Đàng Trong - mảnh đất phía Nam trải dài đến khu vực Sài Gòn như hiện nay, mãi đến thời chúa Nguyễn Phúc Chu mới được khai phá, mở mang. Việc mở cõi của Chúa Nguyễn đã tạo điều kiện định hình cơ bản lãnh thổ nước Việt theo hình chữ S. Bài viết này chủ yếu điểm qua sơ nét công trạng của danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh người có công lớn trong công cuộc khai phá bờ cõi phía Nam.
Danh thần xuất thân dòng võ tướng
Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm 1650, tên thật Nguyễn Hữu Thành, húy Kính, tộc danh là Lễ, người thôn Phước Long, xã Chương Tín, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình (nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình).
Nguyễn Hữu Cảnh là con thứ 3 của danh tướng Nguyễn Hữu Dật. Thuộc dòng dõi con nhà tướng, tổ tiên là Đinh Quốc Công Nguyễn Bặc - khai quốc công thần thời Đinh; ông nội Nguyễn Triều Văn giữ chức quan tham chiến Triều Văn hầu - Nguyễn Hữu Cảnh cũng là cháu đời thứ 9 của Nguyễn Trãi - khai quốc công thần nhà Lê. Sinh ra trong gia đình truyền thống, lớn lên ở thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh nên tài năng của Nguyễn Hữu Cảnh sớm bộc lộ.
Chiếu theo phả hệ họ Nguyễn, tiên phụ Nguyễn Hữu Dật đã sinh ra khá nhiều con trai nhưng chỉ có 4 người nổi bật. Nguyễn Hữu Hào, được phong tước Hào Lương hầu, tác giả truyện nôm Song tinh bất dạ; Nguyễn Hữu Trung, tước Trung Thắng hầu; Nguyễn Hữu Cảnh, tước Lễ Thành hầu và Nguyễn Hữu Tín, tước Tín Đức hầu.
Khi độ tuổi mới chớm đôi mươi, Nguyễn Hữu Cảnh đã nổi tiếng khắp vùng bởi văn võ song toàn. Ông được tiên phụ đặc cách cho đi theo chinh chiến, trải qua nhiều trận mạc. Tuổi trẻ, sớm lập được nhiều chiến công nên Chúa Nguyễn Phúc Tần cũng đặc biệt chú ý đến Nguyễn Hữu Cảnh. Chúa Nguyễn phong cho ông chức Cai cơ, một chức võ quan thuộc bậc cao. Ngoài ra, với vóc dáng hùng dũng, nước da ngăm đen, lại sinh năm Dần nên thời đó, thay vì tên thường gọi người ta tôn ông với danh “Hắc Hổ”. Lịch sử cũng ghi nhận ông từng nhiều lần đem quân dẹp nhà Chiêm Thành quấy nhiễu phương Nam.
Hành trình chiêu dân, mở cõi
Năm Quý Dậu 1693, vua Chiêm Thành là Bà Tranh bỏ không tiến cống, Chúa Nguyễn Phúc Chu hết sức tức giận, phái quan tổng binh Nguyễn Hữu Cảnh đem binh bình định vùng biên cương.
Trận bình định này, sách Việt Nam sử lược, quyển II, xuất bản năm 1971 chép rõ: “Bắt được Bà Tranh và bọn thần tử là Tả trà Viên, Kế bà Tử cùng thân thuộc là Bà Ân đem về Phú Xuân. Chúa Nguyễn đổi đất Chiêm Thành làm Thuận phủ, cho Tả trà Viên, Kế bà Tử làm chức Khám lý và ba người con của Bà Ân làm đề đốc giữ Thuận phủ, lại bắt phải đổi y phục theo như người Việt Nam để phủ dụ đất Chiêm Thành. Qua năm sau lại đổi Thuận phủ ra làm Thuận Thành trấn, cho Kế bà Tử làm Đô đốc”.
Cuộc bình định vừa xong, một nhóm người Thanh đã kết bè đảng dấy loạn. Nguyễn Hữu Cảnh lại nhận lệnh Chúa Nguyễn đi đánh dẹp, rồi được cử làm Trấn thủ dinh Bình Khương (nay là vùng Khánh Hòa - Ninh Thuận). Là vị quan trấn thủ đầu tiên vùng đất mới, Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh đã nhanh chóng thiết lập hệ thống cai quản, tổ chức nhân dân khẩn hoang, ổn định cuộc sống, đề ra chính sách hòa đồng sắc tộc Chăm - Việt. Chính sách hòa đồng này đã góp phần giữ ổn định, hòa hợp những điểm bất đồng trong lối sống các tộc người.
Tháng Hai, năm Mậu Dần (1698), nhằm đáp ứng nhu cầu khai mở đất đai, ghi rộng chủ quyền nên Nguyễn Hữu Cảnh thành lập một đoàn thuyền men theo đường biển, ngược dòng Đồng Nai đến Cù lao Phố (Biên Hòa - Đồng Nai). Đến đây, ông nhanh chóng cho đặt đại bản doanh, nghiên cứu thổ nhưỡng, lập kế chiêu mộ lưu dân khẩn hoang.
Theo đó, một số lượng lớn người gồm nhiều thành phần như lưu dân, tù binh, người Hoa lưu vong... đã được đưa đến vùng đất mới này. Nguyễn Hữu Cảnh nhanh chóng thiết lập cơ sở hành chính thôn xã, lập Gia Định phủ trên phần đất từ sông Đồng Nai đến sông Tiền và chính thức cho sáp nhập vào bản đồ Đại Việt.
Để quản lý đất đai và số nhân khẩu lớn này, Nguyễn Hữu Cảnh đã cất đặt các bộ phận trông coi mọi việc khá khoa học. Chẳng hạn như chức Ký lục, chuyên trông coi về hành chính, thuế khóa; Lưu thủ chuyên trông coi về quân sự; Cai bộ phụ trách trông coi về công tác tư pháp. Ngoài ra, giúp việc cho các quan là các Xá Ty và một số đơn vị vũ trang. Riêng đối với người Hoa, Nguyễn Hữu Cảnh tập hợp họ thành những tổ chức hành chính riêng như xã Thành Hà (Trấn Biên), xã Minh Hương (Phiên Trấn) để tiện bề kiểm soát, quản lý.
Để đảm bảo thương mại phát triển, sự giao lưu thông suốt giữa các vùng dân cư trong phủ, ông cho lập đường thủy ven các nhánh sông, lấy khu ngã ba sông Bình Dương làm trung tâm giao dịch, thương lưu với cù lao Phố, Bến Nghé, Cần Giờ, Rạch Cát, Vũng Cù (Cần Giuộc) và Gò Vấp. Nhờ vậy, tàu thuyền chở hàng hóa có thể ra vào một cách dễ dàng. Cuộc sống của dân cư nhanh chóng ổn định và khá phát triển, từng bước chủ quyền của người Việt được xác lập trên vùng đất Nam Bộ. Sài Gòn - Gia Định trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng đất mới.
Nam chinh bảo vệ chủ quyền
Năm 1699, Vua Chân Lạp là Nặc Thu đắp lũy Bích Đôi, Nam Vang và Cầu Nam cướp bóc dân buôn người Việt. Chúa Nguyễn Phúc Chu cử Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất đem quân lính, thuyền chiến hợp cùng tướng Trần Thượng Xuyên lo việc đánh dẹp và an dân. Rất nhanh chóng, lực lượng thủy binh của ông đã tiến thẳng đến thành La Bích (thủ phủ Nam Vang), đánh tan quân Nặc Thu. Vua Chân Lạp đầu hàng.
Tháng 4 năm 1700, Nguyễn Hữu Cảnh đem quân đến đóng ở cồn Cây Sao, còn gọi là Cù lao Sao Mộc, nay thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, báo tin thắng trận về kinh. Theo sách “Gia Định thành thông chí” thì tại đây, một thời gian sau, ông bị nhiễm bệnh, hai chân tê bại, ăn uống không được. Gặp ngày Tết Đoan Ngọ, ông miễn cưỡng ra dự tiệc để khích lệ tướng sĩ rồi bị trúng phong và thổ huyết. Khi quân về đến Sầm Giang thuộc địa phận Mỹ Tho (Tiền Giang) thì ông mất. Nhân dân vùng đất mới khai phá, người Việt cũng như người Hoa, người Chăm… đều nhớ ơn, họ đã lập đền thờ, bài vị của ông ở nhiều nơi. Thậm chí, ở xứ Nam Vang, ngày nay là Campuchia, người ta vẫn thấy dấu vết của ngôi đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh.
Có thể nói, chính sự khai phá vùng đất mới của Nguyễn Hữu Cảnh là cơ sở để Chúa Nguyễn từng bước thu phục các vùng đất khác. Từ khi Gia Định phủ ra đời, thế lực của Chúa Nguyễn trên vùng đất Nam Bộ phát triển mạnh mẽ.
Chứng kiến cảnh đó, vua nước Chân Lạp xin dâng Hà Tiên cho Chúa Nguyễn (năm 1708). Sự kiện đất Hà Tiên được sáp nhập vào lãnh thổ của chúa Nguyễn mở ra bước ngoặt cho hành trình mở cõi, chỉ trong vòng nửa thế kỷ mà Chúa Nguyễn đã chiếm lĩnh trọn đất Đồng bằng sông Cửu Long. Năm Đinh Sửu (năm 1757), Chúa Nguyễn tiếp quản vùng đất Tầm Phong Long do Nặc Ông Tôn dâng tặng. Hà Tiên và Tầm Phong Long được sáp nhập lãnh thổ Đàng Trong đánh dấu hành trình mở cõi về phía Nam hoàn thành.
Người dân ở An Giang vẫn quen gọi Nguyễn Hữu Cảnh là Chưởng binh Lễ. Vì vậy, nhiều người tưởng rằng Nguyễn Hữu Cảnh giữ chức Chưởng binh. Trên thực tế, thời chúa Nguyễn không có chức này. Chức vụ cao nhất mà Nguyễn Hữu Cảnh đảm nhiệm lúc sinh thời là Thống suất. Sau khi ông mất, chúa Nguyễn đã truy phong chức Chưởng dinh (sau gọi là Chưởng cơ). Do sự kính trọng của người dân đối với Nguyễn Hữu Cảnh, họ đã ghép tên và chức vụ của ông lại thành Chưởng binh Lễ (“Chưởng” của Chưởng dinh hay Chưởng cơ, “binh” của Thống binh và “Lễ” là tên tự của ông).
Ở thành phố Châu Đốc (An Giang), có một doanh trại quân đội mang tên Thượng Đăng Lễ. Gọi đúng phải là Thượng Đẳng Lễ, vì Nguyễn Hữu Cảnh được phong là Thượng đẳng công thần theo các sắc phong tháng 8 năm Ất Sửu (năm 1806) của Gia Long và ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (năm 1852). Tuy nhiên, do sử dụng lâu ngày mà không đính chính nên trở thành thói quen trong dân gian.
Tưởng nhớ danh thần
Sau khi ông mất, đã có nhiều sắc phong của triều đình Gia Long (năm 1810), Minh Mạng (năm 1833), Tự Đức (năm 1852) phong ông làm Đô Thống chế dinh thần cơ, Thượng đẳng thần, Khai quốc công thần, Lễ thành hầu…
Nguyễn Hữu Cảnh là vị tướng có công lớn trong việc khai hoang lập ấp, trị an ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nên nơi đây có rất nhiều đền thờ ông. Đình huyện Châu Phú (An Giang) có lập đền thờ chính. Bước vào đình, là câu liễn đối ca ngợi danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh “Đấng quân thần mở mang bờ cõi, công ở biên thùy, danh ở sử /Người chính khí trung thành, sống làm tướng, thác làm thần”.
Dù mấy thế kỷ đã đi qua xong tên tuổi và sự nghiệp của Nguyễn Hữu Cảnh còn mãi khắc ghi với người dân Việt nói chung và nhân dân Nam Bộ nói riêng.
“Công Lễ Thành Hầu đi mở đất/Nghìn năm con cháu mãi còn ghi”
Để tưởng nhớ công đức của Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người dân quê hương cũng như những nơi ông đến an dân đã lập đền thờ hoặc bài vị, như ở Campuchia, Quảng Bình, Quảng Nam, Cù lao Phố (Biên Hòa - Đồng Nai), Đình Minh Hương Gia Thạnh, quận 5, TP Hồ Chí Minh, Ô Môn (TP. Cần Thơ) và nhiều nơi trong tỉnh An Giang v.v… Ngoài ra, họ tên và chức tước của ông còn được dùng để đặt tên cho trường học, đường phố tại nhiều địa phương…
Có thể nói, danh thần Nguyễn Hữu Cảnh là một trong những nhân vật lịch sử được nhân dân phương Nam thờ phụng nhiều nhất. Chẳng thế mà nhiều vùng đất, sông nước đến nay vẫn mang tên ông cùng với hệ thống đền thờ tưởng nhớ ở khắp nơi.
TRẦN TRỌNG TRIẾT
Nguồn: Tạp chí VHNT số 474, tháng 9-2021