng có thể thấy tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ có mặt ở TP.HCM từ đầu TK XIX (đình Bình Hòa, quận Bình Thạnh). Trong quá trình hình thành và phát triển trên vùng đất mới, người Việt Bắc Bộ ở TP.HCM đã nhanh chóng thích nghi, tiếp xúc và biến đổi tín ngưỡng của mình cho phù hợp với văn hóa bản địa. Điều này đã tạo ra một nét riêng độc đáo cho tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở TP.HCM so với Bắc Bộ và Trung Bộ. Bài viết tập trung vào quá trình tiếp biến văn hóa trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ của người Việt Bắc Bộ ở TP.HCM, trong đó tập trung vào việc xây dựng, bài trí đền, điện thờ Mẫu Tam, Tứ phủ và trong hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.

1. Khái quát về tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở TP.HCM

Tín ngưỡng thờ nữ thần là một trong những tín ngưỡng khá phổ biến ở Nam Bộ. Hầu như khắp mọi nơi ở Nam Bộ đều có miếu thờ nữ thần hay còn gọi là miếu Bà. Cũng bởi đặc điểm cộng cư của nhiều dân tộc nên nội dung của tín ngưỡng thờ nữ thần ở Nam Bộ cũng chứa đựng sự giao lưu và tiếp biến văn hóa. Đây cũng chính là điểm khác biệt so với tín ngưỡng thờ nữ thần ở các vùng miền khác.

Đình Bình Hòa, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: internet

Người Việt chiếm đa số trong các thành phần dân cư có mặt ở Nam Bộ. Cùng với công cuộc mở rộng bờ cõi về phương Nam vào TK XVI, lớp cư dân Việt đầu tiên có mặt ở vùng đất Nam Bộ này là những quân phu đi theo các thủ lĩnh vào khai thác vùng đất Nam Bộ để sinh cơ, lập nghiệp. TK XX với chính sách phát triển thuộc địa của Pháp, lớp cư dân người Việt thứ hai ở Bắc Bộ đến Nam Bộ, đặc biệt là đợt di dân lớn vào năm 1954 sau Hiệp định Giơnevơ, lớp cư dân này chủ yếu sống ở Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM. Chính sự khác biệt về nguồn gốc của những lớp cư dân người Việt ở Bắc Bộ đến Nam Bộ nên tín ngưỡng thờ nữ thần Nam Bộ đã hình thành 2 dòng khác biệt. Dòng thứ nhất do lớp cư dân người Việt đầu tiên đem theo trong tâm thức của họ kết hợp giao lưu với văn hóa Chăm ở miền Trung nơi họ dừng chân trước khi tới Nam Bộ. Những nữ thần chủ yếu của dòng này bao gồm bà chúa tiên, bà chúa Ngọc, bà Hồng, bà Thủy, bà chúa Xứ, Bà Thiên Hậu Cửu Thiên Huyền Nữ... Lớp cư dân người Việt đầu tiên chính là chủ thể của dòng tín ngưỡng nữ thần Nam Bộ này. Dòng thứ hai trong tín ngưỡng thờ nữ thần Nam Bộ chính là bản sao của tín ngưỡng nữ thần Bắc Bộ hay còn gọi là đạo mẫu. Dòng tín ngưỡng này chủ yếu phát triển ở TP.HCM, đó là hệ thống Tam phủ, Tứ phủ với bà chúa Liễu Hạnh, Hai Bà Trưng…

Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM theo thống kê chưa đầy đủ của nhóm nghiên cứu, có khoảng trên 20 đền, điện thờ Mẫu Tam, Tứ phủ phân bố tập trung ở một số quận trung tâm như: Quận 1, Quận 2, Quận 3, Quận 4, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp…

Xác định thời điểm định cư của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ ở TP.HCM có thể căn cứ vào năm xây dựng các đền, phủ - những cơ sở thờ tự của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ. Chúng tôi chia thành 3 giai đoạn khác nhau:

Giai đoạn đầu tiên: những đền, phủ của lớp người di cư vào TP.HCM trước năm 1945. Đây là những đền, phủ phân bố ở các quận: Quận 4 (2 đền là Hàn Sơn vọng từ và Bà Chúa kho); Quận 1 (2 đền: Thiên nhiên cảnh và Đền thờ Trần Hưng Đạo); Quận 2 (1 đền Bạch Đằng Giang vọng từ); Quận 10 (1 đền: Bát Hải vọng từ).

Giai đoạn thứ hai: gồm những đền, điện được xây dựng sau cuộc di cư năm 1954, phần lớn những đền, điện thời kỳ này do người Việt Bắc Bộ di cư từ vùng Nam Định, Ninh Bình vào xây dựng phân bố nhiều ở quận Bình Thạnh với 3 đền (Bắc Lệ vọng từ; Phủ Dày vọng từ; Bảo Hà vọng từ); Quận 3 với 2 đền (Sòng Sơn vọng từ và Ninh Giang vọng từ); Quận 4 với 2 đền (Mẫu cửu trùng thiên và Lục cung vọng từ); Quận 5, Quận 10 và quận Gò Vấp mỗi quận có 1 đền.

Giai đoạn thứ ba: là những đền, điện được xây dựng sau năm 1975, phân bố nhiều ở các quận Bình Thạnh: 2 đền (Đồng Mỏ vọng từ và Chầu Bát vọng từ); Gò Vấp: 2 đền (Tiên Hương vọng từ và Quan lớn Triệu Tường); Nhà Bè 1 đền (Ninh Giang vọng từ) và Quận 5 có 1 đền (Mỏ Hạc vọng từ).

Số lượng đền, điện lớn được xây dựng từ sau cuộc di dân trực tiếp từ Bắc vào Nam năm 1954, chiếm số lượng nhiều nhất 10/24 bằng 41,6%; số lượng đền, điện được xây dựng sau năm 1945 là 8 đền chiếm 33,3% còn lại là các đền được xây dựng sau 1975: 6 đền chiếm 25%.

2. Tiếp biến văn hóa trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam ở TP.HCM

Việc người Việt di cư từ Bắc vào Nam mang theo đạo Mẫu Tam, Tứ phủ ở vào những thời điểm gần một thế kỷ nay nhất là vào năm 1954 và 1975 nên về cơ bản sự khác biệt giữa đạo Mẫu Tam, Tứ phủ ở miền Bắc và miền Nam không nhiều. Tuy nhiên, theo quy luật lan truyền văn hóa thì ít nhiều đều diễn ra những khúc xạ nhất định về phương diện kiến trúc đền phủ, bài trí tượng thờ thần điện có đôi chút khác biệt mang tính địa phương. Nếu như ở miền Bắc có sự thâm nhập khá mật thiết giữa Phật giáo và đạo Mẫu, thể hiện bằng việc xuất hiện điện mẫu trong chùa, thì ở miền Nam sắc thái riêng của đạo Phật về hiện tượng này hầu như vắng bóng. Đổi lại ở miền Bắc không có việc thờ thánh thờ mẫu trong đình, ở miền Nam có hiện tượng thờ mang tính tổng hợp trong các ngôi đình, hay là việc đưa một số danh nhân địa phương vào trong điện thần đạo mẫu như Lê Văn Duyệt, Tôn Thất Thuyết… Trong lên đồng hiện nay ở Nam Bộ xuất hiện hình tượng các phái chủ địa phương như chúa xứ Bà Đen lồng vào hình ảnh các vị thánh nữ hàng trầu bà… Nghi lễ lên đồng là sinh hoạt thường xuyên trong nghi lễ Đền thờ Mẫu ở Nam Bộ, về cơ bản lên đồng ở Bắc Bộ và Nam Bộ không có nhiều khác biệt. Tuy nhiên, nếu như lên đồng ở Bắc Bộ mang tính nghiêm luật, quy phạm, bao trùm lên đó là không khí linh thiêng thì lên đồng ở Nam Bộ diễn ra cởi mở phóng khoáng, sự giao tiếp giữa con nhang đệ tử với bà đồng, ông đồng tương đối cởi mở. Do vậy, các buổi lên đồng ở đây thường náo nhiệt hơn. Trong hát chầu và âm nhạc chầu văn ở Nam Bộ thể hiện sự tiếp biến, giao lưu với hát cải lương thể hiện trong những âm điệu mới. Chầu ăn mặc, lễ vật dâng cúng cũng đa dạng và phong phú hơn. Cũng giống như đạo mẫu ở miền Bắc, các đền miếu thờ mẫu ở Nam Bộ tuân thủ các tuần tiếp Xuân Thu nhị kỳ, tháng 8 giỗ cha, tháng 3 giỗ mẹ, các nghi lễ và hội hè khác với thờ các vị nữ thần và mẫu thân mang tính bản địa của Nam Bộ.

Tiếp biến văn hóa trong bài trí đền, điện thờ Mẫu Tam phủ

Theo chân những người đi khai phá, di cư từ Bắc Bộ vào TP.HCM, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ đã có mặt ở hầu hết các quận, huyện trung tâm của thành phố. Các đền, điện được xây dựng với tính chất thờ vọng nên thường có quy mô nhỏ, hẹp hơn so với nguyên gốc. Tiếp biến văn hóa trong quá trình tiếp xúc với văn hóa bản địa cũng được thể hiện trong kiến trúc, bài trí, sắp xếp và thờ phụng tại các đền, điện thờ Mẫu Tam, Tứ phủ ở đây.

Thứ nhất về điện thờ, bởi tính cách người Nam Bộ đơn giản, phóng khoáng nên cách bài trí các điện thờ Mẫu Tam, Tứ phủ ở TP.HCM thường đơn giản, ít phức tạp hơn các điện thờ ở Bắc Bộ. Các điện thờ thường nhỏ và phần lớn là các đền, điện tư gia nên nằm trong khuôn viên gia đình. Các ban thờ về cơ bản không khác so với các ban thờ Mẫu Tam, Tứ phủ ở Bắc Bộ, nhưng nhỏ và đơn giản hơn.

Thông thường, một điện thờ Tam phủ ở TP.HCM được bài trí như sau:

Cung thứ nhất (hậu cung) là cung trong cùng thờ phật Quan Âm và Tam Tòa Thánh Mẫu. Theo quy tắc, cung này không được hầu đồng và cũng không thể tự tiện ra vào, trừ Thủ Nhang, đồng đền, điện ra vào phục dịch. Phía trên mái cung có treo nón Tam Tòa Thánh Mẫu, trên ban có thể được trưng thêm hài, khăn và quạt.

Cung thứ hai (trung đường) là cung ở giữa gọi là cung Hội Đồng, nơi phối đặt tượng Đức Vua Cha ở trên cùng sau đến Ngũ Vị Tôn Ông, Tứ phủ Thánh Chầu, Tứ phủ Thánh Hoàng, Thánh Cô, Thánh Cậu, thường Cô Cậu đứng chầu hai bên. Hai bên của cung này còn 2 cung nữa là Hội đồng Sơn trang và Hội đồng Trần Triều. Cung này có thể hầu đồng. Trên mái có treo nón ngũ vị tôn ông rồi tới nón Công đồng. Bên Sơn trang treo nón Tòa chúa, bên Trần Triều nón nhà Trần.

Dưới gầm ban Công đồng là Hạ ban, thường thờ ông Năm Dinh hay còn gọi là quan Ngũ hổ.

Cung thứ ba ngoài cùng gọi là cung trình. Giống như ở Bắc Bộ, cung này thờ Tam giới Thiên chúa Tứ phủ Vạn linh Công đồng Đại đế, có thể là bài vị hoặc tượng. Cung này để tiến lễ và tấu sớ cũng không phải là cung hầu. Điểm trang cho cung này là tàn lọng, chấp kích thì ở các đền, điện ở TP.HCM thường thờ Đức Thánh Trần. Ngoài ra, sân đền có thể phối thờ Cô, Cậu vào ra làm việc hầu hạ Tiên Thánh. Cổng đền thì thờ các thần binh tướng bảo vệ Tòa, Đền, Phủ.

Sự tiếp biến văn hóa trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở TP.HCM có thể thấy rõ qua việc phối thờ các vị thần và thánh Mẫu không có trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở Bắc Bộ. Thấy rõ nhất là ở một số đền, điện có thờ Linh sơn thánh Mẫu (Bà Đen) và bà chúa Xứ thay cho Mẫu thượng ngàn bởi tâm thức “xa rừng” và là kết quả giao lưu, hỗn dung tín ngưỡng giữa người Việt Bắc Bộ với người Khmer. Đặc biệt, trong quá trình khảo sát tại một số đền, điện chúng tôi nhận thấy, việc phối thờ 5 bà mẹ ngũ hành rất phổ biến tại các đền, điện thờ Mẫu Tam, Tứ phủ. Điều này tạo nên nét độc đáo riêng của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ ở TP.HCM.

Tiếp biến văn hóa trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ

Trải qua quá trình lịch sử và tiếp xúc lâu dài với cư dân bản địa, các đền, điện, phủ được xây dựng trên vùng đất mới đã có những biến đổi để thích ứng với văn hóa bản địa. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ cũng không nằm ngoài sự tiếp biến văn hóa đó. Do các đền, điện ở TP.HCM đều là các đền, điện thờ vọng nên việc tổ chức lễ hội không có rước và quy mô lớn như Bắc Bộ.

Về phương diện nghi lễ trong đạo mẫu, hầu đồng là nghi lễ nhập hồn nhiều lần của các thần linh vào thân xác các ông đồng, bà đồng nhằm cầu sức khỏe, tài lộc. Đó là một dạng thức của shaman giáo, tồn tại ở nhiều nước trên thế giới. Để thực hiện nghi thức mang tính shaman này, nó đã sản sinh và tích hợp các hiện tượng văn hóa nghệ thuật như hát văn, nhạc chầu văn, múa thiêng…

Không có quá nhiều khác biệt so với hầu đồng ở Bắc Bộ, hầu đồng hay lên đồng tại các đền, điện Tam, Tứ phủ ở TP.HCM thường được diễn ra vào các dịp và thời gian khác nhau trong năm. Với các ông Đồng đền (chủ đền), trong một năm có các dịp hầu xông đền (sau lễ Giao thừa), lễ hầu thượng nguyên (rằm tháng Giêng), lễ hầu nhập hạ (tháng Tư), lễ tán hạ (tháng Bảy), lễ hầu tất niên (tháng Chạp), lễ hạp ấn (25 tháng Chạp). Người thuần túy là các ông Đồng và bà Đồng còn có các lễ hầu vào dịp tiệc của các vị thánh mà mình mang căn như tiệc cô Bơ (12-6), tiệc Quan Tam phủ (24-6), tiệc Hoàng Bảy (17-7), tiệc Trần triều (20-8), tiệc Vua Cha Bát Hải (2-8), tiệc Chầu Bắc Lệ (tháng 9), tiệc ông Hoàng Mười (10-10), tiệc Quan Đệ Nhị (11-11)… Trong cả năm như vậy, thường các cuộc lên đồng tập trung hơn cả vào dịp tháng Ba - Giỗ mẹ (Thánh Mẫu) và tháng Tám - Giỗ cha (Ngọc Hoàng, Vua Cha Bát Hải, Đức Thánh Trần). Một buổi lên đồng, ông Đồng hay bà Đồng thường hầu từ 3 đến 35 giá đồng khác nhau, tùy vào sức khỏe.

Hát chầu và âm nhạc chầu văn trong các buổi lên đồng ở TP.HCM thể hiện rõ nhất sự tiếp biến do có sự tiếp nhận những giao lưu với hát cải lương, thậm chí những âm điệu mới. Giọng điệu hát Văn nhanh, rõ ràng không kéo dài như hát văn ở Bắc Bộ. Một số văn bản được biên soạn lời mới cho phù hợp với các địa danh ở Nam Bộ. Ví dụ trong bài hát văn Thờ Cô Bé: Ngàn xanh hái mận, hái đào/ Hóa ra đôi cánh cô bay vào miền Nam…

Quá trình tiếp biến văn hóa cũng được thể hiện trong các giá đồng, nếu như ở Bắc Bộ không xuất hiện giá ông Chín Thượng và cô bé Sóc thì ở TP.HCM đây là 2 giá đồng thường xuyên xuất hiện trong các buổi lên đồng.

Ông Chín Thượng là người dân tộc miền núi đi hái thuốc chữa bệnh cho muôn dân. Bao nhiêu Ông Hoàng về đồng chỉ có ông Chín Thượng lúc dâng nhang là dùng bản chầu văn của các chúa các chầu dùng để lễ. Như vậy, có thể coi ông Chín Thượng là vị thánh mang tính chất vùng miền chứ không hẳn nằm trong hệ thống Tam, Tứ phủ.

Cô Bé Sóc là nhân thần người Nam Bộ, người kề cận Mẫu Chúa Bạch cùng với Cô Ba Sa Thạnh được thờ tại thị xã Bình Long, tỉnh Bình Dương. Tương truyền cô bé là người dân tộc nên người TP.HCM vẫn gọi là Sóc Mọi, như bà Chúa Mọi ở Bắc Bộ. Lễ vật dâng cô bé Sóc nhất thiết phải có khoai lang sống.

Như vậy, có thể thấy, tiếp biến văn hóa trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở TP.HCM được thể hiện rõ nét trong cách xây dựng, bài trí điện thờ cũng như trong thực hành tín ngưỡng mà cụ thể ở đây là nghi thức lên đồng.

________________

Tài liệu tham khảo

1. Thái Anh, Tín ngưỡng Việt Nam, Nxb TP.HCM, 1992.

2. Nguyễn Chí Bền, Văn hóa dân gian Việt Nam, những phác thảo, Nxb Văn hóa - Thông tin, 2003.

3. Nguyễn Đăng Duy, Văn hóa tâm linh, Nxb Hà Nội, 1998.

4. Đinh Gia Khánh, Văn hóa dân gian Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995.

5. Võ Văn Sen (chủ biên), Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ bản sắc và giá trị, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2016.

6. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2001.

7. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Đạo Mẫu và các hình thức shaman trong các tộc người ở Việt Nam và châu Á, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004.

8. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2010.

Ths NGUYỄN THỊ THU HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 476, tháng 10-2021

;