Gỡ điểm nghẽn để phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới

Tại Hội thảo khoa học toàn quốc Nhìn lại 15 năm thực hiện nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” được tổ chức tại Hà Nam (19-12-2022), các đại biểu đã trình bày những tham luận với nội dung phong phú, đóng góp nhiều giá trị về mặt lý luận và thực tiễn.

Chất lượng các tác phẩm VHNT phát triển chưa tương xứng với số lượng

PGS, TS Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước đã mở rộng không gian sáng tạo cho văn hóa, nghệ thuật. Điều kiện lao động nghệ thuật được cải thiện, tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ được khơi dậy. Đội ngũ văn nghệ sĩ đã kiên trì tìm tòi, vượt lên chính mình, âm thầm lao động, sáng tạo, khẳng định giá trị mới của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh những thành tựu rất đáng trân trọng, cũng cần nhìn thằng vào một số mặt yếu kém, bất cập, hạn chế: số lượng tác phẩm ngày càng nhiều nhưng tỷ lệ nghịch với chất lượng và hiệu quả, nhiều tác phẩm xa lánh những vấn đề lớn lao của đất nước, những vấn đề mới nảy sinh trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt, tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng…; hoạt động lý luận, phê bình còn nhiều bất cập, hạn chế trong chức năng đồng hành, điều chỉnh, định hướng sáng tác cũng như giáo dục nâng cao năng lực thẩm mỹ cho công chúng; hạn chế hưởng thụ văn học, nghệ thuật (VHNT) đối với vùng sâu, vùng xa…

PGS, TS Đào Duy Quát phát biểu tại Hội thảo

Theo PGS, TS Đào Duy Quát, nguyên nhân dẫn đến những mặt hạn chế đó là: văn hóa, văn nghệ chưa được nhận thức một cách sâu sắc, chưa nhận được sự quan tâm, chỉ đạo tương xứng như chính trị, kinh tế, xã hội, đặc biệt vai trò của văn hóa, văn nghệ trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, đúng mức…; chậm trễ trong việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng về VHNT; chưa coi trọng kế hoạch, quy hoạch dài hạn các lĩnh vực văn hoc, nghệ thuật, tồn tại nhiều hạn chế, bất cập trong xây dựng kế hoạch xã hội hóa các hoạt động VHNT; đầu tư cho VHNT còn hạn chế, chưa phù hợp; chương trình nội dung đào tạo chưa chú trọng đến tính chuyên biệt của các lĩnh vực; văn nghệ sĩ chưa nắm bắt được thực tế…

Tạo điều kiện cho VHNT phát triển, đi vào chiều sâu

Nhà thơ Hữu Thỉnh - nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, trong những năm qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư, tạo điều kiện, phương tiện làm việc cho các Hội chuyên ngành đến các Hội ở các tỉnh, địa phương. Một số địa phương đã có sáng kiến, tặng thưởng thêm cho những cá nhân nhận được giải thưởng cấp Trung ương. Nhà nước đầu tư một số dự án bảo tồn, phát huy các giá trị VHNT như: Sưu tầm, xuất bản các giá trị văn hóa dân gian của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; Xây dựng Bảo tàng Văn học Việt Nam của Hội Nhà văn Việt Nam; Sưu tầm, phổ biến các giá trị VHNT các dân tộc thiểu số của Hội Văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam… Việc duy trì xem xét, trao tặng giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh được tiến hành một cách chặt chẽ, duy trì ổn định 5 năm/lần…

Nhà thơ Hữu Thỉnh trình bày tham luận

Bên cạnh đó, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng đưa ra một số đánh giá về hoạt động VHNT như: đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với kinh tế và xã hội; chất lượng các tác phẩm VHNT chưa tương xứng với số lượng; những tác phẩm tạo được dư luận xã hội rất ít, thiếu những tác phẩm phản ánh một cách sinh động, khái quát, bao quát được sự nghiệp đổi mới của dân tộc; việc quảng bá tác phẩm còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất một số kiến nghị: Tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết thành các chế độ, chính sách ổn định, tạo điều kiện cho VHNT phát triển, đi vào chiều sâu; Xây dựng Luật phát triển VHNT, có chế tài cụ thể cho các hoạt động VHNT; Chính phủ ban hành văn bản về quỹ hỗ trợ sáng tạo VHNT thành chế tài ổn định, giúp các tổ chức, Liên hiệp các hội VHNT phát triển một cách mạnh mẽ.

Nhà thơ Vũ Quần Phương đã nêu ra những bất cập trong việc xét kết nạp hội viên, xét tặng giải thưởng của các Hội chuyên môn. Nhiều giải thưởng không còn tiếng vang với xã hội

Các sản phẩm VHNT chịu sự điều tiết của nền kinh tế thị trường

Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ - Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân cho rằng, các sản phẩm VHNT đã được xem là sản phẩm hàng hóa, chịu sự điều tiết và định hướng bởi quy luật của nền kinh tế thị trường như: giá trị sử dụng; khả năng mang lại lợi nhuận; chịu tác động của quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật giá cả... Khi kinh tế thị trường phát triển, Nhà nước sẽ có điều kiện để đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ tự do, năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, kinh tế thị trường còn nâng cao vị thế của VHNT, trở thành nguồn lực của các ngành công nghiệp văn hóa. 

Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân Đoàn Xuân Bộ phát biểu tham luận

Đồng tình với quan điểm này, PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, VHNT không đơn thuần là một lĩnh vực giải trí, mà có thể đóng góp vào kinh tế đất nước. Các ngành VHNT có sự gắn bó với nhau để tạo ra sức mạnh tổng hợp, không chỉ giúp cho sự phát triển của ngành, mà còn cho sự phát triển kinh tế, xã hội nói chung. Ví dụ, điện ảnh có thể tạo ra sự hấp dẫn cho du lịch, có thể tạo điều kiện cho phát triển thời trang và ẩm thực…

PGS, TS Bùi Hoài Sơn đề xuất một số giải pháp thiết thực: Nâng cao nhận thức hơn nữa, coi VHNT là nguồn lực để phát triển bền vững đất nước, cần cân bằng chức năng chính trị, kinh tế, xã hội của VHNT, giảm bớt gánh nặng về đạo đức, chính trị, nhưng không cực đoan hóa nghệ thuật chỉ là giá trị; Hoàn thiện hệ thống về luật pháp, xây dựng luật dựa trên tinh thần kiến tạo; Cần có hệ thống giải thưởng, tôn vinh các tác phẩm VHNT; Giải quyết các vấn đề của các ngành nghề tác động lên VHNT như thuế, hoạt động tài trợ, cơ chế hình thành quỹ cho phát triển VHNT…

Lý luận, phê bình đang nhạt nhòa?

Trình bày tham luận tại Hội thảo, GS, TS Trần Thanh Hiệp - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cho rằng: “Trong nhiều trường hợp, lý luận, phê bình đang đứng bên lề của sự phát triển. Không ít vấn đề nóng gây tranh cãi, thậm chí đối lập nhau chúng ta thấy thưa vắng hoặc vắng hẳn tiếng nói của lý luận, phê bình. Vai trò của lý luận, phê bình nhạt nhòa. Lý luận, phê bình chưa phải là người đối thoại, chưa có tâm thế của một người đối thoại công bằng, sòng phẳng, có sức thuyết phục, được khích lệ bởi lý tưởng chân, thiện, mỹ cùng các nhà sáng tác điện ảnh trên cái nền thực tế của điện ảnh Việt Nam. Một ngành nghệ thuật quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn đối với xã hội, có khả năng mang hình ảnh Việt Nam ra với thế giới, hình như đang thiếu một diễn đàn cần thiết, có khả năng quy tụ lực lượng khắc phục được sự manh mún, đơn lẻ tự phát của lý luận, phê bình, giúp cho lý luận, phê bình thực hiện được vai trò của mình trong sự phát triển của điện ảnh”.

GS, TS Trần Thanh Hiệp trình bày tham luận “Lý luận, phê bình đang ở đâu trong “các cái nhất” của sự phát triển điện ảnh?”.

“Trong bối cảnh mới, lý luận, phê bình vẫn là phần tỉnh, phần tự ý thức của một nền điện ảnh. Chính phần tỉnh, phần tự ý thức này góp phần giúp cho điện ảnh phát triển, giúp cho các sản phẩm điện ảnh không chỉ có giá trị hàng hóa của một ngành công nghiệp văn hóa mà đồng thời có giá trị văn hóa sâu sắc góp phần khẳng định hệ giá trị tinh thần của con người Việt Nam. Qua các sản phẩm điện ảnh người ta thấy tầm văn hóa, bản sắc văn hóa cần có của một dân tộc trong sự phát triển và hội nhập cùng nhân loại” - GS, TS Trần Thanh Hiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của lý luận, phê bình điện ảnh.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tổng kết Hội thảo: Sau một ngày làm việc nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, Hội thảo nhận được những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai Nghị quyết 23, từ đó đề xuất những giải pháp mang tính khả thi. Các tham luận và bài viết gửi đến hội thảo tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính:

Thứ nhất, đánh giá kết quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới”.

Thứ hai, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, nguyên nhân của những ưu điểm, thành tựu, hạn chế, khuyết điểm sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) trong các lĩnh vực: sáng tạo, nghiên cứu, phát triển lý luận, phê bình VHNT; công tác xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ; công tác củng cố, đổi mới hoạt động của các hội VHNT; công tác giao lưu và hợp tác quốc tế về VHNT; công tác xây dựng và phát triển VHNT quần chúng... ở các ngành, hội, đơn vị trung ương và địa phương. Trên cơ sở đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong hoạt động tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X).

Thứ ba, trên cơ sở những phân tích, đánh giá thực trạng, nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm trong hoạt động tuyên truyền, triển khai Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), đề xuất, kiến nghị phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục phát triển VHNT thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ cảm ơn sự tham gia nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm và những đóng góp ý kiến quý báu của các đại biểu

Kết luận hội thảo, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ khẳng định, dù tiếp cận theo nhiều góc độ khác nhau, nhưng nhìn chung các tham luận đều bám sát chủ đề và các yêu cầu Hội thảo nêu ra. Các đề xuất, kiến nghị trong Hội thảo sẽ được bổ sung, hoàn thiện trong Báo cáo gửi Ban Bí thư, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đưa vào nội dung tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, trong đó có nội dung tư vấn giúp Đảng và Nhà nước xây dựng chiến lược phát triển VHNT trong tình hình mới.

Bài, ảnh: VÂN ANH

;