Khơi thông nguồn lực, phát triển công nghiệp văn hóa

Sáng 20-12, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị đánh giá 5 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt chủ trì Hội nghị

Đồng chủ trì hội nghị có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt. Tham dự Hội nghị  có lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, cơ quan liên quan; lãnh đạo UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc TƯ; Tổng cục, Cục, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL; lãnh đạo các Sở VHTTDL, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch của 63 tỉnh/thành trên cả nước… Ngoài trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội, Hội nghị còn diễn ra dưới hình thức trực tuyến với 37 điểm cầu.

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, lĩnh vực văn hóa đã có bước tiến triển rõ rệt, nhiều chủ trương chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước về vấn đề văn hóa đã được đề cập một cách toàn diện. Các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, từ Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng đã nhấn mạnh quan điểm cốt lõi, văn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế, cho đến Nghị quyết 33 của Trung ương khóa 11 cũng đề cập đến phát triển chiến lược văn hóa của đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng cho biết, trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa, Chính phủ cũng đã lựa chọn 12 nhóm ngành để tổ chức thực hiện: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Tuy nhiên, 12 nhóm ngành này không phải chỉ Bộ VHTTDL thực hiện mà còn hiện hữu ở tất cả các cấp độ nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều bộ ngành khác nhau. Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ VHTTDL chỉ quản lý 5 nhóm lĩnh vực nhưng cũng chưa thực sự đầy đủ bởi phải phân cấp cho nhiều bộ ngành khác.

 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đây là lĩnh vực khó và mới, trong điều kiện bộ máy chưa hoàn thiện, trong khi xu thế của thế giới coi công nghiệp văn hóa  là một điểm sáng, tiến nhiều bước xa, thì chúng ta mới manh nha để tìm được những bước đi và định hướng. Trong điều kiện như vậy, nhưng sau thời gian thực hiện chiến lược này, sự chuyển đổi nhận thức trong vấn đề, đặt vấn đề về chiến lược văn hóa được Đảng và Nhà nước chỉ rõ hơn, đó là Nhà nước đã thừa nhận công nghiệp văn hóa là một bộ phận cấu thành nền kinh tế. Trước đây khi nói về công nghiệp là chúng ta nghĩ đến công nghiệp nặng, công nghiệp khai khoáng là công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ chứ ít ai nghĩ đến công nghiệp văn hóa , đây là một bước tiến mới.

Thứ hai, Đảng và Nhà nước bắt đầu định hình để có cách hiểu thống nhất về phạm vi của các ngành công nghiệp văn hóa; công nghiệp văn hóa  được luận giải như thế nào, nhóm ngành nào thuộc công nghiệp văn hóa và nó có nằm trong ngành công nghiệp bổ trợ hay không?

Thứ ba, là đưa ra mục tiêu để tập trung phát triển ngành công nghiệp văn hóa  và có bộ chỉ số đo lường về sự đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa  đối với từng nội dung của đất nước. Và luận điểm hết sức quan trọng đó là khẳng định về vai trò của Nhà nước trong tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển.

“Ở đây ta phải thực hiện được vai trò khơi thông nguồn lực, Nhà nước giữ vai trò đầu tư quản lý, chi phối hỗ trợ tạo nguồn vốn có tính chất kích thích sự phát triển. Còn nếu loay hoay theo cách làm cũ chỉ dựa vào ngân sách để mong cầu có được ngành công nghiệp văn hóa , có một sản phẩm văn hóa có tầm đủ sức để đưa ra với thế giới thì điều đó không thể làm ngay được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu Hội nghị tập trung nhìn lại sau 10 năm thực hiện, các ngành công nghiệp văn hóa đang ở đâu, chúng ta có lợi thế gì, sức mạnh văn hóa của Việt Nam được phát huy như thế nào, cần làm gì để  công nghiệp văn hóa thực sự đem lại sức mạnh bền vững của văn hóa, đóng góp vào ngân sách.

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng trình bày báo cáo

Báo cáo một số kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Trần Hoàng cho biết, tính đến năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã đóng góp doanh thu khoảng 8,081 tỷ USD, tương đương 3,61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong đó, Điện ảnh năm 2019 tổng doanh thu đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng (tương ứng khoảng 178 triệu USD); Du lịch: năm 2019, tổng thu từ khách du lịch đạt 720.000 tỷ đồng, năm 2021 là 180.000 tỷ đồng (doanh thu giảm do ảnh hưởng từ Đại dịch COVID-19), năm 2022, doanh thu ước đạt 495.000 tỷ đồng...; thương mại: năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt trên 2,35 tỷ USD, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật Bản và châu Âu...; ngoại giao văn hóa: qua các chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài, các hoạt động triển lãm tranh, ảnh giới thiệu không gian Việt Nam; biểu diễn văn hóa nghệ thuật, chiếu phim Việt Nam; xây dựng tượng đài, xuất bản, phát hành các ấn phẩm, sách báo, phim… đã tôn vinh hình ảnh con người Việt Nam tiêu biểu, các giá trị cao đẹp của dân tộc Việt Nam, góp phần quảng bá các ngành công nghiệp văn hóa như mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, điện ảnh, xuất bản, nghệ thuật biểu diễn, hội họa, điêu khắc. Tính đến tháng 11-2022, Việt Nam đã có 48 danh hiệu các loại được UNESCO ghi danh. Các danh hiệu đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, khẳng định kho tàng di sản văn hóa chung của nhân loại. Đồng thời, thu hút đầu tư và phát triển ngành du lịch văn hóa, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng và phát triển bền vững đất nước…

Tại nhiều địa phương trên cả nước, ngành công nghiệp văn hóa  đóng góp lớn cho ngân sách, như Hà Nội, năm 2018 đóng góp từ công nghiệp văn hóa  là 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm của thành phố, chiếm tỷ trọng 3,7% GDP; Thành phố Hồ Chí Minh: đóng góp của sản xuất công nghiệp văn hóa  vào GDP năm 2010 chiếm tỷ lệ 3,77%, đến năm 2019 chiếm tỷ lệ 3,88%; thành phố Đà Nẵng: ngân sách đầu tư cho hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở là 247,9 tỷ đồng, trong đó: năm 2019 là 20,9 tỷ đồng, 2020 là 49,3 tỷ đồng, 2021 là 38,4 tỷ đồng...

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, thì việc thúc đẩy công nghiệp văn hóa  cũng còn nhiều điểm nghẽn, như sự chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ khiến việc định hướng phát triển, quản lý  công nghiệp văn hóa gặp nhiều lúng túng…

PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trình bày tham luận

Tại hội nghị, PGS, TS Bùi Hoài Sơn Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, hiện nay, việc quản lý sự phát triển của lĩnh vực văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa  nói riêng, có liên quan đến nhiều ban ngành, nhiều khi chồng chéo. Việc tiếp cận nguồn tài chính khó khăn cùng với nhận thức chưa đầy đủ về tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp văn hóa ở các nhà đầu tư cũng khiến cho phát triển công nghiệp văn hóa  hạn chế. Bên cạnh đó, lộ diện nhiều nguy cơ về sự thất bại của thị trường bởi vi phạm bản quyền, các vấn đề về phân phối sản phẩm nằm ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước. PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho hay cần sớm hình thành, phát triển và điều chỉnh các công cụ pháp lý nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự tham dự của các chủ thể khác nhau cho văn hóa; xây dựng các công cụ pháp lý nhằm kích thích giao dịch thị trường và các chính sách liên ngành cho công nghiệp văn hóa ; xây dựng các điều luật khuyến khích về thuế nhằm thúc đẩy sản xuất, phân phối sản phẩm văn hóa và các điều luật thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, thu hút lao động cho các ngành công nghiệp văn hóa. Ngoài ra cần bổ sung các cơ chế tài chính cụ thể, bao gồm bảo hiểm, cho vay nhỏ và các quỹ đầu tư mạo hiểm cho công nghiệp văn hóa.

Cũng tại Hội nghị, các ý kiến tham luận của các bộ, ngành, địa phương đã đề xuất, kiến nghị bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với tình hình mới, các cơ chế hợp tác công tư trong phát triển công nghiệp văn hóa, chính sách khuyến khích sáng tạo, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này...

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đề nghị các địa phương phải làm quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, hành động thiết thực trong phát triển công nghiệp văn hóa. Những người làm văn hóa phải thay đổi tư duy tiếp cận trong cách làm nghệ thuật, đưa nghệ thuật truyền thống tiêu biểu ra thế giới. Ngành công nghiệp văn hóa  đáp ứng thị hiếu công chúng nhưng phải đảm bảo chân - thiện - mỹ. Đặc biệt, nghệ thuật muốn phát triển phải bán cái công chúng cần. Công nghiệp văn hóa phải đi cùng truyền thông và công nghệ.

NGÔ HUYỀN - Ảnh: TUẤN MINH

 

;