Ngày 20-12, tại Hà Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Kỳ họp thứ hai (Nhiệm kỳ 2021-2026) nhằm tổng kết công tác Cơ quan Hội đồng năm 2022, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Trong năm 2022, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của đồng chí Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; sự phối hợp hiệu quả của Chi ủy Chi bộ cơ quan Hội đồng; các vụ, đơn vị chức năng của Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương. Hoạt động chung của Hội đồng tiếp tục được củng cố, ảnh hưởng và uy tín của Hội đồng trong giới ngày càng được phát huy rộng rãi. Hai đơn vị chức năng của Hội đồng là Văn phòng Hội đồng và Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật làm việc ngày càng đi vào nề nếp, ổn định. Qua nhiều năm công tác, các cán công chức, viên chức của cơ quan Hội đồng đã có kinh nghiệm và chủ động tham mưu, giúp Hội đồng triển khai kịp thời và hoàn thành nhiều công việc quan trọng.
Toàn cảnh Kỳ họp
Theo PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, trong năm vừa qua, tuy gặp khó khăn về mặt kiện toàn nhân sự, nhưng Hội đồng đã hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng, báo cáo Ban Bí thư và đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đề án Nhân sự Hội đồng khóa V (nhiệm kỳ 2021-2026); Tổ chức thành công các hội nghị tập huấn, lớp bồi dưỡng do các báo cáo viên có kinh nghiệm, uy tín và chuyên môn tốt truyền đạt; Hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo phân công của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” (29-11-2022) tại Hà Nội; Tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc năm 2022 với chủ đề: “Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”” (19-12-2022) tại tỉnh Hà Nam; Tổ chức Lễ trao tặng thưởng của Ban Bí thư dành cho các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đạt chất lượng cao xuất bản năm 2021 (29-12-2022) tại Nhà hát Tuổi Trẻ, Hà Nội.
Bên cạnh đó, Hội đồng tích cực tham gia Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương kiểm tra, khảo sát việc triển khai, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ năm 2022 ở Bộ VHTTDL, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương; Thực hiện nhiệm vụ là thành viên Ban Chỉ đạo 35 Trung ương; Phối hợp với Nxb Chính trị quốc gia, Vụ Báo chí - Xuất bản của Ban Tuyên giáo Trung ương hoàn thiện các thủ tục xuất bản cuốn kỷ yếu Hội thảo Khoa học toàn quốc với chủ đề “Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay”’; Tổ chức các Kỳ họp nhằm tổng kết, đánh giá những hoạt động của Hội đồng, bàn thảo những định hướng, kế hoạch, chương trình hoạt động trong thời gian tiếp theo…
“Hội đồng cần phát huy hơn nữa tính chủ động sáng tạo, đoàn kết, phấn đấu nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao” - Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh.
Một số nhiệm vụ chính được đồng chí Nguyễn Thế Kỷ đề xuất trong Kỳ họp: Tổ chức 1 Hội thảo khoa học toàn quốc; Tổ chức 2 Hội nghị tập huấn công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cho các học viên khu vực phía Nam và phía Bắc; Tổ chức, phối hợp với các tiểu ban chuyên môn của Hội đồng triển khai một số cuộc khảo sát và tọa đàm; Tổ chức lớp bồi dưỡng dành cho đội ngũ các cây bút trẻ; Tổ chức xét và trao tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đạt chất lượng cao xuất bản năm 2022; Tổ chức xét duyệt, ký hợp đồng, hỗ trợ các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật triển khai trong năm 2023; Tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội đồng; Triển khai thực hiện 1-2 đề tài khoa học cấp Ban Đảng sau khi Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng phê duyệt và cấp kinh phí; Tham gia là thành viên Ban Chỉ đạo 35 Trung ương và Nhóm chuyên gia nhằm góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất là trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật; Tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung, hình thức; biên tập, in và phát hành Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật theo kế hoạch, triển khai trang điện tử của Tạp chí…
Tại Kỳ họp, các thành viên Hội đồng đã bàn luận về những phương hướng, nhiệm vụ cụ thể trong năm 2023 và những năm tiếp theo của nhiệm kỳ. Theo các thành viên, sự chậm trễ trong việc kiện toàn nhân sự đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của Hội đồng trong nhiệm kỳ 2021-2026, còn rất nhiều nhiệm vụ cần phải hoàn thiện trong thời gian ngắn. Đặc biệt, vào tháng 3-2023, Hội đồng có một sự kiện rất quan trọng, đó là kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, để sự kiện tạo được tiếng vang, có sức lan tỏa rộng đối với sự nghiệp văn học, nghệ thuật nước nhà. Nhà báo Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ TTTT, đã đề xuất một số hoạt động trong sự kiện này như: vinh danh những thành viên có nhiều đóng góp cho Hội đồng, tổ chức không gian trưng bày các tác phẩm đạt giải thưởng, tổ chức một số Hội thảo…
PGS, TS Trần Khánh Thành đề xuất ý kiến về đề án về dịch thuật, đặc biệt là tổ chức dịch thuật từ kho tư liệu Hán Nôm
Bên cạnh đó, các thành viên cũng nhất trí cho rằng, việc xây dựng Tạp chí điện tử, trước mắt là trang web của Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương là việc làm hết sức cần thiết, cần phải thực hiện sớm. Đó sẽ là kênh thông tin hữu ích để tuyên truyền các hoạt động của Hội đồng nói riêng và các hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói chung.
TS Ngô Phương Lan - Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ VHTTDL: “Hoạt động lý luận phê bình hiện nay mang tính kinh viện, chưa lan tỏa nhiều đến công chúng”
Tại Kỳ họp, các thành viên bày tỏ sự ủng hộ đối với các chính sách ngoại giao. Bà Trần Thị Thu Đông - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam nhấn mạnh: Hiện nay thị trường văn học, nghệ thuật nước ta đang có những bước đi hết sức chậm rãi, việc học tập, tham khảo kinh nghiệm từ nước ngoài ra là một kênh rất tốt, góp phần để văn học, nghệ thuật có thể trở thành sản phẩm của công nghiệp văn hóa.
NSNA Trần Thị Thu Đông đề xuất Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cần thường xuyên kết nối, thông tin đầy đủ để các thành viên trong Hội đồng có thể tham gia vào các chuyên đề, tổ chức bài vở về lĩnh vực phụ trách
Bên cạnh đó, nhiều thành viên Hội đồng cũng nhấn mạnh đến việc xây dựng đề án, đề tài, hội thảo… mang tính tổng kết đối với hoạt động văn học, nghệ thuật trước hai dấu mốc lịch sử lớn của đất nước, đó là 50 năm thống nhất đất nước (1975-2025) và 40 năm sau Đổi mới (1986-2026). Đây là những nhiệm vụ rất quan trọng mà Hội đồng cần thực hiện trong nhiệm kỳ này.
Phát biểu kết luận kỳ họp, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ tiếp thu ý kiến của các thành viên, tiếp tục hoàn thiện kế hoạch năm 2023. Sau kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng hy vọng sẽ nhận được nhiều đóng góp thiết thực bằng văn bản để điều chỉnh hoạt động của Hội đồng sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Bài, ảnh: VÂN ANH